Sớm nay thức dậy, thợ rèn nhận được tin nhắn từ một người bạn Nhật. Người bạn này đã ngoài 80 tuổi. Hôm trước do bị nhồi máu cơ tim nên phải nhập viện phẫu thuật khẩn cấp. Thật may mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, và bác đã có thể nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau khoảng thời gian 1 tuần tại phòng điều trị tập trung. Thợ rèn nhận thấy một điều tâm trạng của bác hôm nay tốt hơn hôm trước rất nhiều. Tâm trạng tốt hơn không hẳn vì sức khoẻ đã hồi phục. Qua những tin nhắn, thợ rèn biết bác khoẻ hơn là vì bác thấy có người còn đau đớn hơn. Thấy cảnh này thợ rèn mới nhớ tới một câu tiếng Nhật. Câu này là 人の幸福を知る不幸、人の不幸を知る安心 . Thợ rèn tạm dịch là người ta vui thì mình buồn, còn người ta buồn thì mình vui. Bạn nào biết tiếng Nhật sẽ kêu thợ rèn dịch không chuẩn, nhẽ ra vì vế sau không phải là người ta buồn thì mình vui mà là mình an tâm. Không sao, nghĩa đại khái như vậy nên về cơ bản các bạn có thể hiểu như thế nào cũng được.
Ngẫm một chút thì thợ rèn thấy câu này đúng cho nhiều người, đúng cho nhiều hoàn cảnh. Khi ta thấy ai đó có được hạnh phúc hoặc đạt được thành công hơn mình, thông thường ở một góc nào đó trong suy nghĩ sẽ có những giây phút của sự ganh tị xuất hiện. Sự ganh tị này khiến ta cảm thấy khó chịu và chính sự khó chịu này khiến ta thấy bất hạnh. Trong một ngôi làng, mọi người đang yên ổn sống với nhau, bỗng một ngày có một dự án làm đường chạy ngang qua. Có một số gia đình nọ được đền bù và trở nên giàu có, phần đông những gia đình khác vẫn như ngày xưa, không khá lên chút nào. Những gia đình không khá hơn kia thấy vậy mà cảm thấy bất công, kêu gia đình kia may mắn, không chơi với họ nữa cho bõ tức.
Trong một buổi họp lớp, bằng một số cách nào đó, một số bạn trở nên khá giả, xây được nhà to đẹp, sắm được xe xịn, tự dưng mấy đứa bạn thân ngày xưa thấy vậy mà cảm thấy tủi, rồi trong đầu nghĩ ra muôn vàn lý do cho sự giàu có của người bạn. Phần lớn là những lý do để muốn phủ định sự giàu có của người bạn đó. Nghĩ một mình không bõ, phải lôi những người khác vào mới thấy hả dạ.
Những chuyện như thế này thực sự không phải chuyện hiếm. Bản thân thợ rèn cũng có nhiều lần như vậy. Khi không biết thì thôi, chứ biết người khác thành công là y như rằng trong người sẽ cảm thấy buồn thấy bực, rồi ngồi cầm bông hoa bứt từng cánh rồi lẩm bẩm nó hên, nó không hên, nó hên, nó không hên, hết bông hoa mà là nó không hên thì phải hái thêm một bông nữa rồi ngồi bứt cho tới khi kết thúc là nó hên mới chịu dừng.
Những suy nghĩ như thế này ta gọi là 人の幸福を知る不幸 .
Ở chiều ngược lại 人の不幸を知る安心 – Người buồn thì mình vui
Trong công ty lương của bạn là 10 đồng một mức lương có thể gọi là không cao so với mặt bằng chung. Nếu nghe lỏm và biết ai đó lương tháng được 8 đồng, tự dưng bạn thấy một cảm giác ưu việt hơn. Thợ rèn cũng có mang tiền đi đầu tư, lúc bị thua thấy cũng buồn, nhưng thật lạ khi biết người khác thua nhiều hơn thì niềm vui đã quay trở lại, niềm tin cũng vững vàng hơn vì mình không phải người tệ nhất. Khi thấy mình chưa phải ở đáy thì tự khắc chúng ta sẽ cảm thấy một sự an tâm hơn. Ở đầu bài viết, thợ rèn cũng chia sẻ về người bạn người Nhật. Khoảng một tuần trước, khi vừa trải qua ca phẫu thuật và phải đối diện với những giây phút nguy hiểm, bác buồn rũ rượi thậm chí còn nghĩ tới tuổi thọ không còn được bao nhiêu. Nhưng nay khi thấy người xung quanh rên rỉ vì đau đớn bác lại cảm thấy mình vẫn chưa phải là người đau nhất, từ đó thấy cuộc đời này còn tươi đẹp hơn, phải trân trọng những giây phút hiện tại.
Thấy người vui thì mình buồn, thấy người buồn thì mình vui không nói quá nếu coi đó là một phần đặc tính của con người. Ngoại lệ đương nhiên có, đó là những người đủ gần gũi mà họ đau ta thấy đau, họ buồn ta thấy buồn, hoặc đủ xa để ta không bận tâm. Bản thân chúng ta vừa là nạn nhân của những nỗi buồn vô cớ, nhưng cũng chính là nguyên nhân của những nỗi buồn cho người khác. Bởi vậy thợ rèn nghĩ, mình có thể áp dụng một số nguyên tắc sau để giúp sống sao cho thanh thản hơn.
Nguyên tắc một: Chuyện vui chỉ chia sẻ với người thân thiết Người đủ thân với ta sẽ vui khi ta vui, giống như bố mẹ sẽ thật hạnh phúc khi con cái thành đạt. Việc chia sẻ với những người đủ thân với ta sẽ khiến cho họ hạnh phúc hơn. Ngược lại, mang chuyện vui của mình chia sẻ với những người thân không quá thân, xa lạ không quá xa lạ, chẳng khác gì mình gieo hạt mầm ganh tị, đố kị, rồi họ cảm thấy buồn, thấy bất hạnh. Dù không muốn quan tâm, nhưng theo một cách nào đó tâm trạng không tốt của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới ta. Ví dụ nếu khoe thành công trên facebook, bên cạnh những lời chúc mừng xã giao, còn có thể nhận được những lời mỉa mai không đáng có.
Nguyên tắc hai: Thấy người khác không may hãy nghĩ mình cũng có lúc sẽ như vậy Cùng thả đàn gà, mà nhà bên gà của họ không biết thế nào lăn đùng ra chết. Gà nhà mình thì không sao, trong lòng chẳng hiểu sao thấy có chút vui nhẹ nhẹ. Nhưng vui một chút thôi, còn thời gian ta hãy suy nghĩ, một lúc nào đó mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự. Nếu như vậy thì cần chuẩn bị những gì? Hoặc để không xảy ra như vậy thì phải tìm hiểu nguyên nhân của sự việc là gì, lấy đó làm bài học để răn bản thân.
— By Thợ rèn vừa thấy hả hê vì đồng nghiệp bị sếp mắng —