Năm rồi thợ rèn có một niềm vui nho nhỏ đó là được lên chức. Nói là lên chức cho sang chứ trong công ty có vô số bậc cơ mà thợ rèn mới leo lên được một bậc gọi là cầu nối giữa người phụ trách và manager. Vai trò này ở trong công ty thì có thể coi như là một team leader.
Hồi mới vào công ty thợ rèn cố gắng học và làm việc sao cho biết thật nhiều kinh nghiệm. Cái này gọi là rèn luyện để có know-how. Kiểu như khi máy có vấn đề thì biết cách xử lý cho máy chạy ngon, khi không có vấn đề thì tự định nghĩa vấn đề rồi bắt tay vào giải quyết. Người có know-how giống như một tuyển thủ trên sân bóng, sẽ trực tiếp chơi bóng vì vậy nguồn lực lớn nhất mà một cầu thủ có đó chính là sức lực và kỹ năng.
Cơ mà từ ngày lên team leader, phải giao tiếp với các sếp nhiều hơn, phải tham gia các cuộc họp phòng ban khác nhiều hơn, phải chia thời gian cho những công việc không tên thì thợ rèn nhận ra một kỹ năng khác cũng có vai trò quan trọng không kém, đó chính là know-who.
Know-who là gì?
Know là biết, who là ai, vậy know-who có thể hiểu biết ai là ai. Trong công việc thì biết ai có năng lực gì, ai mạnh ở đâu, yếu ở đâu, ai là người nắm quyền quyết định, gặp vấn đề thì trao đổi với ai.
Nếu know-how giống như một cầu thủ trên sân bóng thì know-who giống như một huấn luyện viên bên ngoài sân cỏ. Dù không trực tiếp tham gia vào trận đấu, nhưng lại là người điều hành trận đấu, chỉ ra chiến lược. Nếu người huấn luyện viên có kỹ năng know-who tuyệt vời sẽ là người tối ưu được tổng thể của một tập thể, giúp tạo ra được kết quả tốt nhất cho tập thể với nguồn lực không đổi. Know-who biết rộng nhưng không sâu, vậy nên nếu ví von với một con vật thì thợ rèn nghĩ know-how giống như một con ong chăm chỉ, còn know-who lại giống như một con chim bay trên bầu trời sao cho có cái nhìn bao quát.
Tại sao cần biết know-who?
Bữa thợ rèn được giao nhiệm vụ hỗ trợ một bạn sinh viên thực tập tại công ty trong thời gian 2 tuần. Trong thời gian này nhiệm vụ của thợ rèn là giúp bạn hiểu được hai điều. Thứ nhất công việc của một kỹ sư làm về kỹ thuật sản xuất là gì? Thứ hai là giúp bạn sinh viên đó biết được sự khác biệt của cuộc sống của một sinh viên ngồi trên ghế nhà trường và một người đi làm nhận lương từ công ty.
Thành thực mà nói nếu để bạn sinh viên đó đi theo và học cùng thợ rèn thì thợ rèn cũng thấy hơi gò bó và cũng không mấy hiệu quả để thực hiện hai mục tiêu kể trên. Vậy nên trường hợp này thợ rèn cần kết hợp với các thành viên khác để cùng hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn sinh viên hiểu được 2 điều kể trên và cũng giúp phân chia thời gian để thợ rèn có thể tập trung vào các đầu việc quan trọng khác trong đó có cả những nội dung công việc không thể open với các bạn thực tập sinh.
Thợ rèn mới trao đổi với các bạn ở các phòng ban khác phụ trách các mảng khác nhau trong công ty, bao gồm các bạn phụ trách công đoạn sản xuất vật liệu, các bạn phụ trách nhà xưởng (facility, utility), các bạn phụ trách công đoạn tạo màng chức năng, các bạn phụ trách công đoạn phát triển quy trình mới, các bạn phụ trách về nghiệp vụ văn phòng để lên kế hoạch chung cho NHÓM sinh viên tới thực tập. Bằng cách này, từ một người phụ trách một sinh viên thì thợ rèn và đồng bọn chuyển thành một nhóm người phụ trách một nhóm sinh viên, phân chia chương trình thực tập thành hai phần, phần chung và phần riêng. Phần chung thì 1 người sẽ giới thiệu với tất cả các sinh viên, phần riêng thì một người sẽ phụ trách 1 sinh viên để giới thiệu những nội dung riêng và đặc thù.
Khi hoàn thành phần chung, quay trở về phần riêng, thợ rèn lại kết hợp với các thành viên khác trong nhóm thợ rèn. Thợ rèn kết hợp với người phụ trách thiết kế, người phụ trách về điện để lên chương trình chi tiết cụ thể. Như vậy thợ rèn lại có thể đá một phần việc của mình cho các bạn khác. Gọi là đá chứ với bạn sinh viên thì bạn đấy sẽ biết được nhiều việc hơn và có cái nhìn tổng thể hơn về công việc của một kỹ sư. Vì bạn đấy sẽ biết được cả phần điện và phần cơ (khí), sau này khi có đăng ký vào công ty thì có thể có lựa chọn sao cho phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Ví dụ kể trên thợ rèn vừa kể về cách áp dụng know-who vào thực tế. Know-who giúp tối ưu hoá một hệ thống, một project. Giúp kết nối các thành viên lại với nhau. Người chịu trách nhiệm cho project bắt buộc phải biết know-who nếu project đó có liên quan tới nhiều người, đặc biết là đối với nhiều thành viên trong các bộ phận khác nhau. Know-who đòi hỏi phải biết quan hệ tốt với các thành viên khác, biết được điểm mạnh điểm yếu của mình và của người khác.
Làm thế nào để rèn luyện và phát huy năng lực know-who?
