Sự vật sự việc thường tồn tại hai mặt. Tùy thời điểm, không gian, góc độ mà mặt cần xuất hiện sẽ xuất hiện, mặt không cần xuất hiện sẽ bị che đi hoặc được che đi, hoặc không che đi nhưng vì không tập trung mà ta vẫn không nhìn thấy. Trong công ty thợ rèn, có hai trục xuyên suốt hoạt động kinh doanh. Trục thứ nhất là đẩy mạnh nghiên cứu phát triển để biến từ 0 thành 1, tìm ra những đặc tính mới của sản phẩm. Trục số hai là mở rộng, quá trình này biến từ 1 tới 100, đây là quá trình sản xuất hàng loạt. Hai trục sáng tạo và mở rộng này có vai trò gần như ngang nhau, bù đắp cho nhau không bên nào thiếu bên nào. Tuy vậy chủ đề hôm nay thợ rèn muốn luận về cái đi ngược lại với suy nghĩ này, thợ rèn muốn nói về hành trình rút gọn, từ 100 tới 1, từ 1 về 0.
Vì sao cần rút gọn?
Ở Nhật có một văn hoá gần đây cũng được một chút quan tâm hưởng ứng của không chỉ các bạn trẻ trong nước, mà còn của những người khác trên thế giới, đó là văn hoá sống TỐI GIẢN.
Sống tối giản có nghĩa là bỏ đi những thứ không cần thiết, lọc lại những thứ thực sự cần thiết. Hành trình này nhìn trực diện là quá trình tạo ra các khoảng trống không gian, từ đó giúp cho con người nhận ra được những thứ thực sự quan trọng trong tinh thần.
Trong văn hoá thiền định, người ta ngồi lại và cố gắng loại bỏ để tâm tĩnh lặng, loại bỏ tạp niệm để quay về nội tâm hướng tới cái tối giản trong suy nghĩ.
Thợ rèn cũng đã thử ngồi thiền tuy nhiên chưa bao giờ ngồi được quá 30 phút, trong 30 phút đó chưa bao giờ loại bỏ được hết các tạp niệm. Luôn bằng cách nào đó, các suy nghĩ bay tới theo cách mà thợ rèn chưa thể nào điều khiển được. Thiền thì chưa đạt được mức biến có thành không, tuy nhiên tập trung cho công việc thì thợ rèn làm được. Khi tập trung làm cho một công việc cụ thể, thợ rèn có thể ngồi và chỉ tập trung cho một việc duy nhất. Có thể bỏ ngoài tai những tạp âm và những thứ không liên quan. Khi tập trung thường tốc độ làm việc nhanh hơn và thành quả tạo ra được trong khoảng thời gian đó khiến ta cảm thấy hài lòng hơn.
Trong công việc thường ngày, thợ rèn có làm việc với các máy móc, có làm thí nghiệm, có lấy dữ liệu, có thu thập hình ảnh. Sau cả một hành trình dài kết tinh của những thông tin dữ liệu đó là các bài báo cáo có ảnh hưởng tới các quyết định, bản quyền sở hữu trí tuệ, và tài liệu đầu tư. Ba thứ này là những thứ có giá trị trích dẫn cao nhất. Giá trị trích dẫn cao là thứ được sử dụng bởi nhiều phòng ban khác, được lặp lại và được trích dẫn trong cả các dự án liên quan về mặt không gian (dự án tương tự), và liên quan về mặt thời gian (dự án đầu tư tương lai).
Để đúc kết ra những thứ này cần quá trình chọn lọc, tức là quá trình cắt bỏ và bổ sung. Cắt bỏ là để loại những thứ không quan trọng và giữ lại thứ quan trọng. Bổ sung là quá trình sau khi đã cắt bỏ, chỉ bổ sung những thứ còn thiếu của những thứ quan trọng để thứ quan trọng trở nên hoàn thiện hơn.
Từ những ví dụ trên, cá nhân thợ rèn nhận ra rằng sau quá trình khuếch đại (khuếch tán), cần có quá trình ngược lại đó là quá trình rút gọn. Rút gọn để thấy được cái tinh tuý và tốt nhất để trở thành tiền đề cho quá trình khuếch đại tiếp theo. Chính sự xoay vòng này là hành trình không ngừng tạo nên những giá trị lớn có chọn lọc.
Rèn luyện rút gọn trong nhà tắm
Thợ rèn cũng phải công nhận mình chưa bao giờ thành công với việc ngồi thiền. Tức chưa bao giờ biến từ 100 mà về được tới 0. Tuy nhiên trải nghiệm từ 100 về 1 thì thợ rèn nghĩ là đã làm được.
