Bữa qua ghé tủ sách trên công ty, thợ rèn mượn được một cuốn và vô tình đọc đến một trang viết về khái niệm active non-action. Cuốn sách dày 200 trang, nhưng chỉ có 3 trang viết về nội dung này. Những câu từ gợi mở và ý nghĩa lửng lơ của ba trang sách khiến thợ rèn tò mò, phải tìm đọc thêm để hiểu hơn về nó. Thợ rèn đã tìm qua tiếng Việt nhưng chắc do thợ rèn chưa biết cách tìm, nên không thấy. Còn khi tìm bằng tiếng Nhật, thợ rèn có tìm được một số cuốn sách, đặc biệt là các cuốn sách về kinh doanh và phát triển bản thân có đề cập tới. Nay tranh thủ giờ giải lao trên công ty thợ rèn lại lụi hụi viết đôi dòng chia sẻ với các bạn về chủ đề active non-action này.
Định nghĩa
Active là hoạt động, Action là hành động, Non-action là không hành động. Hiểu sơ qua, thì active nói về tình trạng đang ON giống như nick facebook đang bật, trạng thái zalo đang ON, còn mở rộng ra thì có thể hiểu ta đang sống, ta đang làm việc. Còn Non-action có nghĩa là không hành động. Hành động khác hoạt động, vì hành động có mục đích, do đó non-action có thể tạm hiểu là hành động không có mục đích hoặc hành động trong trạng thái không phương hướng. Người Active Non-action có thể hiểu là đang ở trạng thái ON nhưng ON không mục đích.
Trong tiếng Nhật, từ này được dịch là不毛な多忙(FUMOU NA TABOU), FUMOU là từ chỉ đất cằn cỗi, không đủ dinh dưỡng cây trồng, nghĩa bóng có thể hiểu không có thành quả và cũng không có tiến triển gì. Còn TAOU nghĩa là bận rộn, do đó nếu dịch qua tiếng Nhật thì active non-action có thể dịch là sự bận rộn nghèo nàn. Khái niệm “bận rộn nghèo nàn” này được đề xuất bởi ông Sumantra Ghoshal một học giả và nhà giáo dục Ấn Độ, ông là giáo sư quản trị chiến lược và quốc tế tại Trường Kinh doanh Luân Đôn.
Dấu hiện nhận biết
Dấu hiệu nhận biết đầu tiên cho sự bận rộn nghèo nàn đó chính là: Bận nhưng việc quan trọng không làm được.
Bận việc, bao nhiêu việc từ phòng ban khác đưa xuống, quyển sổ tay thì kín lịch theo những block 15 phút, chỉ tập trung cho những việc trước mắt cũng không đủ thời gian. Cơ mà trong sự bận bịu đó đôi lúc ta chỉ biết mình bận mà không biết là mình đang bận vì điều gì. Bận nhưng không cảm nhận được mình đã đạt được một thứ gì đó quan trọng và ý nghĩa. Những người đi làm công ăn lương như thợ rèn thường rất dễ bị rơi vào tình trạng này.
Bữa nay thợ rèn mới được xưởng gọi xuống xử lý vấn đề cho máy đang gia công sản phẩm mẫu. Việc máy có vấn đề hoàn toàn không trong dự định. Nhưng vì phải đối ứng xuất hàng cho khách, nên khi có sự cố như thế này, thợ rèn cũng bắt buộc phải vào xưởng. Hoặc như buổi ngày hôm qua, thợ rèn lúc đang chuẩn bị đóng máy tính đứng lên ra về, đại diện phòng sản xuất có qua nhờ thợ rèn chuẩn bị tài liệu xin dự toán cho đề án cải tiến máy để nâng cao chất lượng. Thợ rèn ngồi một hồi nói chuyện qua nói chuyện lại rồi cũng nhận, với điều kiện chỉ làm sơ bộ tức xây dựng concept, còn làm chi tiết chỉn chu để báo cáo lên trên thì giao lại cho phòng sản xuất. Hoặc đang ngồi chuẩn bị tài liệu đào tạo cho các bạn Đài Loan, sếp gọi điện qua yêu cầu cung cấp một số thông tin để sếp viết báo cáo hàng tuần, thế là thợ rèn lại ngồi tạch tạch soạn mail mà thực lòng chẳng muốn làm một chút nào.
Bận bịu một mặt có nghĩa là chúng ta đang vào một guồng quay của bộ máy, ta đang hoạt động, ta cũng đang cố gắng, va ta đang được phòng ban khác, bộ phận khác tin tưởng nhờ giúp đỡ. Những người càng làm được việc thông thường sẽ lại càng bận. Nhưng điều đáng sợ là sự bận bịu theo kiểu trên thông thường sẽ có mô men, tức một khi bước vào trong vòng xoáy đó thì mình sẽ bị gia tốc, và chạy liên tục, và rồi chúng ta không nhận ra mình đang dành thời gian cho những công việc đó hoặc ta tự nghĩ dành thời gian cho những công việc đó là chuyện đương nhiên. Khi dành quá nhiều thời gian cho nó, đồng nghĩa với việc mình sẽ mất đi cơ hội và thời gian để bắt tay vào những công việc thực sự quan trọng và có ý nghĩa. Trạng thái này chính là active non-action.
Dấu hiệu thứ hai đó là không trả lời được câu hỏi: “Việc thực sự quan trọng và có ý nghĩa với bản thân mình là gì?”.