Dám lùi một bước.
Thợ rèn nghĩ dám lùi một bước là thái độ cần thiết để phát huy được năng lực know-who. Như cá nhân thợ rèn sau một thời gian làm về một lĩnh vực chuyên của mình, máy móc thợ rèn phụ trách thợ rèn có tự tin với chúng. Nói cách khác thợ rèn có kinh nghiệm với mảng mình đã làm, nhiều trường hợp thay vì nhờ người khác thì tự mình làm có khi còn nhanh hơn. Nhưng thợ rèn sau này nhận thấy mình cần dám lùi một bước, giao lại việc cho người khác dù việc đó có thể ban đầu có tốn nhiều thời gian hơn, cho dù công việc đó mà người mới làm có kết quả sẽ không được như mong muốn của mình. Việc lùi một bước không phải là lùi một cách vô thức mà việc lùi lại này cần dựa trên khả năng quan sát ai có năng lực phù hợp với việc được giao. Giao việc cho người đó giống như quá trình thử nghiệm cách nhìn người của mình có chuẩn hay không. Thất bại đương nhiên có, nhưng nếu thực sự có kinh nghiệm (know-how) thợ rèn nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục, hỗ trợ trong trường hợp cần phải tham gia.
Tăng giao tiếp
Cá nhân thợ rèn là người hướng nội. Hướng nội có nghĩa thợ rèn cảm thấy thoải mái khi tập trung với công việc một mình. Thợ rèn như được nạp năng lượng khi tập trung, khi đọc sách một mình, và như bị mất năng lượng khi phải tham gia vào những hoạt động tập thể, có nhiều người tham gia. Dù vẫn có thể tham gia được vào những hoạt động đó nhưng thợ rèn sẽ cần thời gian hồi phục khi phải hoạt động tập thể quá nhiều.
Thông thường nhiều người nghĩ know-who sẽ hợp với người hướng ngoại, cơ mà thợ rèn nghĩ điều đó không hẳn như vậy. Know-who có thể rèn luyện với cả người hướng nội và người hướng ngoại. Ngược lại người hướng nội có khả năng nhìn sự vật, sự việc trong sự tĩnh lặng nên đôi lúc có thể quan sát được bản chất vấn đề tốt hơn người hướng ngoại. Điểm yếu thế của người hướng nội đó là ít chủ động xuất hiện trước đám đông, ít móc nối với người khác hơn so với người hướng ngoại, nên ở mặt bằng chung mức độ ảnh hưởng, sự biết tới của mọi người với người hướng nội thường có khuynh hướng thấp hơn người hướng ngoại.
Cách để khắc phục điều này thợ rèn nghĩ đó là chủ động giao tiếp trong những khoảng thời gian ngắn. Nếu trong công ty thì có thể là những câu chào hỏi khi gặp nhau, những cuộc nói chuyện đôi ba phút tại nhà ăn, tại khu vực giải lao…hoặc tiếp cận vấn đề theo cách âm thầm và chủ động hơn đó là quan sát email, tài liệu của những người xung quanh từ đó có thể biết được “người ấy là ai?”
Nắm được nội dung trừu tượng
Trong công việc có các thông tin trừu tượng và cụ thể. Càng cụ thể càng gần know-how, trong khi càng trừu tượng thì càng gần know-who. Ví dụ một người vẽ một cái cây thì họ sẽ tỉ mỉ vẽ từng nhánh cây, từng lá cây, thậm chí họ còn chú ý tới từng chi tiết trên thân cây. Nhưng nếu một người sẽ rừng, cả một lùm cây có khi chỉ được biểu hiện qua một vài nét cong có chủ ý. Họ không vẽ chi tiết một cái cây nhưng họ cần phải phác được lùm cây, vị trí tương đối của các cây, trường hợp cần thiết còn phải vẽ được cả mây và núi. Những thứ này có mức độ trừu tượng cao hơn, và để nắm được cái nhìn tổng thể việc chọn lọc và nắm được thông tin trừu tượng là cần thiết.
Trong công việc ta có thể rèn luyện cách trừu tượng hoá thông tin qua các ví dụ cụ thể. Ví dụ thấy một người dùng phần mềm vẽ bản vẽ một chi tiết, ta có thể trừu tượng hoá hoạt động này là THIẾT KẾ. Sau khi trừu tượng hoá được một hoạt động cụ thể thì ta có thể cụ thể hoá chúng theo các nhánh khác. Ví dụ nhìn bản vẽ suy ra được thiết kế, giờ cụ thể hoá thiết kế thì ta biết thêm: vẽ kỹ thuật, chọn vật liệu, phân tích ứng lực, quyết định dung sai…và ứng với mỗi nội dung đó ta biết được ai là người rành, ai là người nắm thông tin, khi khó thì có thể nhờ ai.
Know-how có thể giúp chúng ta thoả mãn được niềm vui cá nhân, còn know-who giúp mang lại thành quả chung cho một tập thể, mang lại sự tối ưu cho tổ chức và giúp ta rèn luyện năng lực quản lý và điều hành một project. Khi mới vào công ty thợ rèn nghĩ nên ưu tiên phát triển know-how, theo thời gian thợ rèn nghĩ nên điều chỉnh tỷ lệ thời gian phát triển know-how và know-who theo hướng tăng thời gian của know-who. Ngày xưa các bạn còn thấy thợ rèn gánh nước và đập đập đúc đúc cái dao Nhật, chứ vài năm nữa chắc các bạn sẽ thấy thợ rèn mặc áo véc rồi chạy từ lò rèn này qua lò rèn khác vì lúc đó có rất nhiều các em thợ rèn cần sự kết nối.
— By Thợ rèn —