Bữa thợ rèn vào Sài Gòn đi công chuyện. Sau khi kết thúc công việc, thợ rèn được mời ăn món
ăn khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam Bộ. Thợ rèn quyết định chọn các món
mà mình chưa từng ăn bao giờ. Nhìn menu và sau đó cứ món nào mà từ trước tới giờ mình
chưa biết thì tích vào và gọi. Những cái tên lạ buổi hôm đó là hủ dừa, rau càng cua, thốt nốt,
thác lác. Có vẻ như đã từng nghe mang máng ở đâu đó nhưng thực sự mà nói những thứ này
gần như là mới nguyên với thợ rèn. Từ ngoài Bắc vào nên gặp chuyện như trên có lẽ cũng là lẽ
thường, cơ mà nếu giả sử như thợ rèn biết được những thứ đó thì ắt hẳn ấn tượng đã được tô
thêm một chút xíu. Nhìn từ ví dụ thực tế trên, cá nhân thợ rèn nhận thấy rằng việc tăng vốn từ
vựng là hết sức cần thiết. Từ vựng không bó hẹp trong phạm vi là ngoại ngữ, mà còn chính
trong ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Từ vựng cũng không chỉ bó gọn trong ngôn ngữ thường
ngày, mà còn có thể hiểu rộng ra là các từ ngữ chuyên ngành và cả những ngôn từ thuộc phạm
trù văn thơ.
Tại sao phải tăng vốn từ vựng
Điều đầu tiên là để đỡ bị quê, đây là lý do nghiêng về phần thủ. Trong một số trường hợp “mù
chữ” là chuyện có thể chấp nhận được. Ví dụ như thợ rèn không biết hủ dừa là phần ngọn dừa
non, người ta chặt cả cây dừa chỉ để lấy phần này để nấu món ăn. Việc không biết này đôi khi lại
trở thành chất xúc tác để có các câu chuyện trên bàn ăn, để mọi người kể và giới thiệu nhau
nghe về những sự khác biệt giữa các vùng miền, để mọi người giao lưu với nhau về những điều
mọi người biết và không biết.
Như trường hợp trên nếu khéo léo bộc lộ những điều mình không biết có khi còn là điểm cộng.
Cơ mà nếu 10 thứ không biết cả 10 thì câu chuyện lại đi xa quá. Vì người đối diện phải ngồi giải
thích tất tần tật. Việc này tạo nên những cảm giác không mấy dễ chịu. Các cụ có câu: “Một bữa
thì vàng, hai bữa thì thau, ba bữa thì cau mặt lại”. Bữa ở đây hiểu theo nghĩa tiếp đón, nhưng có
thể hiểu rộng hơn áp cho trường hợp giải thích ở trên là một lần giới thiệu. Một từ không biết
thì không sao, chứ nói tới từ nào cũng không biết, thì cau mặt lại có khi còn nhẹ, chứ gặp cô nào
khó tính, cô đấy cầm luôn chổi đuổi ra khỏi nhà.
Trong công việc cũng không ít hoàn cảnh người ta phân biệt giữa thường thức và phi thường
thức. Những thứ thuộc về thường thức được hiểu là những thứ mà ai cũng biết, và nên biết.
Những thứ liên quan tới những điều thường thức này, ít nhất ta cũng phải nắm được những
vốn từ vựng liên quan. Thứ phi thường thức thì ngược lại, đó là những thứ chỉ một số người
mới nắm được, những thứ này không biết cũng không bị cười. Vậy nên để không bị quê thì
trước hết cần tăng những vốn từ phổ biến, và những vốn từ ta nên biết.