Về mặt toán học, 100 về 1 giảm đi 100 lần. Từ 1 về 0 giảm đi ∞ (vô hạn) lần. Từ 100 về không cũng là giảm đi vô hạn lần, thế thì từ 1 về không với từ 100 về không có gì khác nhau đâu? Đúng vậy, tuy nhiên để tăng tính hình tượng thì thợ rèn xin phép dùng cách suy nghĩ từ 100 tới 1, từ 1 về 0. 100 lần là con số hữu hạn, có thể đong đếm được, trong khi đó vô hạn là con số mà không ai đong đo được. Cái hữu hạn thì có thể trải nghiệm thực tế, còn cái vô hạn nói cách khác chỉ có thể trải nghiệm tiệm cận.
Hàng ngày, hàng giờ, và mỗi khoảnh khắc chúng ta tiếp nhận thông tin từ bên ngoài qua năm giác quan, đó là tai mắt, mũi, miệng, da. Cùng một thời điểm các thông tin cùng ùa tới, tuỳ hoàn cảnh và cách ta tiếp nhận mà có những thứ sẽ đọng lại, và có những thứ sẽ qua đi. Cùng một câu chuyện, cùng một trải nghiệm, đối với một số người nó sẽ trở thành khoảnh khắc đáng nhớ, nhưng với một số người nó chỉ là một thoáng mà sau này chúng ta không hề có ý thức là đã từng có khoảnh khắc đó. Thông tin ta tiếp nhận thì không đổi, nhưng sự tập trung làm nên sự khác biệt. Cá nhân thợ rèn nghĩ nếu coi cả năm giác quan như năm cheo lưới, ai cố gắng vung tất cả thì chẳng bắt được con cá nào đúng ý. Còn nếu ai đó bỏ 4 cheo lưới cất tạm vào khoang thuyền, chỉ tập trung cho 1 cheo, thì khả năng kiếm được mục tiêu sẽ cao hơn.
Ví dụ khi đi tắm, thợ rèn cố gắng rèn luyện tại một thời điểm chỉ tập trung cho một giác quan. Thời gian tập trung chừng 5~15 giây. Ví dụ nhờ sự tập trung toàn tâm toàn ý mà có nhiều trường hợp thợ rèn nhìn thấy những thứ mà thường mình không bao giờ để ý tới. Ví dụ giây phút tập trung cho thị giác, thợ rèn quan sát những giọt nước đọng trên bức tường, sẽ để ý thấy có những bọt nước nhỏ hơn ở bên trong. Giọt nước tưởng tĩnh mà không tĩnh, chúng trườn trên tường, các giọt nước khi hoà hợp với nhau chúng bắt đầu tăng tốc và trượt từ trên cao xuống với tốc độ cực kỳ nhanh.
Khi tập trung cho thính giác, thợ rèn tạm nhắm mắt và chỉ lắng nghe tiếng nước từ vòi hoa sen. Tiếng nước rơi xuống như tiếng mưa rơi, có những khúc nó rơi như trận mưa rào mùa hạ, nghe rất là thích.
Nếu tập trung cho xúc giác, thợ rèn cảm nhận những giọt nước rơi xuống da, sự khác biệt của lực tác động khi khoảng cách từ vị trí đứng tới vòi hoa sen.
Mỗi lần đi tắm, thợ rèn cũng chỉ mong mình tập chừng 5~6 lần như vậy mà thôi. Bằng cách này mà đôi khi thợ rèn cảm nhận được những thứ bình thường theo những cách mới mẻ mà mình chưa bao giờ cảm nhận được. Ví dụ buổi sáng khi đi làm, có những hôm tiết trời trở lạnh, những cơn gió nhẹ và lạnh được cảm nhận rõ nét hơn trên da mặt khi thợ rèn chỉ tập trung cho xúc giác. Có những lúc ngồi viết bài như thế này trong gian phòng tĩnh lặng, thợ rèn nghe thấy được tiếng cách cách từ bàn phím. Âm thanh này hết sức thân quen, nhưng bình thường nó trôi qua một cách vô thức, chỉ khi ta dừng lại và tập trung vào một điểm duy nhất đó nó mới thực sự khiến ta có sự cảm nhận được nó theo một cách mới mẻ.
Trong cuộc sống cần sự cân bằng giữa quá trình mở rộng và rút gọn, giữa việc hướng ra bên ngoài và tìm lại bên trong. Quá trình buông bỏ, rút gọn để từ có thành không là một hành trình cần sự rèn luyện. Có thể thành quả sẽ rất ngọt ngào nhưng trước khi được hưởng thành quả thì ta đã từ bỏ. Thay vì hướng tới cái không tuyệt đối, thợ rèn nghĩ chúng ta có thể bắt đầu từ cái dễ hơn đó là từ 100 tới 1. Quá trình này nói theo cách khác đó là loại bỏ để tập trung. Dễ làm và dễ cảm nhận hơn. Bạn nào có óc sáng tạo, có khi chỉ đọc tiêu đề của bài này, cũng có thể mường tượng ra vô số cách áp dụng. Thợ rèn hi vọng sẽ có nhiều bạn đọc được và làm được như vậy.
— By Thợ rèn —