Bữa thợ rèn có về Việt Nam nghỉ tết chừng một tuần. Ba ngày đầu được thong thả ở nhà với mẹ và các cháu, bốn ngày sau thì bay vào miền Nam đi công chuyện với đoàn khách Nhật. Mỗi lần về thăm nhà, thợ rèn lại cố gắng sắm sửa thêm cho nhà một số thứ. Đối với các cháu thì thợ rèn cũng mong muốn sẽ góp một phần nho nhỏ nào đó để các cháu có được một hướng đi vừa phù hợp với bản thân nhưng cũng phù hợp với sự tiến bộ theo hướng chiều hướng tích cực. Tuy vậy không phải lúc nào thợ rèn cũng có thể hài lòng với những hiện thực trước mắt.
Niềm vui và sự bế tắc
Năm ngoái thợ rèn đi du lịch Okinawa. Tranh thủ lúc mọi người ngồi giải lao, thợ rèn ra ngồi dưới gốc cây trong một khu vườn của quán ăn tại Shurijo (首里城 – Thành Syuri – Thành cổ Nhật Bản được in trên đồng tiền 2000 Yên) rồi cặm cụi viết bưu thiếp gửi về nhà. Thợ rèn gửi bưu thiếp cho các cháu ở nhà với mong muốn các cháu cố gắng rèn luyện và học giỏi. Mấy hôm sau thợ rèn nhận được bức ảnh cô cháu nhỏ ở nhà quyết tâm học tiếng Anh và toán tốt để sau này xuất ngoại như Chú Thợ Rèn. Thợ rèn vui lắm vì cháu mới học lớp một mà đã tự giác mong muốn tự học thì ắt hẳn sau này cháu sẽ có được niềm vui và hạnh phúc từ chính quyết tâm đó.
Về nhà, các cháu mang những điểm chín, điểm mười ra khoe. Cháu bé gửi “quyết tâm thư” còn đạt tất cả bốn điểm 10 trong kỳ thi cuối kỳ. Thợ rèn thấy vui lắm.
Tuy vậy vẫn có những đứa cháu khác còn khá ngây thơ, mải mê với những video tiktok có nội dung và những câu từ không phù hợp. Các anh chị phần bận công việc, phần cũng chưa có những kỹ năng trọn vẹn để nuôi dạy con cái, thành ra việc giao cho các cháu chiếc điện thoại và chiếc ti vi, còn mình thì đi làm việc khác. Thợ rèn cũng có phiền lòng và không mấy vui với những gì quan sát thấy. Bởi vậy bên cạnh những niềm vui, những ngày về thăm gia đình thợ rèn cũng luôn đau đáu mong muốn góp một phần nào đó để thay đổi thực trạng nhưng thành thực có phần cảm thấy sự bế tắc với hiện trạng.
Dám không sửa
Dù biết có những thứ thợ rèn biết nếu uốn nắn các cháu thì sẽ tốt hơn nhưng lần này thợ rèn đã lựa chọn phương án có phần mạnh dạn hơn đó là “Dám không sửa”. Thợ rèn có một cháu trai năm nay học lớp 9. Học lực cũng khá, hiếu động, và thích khám phá những thứ thuộc tự nhiên. Tuy nhiên cu cậu có phần thiệt thòi do ít được tiếp xúc với bên ngoài nên đôi khi thợ rèn thấy cu cậu còn có những thứ có thể phát triển được hơn nếu được rèn luyện trong môi trường tốt hơn.
Có những thứ thợ rèn thực sự muốn cháu sửa ví dụ như dọn phòng cho gọn gàng, tăng thời gian tự học, không xem những tiktok có nội dung xàm xí, ý thức về cách ăn nói…Có lẽ vì được ra ngoài nên thợ rèn mới có những mong muốn như vậy vì thợ rèn gặp được những em bé cũng tầm tuổi đó đã trưởng thành, giỏi giang, và có những bé còn có được những thành tựu nhất định. Nói là vậy chứ ngày xưa ở độ tuổi đó thợ rèn cũng không có hơn cháu nó bao nhiêu. Lớp 9 cũng chỉ biết đi chăn trâu rồi về đi học. Cái hơn được đó là ý thức tự học và những điểm số trên trường mà thôi.
Bình thường khi các cháu có những hành động mà thợ rèn nghĩ nên sửa để tốt hơn thì thợ rèn sẽ uốn nắn ngay tại chỗ. Ngày xưa thợ rèn còn vẽ cái vòng, để các cháu nào vi phạm thì đứng vào. Có lần tệ hơn thợ rèn còn cầm roi phạt đòn. Nhưng thực tế, hiệu quả thì có thể có lúc đó chứ để hình thành ý thức lâu dài thì gần như không có ích nhiều. Bởi vậy lần này thợ rèn đã chấp nhận “dám không sửa” mà chỉ quan sát xem các cháu có những thói quen như thế nào một cách chân thực nhất.
