Nay thợ rèn thấy được câu hay trên một trang facebook quen thuộc mà mình đang follow. Thấy nội dung đáng suy ngẫm nên thợ rèn lưu lại đây bản tiếng Nhật và tiếng Việt.
Nguyên văn tiếng Nhật là như bức ảnh phía dưới.
Bản dịch tiếng Việt (by Thợ rèn)
Ngẫm sự khác biệt
Người Nhật dạy con cái không nên làm phiền người khác. Trong khi đó người Ấn lại cho rằng chúng ta không tránh được việc làm phiền tới người khác. Tức sự khác biệt đến từ tiền đề, một bên nghĩ rằng không làm phiền người khác là việc có thể tránh được, còn một bên nghĩ đã sống trong cuộc sống không có chuyện không làm phiền.
Cái nào cũng có sự hợp lý, nhưng hai thứ này thợ rèn nghĩ có sự dung hoà và hỗ trợ lẫn nhau. Không làm phiền người khác, có thể hiểu một cách nhẹ hơn đó là hạn chế tối đa không gây cản trở cho người khác. Ví dụ, khi đi đường tôn trọng luật giao thông, không chen lấn, khi đi thang máy biết nhìn xung quanh không để hành lý của mình lấn chiếm chỗ hoặc va chạm với người khác. Những hành vi này không cần phải quá to tát và có thể thực hiện được ngay trong cuộc sống mỗi ngày.
Tuy vậy nếu không “làm phiền” tới người khác, theo một cách nào đó cũng có trường hợp khiến cho khoảng cách giữa con người với con người càng ngày càng xa cách, hoặc có những trường hợp mình nghĩ có thể làm phiền nhưng người đối diện lại không nghĩ như vậy. Cũng có những trường hợp, làm phiền người khác, nhờ cậy người khác, gây nợ người khác cũng là việc cần thiết để có được cái tổng thể tốt hơn. Đôi khi có những trường hợp không oánh nhau không thành anh em, vậy nên không làm phiền cũng có thể là sự khởi đầu cho những mối quan hệ mờ nhạt.
Thợ rèn có lần gặp phải chuyện khẩn cấp cần về Việt Nam. Bình thường việc đi lại hay chuẩn bị những thứ xung quanh bản thân thợ rèn cố gắng tự mình thực hiện, không làm phiền tới gia đình và bạn bè. Tuy nhiên trong trường hợp thực sự cần tới sự giúp đỡ, và mình cũng phải ưu tiên để mọi chuyện diễn ra tốt nhất thì thợ rèn cũng có phá lệ và có nhờ cậy tới người khác. Thực tế những lần thợ rèn làm phiền tới người khác trong các tình huống bắt buộc hoặc đôi khi là vô tình luôn tồn tại, bằng cách nào hay cách đó dù cho có cố gắng hạn chế ở mức tối thiểu.
Suy nghĩ như vậy thì cách dạy con của người Ấn Độ có vẻ khá là thực tế. Có nghĩa khi chúng ta đã sống trong cuộc sống, là chúng ta đã làm phiền tới người khác. Còn nhỏ không đi được thì cần làm phiền tới cha mẹ. Lúc ốm đau cần nằm bệnh viện phải có sự chăm sóc của bác sỹ. Khi lớn rồi đi làm, có những lúc mắc lỗi với khách hàng cấp trên và đồng nghiệp phải giương tay giúp đỡ. Về già, sức khoẻ yếu đi phải nhờ cậy vào con cái. Muốn tránh cũng khó tránh bởi vậy nếu nói sinh ra cho tới khi rời đi mà không làm phiền ai đó thì điều này dường như là không thể. Nếu vậy suy nghĩ làm phiền người khác là việc không tránh khỏi và hãy tha thứ cho người khác khi bị làm phiền đó cũng là một cách suy nghĩ thợ rèn cho rằng là điều hợp lý.
Khi làm phiền hãy nghĩ đến lợi ích chung, khi tha thứ hãy nghĩ tới cái lợi cho tâm hồn
Nói vậy nhưng nếu không dùng sao cho đúng thì sẽ xảy ra những kết quả không được hoàn hảo. Nếu nghe theo cha mẹ Nhật mà không làm phiền tới người khác và sống cuộc sống độc lập hay nói mạnh hơn là cô độc thì đôi khi bản thân không đủ mạnh để vượt qua khiến chính bản thân mình tổn thương. Còn nếu nghe theo người Ấn mà nghĩ làm phiền người khác là chuyện không tránh được, cứ mặc nhiên mà làm phiền thì những người gặp gỡ ta mỗi ngày sẽ luôn nhận được những điều xấu xí, và vô hình chung ta chính là người tô bậy lên một bức tranh đẹp mà bản thân là một phần trong đó.
Thợ rèn nghĩ có thể kết hợp cả hai cách dạy con của người Nhật và người Ấn. Tuy vậy, khi mình quyết định làm phiền hay tha thứ thì nên có cho mình cái trục để quyết định. Cái trục đó thợ rèn nghĩ có thể là: Khi làm phiền hãy nghĩ đến lợi ích chung, khi tha thứ hãy nghĩ tới cái lợi cho tâm hồn.
Khi làm phiền tới người khác nếu ta nghĩ tới lợi ích chung thì ta sẽ tránh được sự ích kỷ của bản thân. Một đứa trẻ chỉ khóc thét để đòi bố mẹ mua quà thì không nên, nhưng nếu nó khóc thét để đội cứu hộ tới cứu bản thân đứa bé và nhóm bạn bị mắc kẹt dưới chân núi thì nên làm. Cái chung ở đây không nhất thiết phải là quy mô của một cộng đồng, thợ rèn nghĩ nó chỉ cần có yếu tố nào đó ngoài bản thân mình là ok. Đương nhiên cái quy mô đó nó càng rộng thì cái lợi của việc làm phiền sẽ nhiều lên so với cái nợ mà việc làm phiền mang tới.
Ngược lại khi tha thứ cho người khác, ta thu về với chính mình thì việc ra quyết định sẽ dễ dàng hơn. Việc chấp nhận một lời xin lỗi từ người đi đường vô tình chạm gói hành lý cồng kềnh vào người mình có lẽ là dễ chịu hơn nhiều so với việc lẩm bẩm sau đó cứ suy nghĩ mãi trong đầu và tìm cách để nói những lời cay nghiệt với người đó. Quên đi, tha thứ đi đối với những chuyện không hay là một loại năng lực. Khi năng lực đó đạt được thì ta mới tập trung được cho những điều tốt đẹp mà bản thân mong muốn. Khi thời gian mỗi ngày là hữu hạn, cùng một thời điểm nếu ta nghĩ về việc A thì việc B phải chờ thời điểm khác mới có chỗ. Bởi vậy có những chuyện nếu ta quên được và có thể tha thứ được thì cái lợi không chỉ cho người khác mà còn là cho chính bản thân mình. Viết những dòng này nhưng bản thân thợ rèn cũng nghĩ rằng đó là điều thực sự không hề dễ dàng, thậm chí còn khó hơn so với việc nhớ một thứ gì đó, làm cho ai đó một thứ gì đó các bạn ạ.
Chúc các bạn sẽ cân đối được hai thứ “Làm phiền” và “Tha thứ” theo cách mà người Nhật và người Ấn dạy con của họ.
— By Thợ rèn —