Quyết định theo cảm tính nhiều hơn ta tưởng
Mỗi ngày chúng ta có tới hàng chục quyết định. Phần lớn những quyết định đó đều được thực hiện một cách vô thức, nói cách khác là ta quyết định phần lớn dựa trên tiềm thức. Tuy nhiên nếu ta có tiêu chuẩn cho quyết định, thì ta có thể lèo lái quyết định theo hướng mà ta mong muốn. Ai làm rõ được tiêu chuẩn cho quyết định càng chi tiết thì người đó càng có năng lực tự quyết. Đáng tiếc việc này không phải ai cũng làm được trừ khi ta chủ động ý thức về chúng.
Cá nhân thợ rèn cũng không phải ngoại lệ. Có những thời điểm thợ rèn bị cuốn theo những dòng tin tức không mục đích. Có những trường hợp mua những món đồ chỉ vì chúng rẻ. Có những trường hợp đăng ký những khoá học nhưng rồi lại bỏ dở giữa chừng. Nếu ngồi kể những thất bại liên quan tới những quyết định cảm tính thì có thể liệt kê ra được một cơ số mà bình tâm nhìn lại sẽ khiến chủ nhân của nó cũng phải giật mình.
Vậy làm thế nào để quyết định theo chủ ý của ta?
Thợ rèn nghĩ khi ta có những tiêu chuẩn thì ta có thể làm chủ được quyết định. Tiêu chuẩn là những thứ ta có thể đánh giá được và những thứ đó có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của chúng ta. Sau nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm cả trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân, thợ rèn đúc kết lại có bốn thứ sau dễ giúp ảnh hưởng tới quyết định của bản thân.
- Thứ nhất là những thứ có thể giúp ta tạo ra tiền (giá trị, tài sản)
- Thứ hai là những thứ có thể giúp ta tạo ra thời gian
- Thứ ba là những thứ giúp ta có được sức khoẻ
- Thứ tư là những thứ có thể giúp ta tạo dựng niềm tin và các mối quan hệ
Những thứ nào có thể cống hiến cho bốn yếu tố kể trên, thợ rèn nghĩ ta có thể xếp vào danh sách cân nhắc. Những thứ không tạo ra được những điều trên thì có thể loại bỏ. Trường hợp có nhiều hơn một lựa chọn thì ta cần cân nhắc đâu là quyết định tối ưu hơn.
Tại sao lại cần có tiêu chí cho các quyết định?
Thời đại ngày nay mọi thứ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Khi ta chưa kịp thích ứng thì đã có những sự thay thế mới. Thông tin quá nhiều cũng đồng nghĩa với việc có sự tồn tại của cả thông tin phù hợp và thông tin không phù hợp. Nếu chẳng may để những thông tin không phù hợp kéo đi thì chẳng khác gì tự mình để mình rơi vào trạng thái mông lung. Sẽ không khó để liệt kê ra những kinh nghiệm ta bị cuốn đi bởi những thuật toán của những nền tảng như google, facebook, youtube. Phía sau những thuật toán của những nền tảng này là những con người hiểu về tâm lý con người, họ biết cách để khéo kéo khiến ta rơi vào ma trận mà một khi bước chân vào ta không dễ bước ra. Nói theo ngôn từ trực diện hơn thì đó chính là việc ta bị nghiện.
Thời gian là hữu hạn. Thành quả để có được thì cần thời gian. Nếu muốn có được nhiều thành quả thì việc đầu tư thời gian và công sức vào những thứ giúp ta có được thành quả mong muốn là cần thiết. Nếu muốn ăn cà chua thì cần 3 tháng trồng trọt và chăm bẵm. Nếu muốn ăn một trái bơ thì cần tối thiểu 3-5 năm trồng và chăm sóc. Còn nếu muốn có một cây gỗ lim đủ lớn để xây nhà thì có khi cần tới cả hàng chục năm. Từ khi đầu tư mỗi hành động cho tới khi có kết quả cần thời gian và sự chăm sóc tương ứng. Mỗi hành động nhỏ giống như nguồn dinh dưỡng cần thiết để có được quả ngọt. Trong khi đó mỗi hành động lại dễ bị chi phối bởi cảm xúc hiện tại hơn là lý tính khi nhìn về mục tiêu được thiết lập trong tương lai. Bởi vậy việc có được bộ tiêu chí giống như công cụ giúp ta kiểm tra trước khi đưa ra mỗi quyết định là cần thiết.
Làm thế nào để quyết định dựa trên các tiêu chí?
Như thợ rèn kể trên nếu bây giờ chúng ta có một bộ tiêu chí gồm 4 yếu tố liên quan tới: Tiền, thời gian, sức khoẻ, niềm tin thì mỗi quyết định nào có sự tối ưu về 4 yếu tố này thì ta sẽ chọn. Quyết định này có thể áp dụng cho việc ta có đi nhậu hay không? cho tới quyết định lựa chọn nơi làm việc, các khoản đầu tư cho tương lai.
