Gần đây có khá nhiều thông tin liên quan tới từ FIRE (Financial Independence, Retire Early) – Hay có thể hiểu là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm. Thợ rèn nhiều lúc cũng bị quấn theo suy nghĩ này ở một khía cạnh nào đó. Nhìn cuộc sống làm công hưởng lương ổn định bên Nhật đôi lúc thấy mình đang bị bỏ lại phía sau. Thợ rèn cũng nghĩ cần phải cố gắng để tạo ra những nguồn thu nhập ngoài lương, để bản thân không còn phụ thuộc quá nhiều vào công việc hiện tại. Tuy vậy, bài hôm nay thợ rèn muốn bàn luận về việc xoáy ngược lại vấn đề, độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm có thực sự tốt? Trước khi độc lập tài chính cần phải chuẩn bị những gì?
Tự do có thực sự tốt?
Có hai khái niệm tự do. Tự do khỏi ABC và tự do để thực hiện ABC. Tự do khỏi ABC ví dụ như chú chim bị giam trong lồng, khi được thả ra thì ta hiểu đó là tự do khỏi cái lồng. Ở đây cái lồng như một thứ gì đó kìm hãm, giữ chân ta. Khi ra khỏi lồng chưa biết ta sẽ làm gì, nhưng trước hết ta được giải phóng, ta được giải thoát khỏi cái hiện trạng tù túng.
Khái niệm tự do thứ hai đó là tự do để làm gì đó. Ví dụ một người nông dân Việt Nam từ trước tới nay phải lao động chân tay. Họ muốn làm trang trại 5~10ha như những người nông dân Nhật Bản, nhưng làm chân tay thì sẽ khó thực hiện trên quy mô lớn. Họ muốn tự do khỏi lao động chân tay, có thời gian để mở rộng quy mô sản xuất, có thời gian để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Tự do này là tự đo để thực hiện ABC.
Tự do tài chính nếu suy nghĩ theo hai loại tự do trên thì cũng có thể hiểu là tự do khỏi sự thiếu thốn về tiền bạc, và tự do không phải vướng bận về tiền bạc để thực hiện việc ABC. Hai thứ tự do này khác nhau ở chỗ có MỤC ĐÍCH sau tự do hay không?
Tự do chưa hẳn đã tốt. Tự do đi kèm với sự cô độc và bất an. Ví dụ một người đi làm công ty bị gò bó về mặt thời gian, nhưng bù lại họ sẽ nhận được một mức lương để chi trả cuộc sống, họ được đóng bảo hiểm, họ được công nhận mình có đóng góp cho công ty, họ có bạn bè và họ được tham gia những cuộc gặp gỡ mà trong đó họ là một phần của tập thể đó. Ngược lại một người tự do khỏi công việc công sở, có thể có những người làm việc freelance, lúc nào thích thì làm việc, còn không thích thì nghỉ ngơi. Có những người làm chủ doanh nghiệp, họ không cần phải ngày ngày báo cáo sếp mà họ có nhân viên báo cáo, cũng có thể có những người về nghỉ hưu quây quần bên con cháu. Nhưng dù họ là ai, thì cũng có khả năng họ sẽ đối diện với hai thứ đó là sự cô độc và bất an.
Xưa kia trong tập thể thì có nguồn thu nhập ổn định, nhưng khi đi làm tự do có thể thu nhập sẽ phụ thuộc nhiều vào thời điểm. Lúc thuận lợi thì làm một hưởng mười, có những lúc không thuận lợi thì nghỉ dài dài, thu nhập không ổn định. Một người giáo viên xưa kia đi dạy thì có đồng nghiệp và học trò, nhưng giờ khi nghỉ hưu thì thành người giáo viên già, thậm chí bao nhiêu năm cũng không có học trò ghé thăm. Sự cô độc và lạc lõng khỏi tập thể là điều có thể xảy ra. Trong tháp nhu cầu MASLOW, con người chúng ta có mong muốn được thuộc về một tập thể, một tổ chức nào đó, khi không thuộc về nơi nào thì ta cảm thấy bị lạc lõng. Sự lạc lõng trở thành niềm vui chỉ đối với ai có được mục tiêu mà họ biết rằng để đạt được mục tiêu đó thì cần phải vượt qua sự cô đơn.
