Trong lĩnh vực công nghệ thông tin có một mô hình tên là mô hình DIKW, là viết tắt của bốn từ Data, Information, Knowledge, và Wisdom. Thợ rèn thấy mô hình này khá thú vị vì nó có thể áp dụng cho nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy bữa nay thợ rèn ngồi cạch cạch một chút về chủ đề này. Chi tiết các bạn xem phần hình ảnh phía dưới. Đây là mô hình để cho ta thấy sự khác biệt của bốn khái niệm này.
Hàng ngày chúng ta sống tràn ngập trong các con chữ, các số liệu (vô hồn). Cái này được gọi là data (dữ liệu). Đây cũng là tầng thấp nhất trong mô hình DIKW. Data là nền tảng cho những thứ ở bậc cao hơn. Những dữ liệu, con số chưa có ý nghĩa này, sau khi được sắp xếp và được gom góp lại thì được xem là thông tin (Information). Có thể coi những tin tức, bài báo, tin tức thời sự là thông tin thường thấy nhất mà chúng ta tiếp cận hàng ngày. Bản thân thông tin có ý nghĩa nhưng nó chưa có ích. Ở bậc cao hơn là tri thức (Knowledge). Thông tin được chuyển thành tri thức khi nó được phân tích và hệ thống hoá. Những cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách chuyên môn có thể được xem thuộc tầng này. Và tầng trên cùng đó chính là trí tuệ (Wisdom). Thứ này muốn có được thì cần thực hành tri thức, trải nghiệm và cho ra output. Bản thân wisdom được thăng hoa và trở thành một phần của chúng ta ảnh hưởng tới giá trị quan và định nghĩa con người của chúng ta.
Dựa trên định nghĩa ở trên, chúng ta hãy cùng ngẫm lại một chút về những nội dung mà mình thu nhận hàng ngày. Nội dung thu được từ internet, báo chí chủ yếu là dữ liệu và thông tin. Thứ có ích thì ít, mà thứ chiếm mất thời gian và dung lượng của chúng ta thì nhiều. Ngược lại, những nội dung mà ta thu được từ sách hoặc từ những câu chuyện với người khác thường thuộc tầng cao hơn, chủ yếu là tri thức. Tri thức là thứ có ích và giúp chúng ta tiến gần hơn tới việc thay đổi và định nghĩa bản thân, cũng như tạo ra giá trị cho xã hội.
Trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Do đó chúng ta thường bị nghiêng quá nhiều về D và I trong khi đó cái thực sự cần thiết là K và W thì chúng ta lại ít quan tâm hoặc phân bổ thời gian cho chúng ít hơn. Vậy làm thế nào để tăng thời lượng để chúng ta có thể dung nạp được nhiều K và tạo ra nhiều W hơn? Câu trả lời đó là chúng ta cần ý thức hơn đối với việc sử dụng thời gian và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Ngày nay khi nói về nguồn để ta tiếp cận thông tin và kiến thức thì có thể kể tới phổ biến nhất là internet và sách. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc dành thời gian cho sách nhiều hơn một chút, tỷ lệ internet – sách có thể là 1 – 9, 2 – 8, 3 – 7. Ngay lập tức thực hiện 1-9 thợ rèn nghĩ sẽ hơi khó. Bởi hàng ngày chúng ta có vô vàn những thói quen lãng phí mà chưa thể giải phóng bản thân khỏi những thói quen đó trong một sớm một chiều. Các bạn có thể bắt đầu từ tỷ lệ 5 -5 sau đó nâng lên 4-6, rồi tiến tới 3-7. Sách thông thường sẽ được viết sâu hơn và có hệ thống hơn, nhiều trường hợp nó giúp chúng ta hình dung và giải quyết vấn đề ở mức độ phổ quát hơn. Nhiều trường hợp một vài cái cạch cạch google là có thể cho ra kết quả “tạm tạm”, nhưng nếu các bạn muốn có được kết quả xịn xò hơn thì việc đầu tư cho việc tìm kiếm thông tin qua những cuốn sách sẽ là vô cùng quan trọng.
