Đi học được điểm 10 thì được coi là học sinh giỏi. Đi làm cho ra được kết quả tốt thì được cho là nhân viên xuất sắc. Vậy khi nào thì được coi là thành thục trong một vấn đề nào đó? Thợ rèn nghĩ, đây là một câu hỏi khó, câu trả lời thì cũng nhiều tuỳ vào giá trị quan của mỗi người, còn thợ rèn thì nghĩ thành thục là khi ta không nghĩ tới nó mà vẫn có thể thực hiện được một cách vô thức.
Bữa nay trên công ty thợ rèn có buổi trao đổi về triết lý kinh doanh, tiếng Nhật gọi là 経営理念. Thợ rèn có tham gia và tái nhận thức được tầm quan trọng của triết lý kinh doanh trong công ty. Buổi trò chuyện cũng vô tình đánh thức một suy nghĩ thoáng qua trong đầu về hai từ thành thục và di truyền khiến thợ rèn đi làm về phải ngồi viết lại đôi ba dòng về chủ đề này.
Công ty cũng có tính cách
Nếu ví công ty là một con người thì mỗi công ty cũng có tính cách khác nhau. Ví dụ công ty thợ rèn có phương châm là tạo ra những điều tuyệt vời và cách tân mang tới giá trị cho khách hàng (Innovation for customers). Để duy trì cho điều này công ty có 12 tôn chỉ để nhân viên có thể tuân theo và thực hiện. Trong 12 tôn chỉ này có một số đã trở thành thói quen hằng ngày trong tác phong làm việc của thợ rèn và các đồng nghiệp khác trong công ty. Ví dụ khi qua đường, giờ thợ rèn luôn đứng lại chừng 3~5 giây, nhìn trái, nhìn phải, xác nhận an toàn rồi mới bước đi. Khi vào một căn phòng bất kỳ, dù đó là căn phòng có cửa kính trong suốt thợ rèn vẫn gõ cửa rồi mới bước vào. Thợ rèn làm việc này là để xác nhận an toàn cho mình và thông báo cho người (nếu có) ở khu vực đối diện. Những thói quen này được hình thành từ văn hoá ưu tiên an toàn trên hết.
Công ty cũng cực kỳ coi trọng tốc độ làm việc. Khi chưa bắt tay vào làm thì việc cân nhắc có thể hơi tốn thời gian một chút, cơ mà một khi đã quyết thì chạy một mạch cực kỳ nhanh. Không chỉ bộ phận thợ rèn mà các phòng ban khác cũng vậy, họ làm việc hết sức nhanh chóng và luôn ý thức về mức độ hoàn thành công việc.
Do là một công ty toàn cầu, doanh số từ ngoài nước Nhật chiếm tới hơn 80% doanh thu của tập đoàn nên công ty cũng rất coi trọng tính đa dạng (diversity). Bộ phận thợ rèn làm việc có hơn 10 người thì đã có ba người nước ngoài đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nơi làm việc thợ rèn cũng không cảm thấy có sự phân biệt người Nhật với người nước ngoài, đối đãi và cách phân công công việc cũng rất cởi mở và bình đẳng.
Ở ví dụ trên, ưu tiên an toàn, làm việc nhanh và ưu tiên thành quả, tôn trọng sự đa dạng đó là ba tính cách của bộ phận cũng như của công ty thợ rèn đang làm việc. Những nội dung này, nay thợ rèn nhìn lại thì đúng là nó được vạch ra cụ thể trong tờ triết lý kinh doanh mà thợ rèn vẫn để trong cuốn sổ tay bao năm nay.
Thợ rèn nghĩ triết lý kinh doanh này giống như tính cách của một tổ chức. Nó có vai trò quan trọng trong việc định nghĩa tổ chức đó có đặc điểm như thế nào? Vô hình chung một lúc nào đó tính cách đó sẽ dần trở thành một phần thói quen, rồi xa hơn nữa sẽ trở thành một phần tính cách của những người làm việc tại đó.
Những thói quen tốt cần được nuôi dưỡng đến mức độ thành thục
Công ty thợ rèn làm việc có bề dày lịch sử hơn 100 năm. Thời gian đầu chỉ là một công ty nhỏ, sản xuất băng dính cách điện. Sản phẩm, quy mô, doanh số tất cả đều rất nhỏ, nhỏ theo đúng nghĩa đen. Tuy vậy, thời mới thành lập, người đứng đầu công ty là người luôn mong muốn thử sức với những điều mới mẻ và sẵn sàng lăn xả để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Người đứng đầu có được tính cách đáng quý, đó là một cái phúc lớn đối với công ty, nhưng điều quan trọng hơn đó chính là tính cách đó được lan rộng ra đối với những người cùng làm việc trong cùng tập thể.
