Mấy hôm trước bà thợ rèn (bà họ) ngã và đã mất. Bà đã ngoài 90 tuổi, bình thường sức khỏe cũng còn rất là tốt. Ở cái tuổi người ta thường nói gần đất xa trời, nhưng con cháu ai cũng mong bà sống lâu hơn nữa để vui cùng con cháu. Sự ra đi của bà có phần đột ngột, nhưng xét ở một phần nào đó, có lẽ cũng thuận theo tự nhiên. Thợ rèn ở xa chỉ mong sao bà có thể an nghỉ sau hơn 90 năm cuộc đời vất vả vì con cháu.
Ngẫm chuyện người đi kẻ ở, thợ rèn cũng đã trải qua không ít những cuộc chia ly. Có những cuộc chia ly hết sức đột ngột. Có những cuộc chia ly sau những khoảng điều trị bệnh ung thư. Có những cuộc chia ly của người lớn tuổi, nhưng cũng có những cuộc chia ly của những người em hoặc những người bạn gần như cùng lứa tuổi với thợ rèn.
Hơn 7 năm trước, khi thợ rèn còn là sinh viên, thợ rèn đã phải chia ly với một người Nhật đã hỗ trợ thợ rèn rất nhiều cả về vật chất và tinh thần. Bác bị ung thư phổi và di căn lên não. Những ngày điều trị cuối cùng bác nằm điều trị tại bệnh viện ngay trước cổng trường đại học nơi thợ rèn theo học. Bởi vậy cứ mỗi chiều sau khi hoàn thành thí nghiệm và các bài báo cáo trên trường, thợ rèn chạy qua bệnh viện chơi với bác. Bác thích âm nhạc và thích cuộc sống sôi nổi. Sinh nhật thợ rèn bác mới ra viện sau một đợt xạ trị dài. Bác dẫn thợ rèn đến một phòng trà, ở đó vừa nghe đàn vừa ngồi uống trà. Bác còn lên hát những bản nhạc tiếng Anh những năm 50,60. Sau đó chừng 2 tháng, bác tái nhập viện, nhưng lần này tình hình trở nặng hơn, những ngày cuối cùng bác về nhà cùng với người thân trải qua những khoảng thời gian yên bình với gia đình. Trong tang lễ của bác, trừ những lúc phải tiến hành nghi lễ cần sự trang nghiêm, còn lại các khoảng thời gian mọi người lên thắp hương hay trước lúc làm lễ đưa vào hỏa táng nền nhạc của nhà tang lễ là những bài hát mà lúc sinh thời bác rất yêu thích. Đó là bài I Just called to say I love you, One way ticket, Poetry In Motion, Oh Carol, Oh My Love, My Darling, Dream Lover, Diana… Giờ ngồi viết những dòng này, thợ rèn bật những bản nhạc này và như nhớ về những khoảng thời gian rất đẹp ngày đó. Thợ rèn cũng chưa từng gặp một tang lễ nào lại bật nhạc như vậy, nhưng khi tham dự tang lễ thợ rèn hiểu được điều này và cảm nhận được một nét rất riêng có màu sắc của bác. Trong lời cảm ơn con trai bác có nói nguyện vọng cuối cùng của bác là hãy bật những bản nhạc này trong tang lễ của bác.
Một năm sau, thợ rèn nhận tin dữ bố thợ rèn mất đột ngột. Bố thợ rèn lúc đó cũng còn trẻ. Trước đó bố có dự cảm điều gì đó và có dặn dò lại với mọi người ở nhà, nhưng đôi lúc những lời dặn dò đó có phần nửa thật nửa đùa. Ở quê, thời gian chuẩn bị cho tang lễ rất gấp gáp vì mọi người không để người đã mất trong nhà quá lâu. Cũng thật may khi mẹ và anh trai thợ rèn có nhớ lại những lời bố dặn và trong tang lễ mọi người cố gắng thực hiện theo điều bố mong muốn dù thời gian chuẩn bị thực sự rất gấp gáp. Khi làm được điều này bản thân mọi người trong gia đình sau đó cảm thấy có một phần gì đó thanh thản hơn về tinh thần.
Một vài năm sau thợ rèn có nhận được tin một em kohai (đàn em) trong trường đại học thợ rèn theo học mất do bị dịch tràn phổi. Em còn trẻ và mọi chuyện đến khá bất ngờ. Em cũng không kịp dặn dò với gia đình, vì trước đó em vẫn còn khá lạc quan về bệnh tình. Khi gia đình qua Nhật lo tang lễ cho em, thợ rèn thấy được sự vất vả của bố mẹ và em gái của em. Bạn bè và anh em trong trường cũng cố gắng lo lắng cho em, nhưng điều có lẽ thợ rèn thấy chưa được trọn vẹn nhất đó là người đi kẻ ở chưa dặn dò nhau được điều gì.
