Nay thợ rèn đọc cuốn sách 仕事と心の流儀 của giám đốc công ty thương mại Itochu của Nhật, trong đó có một từ mới mà thợ rèn muốn ghi chú lại và chia sẻ. Từ mới lần này là 反面教師 (hanmenkyoushi). Từ này có thể tạm dịch là người thầy phản diện.
Cuốn sách viết về những suy nghĩ được chắt lọc từ một người Nhật điển hình đại diện cho cuộc sống làm công ăn lương. Điều đặc biệt của tác giả đó là ông đã cố gắng để vươn lên từ một nhân viên bình thường và trở thành giám đốc của một công ty thương mại siêu to khổng lồ. Nói tới Itochu người ta nhắc tới đại diện 1 trong năm công ty thương mại lớn nhất của Nhật bao gồm Mitsubishi Shouji, Mitsuibusan, Sumitomo Shouji, Itochu, và Marubeni. Ngày xưa thợ rèn cũng có tính xin việc vào công ty thương mại, cơ mà bị đánh trượt vì nhân sự họ bảo thợ rèn thật thà làm trong ngành này sẽ vất, thế là bây giờ thợ rèn không phải là nhân viên của họ mà lại là đối tác và làm việc trực tiếp với họ.
Tác giả cuốn sách tên đầy đủ là 丹羽 宇一郎 (Niwa Uichirou) . Ông vào làm việc như bao người nhân viên bình thường. Dù là công ty thương mại tầm cỡ đi chăng nữa, người Nhật vẫn có quan niệm những nhân viên mới chưa làm được việc, nên tốt nhất để cho họ làm những việc nhỏ, những việc vặt trước, quen việc rồi mới giao việc có trọng trách hơn. Niwa được giao hỗ trợ cho những đàn anh bận rộn, ví dụ như soạn báo giá, kiểm tra lại các con số, tra cứu thông tin. Niwa gắn bó với công ty và chưa từng nhảy việc dù trong đầu đã có nhiều lần cảm thấy bất mãn và muốn chuyển đi. Trước khi lên chức và có vị thế, ông đã từng làm việc dưới chướng của nhiều tiền bối, nhiều sếp, và ông cũng đã làm việc với rất nhiều công ty đối tác. Ông nhận ra rằng ở bất kì công ty nào, ở bất kỳ phòng ban nào cũng đều có những người cấp trên tuyệt vời. Khi gặp được những người như vậy thì đó là cơ hội lớn, cần phải trân trọng để học tập và nâng tầm bản thân.
Nhưng ở chiều ngược lại, cấp trên, tiền bối hay đồng nghiệp không ra gì cũng không phải là chuyện hiếm. Những nhân viên trẻ, khi gặp những người như thế này thường không chịu đựng nổi, hệ quả là chuyển bộ phận hoặc chuyển công ty (cho biết tay). Thực tế, trong một công ty lớn vai trò của bất kỳ ai cũng đều có thể thay thế, ngay cả giám đốc nên việc những nhân viên trẻ rời đi thực sự hoàn toàn không phải là vấn đề gì quá lớn với một bộ máy đã vào guồng quy củ.
Sau khi kinh qua nhiều mối quan hệ cả tốt đẹp lẫn sứt mẻ, Niwa nhận ra rằng bất kỳ người nào trong cuộc sống này khi chúng ta gặp đều có thể trở thành thầy của ta. Người thầy tốt thì cho ta bài học để ta học và làm theo. Người thầy không tốt thì sẽ chỉ cho ta thấy những điều ta không nên phạm phải. Trong trường hợp này từ ngữ thích hợp để miêu tả đó chính là 反面教師 – người thầy phản diện. Nếu ta nhận ra cấp trên thường xuyên nạt nộ nhân viên, công cán thì nhận về mình, thất bại thì đổi tại nhân viên là điều không tốt thì ta có thể chuyển thành bài học đó là sau này lên làm sếp thì không được phạm phải những điều như vậy.
