Bài viết dưới đây thợ rèn đọc được từ trang của bác Phạm Xuân Cần. Thấy có một góc nhìn thú vị trong cách so sánh giữa sự bao bọc với hình ảnh chú gà công nghiệp nên thợ rèn lưu lại, bạn nào quan tâm vào theo dõi bác, thi thoảng có bài hay để đọc.
Cá nhân thợ rèn khi đọc bài này nghĩ tới ba hình ảnh
- Sự bao bọc của doanh nghiệp nhà nước
- Sự bao bọc của các cậu ấm cô chiêu
- Sự bao bọc của những doanh nghiệp có mức lương hậu hĩnh và ổn định
Theo thứ tự liên quan và mức độ cảm nhận thực tế thì cái thứ ba là cái gần thợ rèn nhất. Cái thứ nhất thì có vẻ xa và ít liên quan nhất. Cái thứ ba tức là sự bao bọc của những doanh nghiệp có mức lương hậu hĩnh và ổn định, trong đầu thợ rèn nghĩ tới doanh nghiệp Nhật Bản và thân phận bản thân.
Vậy làm thế nào để thoát được cảnh bị nhốt như gà công nghiệp? Làm thế nào để khi được thả ra thì không phải mò về cái chuồng cũ vì bất lực với sự thoải mái bên ngoài kia? Cá nhân thợ rèn nghĩ chúng ta có thể nghĩ tới từ khoá “THỬ” trong an toàn tìm đàng khởi thoát. Sự thay đổi đột ngột có thể giống như đột biến gen, có khả năng sẽ tạo ra đột biến vượt trội, nhưng cũng có khả năng tạo ra những bệnh mà không sao chữa nổi. Nếu nắm được ưu thế của phần thắng hoặc có back up cho sự thất bại thì chấp nhận rủi ro là việc thợ rèn nghĩ có thể khiêu chiến, nhưng chỉ đơn thuần là random thì chúng ta có thể cân nhắc tới việc thử trong giới hạn bản thân có thể điều khiển được.
Ví dụ khi bị nhốt lâu ngày thả luôn ra ngoài vườn không cho trở lại chuồng có khi gà công nghiệp chết đói. Nhưng nếu chỉ thả trong giới hạn, ở đây có thể là giới hạn thời gian, giới hạn không gian thì gà công nghiệp vừa có thể trải nghiệm được tự do quen dần với nhịp sống khác, hiểu được sự tự do và biết khao khát tự do là đúng, nhưng đồng thời không bị shock với những khó khăn chưa lường trước ngoài kia. Khi biết khó khăn, sau khi được quay về chuồng chú có động lực để tập thể thao ngay chính trong chuồng, nhịn ăn, mài móng…
Nhà thợ rèn ở quê có nuôi ga ta, con nhỏ, giá thì mắc nên thi thoảng cũng có mua gà công nghiệp về ăn dần. Nhưng thay vì làm thịt luôn, nhà thợ rèn thả vào chuồng có không gian cho gà đi lại, rồi dần dần thả vườn, nuôi được môt vài tháng, gà công nghiệp có được cả đặc trưng của cả gà ta và gà công nghiệp, cách làm này cũng không khác gì việc phát huy tối đa năng lực của những chú gà công nghiệp theo lộ trình phù hợp với chú.
Gà công nghiệp là gì? Tư duy gà công nghiệp có gì không ổn mời các bạn cùng đọc và ngẫm trong bài viết sau…
Mình còn nhớ hồi đầu Đổi mới, khoảng năm 1987, 1988 gì đó, báo Hà Nội mới có đăng một loạt bài của một nhà tâm lý học, phân tích tâm lý của dân ta khi chuyển sang kinh tế thị trường khá thú vị. Trong đó có bài phân tích về một kiểu tâm lý mà tác giả gọi là tâm lý “gà công nghiệp”.
Đại loại chú gà công nghiệp béo tốt, đứng trong chuồng nhìn ra thấy mấy chàng gà trống chạy nhảy loăng quăng, lại còn nhảy lên đống rơm, đập cánh gáy vang lừng, rồi sau đó tha hồ đạp mái. Nhìn thấy vậy, chú mới biết, té ra lâu nay mình ở trong này tưởng sung sướng, no đủ, hóa ra là tù túng, là thiếu tự do quá. Trời ơi, chú khao khát tự do. Tự do còn quý hơn vạn lần thức ăn, nước uống. Thế là chú kiên quyết đấu tranh để được tự do. Dường như cũng thấu cảm với khát vọng cao cả của chú, ông chủ bèn mở cửa cho cậu ra ngoài.