Ngày xưa ta đấu tranh để có độc lập tự do, nhưng thời bình có khi ta muốn trốn khỏi tự do để tìm thấy ý nghĩa của mình trong đó. Những người bạn Nhật mà thợ rèn quen năm nay họ đã ngoài 80 tuổi nhưng họ vẫn làm việc. Có thể là họ tới công ty và chỉ đóng vai trò tư vấn, nhưng họ vẫn dành một chút thời gian nào đó cho công ty. Ngay trong công ty thợ rèn, có những người đã qua tuổi nghỉ hưu, họ đã nghỉ hưu nhưng sau đó lại xin quay lại đi làm, vì nghỉ hưu buồn quá không biết làm gì. Bởi vậy tự do chưa hẳn là sự hoàn hảo tuyệt đối.
Cần làm gì trước khi sự tự do và giàu sang ập tới?
Cá nhân thợ rèn giờ vẫn đang cố gắng làm việc trên công ty, đồng thời cũng quan tâm tới việc xây dựng tài sản cho bản thân sau này. Có một hình ảnh mờ mờ ảo ảo phía sau đó là không đi làm mà vẫn có đủ thu nhập cho cuộc sống của mình, hay mọi người vẫn gọi là tự do tài chính. Giống như quỹ của giải Nobel, hàng năm vẫn trao giải cho những nhà khoa học có thành tựu nghiên cứu xuất sắc với số tiền thưởng trên dưới 1 triệu đô một giải, nhưng nguồn tiền của quỹ Nobel vẫn chưa bao giờ cạn, thậm chí còn tăng lên. Có được điều này là bởi quỹ Nobel có một nguồn quỹ ban đầu đủ lớn và được quản lý bởi một đơn vị có năng lực đầu tư. Số tiền lợi nhuận thu được hàng năm nhiều hơn số tiền thưởng cho giải Nobel nên dù có trao thưởng thường niên đi chăng nữa thì quỹ vẫn không lo bị cạn. Tương tự nếu chúng ta biết được các khoản cần chi, và có được mức lợi nhuận có thể kiếm được (xác suất cao) thì ta sẽ tính được số tiền cần thiết để có thể nghỉ hưu mà không cần bận tâm tới công việc hiện tại.
Nhìn những người xung quanh hay soi vào ngay chính người thân, thợ rèn nhận thấy trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn mọi người khi nghỉ hưu, có thời gian và có dư dả một phần về kinh tế lại thiếu mất một mục tiêu cụ thể. Các cụ ở nhà trông các cháu nhỏ cho anh chị thợ rèn làm việc. Nhưng rồi các cháu cũng sẽ lớn, lúc đó thành thực thợ rèn mong các cụ có được những câu lạc bộ hội nhóm để tham gia. Ví dụ sớm cùng nhau tập thể dục, tối cùng nhau đi lễ, khoảng thời gian còn lại thì sẽ tập trung cho các công việc khác mà bản thân các cụ cảm thấy thực sự yêu thích. Việc yêu thích đó có thể là học một thứ gì đó, giống như Trung Quốc họ mở trường đại học cho người lớn tuổi. Dành thời gian cho một môn nghệ thuật, hoặc đi trải nghiệm đâu đó… Mong muốn là như vậy nhưng lúc trẻ chưa có sự chuẩn bị thì khi lớn tuổi không phải ai cũng có thể thực hiện việc này. Tuổi trẻ, bố mẹ thợ rèn đã vất vả với việc đồng áng để lo cho anh em thợ rèn được học hành, đâu có thời gian để học đàn học hát, đâu có thời gian để đi đây đi kia, lúc có thời gian con cái đi cùng thì được, chứ để các cụ tự đi thì lại là một bài toán không hề nhỏ.
Nhìn các cụ để soi lại mình. Một ngày nào đó cái giàu cũng sẽ ập tới. Sự tự do về thời gian và tài chính cũng sẽ tới nếu ta kiên trì thực hiện những quy tắc trong đầu tư và nâng cấp bản thân. Nhưng nếu chỉ theo đuổi sự tự do đó thợ rèn cảm thấy có gì đó chưa đủ. Thợ rèn nghĩ trước đó cần chuẩn bị một điều hết sức quan trọng đó là MỤC ĐÍCH của việc TỰ DO TÀI CHÍNH.
Tại sao lại cần chuẩn bị MỤC ĐÍCH của sự TỰ DO?