Thợ rèn ngày trước cũng bị “nghiện” đọc tin, mặc dù đã đôi ba lần thợ rèn ngồi rút kinh nghiệm vì việc đọc tin tức hàng ngày chiếm nhiều thời gian và nó không giúp cho mình tiến bộ nếu không muốn nói phần lớn tin bài quấn mình theo những câu chuyện không mấy thú vị. Sau này thợ rèn đặt báo giấy Nikkei để check tin tức hàng ngày. Báo giấy có chất lượng thì nội dung tin bài về cơ bản là đầy đủ và có các nội dung chính, nội dung thì được giới hạn trong số trang quy định thợ rèn cũng không thể tạt ngang như khi dùng internet. Báo giấy là cách thợ rèn quy định mình tìm đọc thông tin (Information) trong phạm vi giới hạn định trước.
Báo giấy thì có một bất lợi đó là những đợt đi công tác không ở nhà , thợ rèn không có báo để đọc. Để bù đắp khoản này thì internet hỗ trợ. Tuy nhiên khi dùng internet thì thao tác mở các trang tin tốn thời gian nhiều hơn ta nghĩ, nguy cơ chen ngang những nội dung không liên quan, nếu không khéo quản lý thời gian sẽ tiêu mất nhiều thời gian hơn dự định ban đầu. Nhưng ngược lại, internet cũng có điểm mạnh là tin bài phong phú, cập nhật liên tục và đa dạng nguồn tin, nếu khéo léo tìm kiếm còn có thể có những trang bài chất lượng gần đi ngang với những cuốn sách. Thợ rèn có mò mẫm thì ra được một vài công cụ giúp hạn chế điểm yếu và tăng cường điểm mạnh của internet, các bạn có thể tham khảo và có thể thử nếu thấy khẩu vị của mình có vẻ hợp nhé. Dưới đây thợ rèn giới thiệu hai công cụ, bạn nào có quan tâm các bạn có thể google thêm, sẽ có nhiều bài viết chi tiết hơn hướng dẫn cách làm cụ thể.
*** GOOGLE Alert
Đây là tiện ích miễn phí dành cho các bạn có tài khoản Google. Google sẽ lọc những tin bài nổi bật liên quan tới từ khoá bạn thiết lập. Các bạn có thể thiết lập ngày gửi alert email một lần hoặc một tuần một lần. Bạn có thể tuỳ chỉnh vùng và ngôn ngữ. Thợ rèn lấy ví dụ hình ảnh phía dưới là phần Google Alert mà thợ rèn thiết lập nhận tin hàng ngày liên quan tới chủ đề về Corona. Thợ rèn đọc tiếng Nhật nên hình ảnh hơi khó hiểu, cơ mà thợ rèn thấy khá hài lòng với các tin bài được lọc bởi google. Tiêu đề rõ ràng và thậm chí thợ rèn không cần phải đọc nội dung chính cũng nắm được thông tin. Ngoài tin tức thợ rèn nghĩ Google Alert còn thích hợp để các bạn tìm hiểu về một chủ đề nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ về AI, về Yoga, về một từ khoá nào đó chẳng hạn…
*** RSS Reader
Ứng dụng này có thể mô tả giống như một nơi gom tất tần tật những trang tin mà bạn thường xuyên check và tự động cập nhật những bài viết mới hàng ngày. Bạn sẽ không mất công phải vào gõ từng địa chỉ, bật từng trang báo lên để đọc. RSS Reader mà thợ rèn hiện đang dùng là Feedly, bản miễn phí. Hình ảnh phía dưới là tin bài cập nhật mà thợ rèn thường check từ hai nguồn NHK và VietJo.
Giả sử các bạn theo dõi những trang có nội dung hay nhưng họ không có tin bài thường xuyên, ví dụ một trang blog nào đó chẳng hạn các bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng này để đỡ mất công vào tìm bài mới vì chỉ cần khi có bài mới mà bạn chưa check ứng dụng sẽ tự động cập nhật.
Ngoài hai công cụ trên nếu các bạn để ý thì có thể thấy dù đọc tin về Việt Nam nhưng thợ rèn lại dùng tiếng Nhật. Đây là một mẹo nhỏ để lọc tin bài. Khi có quá nhiều tin bài, chỉ những tin có giá trị hoặc có mức độ ảnh hưởng cao mới được dịch sang ngôn ngữ khác. Bởi vậy thợ rèn cố gắng dùng màng lọc này để đỡ mất công đãi cát tìm vàng, mà chỉ việc nhặt vàng tây hay vàng ta mà thôi.
— By Thợ rèn