Bữa thợ rèn đi Thượng Hải công tác. Các bạn bên đó rất nhiệt tình. Mỗi tối sau công việc đều dẫn thợ rèn và các bạn từ Nhật qua đi ăn tại các quán ăn. Buổi cuối cùng sau khi hoàn thành gần như các đầu việc, ngày hôm sau đầu việc còn lại chỉ là di chuyển từ Trung Quốc về Nhật nên sau buổi ăn tối các bạn còn rủ đi tăng hai, tại một quán bar mà ở đó mọi người có thể hát karaoke bằng tiếng Nhật. Thợ rèn từ chối không tham gia vì việc này có thể làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của bản thân. Trước kia thợ rèn cũng có đôi ba lần uống quá chén và thực sự ngày hôm sau tỉnh dậy trong tình trạng sức khoẻ không được tốt, ngồi trên xe lên công ty mà chỉ mong sớm tới công ty sao cho thật sớm vì trong người nôn nao không khoẻ. Đương nhiên những buổi đi tăng hai như thế này có mặt tích cực là tạo sự gắn kết hơn với các bạn bản địa, nhưng thợ rèn cũng đã trải nghiệm được rằng niềm tin có cách xây dựng khác hiệu quả hơn đó chính là hiệu quả trong công việc. Xét trên tổng thể thì thợ rèn quyết định từ chối không tham gia.
Một ví dụ nữa khi đi siêu thị mua thực phẩm. Món đồ mà thợ rèn chọn thường là rau củ quả, đồ hải sản và các món đồ ít mỡ. Một phần bởi thể trạng của thợ rèn không tốt, lượng mỡ trong máu cao nên việc phải lưu tâm tới các loại thực phẩm để làm sao cho tình hình không trở nên tệ hơn. Tại Nhật như kinh nghiệm của thợ rèn thì rau củ quả thông thường có mặt bằng giá khá cao. Những loại củ quả mà Nhật không trồng được, ví dụ như bơ Nhật phải nhập phần lớn từ Mexico, chuối nhập từ Philipine, hạt điều nhập từ Việt Nam và Nam Mỹ thì mặt bằng giá sẽ còn cao hơn nữa. Tuy vậy, khi đi siêu thị thợ rèn vẫn lựa chọn những món đồ mà ở đó yếu tố liên quan tới sức khoẻ được ưu tiên hàng đầu.
Thợ rèn kể trên để lấy ví dụ cho việc áp dụng đưa các tiêu chí vào đưa ra quyết định chứ thực tế vô số các trường hợp thợ rèn vẫn bị thua cảm xúc hiện tại. Tức vẫn có những quyết định mà mình làm những việc không giúp mình:
- Tạo ra tiền trong tương lai
- Tạo ra thời gian
- Duy trì sức khoẻ
- Gây dựng niềm tin
Nhưng khi có bộ tiêu chí nó là căn cứ để mình nhìn nhận và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Kỷ luật bản thân là một trong những việc khó. Nếu ta đặt ra yêu cầu phải hoàn mỹ ngay từ đầu sẽ rất dễ khiến ta cảm thấy thất vọng với chính mình. Bởi vậy thợ rèn cũng không đặt ra cột mốc hoàn chỉnh tất cả, mà vẫn chừa cho mình những lối thoát để tránh đưa bản thân cảm giác quá tội lỗi khi vi phạm. Nếu đạt được bảy phần trên mười có thể đó đã là một thành công. Khi quen dần thì tỷ lệ đó có thể được tăng lên.
Một cách khác mà thợ rèn nghĩ chúng ta có thể dễ dàng áp dụng đó là không đầu tư vào các khoản đầu tư có thể nhìn thấy khoản lỗ rõ ràng. Ví dụ hút thuốc và rượu bia không mục đích. Không phủ nhận mặt tích cực của rượu bia và thuốc lá đó là giải toả căng thẳng, nhưng xét về tổng thể và cả sự tồn tại của những phương án thay thế khác thì thợ rèn nghĩ đây là những khoản đầu tư lỗ cả về mặt thời gian và tiền bạc, sức khoẻ và niềm tin với những người xung quanh. Khi ta có bộ tiêu chí, khi soi vào nếu nhận ra đó là những khoản đầu tư lỗ rõ ràng thì ta có căn cứ để quyết định không làm. Những buổi đi nhậu không mục đích, thời gian lướt mạng vô thức, thời gian tranh luận chỉ để thoả mãn nhu cầu được nói của bản thân có thể đưa vào danh sách của những khoản đầu tư nhìn đâu cũng thấy lỗ này.
Qua những chia sẻ này, thợ rèn hi vọng có thể cung cấp một góc nhìn để giúp các bạn có thể tham khảo để bổ sung bộ tiêu chí cho cách ra quyết định phù hợp với tính cách và giá trị quan của chính mình.
— By Thợ rèn