Lý do thứ hai cho sự cần thiết phải làm phong phú vốn từ vựng là để tăng trải nghiệm và làm
phong phú tâm hồn, đây là lý do nghiêng về tấn công. Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc
áo giấy, câu này ý chỉ linh động, tùy biến theo hoàn cảnh. Việc thích nghi với hoàn cảnh là cần
thiết, đặc biệt trong thời đại mà toàn cầu hóa mở rộng như ngày nay. Đi ra cổng làng gặp tây, đi
ra ngõ gặp khách du lịch, việc gặp gỡ giao lưu giữa đa dạng các nền văn hóa khác nhau trở nên
ngày càng phổ biến. Gặp gái hay trai, gặp người già người trẻ, gặp người tây hay ta, gặp người
ăn nói học thức hay gặp người ăn nói chất phác thô và thật nếu có vốn từ đa dạng sẽ không bị
lạc lõng, ngược lại còn có thể biến hình để hòa vào câu chuyện khiến cho mọi thứ có thể trở nên
tối ưu và dễ chịu hơn.
Cá nhân thợ rèn được nhận xét là người khô cứng. Đó là một điểm yếu của thợ rèn, vì đôi khi
chưa thể biến hóa một cách linh hoạt. Điểm yếu này đến từ hai nguyên nhân, một đó là trong
suy nghĩ có một rào cản không muốn phá vỡ quy tắc cá nhân, hai là vốn từ và trải nghiệm ở các
bối cảnh khác nhau chưa đủ để tự tin với sự biến mình. Việc lựa chọn có làm chú tắc kè hoa hay
không là quyền của ta, và điều đầu tiên để có lựa chọn này đó chính là trang bị cho mình được khả năng biến hình đó.
Làm thế nào để tăng vốn từ vựng?
Thợ rèn nghĩ có bốn bước xoay vòng để tăng vốn từ vựng. Đầu tiên đó là biết thứ mình chưa
biết, thứ hai là mở rộng theo chiều ngang, thứ ba là mở rộng theo chiều dọc, thứ tư là mở rộng
điều chưa biết và điều muốn biết rồi lặp lại bước hai và ba.
Thứ chúng ta biết là hữu hạn trong khi đó thứ ta không biết hoặc chưa biết rõ có thể nói là vô
hạn. Bởi vậy chỉ cần ý thức về việc chúng ta mong muốn biết thêm một thứ gì đó thì sẽ không
khó để tìm được một chủ đề để tìm kiếm thêm thông tin. Thợ rèn lấy ví dụ, trong công ty
thường thì các sếp từ trưởng phòng sẽ có báo cáo hàng tuần, chỉ cần đọc báo cáo là có thể thấy
vô số những thông tin hoặc từ khóa mà mình chưa từng gặp. Càng lên cao tức ở tầng quản lý,
các sếp thường sẽ sử dụng những ngôn từ có tính trừu tượng hơn. Họ phải dùng những từ đó
để mô tả bao quát vấn đề. Nếu thấy có từ nào chưa rõ có thể ghi chú lại và tìm hiểu thêm.
Những thông tin chỉ có trong nội bộ thì có thể dò tìm trong kho dữ liệu công ty, những thông tin
phổ biến hơn thì có thể tìm qua internet. Trường hợp không tiếp xúc với báo cáo, thì có thể
tham khảo qua email hoặc các nguồn tài liệu khác. Xưa thợ rèn ít quan tâm, và thường những
thông tin nào không liên quan thì thường bỏ ngoài tai. Đôi lúc cũng nên bỏ ngoài tai để đầu óc
được nhẹ nhàng, nhưng cũng có những lúc cần note lại một số ý để khi có thời gian có thể tìm
hiểu thêm, như vậy cũng là sự khởi đầu cho việc tăng thêm vốn từ vựng.
