Bữa nay thợ rèn ngồi đọc cuốn sách “77 thói quen làm việc hiệu quả”, cuốn sách được dịch bởi Nomudas và mới được phát hành tại Việt Nam. Sau khi đọc xong, thợ rèn có nhặt ra được một số ý có thể hữu ích cho công việc thường ngày, một trong số đó là “Hộp háo hức”.
Vấn đề ai cũng có thể gặp phải trong công việc
Khi đi làm, cá nhân thợ rèn gặp phải ba vấn đề sau, ba vấn đề này thợ rèn nghĩ cũng có thể là vấn đề chung của số đông mọi người.
- Thiếu động lực để duy trì công việc: Công việc có nhịp lên nhịp xuống, chu kỳ có thể là trong ngày hoặc có thể trong tuần, có thể phụ thuộc vào project… Không dễ để luôn duy trì trạng thái hứng khởi cho mọi thời điểm. Đôi khi có sự tồn tại của những nốt trầm, thiếu động lực để duy trì công việc. Những lúc như vậy, thợ rèn mong muốn có được một nốt nhạc kéo lại trạng thái sung sức như mọi khi. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa tìm được nốt nhạc thực sự hiệu quả.
- Không hình dung được việc tiếp theo cần làm là gì: Có những lúc làm xong công việc, tự dưng xuất hiện một khoảng trống. Khoảng trống là trạng thái không biết phải làm gì tiếp theo. Trước khoảng trống đó thường là một sự hoàn thành, hoặc có thể là một bài toán khó. Dù là hoàn thành hay bài toán khó, thợ rèn vẫn cảm thấy muốn tiến lên, nhưng lại bị lọt vào trang thái không biết sẽ làm gì tiếp theo.
- Cuộc sống đôi khi có phần đơn điệu: Công việc chiếm phần lớn thời gian trong một ngày. Khi kết thúc công việc của một ngày, về đến nhà đôi khi cái đầu vẫn suy nghĩ tới nó. Bằng chứng là ngay cả trong mơ cũng vẫn nghĩ tới nó. Có những buổi sáng khi ngồi thiền, có những tạp niệm lẫn vào đầu, một trong số những tạp niệm thường xuất hiện đó chính là những nội dung liên quan tới công việc. Đôi lúc thợ rèn cũng tự vấn, liệu có phải cuộc sống của mình có phần đơn điệu hay không? Câu trả lời là có. Bởi vậy, từ ngóc ngách nào đó thợ rèn cũng có mong muốn làm mới hoặc ít nhất là làm phong phú hơn con người mình.
Hộp háo hức
Cuốn sách mà thợ rèn đọc ngày hôm nay có một nội dung như liều thuốc chữa ba căn bệnh kể trên. Liều thuốc đó là “tạo ra những điều mà mình mong chờ mỗi ngày”. Điều mong chờ đó thợ rèn tạm gọi là hộp háo hức.
Hộp háo hức như một nút bấm để reset lại trạng thái hiện tại hoặc như một nút bấm để ta đi tới bước tiếp theo sau khi hoàn thành một mục tiêu nào đó. Hộp háo hức có những đặc tính như sau:
- Hộp háo hức như một liều dopamine mà bản thân ta mong muốn có được
- Hộp háo hức có thể không liên quan tới trạng thái hiện tại của ta
- Hộp háo hức không nhất thiết phải là những thứ xa xỉ, có khi nó chỉ là những thứ gần gũi nhưng có thể khiến ta cảm thấy thoải mái, cảm thấy muốn chờ đợi
Với thợ rèn hộp háo hức đó là những ví dụ như dưới đây:
- Cuốn tạp chí president phát hành 2 tuần một lần tại một hiệu sách Tsutaya gần nhà
- Món gỏi cuốn tự tay mình làm sau một ngày làm việc
- Thời gian tập yoga trên quả đồi gần nhà vào mỗi sáng sớm, vừa hít thở không khí trong lành vừa ngắm chuyến tàu shinkansen đầu tiên trong ngày
- Một bài hát đồng quê sau mỗi nhịp làm việc chừng 25~60 phút
- Một chuyến du lịch trong hành trình chinh phục 47 tỉnh thành nước Nhật (hiện tại thợ rèn đã đi được 28/47, còn 19 tỉnh nữa đang trong kế hoạch cho 3 năm tới)
Làm thế nào để có thể tạo ra hộp háo hức?
