Vô tình thấy quảng cáo trên facebook về chương trình biểu diễn múa Shen Yun (Thần truyền) thợ rèn đã ghé vào xem video giới thiệu và đã mong muốn đi xem cho được một lần. Lần mà thợ rèn xem được quảng cáo cũng cách đây chừng hơn 3 năm, khi mà covid còn chưa bùng nổ và chương trình lưu diễn còn được thực hiện trên đất Nhật. Hành trình từ khi biết tới cho tới khi thực sự xem được buổi biểu diễn kéo dài hơn 3 năm, và khi tận mắt chứng kiến thì thợ rèn có lẽ sẽ khó lòng quên được cảm xúc tuyệt vời của nó. Bởi vậy nay thợ rèn lưu lại đôi ba dòng để giới thiệu về chương trình biểu diễn này.
Vô duyên với nghệ thuật
Thợ rèn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Nghệ thuật mà thợ rèn biết tới có thể kể tới là những cuốn băng ca nhạc quan họ Bắc Ninh, nhạc vàng, nhạc đỏ từ cái hồi mà băng từ còn thịnh hành. Thi thoảng sang hơn thì có các đoàn biểu diễn từ xa về. Thường thì đó là các chương trình biểu diễn xiếc, hài, hoặc ca múa nhạc gì đó. Hồi đó mỗi vé vào xem chỉ 2000~5000 đồng, nhưng khi mà mỗi bữa sáng giá chỉ 500 đồng thì khoản tiền vé đó tính ra cũng không hề rẻ. Vậy nên một là đứng ngoài nghe, hoặc chờ cho đến khi biểu diễn được chừng một nửa thời gian họ mở rào thì vào, còn hôm nào lanh lẹ hơn thì đứng cạnh cổng chờ ai là người lớn đi xem biểu diễn một mình thì xin đi ké. Hồi đó cũng không biết bao nhiêu lần thợ rèn và đám bạn bị đẩy ra bởi những người canh vé họ thừa biết mấy đứa trẻ nghịch ngợm có đủ trò để vào trong xem miễn phí.
Bởi vậy mà trong ký ức khái niệm nghệ thuật là một thứ xa xỉ. Việc xem biểu diễn có chăng cũng vì ở đó có đám bạn chơi đông vui, hoặc đó cũng là thời điểm hiếm có để thể hiện sự nghịch ngợm của bản thân. Thợ rèn mù nghệ thuật.
Lần đầu xem nhạc kịch
Năm đầu đi làm công ty, thợ rèn qua Ấn Độ học anh văn và học về Marketing. Ngày thường sáng học Anh văn với các bạn sinh viên đại học New Delhi, buổi trưa và chiều thì lên phố khảo sát lấy thông tin, thứ bảy chủ nhật được nghỉ. Trong chuyến đi lúc bấy giờ, có các bạn Nhật cũng khá sành về du lịch và các thú vui nên thợ rèn được đi ké. Các bạn đặt tour đi Taj Mahal và một số địa điểm nổi tiếng khác, trong đó có một nơi tên là Kingdom of Dreams một nhà hát ca mua kịch nổi tiếng bậc nhất tại quốc gia này.
Thợ rèn nhớ hồi đi thăm Kingdom of Dreams, vé vào cổng khá là mắc và thợ rèn chưa bao giờ trả một số tiền lớn để xem biểu diễn. Nhưng sau lần đó thực sự thợ rèn nhận ra rằng đúng là số tiền bỏ ra đáng đồng tiền bát gạo khi được chứng kiến một buổi ca múa kịch cực kỳ ấn tượng về âm thanh, ánh sáng và cả những điệu múa của những nghệ sỹ chuyên nghiệp với những tiết mục mang đậm văn hoá của các quốc gia Nam Á, làm gợi lên những hình ảnh của câu chuyện ngàn lẻ một đêm, những cô gái điệu chiếc bình trên đầu với điệu múa uyển chuyển. Đó cũng là lần đầu tiên thợ rèn cảm thấy nghệ thuật đã mang tới xúc cảm mạnh mẽ đến như vậy.
Có lần đầu sẽ có lần hai
Bởi khi được tiếp xúc với Kingdom of Dreams, sau này về Nhật nếu có cơ hội tiếp xúc với những trải nghiệm tương tự thợ rèn bắt đầu có sự quan tâm chứ không lạnh nhạt và gạt phắt đi như hồi xưa nữa. Thợ rèn nhận ra một điều nghệ thuật đỉnh cao cũng giống như một nguồn nước mát lành mang tới cảm xúc thật tuyệt vời mà cảm xúc này khó lòng có được khi không uống nó.
Khi xem trailer của Shen Yun một chương trình ca múa kịch cổ của Trung Quốc trên facebook thợ rèn đã cảm thấy vô cùng ấn tượng và tính sẽ phải mò đi xem cho được. Đoàn biểu diễn đến từ New York và đi lưu diễn khắp thế giới, hằng năm họ có qua Nhật. Trước 2020 thợ rèn đã tính đi xem nhưng không nhớ rõ vì công việc hay vì lý do gì mà không đi được. Đến năm 2022 khi công tác Đài Loan, đoàn lưu diễn tại Đài Trung thợ rèn một lần nữa có cơ hội đi xem, cơ mà rủ các bạn Đài đi thì các bạn không đi, thay vào đó các bạn tổ chức buổi tiệc mà tại đó thợ rèn là nhân vật chính nên tại Đài Loan thợ rèn thêm một lần lỡ hẹn.
Lúc quay về Nhật, vô tình quảng cáo đó lại xuất hiện và họ thông báo chuyến lưu diễn được tái khởi động từ cuối 2022, đầu 2023 thế là thợ rèn mò vào đặt vé. Thế là thợ rèn đã đi được.
