Dịch corona bên Nhật vẫn còn đang tăng mạnh, công ty thợ rèn cũng đang khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, hạn chế lên công ty, hạn chế đi công tác, hạn chế tiếp khách. Tuy vậy vì đặc thù công việc, nên thi thoảng thợ rèn vẫn đi công tác trong nước Nhật. Gần đây dự án đang chạy chuẩn bị đến khâu tăng tốc nên lần này phải bay đi nước ngoài. Những lúc như thế này thợ rèn lại có cơ hội được quan sát những điều mới mẻ dù đó là tại nhà ga, hay tại khách sạn nơi mà thợ rèn có cơ hội dừng chân.
Chuyến công tác lần này thợ rèn đặt khách sạn tại gần ga, có onsen và có bữa ăn sáng đi kèm. Phòng khách sạn của Nhật hẹp lắm. Thợ rèn thấy có cái giường mà chiếm hết 1/2 diện tích phòng. Cơ mà bù lại cái giường họ để cái nệm rất êm, cái gối cũng rất ổn thành ra đêm nằm ngủ thấy cực kỳ thoải mái. Nước dùng trong khách sạn toàn bộ là nước ion, loại nước này được biết là tốt cho sức khoẻ. Diện tích phòng là điểm trừ, tuy nhiên khách sạn lại có những điểm cộng khác, đúng hơn là những điều mà thợ rèn thấy có thể học tập được, nên ghi chú lại, biết đâu có bạn nào ham học hỏi lại áp dụng được vào nơi làm việc thì đó lại là niềm vui nho nhỏ cho mỗi sớm mai thợ rèn thức giấc.
Thứ nhất: Chuyện chai nước tặng miễn phí và bài học win-win có qua có lại
Lần này thợ rèn bay nước ngoài nên phải kiểm tra PCR và phải có giấy chứng nhận âm tính mới được phép lên máy bay. Thợ rèn lên ga Shin-Osaka trước chừng 2 ngày. Thời gian này cố gắng không có tiếp xúc với người khác vì hiện tại thành phố cũng đang tăng nhiều về số ca nhiễm. Bởi vậy trong thời gian lưu trú tại đây, thợ rèn không cần tới dịch vụ dọn phòng (thay ga, thay khăn, dọn vệ sinh…)
Ở nhiều khách sạn họ để sẵn 2 tấm bảng, một là yêu cầu dọn phòng, hai là không cần dọn. Trong khoảng khung giờ 10:00~15:00 các bạn vệ sinh phòng sẽ lướt qua một lượt và ghé thăm các phòng. Ai quên không thông báo là bạn nhân viên dọn phòng sẽ gõ cửa và chui vào bởi các bạn có chìa khoá vào được tất cả các phòng. Ai giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và không muốn làm phiền thì có thể thông báo bằng cách đặt tấm biển đó trước cửa phòng, nhân viên tự khắc hiểu và bỏ qua. Việc này thợ rèn thấy khá quen, chẳng cứ bên Nhật mà ở nước khác cũng có.
Nhưng khách sạn lần này có một điểm đặc biệt đó là đổi lại cho khách hàng một phần những lợi ích mà họ có được. Ví dụ không phải dọn phòng thì nhân viên dọn phòng không mất thời gian, khách sạn cũng đỡ tốn chi phí dọn phòng. Để cảm ơn khách hàng, họ gửi cho khách một chai nước tinh khiết tốt cho sức khoẻ. Thợ rèn thấy vui vì đây là lần đầu mình nhận được món quà như vậy dù đã từng lưu trú tại nhiều khách sạn.
Kem đánh răng và các dụng cụ vệ sinh cá nhân cũng có chế độ tương tự. Họ sẽ tặng cho khách hàng một món quà nho nhỏ khi mang những món đồ chưa dùng đó mang xuống quầy tiếp tân. Thợ rèn thấy nhiều khách sạn họ cung cấp những món đồ này như phần đặc định về số lượng và về chủng loại mặc dù nhiều lúc thợ rèn không có dùng hết. Một phần thợ rèn dùng đồ tiết kiệm, nhưng một phần cũng là khách sạn họ cung cấp đồ luôn dư để khách không bị thiếu. Nhất là khi ở dài ngày, có những món đồ thợ rèn nghĩ có thể dùng lại được chứ không cần phải bỏ đi ngay, ví dụ bàn chải đánh răng thì 2 ngày một cái, có thể giữ lại một cái chưa dùng, dao cạo râu, kem đánh răng cũng vậy.
Cá nhân thợ rèn thấy việc trao đổi này khá hay vì nó có lợi đôi bên. Khách sạn tiết kiệm được vật tư, khách hàng nhận được tặng phẩm nhỏ. Điểm hay là khách sạn tuyên bố với khách hàng, khơi dậy cho khách hàng biết được những lợi ích có thể đổi lại được. Những bạn nam thanh nữ tú, sống chan hoà với thiên nhiên, biết dùng đúng lượng, không lãng phí sẽ cảm thấy rất vui với dịch vụ này. Các khách sạn hay các ngành dịch vụ khác ở Việt Nam cũng có thể tham khảo nguyên tắc “WIN-WIN có qua có lại” này để áp dụng cho nơi làm việc có mình. Ví dụ siêu thị có thể tặng khách hàng cái kẹo nếu khách hàng mang theo túi mua đồ và không dùng tới túi đựng đồ, công ty có thể tặng cho nhân viên một món quà tượng trưng cho số điện nước mà công ty tiết kiệm được…
Thứ hai: Mieruka tại phòng ăn và bài học cụ thể hoá vấn đề
Thời covid nên khu vực ăn sáng được phân làm các ngăn. Mỗi ngăn chỉ một người ngồi và chắn bằng tấm nhựa trong suốt. Sau khi khách dùng xong thì cần vệ sinh lau chùi sạch sẽ bằng cồn. Người làm việc này là nhân viên. Nếu mà cứ phải đi canh ai vừa ăn xong để mà khử trùng thì vừa tốn thời gian vừa có nguy cơ bỏ sót.