Hộp háo hức có thể được tạo ra khi ta làm được những việc sau:
- Hiểu về bản thân: Để biết ta hồi hộp với việc gì, ta háo hức với những thứ gì, đôi lúc cần ngồi lại và quan sát bản thân. Khi đó ta có thể biết đâu là liều dopamine kích thích được ta. Liều dopamine đó có đô mạnh nhẹ như thế nào? Đôi lúc ta có thể có được cảm giác, nhưng để hiểu rõ được ta cần ngồi và quan sát, đánh giá lại bản thân qua những kinh nghiệm đã từng trải qua. Có những người ăn một món ăn ngon là một liều dopamine nhưng cũng có những người, khoảng thời gian bên người yêu là một liều dopamine lớn hơn cả. Hiểu về bản thân không chỉ giúp ta biết đâu là những liều dopamine cho ta, mà còn giúp ta có được danh sách những hộp háo hức phù hợp với điều kiện kinh tế và thời gian của bản thân.
- Xác định được điểm cột mốc của một đầu việc: Nếu coi hộp háo hức như một món quà giúp ta kích thích bản thân sau một một chặng đua trong công việc hay trong các dự án, thì ta cần phải xác định những điểm dừng giữa chừng và điểm dừng cuối với những phần thưởng đi kèm phù hợp. Giả sử một chặng đường dài marathon, ta có thể xác định các cột mốc 10km, 21km, 42km. Người nào chưa quen thì có thể chia nhỏ thành mỗi 5km hay thậm chí mỗi 1km cũng không vấn đề gì. Trong công việc có thể là những khoảng thời gian nhất định trong ngày, hoặc mỗi một cột mốc là điểm dừng phù hợp ở giữa mỗi dự án. Việc xác định cột mốc giúp ta chủ động chèn dopamine để duy trì động lực cho công việc.
- Mạnh dạn thử những trò mới mẻ: Liều dopamine có thể là những thứ quen thuộc nhưng cũng có thể là những điều mới mẻ ta chưa từng thử. Bản thân việc thử sức với những điều mới mẻ như một môn thể thao lạ lẫm, một thể loại nhạc ta chưa từng nghe, một điểm đến ta chưa từng nghĩ tới, một trải nghiệm ta chưa từng thử. Khi xác định đây là dopamine thì ta cũng sẵn sàng chấp nhận có những trường hợp ta không hợp và sẵn sàng nói lời chia tay với chúng mà không để sự vương vấn ảnh hưởng quá nhiều tới cảm xúc của ta.
Trong công việc hay cuộc sống cá nhân, nếu ta có thể tạo cho mình được càng nhiều cột mốc để ta hồi hộp chờ đợi thì sẽ càng có nhiều động lực để ta hoàn thành công việc. Hoặc ít nhất nó sẽ giúp ta tạo ra được nhiều kỷ niệm sau này khi ta dừng lại và nhìn lại tổng thể hành trình. Ngày xưa khi còn là đứa trẻ, hộp háo hức của thợ rèn là những món quà vặt cùng anh chị em trong nhà chờ mỗi chiều mẹ đi chợ về, thì nay khi lớn lên hộp háo hức đó đã dần có những sự thay đổi. Thợ rèn mong rằng mỗi chúng ta sẽ không quên dù là trẻ con hay người lớn đều có những hộp háo hức, nếu khéo léo chủ động tạo cho mình những hộp háo hức thì mỗi ngày sẽ có nhiều niềm vui tuyệt vời hơn ta tưởng.
—By Thợ rèn