Khi chúng ta còn trẻ, việc tự tin vào sức khỏe là điều dễ hiểu. Nhưng cuộc sống có những thứ chúng ta không lường trước được. Trải qua những cuộc chia ly, thợ rèn cũng đã trải qua được nhiều cung bậc cảm xúc. Vừa rồi việc bà thợ rèn ngã và ra đi có phần đột ngột thợ rèn mới chợt dạ, cuộc đời tưởng vô hạn mà hữu hạn, chuyện sinh tử tưởng xa mà gần, tưởng chuyện của người mà thực ra cũng chính là chuyện của mình. Bởi vậy ngay khi còn trẻ, nếu ta chuẩn bị được thì tốt. Dù còn trẻ, nếu ta viết ra những điều để chuẩn bị cho một chuyến đi xa, có lẽ đó lại là một việc không hề thừa thãi. Làm những việc này, để sau này khi chẳng may có những việc gì đến một cách đột ngột thì ta vẫn có thể sớm bình tĩnh để tập trung vào những giây phút cuối cùng đó, còn người thân và bạn bè cũng dễ dàng thực hiện những nguyện vọng của chúng ta hơn. Bác Hồ của chúng ta có ý định viết di chúc từ năm 1960. Năm 1965 Bác đặt bút viết di chúc, sau nhiều lần chỉnh sửa vào tháng 5 năm 1969 bản di chúc cuối cùng mới được hoàn thành. Như vậy từ khi khởi suy nghĩ tới lúc hoàn thành Bác đã dành khoảng 10 năm.
Đối với người trẻ, việc viết di chúc sớm quá thợ rèn nghĩ có thể chưa cần thiết. Tuy vậy việc sắp xếp những thứ quan trọng trong cuộc sống, sắp xếp thông tin và chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ là cần thiết. Vì cả mình và vì cả những người thân quen. Việc viết những dòng này thợ rèn đọc được trong một cuốn sách thì họ gọi đó là hoạt động viết “Ending Note”, tạm dịch là Cuốn sổ cuối đời. Nội dung họ nêu ra nhiều lắm. Cơ mà ngồi chắt lọc lại thợ rèn lọc ra được một số nội dung như phía dưới, và phân thành ba nhóm: Nhóm thông tin, nhóm về tang lễ và nhóm về tài sản. Các bạn có thể tham khảo, và lọc ra các nội dung, dành một cuốn sổ và viết ra những gạch đầu dòng những điều có thể viết được trước. Vào những dịp đặc biệt, có thể dành nhiều thời gian hơn để tổng hợp và hoàn chỉnh. Điều này cũng giống như tạo cho bản thân cơ hội để review lại bản thân.
Cá nhân thợ rèn cũng chưa viết được hoàn thiện. Thợ rèn có một cuốn sổ có tên Nhật Ký tương lai, viết về những điều mình muốn đạt được theo cách mình đã đạt được (trong tưởng tượng). Có lẽ phần Ending Note này sẽ là phần cuối của cuốn sổ thợ rèn sẽ bổ sung trong thời gian tới. Việc viết sẽ không hề đơn giản, đặc biệt với những người không có thói quen viết. Vậy nên thợ rèn nghĩ mọi người có thể bắt đầu bằng các giấy nhớ và các gạch đầu dòng, sau đó gom chúng lại. Khi có nhiều mảnh giấy nhớ, có thể ngồi xuống viết tổng hợp lại thì sẽ dễ hơn.
Thân ái
Thợ rèn
**** Ghi chú ****
Những nội dung có thể bao gồm trong một ending note
- Thông tin cơ bản
Ø Ngày tháng năm sinh (âm lịch, dương lịch), gia phả, lịch sử học tập, làm việc công tác một cách sơ bộ
Ø Thông tin gia đình và những người liên quan (mối quan hệ, địa chỉ, số điện thoại, có thông báo về nghi lễ tang hay không)
Ø Những kỷ niệm với gia đình, người thân
Ø Những điều về ngôi nhà mình đã sống tới bây giờ
Ø Những mối quan hệ bạn bè
- Thông tin bảo mật cá nhân
Ø Những nội dung liên quan tới bảo hiểm và lương hưu
Ø Các tài khoản ngân hàng, các khoản tiền mặt, các khoản nợ, các khoản vay
Ø Những thông tin liên quan xử lý dữ liệu máy tính và việc sử dụng hay hủy các dữ liệu đó
Ø Mail, điện thoại, các tài khoản và hội viên
- Thông tin bệnh án và những nội dung về điều trị
Ø Thông tin nhóm máu, lịch sử điều trị bệnh tật
Ø Sau khi chết có mong muốn hiến thân hiến tạng không?
Ø Các loại thuốc sử dụng
Ø Trường hợp cần chăm sóc y tế cần lưu ý điều gì?
- Về tang lễ và mộ phần
Ø Gọi bao nhiêu người? Tôn giáo? Nghi thức? Chủ tang là ai?
Ø Hình thức mộ phần và mức chi phí cho mộ phần
Ø Về phương án chôn cất (địa điểm mong muốn được an táng…)
Ø Những trang phục hay các món đồ muốn mang theo khi chôn cất hoặc hỏa táng
- Nguyện vọng phân chia tài sản
Ø Phân cho ai, phân theo tỷ lệ bao nhiêu? Những lời viết ở đây không có giá trị pháp lý, mà có giá trị như lời dặn dành cho những người ở lại
Ø Các món đồ quý có hay không? Nếu có thì mong muốn gửi lại cho ai hay gửi quỹ từ thiện
Ø Có di chúc hay không? Nếu co di chúc thì được để ở đâu?
- Lời nhắn tới người ở lại
Những thông tin khác
- Về thú nuôi
Ø Những lưu ý khi nuôi thú, bác sỹ thú y, bảo hiểm cho thú nuôi…