Để rồi sau hơn 100 năm phát triển, nay công ty đã có thể tạo ra được hơn 13 ngàn sản phẩm, quy mô công ty lên hơn 30 ngàn nhân viên, tạo ra được vô số những sản phẩm đi cùng với sự phát triển của công nghệ thời đại, và là một trong 225 công ty đại diện cho nền kinh tế Nhật Bản.
Nay công ty cho xem lại câu chuyện vượt khó của những thế hệ đàn anh hơn 70 năm trước đối diện với khó khăn và bí kíp để đạt được thành tựu. Thợ rèn nhận thấy hai từ khoá Challenge và Speed trong câu chuyện đó. Cả hai từ khoá đó đều có trong triết lý kinh doanh của công ty ở giai đoạn hiện tại.
Điều này khiến thợ rèn nhận thức được rằng, những thói quen và tính cách tốt đã được chọn lọc, những thứ được coi là tốt và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và xã hội là những thứ cần được đẩy mạnh và phát triển vượt qua phạm vi cả về không gian và thời gian.
Sự thành thục đạt được khi nó trở thành một phần di truyền tồn tại trong tiềm thức
Một con rùa khi mới nở từ quả trứng bên bãi cát đã biết cách tìm đường mò ra biển. Bồ công anh mọc ở vùng đất nào đi chăng nữa thì quả của chúng cũng đều có những sợi bông mềm và bồng bềnh để khi có một cơn gió đủ mạnh là chúng có thể bay cao và bay xa phát tán tới những vùng đất mới, bắt đầu cho một vòng đời mới. Những thứ này được hình thành và tích luỹ qua nhiều thế hệ và được lưu trữ dưới dạng di truyền. Gọi là di truyền bởi chúng ít bị chi phối bởi ngoại cảnh hay nói cách khác, nó trở thành đặc tính cố hữu của chúng.
Sẽ thật khó để so sánh một thói quen một tính cách với một yếu tố gọi là di truyền. Bởi di truyền là yếu tố đã được tôi luyện và chọn lọc tự nhiên qua hàng bao nhiêu thế hệ, sao cho yếu tố di truyền có tính phủ quát và trở thành nền tảng không thể thiếu đối với mỗi cá thể được thừa hưởng yếu tố di truyền đó.
Tuy vậy thợ rèn nghĩ có thể mượn cách hiểu về di truyền để đánh giá cho sự thành thục. Một thứ được cho là thành thục khi ta không cần phải chủ động ý thức về nó mà vẫn có thể hành động được. Nói cách khác nó được hành động dựa trên vùng tiềm thức và đạt tới sự tối ưu về năng lượng.
Ví dụ một đứa trẻ khi mới biết đi cần bố mẹ dìu đỡ. Nó phải bám víu và tìm đủ mọi cách để sao cho không bị ngã. Khi nó tập đi, điều duy nhất mà nó tập trung vào đó chính là đôi chân. Nhưng khi đã đạt tới sự thành thục, nó có thể bước đi như một sự đương nhiên, không cần suy nghĩ. Nó có thể vừa đi vừa làm việc khác mà cũng không hề lo bị ngã.
Một người học ngoại ngữ, sẽ được coi là thành thục khi có thể sử dụng ngôn ngữ đó một cách tự nhiên không cần suy nghĩ. Người có đạt điểm 10 tuyệt đối trong kỳ thi năng lực Anh ngữ hay Nhật ngữ có thể đã tiến gần hơn với sự thành thục, tuy vậy để chạm tới sự thành thục thì nó cần sự tôi luyện nhiều hơn những điểm số. Nó cần phải trải qua một quá trình rèn luyện cần cả thời gian và công sức để biến kỹ năng ngôn ngữ trở thành một phần tiềm thức.
Khi ta làm một việc tốt và vẫn phải ý thức tới nó thì cũng giống như chúng ta đang trên một hành trình rèn luyện. Còn khi những suy nghĩ tốt đẹp, những hành động nhân văn được thể hiện ra ngoài không cần tới sự chủ ý của ta thì lúc đó có thể xem là thành thục.
Thợ rèn nghĩ mỗi người sẽ mong muốn thành thục ở một số phẩm cách và một số kỹ năng khác nhau. Kỹ năng khi đạt đến sự thành thục sẽ giúp ta có được công việc cũng như hỗ trợ cho ta có thu nhập tốt hơn. Còn phẩm cách đạt tới sự thành thục sẽ giúp ta định nghĩa được con người mình một cách sâu sắc hơn.
Hôm nay thợ rèn nhận ra điều này tuy vậy vẫn biết rằng hành trình tìm ra phẩm cách và kỹ năng mong muốn thành thục cũng như lộ trình để đạt được mức độ thành thục vẫn còn rất dài. Tuy vậy thợ rèn muốn lưu lại đôi dòng để sau này nhìn lại có thể nhận ra được điểm khởi đầu của mình bắt đầu từ đâu.
— By Thợ rèn —