Cá nhân thợ rèn nhận thấy từ 反面教師 này có thể gặp rất nhiều trong cuộc sống. Ngay cả trong gia đình hay trong trường học, trong mối quan hệ bạn bè hay chính trong công việc thường ngày. Ngày trước gần nhà thợ rèn có một gia đình có ba người con. Người chị lớn và hai người con trai. Người bố là người sống khá gia trưởng, thường uống rượu và quát nạt vợ con. Có những lần con cái làm sai điều gì ông thường dùng đòn roi để phạt. Có những lần người con phạm lỗi ông bắt cởi hết quần áo cho ra đứng đường chịu phạt. Thợ rèn ngày ấy thấy sợ đúng hơn là thấy rợn người với cách xử trí của những người như thế này. Trường hợp này ông chính là một người thầy phản diện điển hình để cho ta có thể học tập. Nói như vậy, nhưng nếu không có lập trường hoặc không được tiếp cận tới những điều tốt đẹp thì rất có thể ta sẽ bị lây nhiễm và trong vô thức tự cho phép mình làm những điều không tốt.
Khi đi làm thợ rèn cũng có gặp được những người sếp tuyệt vời, những tiền bối tuyệt vời. Họ làm việc rất nhanh và chuyên nghiệp. Khi làm việc thì làm hết trách nhiệm Thông tin nắm ngọn ngành, hỏi một thì biết tới 10, còn có thể đưa lại những lời khuyên để thợ rèn có thể làm việc tốt hơn. Nhưng cũng có những vị sếp hay đồng nghiệp thợ rèn cảm thấy khá khó có thể hợp tác. Chưa bắt đầu câu chuyện thì đã bị nạt. Luôn ỷ thế là tiền bối để bắt nạt hoặc yêu cầu thợ rèn làm việc. Đối với cấp trên thì luôn thể hiện sự thảo mai và ngôn từ thánh thót như những chú chim hoạ mi. Thợ rèn ngày xưa cũng ngây thơ, có lần bị nạt liền xù lông phản kháng, cãi nhau ngay trong thời gian đi công tác nước ngoài. Buổi sáng hai bên có hơi to tiếng với nhau một chút mà buổi chiều đầu bên Nhật từ sếp to tới sếp nhỏ đều biết chuyện và gọi điện qua hỏi “Thợ rèn ơi thợ rèn, có phải thợ rèn đang bị stress không mà cãi nhau với tiền bối như vậy?”. Thì ra là vị tiền bối sau vụ to tiếng đã thông báo với những người liên quan tới thợ rèn đầu bên Nhật. Thợ rèn giận lắm, nhưng cũng không làm gì được… Sau này thợ rèn qua xin lỗi, đồng thời cũng tự dặn bản thân nếu có làm tiền bối thì cũng sẽ không trở thành người như vậy, mà phải trở thành người tiền bối như người mà thợ rèn thấy tôn kính. Nếu suy nghĩ như cách mà ông Niwa nghĩ thì người tiền bối to tiếng với thợ rèn chính là một người thầy phản diện.
Thực tế thì con người không ai hoàn thiện tất cả. Bởi vậy bản thân một người thầy cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Một người thầy phản diện cũng có những mặt của một người thầy lý tưởng để ta hướng tới. Cách suy nghĩ người thầy phản diện theo thợ rèn nghĩ có ba hiệu quả. Thứ nhất giúp ta giữ được tâm thế bình tĩnh không hành động chịu sự chi phối quá mức của cảm xúc. Thứ hai giúp ta học được những điều không nên phạm phải, điều mà người thầy lý tưởng không chỉ được cho ta. Thứ ba là giúp ta không bỏ qua những mặt tốt của người thầy phản diện.
Bạn nào biết tiếng Nhật có thể đặt mua cuốn sách này tại Amazon. Sách đã có bản nhỏ cầm tay, các bạn có thể mua bản này đọc lúc ngồi tàu điện hoặc ngồi xe.
–By Thợ rèn–