Mặt sau của sự tự do đó chính là sự CÔ ĐỘC và BẤT AN. Chỉ khi nào có được mục đích rõ ràng và sự chuẩn bị để đạt tới mục đích đó thì ta mới có thể vượt qua được sự CÔ ĐỘC và sự BẤT AN. Nói cách khác là khi đó ta sẵn sàng để đón nhận tự do một cách chủ động.
Thợ rèn cũng chưa tưởng tượng được điều gì xảy ra nếu một ngày đẹp trời, tự dưng có một cục tiền mang tên tự do tài chính ập tới, và thợ rèn được giải phóng khỏi công việc đang làm hiện tại. Nghỉ một ngày hai ngày thì không sao, chứ nghỉ cả năm, thợ rèn vẫn chưa đủ tự tin để khẳng định mình sẽ vui với cái gọi là tự do đó. Giả sử như vậy thôi, chứ nếu suy nghĩ trên quy mô nhỏ thì những kỳ nghỉ lễ dài ngày có thể xem là một bản thu nhỏ của sự tự do đó. Có những kỳ nghỉ nếu thợ rèn có kế hoạch về Việt Nam hoặc đi du lịch trải nghiệm, hoặc tham gia một khoá học nào đó thì kỳ nghỉ là điều tuyệt vời. Nhưng cũng có những kỳ nghỉ, thợ rèn cũng không có một kế hoạch rõ ràng, những ngày nghỉ ngơi đó chỉ thực sự thoải mái trong một hai ngày đầu, những ngày sau cái chán nhiều hơn so với việc lên công ty làm việc và vây quanh bạn bè đồng nghiệp.
Mục đích thì mỗi người mỗi khác nhau. Khi quan sát những người bạn lớn tuổi thợ rèn thấy có nhiều người có những hoạt động thú vị có thể tham khảo cho hậu tự do tài chính. Ví dụ như:
- Các bác giám đốc trong hội Rotary hàng tuần sinh hoạt chung với nhau, định kỳ tổ chức các chuyến du lịch gia đình, mời những người có kiến thức tới chia sẻ kinh nghiệm, hàng năm tổ chức các chương trình từ thiện trong nước và quốc tế.
- Bác người quen của thợ rèn hồi trẻ ngoài làm kinh doanh, bác còn luyện tập võ đạo, khi lớn tuổi bác đến dạy và giao lưu với các bạn sinh viên trong các trường đại học.
- Giáo sư Phan Văn Trường sau khi nghỉ hưu thì tham gia xây dựng câu lạc bộ Cấy Nền, và hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch.
- Cô giáo dạy tiếng Nhật của thợ rèn là người say mê với những thành cổ của Nhật. Sau khi nghỉ hưu cô và thầy cùng đi du lịch vòng quanh nước Nhật ngắm thành và viết tài liệu về chúng.
- Tiền bối thợ rèn dù còn trẻ nhưng rất đam mê mô tô và cắm trại, những dịp có thời gian nghỉ dài là lại mang mô tô chạy khắp nước Nhật. Tiền bối bảo khi tích luỹ đủ tiền và thời gian sẽ qua Mỹ chạy từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Thợ rèn nay viết bài này để lưu lại cái gọi là nỗi sợ nếu chẳng may cái giàu về tiền bạc và thời gian tự dưng ập tới để nhắc nhở mình cùng với việc hết mình với hiện tại, còn chuẩn bị cho tương lai. Tìm ra mục đích và có những bước sơ bộ chuẩn bị cho chúng. Khi có thể thực hiện thì bắt tay vào làm thử giống như một bản nháp. Nếu không khi sự tự do ập tới, ta lại vội vàng trốn chạy khỏi sự tự do.
Có một bài viết khác có thể tham khảo được liên quan tới chủ đề Ikigai – Lẽ sống, thợ rèn để link dưới đây. Các bạn có thể tham khảo thêm nhé.
— By Thợ rèn
Tự do khỏi ABC à nhu cầu vươn lên đập bỏ các giới hạn để cung cấp thêm vào thang giá trị cá nhân
Tự do để làm ABC là đem cái thang giá trị bản thân đó cho đúng người cần.
Được ví như tay trái và tay phải. không thể nói cái nào quan trọng hơn, cái nào cần thiết hơn! nó luôn tồn tại đối xứng một cách cân bằng theo đúng quy luật.