Trời đất! Thế này mới là sống chứ! Cả một khu vườn rộng mênh mông, chú muốn đi đâu cũng được, làm gì cũng được. Chú định đập cánh nhảy lên đống rơm, như chàng choai nọ, nhưng không thể nào nhấc nổi thân hình to béo lên khỏi mặt đất. Chú định cất tiếng gáy thật hào sảng cho giống chú gà cồ kia, nhưng âm thanh mà chú phát ra chẳng khác gì chiếc cát sét bị rối băng. Rồi không đợi chú đến gần, mấy chị gà mái đã vội lảng đi, lại còn ra hiệu cho nhau rằng đừng gặp thằng bất lực đó mần chi.Quá trưa, chú bắt đầu thấy đói. Lúc còn ở trong chuồng chú đã để ý thấy mấy chị gà mái bươi đất để tìm giun, hoặc bới chỗ đống rơm này để tìm thóc. Chú cũng làm theo, nhưng than ôi, cái chân của chú không bươi đất, không nhặt cỏ, không bới rơm được. Cũng có lần thấy mấy hạt thóc lẫn trong sỏi, hoặc một con giun đất đang quằn quại, nhưng cái mỏ của chú không dám mổ. Eo ơi, bẩn thế, mất vệ sinh quá. Thế là, không đợi chiều xuống, cuộc phiêu lưu tìm tự do của chú kết thúc sớm. Chú lại quay về chuồng, nơi có thức ăn và nước uống đang đợi sẵn.
Mấy chục năm đã trôi qua trong kinh tế thị trường, chắc là dân ta cũng đã có những trưởng thành và tiến bộ. Cũng đã có nhiều chú gà công nghiệp không chỉ tự bươi đất, lặt cỏ để kiếm sống, mà còn sáng tạo giúp đời, giúp mình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng, xem ra tâm lý “gà công nghiệp” hãy còn rất nặng nề, thậm chí ngày càng có nhiều ‘biến chủng” tinh vi và sâu sắc. Mà, nặng nề nhất là trong tư duy. Vốn đã quen được bao cấp cả về trí tuệ, rất nhiều người, kể cả những người lao động trí tuệ cũng mất đi khả năng tư duy độc lập. Trước khi nói, hay viết họ đều ngó lên trên, dò ý lãnh đạo, để nói và viết theo. Rất tiếc, số này lại được xã hội cho là khôn ngoan, thức thời. Kết quả là báo chí, văn chương rặt một thứ ba phải, đèm đẹp, suôn suôn, còn khoa học xã hội thì hầu như chỉ biết chứng minh cho nghị quyết đúng, minh họa cho chính sách hay. Ngay cả khi được phép nói thật, nhiều người cũng không biết ý nghĩ thật của mình là như thế nào nữa! Trước những sự kiện chính trị xã hội trong nước, hoặc trên thế giới, đa phần ngóng đợi định hướng từ trên. Trên bật đèn xanh hướng nào là y như rằng cả hàng nghìn tờ báo, cơ quan ngôn luận rầm rập hành quân theo hướng đó. Trên bật đèn đỏ là y như rằng câm như thóc. Cũng có lúc trên bật “đèn vàng”, rứa là loạn cào cào, khối anh việt vị. Người ta chỉ có thể làm được cái gì đã nghĩ trong đầu. Khi trong đầu không có độc lập, không có sáng tạo thì có thể làm được gì? Khi hàng vạn, hàng triệu người tự đánh mất đi khả năng tự do trong tư duy, đó chính là lúc mầm nô lệ sẽ mọc lên.Tự do là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Nhưng tự do không tự đến, ngay cả khi đã có ai đó đem đến cho ta. Tự do cũng cần được nuôi dưỡng và rèn tập, thử thách và đấu tranh, khí phách và kỹ năng. Nếu không, rồi chúng ta lại như những chú gà công nghiệp năm nào…