Vẻ đẹp vượt thời gian và không gian
Buổi biểu diễn kéo dài chừng 150 phút với các màn biểu diễn múa truyền thống, ca kịch, opera…Các nghệ sỹ múa theo phong cách Trung Hoa tuy nhiên những câu chuyện được kể không chỉ dừng tại Trung Quốc mà được trải rộng từ Trung Quốc Đại lục tới Mông Cổ, Tây Tạng, những tác phẩm từ thời Tam Quốc cho tới Trung Quốc hiện đại. Trong đó có những câu chuyện hiện đại nêu lên vấn đề nội tại trong đất nước Trung Quốc.
Ngày xưa khi xem Tây Du Ký có cảnh tiên nữ múa trên cung đình. Những điệu múa, vẻ đẹp uyển chuyển về hình thể và trang phục đó được tái hiện lại qua những nghệ sỹ múa hiện đại. Những nghệ sỹ được học tại Mỹ và họ cũng là những nghệ sỹ hàng đầu, họ tôi luyện và chăm chỉ luyện tập suốt thời gian dài có lẽ là hơn nửa năm trước khi bắt đầu chương trình lưu diễn trên toàn thế giới. Vẻ đẹp truyền thống kết hợp với công nghệ trình chiếu khiến cho màn hình biểu diễn phía sau giống như một phần của công nghệ thực tế ảo tăng cường, khiến cho không gian được khuyếch đại vô hạn mang tới những cảm xúc hết sức tuyệt vời cho người xem.
Thợ rèn ngồi trên khán đài xem biểu diễn mà cảm thấy như mình trên tiên cảnh thượng ngoạn bữa tiệc cung đình. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng đúng là có phần nào cảm nhận được như vậy. Các bạn có thể vào trang của Shen Yun để xem một số video giới thiệu tại đây.
Vẻ đẹp đến từ sự khổ luyện
Xem chương trình biểu diễn, thợ rèn mới chợt nghĩ tại sao lại có được tác phẩm tuyệt vời như thế này? Theo thói quen thợ rèn quan sát số ghế ngồi trong buổi biểu diễn, đếm số diễn viên và cả những người làm công tác hậu cần. Số nghệ sỹ tham gia có khi phải lên tới 50 người, đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Bungary và một số quốc gia khác, số nhân viên phục vụ hậu cần cho một buổi biểu diễn cũng phải lên tới chừng 20 người, người dẫn chương trình cũng là người chuyên nghiệp với giọng dẫn cực kỳ hay. Như bệnh nghề nghiệp, thợ rèn ngồi đếm số khách trong cả nhà hát, đếm số buổi lưu diễn rồi nhẩm nhẩm tính tính, thợ rèn nghĩ thu nhập thuần từ hoạt động biểu diễn của các nghệ sỹ ước chừng không quá 1000 vạn yên (khoảng 1.8 tỷ VND). Họ sống và luyện tập tại Mỹ, tài năng của họ cũng thuộc hàng đặc biệt nên thợ rèn nghĩ mức thu nhập này cũng không phải là quá cao. Nếu chọn những công việc khác khả năng họ vẫn có thể có được mức thu nhập cao hơn, nhưng họ vẫn lựa chọn khổ luyện phần lớn trong năm để toả sáng trong chuyến lưu diễn ngắn ngày hàng năm ắt hẳn họ thực sự yêu mến và mong muốn cống hiến cho nghệ thuật.
Trước khi đi xem biểu diễn thợ rèn có xem các video luyện tập của các nghệ sỹ. Họ tập luyện hàng ngày, rèn luyện thân thể sao cho có sự dẻo dai, có thể bật nhảy cực kỳ đẹp mắt. Nhìn hình ảnh họ biểu diễn trên sân khấu thợ rèn mường tượng tới hình ảnh của hoa anh đào. Chịu qua mùa đông giá rét, để khi xuân tới hoa nở rộ trong một vài ngày trước khi quay trở lại với sự tôi luyện trong phần lớn thời gian. Thế nhưng khi mùa hoa nở, người ta sẽ phải trầm trồ vì vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp đó càng được tô điểm nếu những đoá hoa đó không chỉ nở một mình mà nó có sự tập hợp của những cây hoa anh đào khác, và sẽ đẹp hơn nếu nó được tô điểm bởi những ánh đèn cho cả buổi đêm và sẽ còn đẹp hơn nữa khi những người tới ngắm là những người yêu hoa.
Đoàn lưu diễn của Shen Yun thực sự mang đến xúc cảm tuyệt vời, và để mang tới được điều này theo thợ rèn nghĩ kết quả đó có sự hội tụ của những yếu tố sau:
** Sự yêu mến thực tâm với nghệ thuật và sự khổ luyện của từng nghệ sỹ
** Được hoạt động trong một môi trường mà tại đó tổ chức có sự trân trọng cái đẹp của nghệ thuật và tạo điều kiện để nghệ sỹ thực sự được chuyên tâm cho việc luyện tập
** Sự yêu mến của cộng đồng và cảm xúc khi toả sáng trên sân khấu
Một bông hoa đẹp sẽ bị trơ trọi với những cây cỏ xung quanh, nhưng một rừng hoa đẹp được chăm sóc bởi những người trân trọng cái đẹp sẽ tạo nên một khung cảnh tuyệt vời.
Bạn nào ở Nhật hãy thử một lần tìm kiếm thêm thông tin, có điều kiện về thời gian và kinh tế, các bạn hãy thử một lần đi xem. Dù giá vé có thể khá cao, nhưng thợ rèn rằng cảm xúc các bạn có được sẽ rất đặc biệt.
— By Thợ rèn —