Câu hỏi này thực sự không dễ trả lời. Nó còn quá chung chung. Thợ rèn thử bóc tách cho trường hợp của thợ rèn để các bạn có thể tham khảo, hình dung. Với thợ rèn, việc quan trọng với bản thân sẽ được bóc tách ra làm bốn nhóm. Nhóm một là sức khỏe, nhóm hai là tình cảm gia đình, nhóm ba là xây dựng tài chính, và nhóm bốn đó là phát triển trí đức và nhân cách. Công việc với thợ rèn đó là nguồn giúp thợ rèn xây dựng tài chính cơ sở, nhưng sẽ không phải là nguồn để sau này trở nên giàu có, còn đọc sách hay viết lách như thế này là cách để thợ rèn trau dồi thêm trí đức.
Khi tìm hiểu về khái niệm active non-action thợ rèn nghĩ từ giờ nếu bản thân có rơi vào tình trạng bận rộn nghèo nàn, thợ rèn sẽ quán chiếu vào bốn trục kể trên và tự hỏi mình, sự bận rộn này có cống hiến đóng góp cho 4 bốn trục mục tiêu đó hay không (mục tiêu cụ thể thì các bạn có thể viết ra để dễ đối chiếu, chứ 4 trục kể trên vẫn còn rất trừu tượng).
Cách thoát khỏi trạng thái active non-action
1. Dành thời gian đối thoại với bản thân
Thợ rèn còn nhớ hồi năm hai, thợ rèn được giao project mà trong đó phải đi công tác nhiều. Có những thời điểm phải kết hợp với các bạn nước bản địa thay nhau ca sáng và ca tối để kịp tiến độ khách hàng. Có lần thợ rèn qua đến sân bay Pudong Thượng Hải phải phi ngay tới công ty, chiều tối mà bên công ty yêu cầu phải xử lý ngay vấn đề. Có những giai đoạn sáng mở mắt ra là lên xe đến công ty, lúc về tới nhà đã là gần 12h đêm, chỉ kịp tắm gội qua rồi đi nghỉ, sớm mai lại một vòng quay như vậy. Không có thời gian để suy nghĩ và làm gì khác, chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là làm thế nào để xử lý vấn đề hiện tại mà thôi.
Nhưng chính những lúc như vậy, chúng ta lại càng phải tách mình khỏi dòng công việc hiện tại, và tự hỏi bản thân những điều thực sự quan trọng với bản thân là gì? Trong cuộc đời này chúng ta muốn làm gì? Vì ai? Vì điều gì?
Khi có được tri kỷ mở lòng hàn huyên chia sẻ được những điều đó thì là một sự hạnh phúc, nhưng nếu không có được tri kỷ như vậy thì chúng ta có thể lắng nghe chính con người của chúng ta (inner voice). Viết nhật ký, lưu lại những suy nghĩ đó có thể cũng là một cách để ta ngồi lại với chính con người ta, dù đó là con người mà hàng ngày ta không để nó xuất hiện trước đám đông.
2. Phân bổ thời gian và ý thức về cách sử dụng thời gian
Nội dung này thợ rèn tham khảo của trang pwc.com thợ rèn để link cuối bài, bạn nào quan tâm có thể vào đọc nội dung tiếng Nhật
Trước hết thợ rèn giới thiệu ma trận về cách ý thức phân bổ thời gian. Ma trận có 4 ô, phân theo hai trục, mức độ ưu tiên gồm ngắn hạn và dài hạn. Những việc ngắn hạn là việc của hôm nay hay ngày mai, còn mức độ ưu tiên dài hạn là những việc trường kỳ không thể thực hiện trong một sớm một chiều như lập gia đình, tự do tài chính, tăng cường sức khỏe…Trục dọc chỉ mức độ quan trọng và ý nghĩa của công việc. Ví dụ ngồi xe buýt là có mức đóng góp ít, còn đọc sách sẽ có mức độ đóng góp nhiều…
Thường chúng ta sẽ ưu tiên xử lý những công việc ngắn hạn (gấp) và có mức độ quan trọng cao, nhưng lại dễ quên đi những công việc dài hạn (không gấp) và có mức độ quan trọng cao. Đây là lỗ hổng thường thấy và cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bận rộn nghèo nàn. Vậy nên theo thợ rèn nghĩ, việc quan trọng nhất đó chính là ý thức việ cphana bổ thời gian cho vùng số 1. Vùng 2, 3, 4 các bạn có thể tham khảo phía dưới để hình dung cách xử lý.
Cụ thể hơn một chút, ma trận dưới đây sẽ chỉ ra cách gom 4 phần trên thành 3 phần gồm Maximize (vùng 1-tối đa), Optimize (vùng 2- tối ưu), Minimize (vùng 3,4-tối giản).
Ngày trước thợ rèn cũng có đọc cuốnイッシュー からはじめよ(Issue Driven) của tác giả 安宅和人có nội dung cũng khá giống với mấy ma trận này. Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc. Trong giới hạn bài viết này, tạm thời thợ rèn tạm dừng ở đây. Mong các bạn lượm lặt được một vài ý để có thể nhận ra mình có đang trong trạng thái bận rộn nghèo nàn hay không? Nếu có thì làm thế nào để có thể thoát được ra khỏi trạng thái đó.
#2255 By Thợ rèn
Tham khảo