Bản hợp đồng với cháu nhỏ
Thành thực mà nói thợ rèn có phần bế tắc trước những màn nghịch ngợm của các cháu nhỏ. Trong đó có cháu lớn năm nay học lớp 9, và sẽ có kỳ thi lên cấp 3. Thợ rèn phần muốn để các cháu phát triển tự nhiên, không áp đặt gánh nặng của việc học một cách nặng nề, nhưng phần cũng nhận thức rằng cần phải có một hành trang nhất định về mặt kiến thức. Không nhiều thì ít nhất cũng nên có đủ. Tuy vậy với cách sử dụng thời gian và sự ham vui với game và các video trên youtube, tiktok, thợ rèn nhận thức rằng nếu không có sự can thiệp hợp lý thì sẽ dẫn tới một kết quả không tốt.
Cu cậu hằng ngày đi học với chiếc xe đạp cũ, nhưng mấy hôm trước chiếc xe đạp bị hỏng và giờ phải đi chiếc xe xấu hơn. Hằng ngày cu cậu ra lớp có bị các bạn trêu vì chiếc xe đạp chắc xấu nhất lớp. Tuy vậy thợ rèn thấy vui vì việc này. Vui vì cháu không thấy xấu hổ với việc đi chiếc xe đạp XẤU XÍ. Thợ rèn cũng thấy vui hơn vì cu cậu đã biết tiết kiệm tiền để có đủ tiền mua chiếc xe đạp mới chứ không đòi bố mẹ phải mua xe mới ngay. Thợ rèn chợt nhận ra đây chính là cơ hội hiếm hoi để có thể hỗ trợ cháu hình thành một thói quen và tạo động lực cho việc thay đổi bản thân.
Sau một hồi nghe kể chuyện, thợ rèn biết cu cậu muốn có chiếc xe đạp và xa hơn là có chiếc máy tính để học. Nếu mua cho và tặng không điều kiện, thợ rèn sợ rằng cu cậu sẽ quen và hình thành niềm tin nếu muốn thì sẽ có, vậy nên thợ rèn quyết định làm hợp đồng CHO VAY với điều kiện đi kèm.
Hợp đồng thứ nhất là hợp đồng về điểm số. Hợp đồng thứ hai là hợp đồng về thời gian tự học. Hợp đồng điểm số dựa trên số điểm ba môn thi đầu vào trường cấp ba gồm Toán, Văn, và Tiếng Anh. Dựa trên học lực hiện tại (điểm số các bài kiểm tra), thợ rèn thiết lập các mức điểm cộng và điểm trừ. Ví dụ toán hiện tại mức điểm cao nhất cu cậu đạt trong kỳ thi thử là 5 điểm thì 4-5 điểm được coi là mức không thưởng không phạt. Trên 5 điểm có các mức 6,7,8,9,10 là các mức được thiết lập mức tiền thưởng. Đạt được một mức sẽ nhận được một mức tiền thưởng nhất định. Ngược lại những điểm số thấp hơn dưới mức điểm không thưởng không phạt sẽ bị phạt. Số tiền thưởng và số tiền phạt thợ rèn để cu cậu tự quyết nhưng kèm điều kiện thưởng càng nhiều thì phạt cũng càng lớn.
Hợp đồng thứ hai là hợp đồng về thời gian tự học. Hợp đồng này để hướng tới việc để dành tiền mua máy tính khi lên cấp ba. Quy định cũng có phần thưởng và phần phạt, Phần thưởng khi có số phút tự học, còn phần phạt có khi số thời gian lên mạng và xem tiktok, youtube nhiều hơn một mức nhất định. Các hạng mục và các con số thợ rèn cũng để cho cu cậu tự quyết, thợ rèn chỉ trao đổi để chốt thời điểm báo cáo và phương pháp báo cáo.
Hai hợp đồng được ký và việc thực hiện hợp đồng thợ rèn không có can thiệp, để cho cháu tự quyết.
Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình
Dân gian có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, ý chỉ nhìn kết quả để biết nguyên nhân, biết nguyên nhân thì tìm cách sửa ở đâu sao cho hợp lý. Nói là vậy nhưng việc sửa sao cho đúng không phải chuyện dễ.
Có những thứ sửa trong ngắn hạn thì có hiệu lực ngay, những thứ này thường có tác động từ ngoại lực bên ngoài. Nhưng cũng có những thứ phải thời gian dài mới sửa được. Những thứ này thường sẽ không thể thiếu yếu tố nội tại.
Trước kia nếu các cháu vi phạm thợ rèn thường dùng cái uy của người lớn để nạt nộ. Đây không phải là cách làm tối ưu về lâu dài cho cả đôi bên. Thợ rèn cũng không phải lúc nào cũng ở bên các cháu để hỗ trợ được, vậy nên nếu khéo léo tạo được cách làm sao cho có thể khơi dậy được cảm hứng và sự tự giác ở bên trong sẽ là cách làm mà thợ rèn tin có hiệu quả hơn.
Bản hợp đồng một năm với cháu lớn nhà thợ rèn mới có hiệu lực được hai tuần. Thợ rèn cũng không kỳ vọng quá cao về một sự thay đổi mang tính đột phá, cơ mà thợ rèn tin sẽ có một sự thay đổi nhất định về trách nhiệm của cháu đối với những gì nhận được và cả trách nhiệm với những gì mình cần phải chịu bồi thường. Thợ rèn nay lưu lại đôi dòng để một năm sau, khi nhìn lại sẽ rút tỉa được những bài học cho chính bản thân mình trên hành trình “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.
— By Thợ rèn —