Tại khách sạn này thợ rèn thấy họ có để trên bàn một tấm bảng. Nửa trên ghi là đã thanh trùng khử độc, phần dưới là đã dùng xong (chưa khử độc). Khách ngồi ăn ban đầu sẽ chọn nơi nào ghi là đã thanh trùng, dùng xong thì úp mặt kia lên vậy là chẳng cần nói thì nhân viên cũng biết chỗ nào cần tới lau và khử trùng. Khách hàng khác cũng tránh được những chỗ đó ra để ngồi, vừa an toàn vừa đỡ tốn công.
Tại Toyota cách làm này có thể coi là mieruka tức biến mọi thứ về trạng thái có thể nhìn thấy. Bạn thấy, thợ rèn thấy, người khác cũng thấy. Thấy rồi đương nhiên chúng ta sẽ biết công việc cần xử lý. Điểm cộng đó là họ dùng 1 tờ giấy, chỉ có úp với lật là có thể thực hiện được mieruka, dùng màu sắc khác nhau nên nhìn từ xa là có thể thấy các bạn ạ.
Áp dụng điều này cho các công ty bên Việt Nam thợ rèn thấy có thể áp dụng một vài trường hợp như:Tại nhà ăn để sẵn lọ cồn, một tờ giấy ghi hai mặt, một mặt là “Đã khử trùng”, mặt kia là “Chưa khử trùng”, nhân viên tới nhà ăn mọi người sau ăn sẽ khử trùng và lật tờ giấy về trạng thái mới, ai lười chưa làm thì để người sau vào nhìn thấy trạng thái chưa vệ sinh và sẽ vệ sinh qua trước khi ngồi vào.
Thứ ba: Tuyên ngôn tôi đã dọn phòng và bài học cụ thể hoá trách nhiệm
Gần đây số người Việt Nam tại Nhật tăng lên. Có thể thấy được điều này qua các con số thống kê nhưng thợ rèn nghĩ, có thể thấy điều này ngay trong cuộc sống thường ngày. Bữa trước thợ rèn đi Shirakawago (Gifu) ngắm tuyết, thấy rất nhiều người Việt, cứ ngỡ làng này là làng cổ của người Việt chứ chẳng phải của người Nhật. Hoặc như khi đi đến các quán ăn, cửa hàng tiện lợi, nhân viên phục vụ có ghi bảng tên là tiếng nước ngoài tăng lên, có những cái tên rất quen thuộc như Lan, Hoa, Việt, Hà, Thu…Nay thợ rèn vào khách sạn này thấy trên bàn ghi tên bằng katakana ティエプ (Tiệp?) với nội dung là: “Bữa nay Tiệp? đã vệ sinh phòng – Super Hotel”.
Cái hay của chuyện này không phải là giới thiệu tên người Việt mà là việc tuyên bố tên như thế này sẽ khiến cho khách hàng như thợ rèn cảm thấy dễ chịu vì biết chắc chắn phòng đã được vệ sinh, còn về phía khách sạn thì cũng tạo động lực cho người vệ sinh phòng làm chăm chỉ và có trách nhiệm hơn. Ai cũng muốn được khen chứ chẳng ai muốn bị bêu tên hoặc bị khách hàng phàn nàn trực tiếp rằng phòng nay anh Tiệp, chị Lan dọn phòng dơ.
Trước kia, khi đi công tác tại Trung Quốc thợ rèn cũng thấy ở các máy họ có ghi người chịu trách nhiệm chính là A Lín (anh Lâm), người phó là A Wáng (anh Vương). Khi thấy tên mình được viết trên máy cái máy sẽ được chăm sóc chu đáo hơn, người được ghi tên cũng cảm thấy mình có trách nhiệm hơn với điều được tuyên bố.
Trên đây thợ rèn vừa giới thiệu ba điều hay mà thợ rèn học được từ khách sạn. Các bạn vô tình đọc được có ví dụ nào thực tế gần thì có thể áp dụng, nếu không có trường hợp nào gần gũi thì các bạn có thể trừu tượng hoá những ví dụ trên sau đó cụ thể hoá cho trường hợp của mình. Đây cũng là cách chuyển cách làm hay của người khác thành cách làm hay của riêng mình. Thợ rèn lấy ví dụ cho trường hợp thứ hai, các bạn có thể trừu tượng hoá thành “Để rút ngắn thời gian xác nhận, sự vật sự việc nên được mieruka”. Sau đó cụ thể hoá bằng cách soi xuống công việc của mình. Bạn nào làm văn phòng có thể soi xem mình đã mieruka trạng thái công việc đang làm hay chưa? khi rời văn phòng mình đã mieruka nơi mình đang đi hay chưa…
#2255 By Thợ rèn