Một cách nữa để đưa bản thân vào vạch xuất phát đó là đặt nghi vấn với những điều mà ta nghĩ
là ta đã biết. Thợ rèn lấy ví dụ việc quàng khăn. Mùa đông bên Nhật thường lạnh, nên thợ rèn
lúc đi ra ngoài phải mang găng tay và quàng khăn quanh cổ. Quàng khăn thì thợ rèn cứ quấn
lên cổ, quấn sao cho kín là được chứ chẳng nghĩ phải quấn sao cho nó ra kiểu với lại quấn sao
cho nó đẹp. Rồi khi đọc được cuốn sách người ta chỉ ra quấn khăn cũng là một kỹ năng cần học
thì thợ rèn mới tìm hiểu xem quấn sao cho đúng, quấn sao cho đẹp. Lúc đó thợ rèn mới cạch
cạch tìm kiếm thì đúng là ra rất nhiều thông tin. Hàng ngày khi tiếp xúc thông tin, đặc biệt
thông tin qua internet, chúng ta thường bị lái theo một chiều. Các trình duyệt cũng khéo nhận
biết khuynh hướng của người dùng để hướng tới những nội dung giống giống nhau, rồi thi
thoảng chèn thêm những thông tin có vẻ khiến chúng ta quan tâm, cứ vậy chúng ta thường bị
kéo đi chứ ít khi chủ động kéo thông tin về. Để có thêm từ vựng và hạn chế được thiên kiến tồn
tại trong người thì việc tìm kiếm thông tin dựa trên sự chủ động là điều hết sức quan trọng.
Sau khi có được từ khóa là ta đã đứng được ở vạch xuất phát. Bước tiếp theo là tìm kiếm thông
tin theo chiều ngang. Việc mở rộng theo chiều ngang là tìm kiếm những thông tin có tính tương
đồng về mặt không gian. Ví dụ chúng ta có thể bắt đầu bằng từ khóa “Chrome”. Chrome thuộc
nhóm “trình duyệt”, vậy nên nếu tìm kiếm những thứ có cùng tên gọi là trình duyệt thì ta có thể
tìm được những cái tên khác ví dụ như cốc cốc, opera, microsoft edge, firefox, brave…Khi ta có
từ khóa “cây bút” thì có thể tìm được những từ mở rộng theo chiều ngang như bút chì, bút máy,
bút bi, bút màu, bút viết thư pháp, bút ký tên… Trong bước này, không chỉ dừng lại ở một
nhóm, nếu ta mở rộng ra các nhóm cao hơn thì có thể chuyển sang được những từ mới hơn
nữa. Ví dụ cây bút, ta có thể coi đó là một phần của văn phòng phẩm. Khi nói tới văn phòng
phẩm ta có thể tìm ra được những từ khác như Vở học sinh, Bút các loại, Sticker trang trí, Máy
tính, Khay đựng hồ sơ, Cắm bút…Ngay cả đâu đó chắc chắn sẽ có những từ mà chúng ta chưa
từng biết tới.
Bước thứ ba trong việc tăng lượng từ mới đó chính là mở rộng theo chiều dọc. Chiều này đòi
hỏi ở mức độ sâu hơn vì sẽ có yếu tố thời gian, yếu tố lịch sử. Thợ rèn lấy ví dụ với tên quốc gia
Việt Nam chẳng hạn, nếu mở rộng theo chiều ngang thì ta có thể biết thêm Nhật Bản, Trung
Quốc, Triều Tiên, Liên Bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Bờ Biển Ngà… nhưng nếu mở rộng theo
chiều dọc ta sẽ tập trung vào Việt Nam nhưng đào sâu theo yếu tố thời gian. Khi tìm hiểu qua
các triều đại ta biết rằng Việt Nam chúng ta ngày nay từng có các tên gọi khác là Xích Quỷ, Văn
Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam, Việt Nam.
Bước thứ tư đó là bắt đầu một khởi đầu mới và sau đó xoay vòng các bước hai và ba kể trên.
Những gì ta biết chỉ là một giọt nước, những gì ta chưa biết là cả một đại dương. Không ai so
sánh một giọt nước với một đại dương, nhưng thường các giọt nước sẽ lôi nhau ra để so sánh.
Còn thợ rèn nghĩ mình cũng chẳng cần so sánh với giọt nước nào cả, mà chỉ cần so sánh mình
hôm nay so với ngày hôm qua, nếu có sự tiến bộ thì đó đã là một bước tiến.
–By Thợ rèn –