Tình cờ nói chuyện với một chị bạn bên Việt Nam về chủ đề cuộc sống ở Nhật, thợ rèn khoe ngày nào cũng ăn cá sống với ăn rau xà lách sống. Chị đấy mới thốt lên bảo thế thì giun sán đầy người. Nghe vậy thợ rèn mới chột dạ nghĩ 12 năm ở bên Nhật này, mình vẫn chưa một lần uống thuốc tẩy giun, có khi nào phải tìm hiểu xem ở Nhật có nên uống thuốc giun hay không? Kết luận là có, ngay ngày hôm đó thợ rèn ra cửa hàng bán thuốc bên Nhật gọi là drug store mua ngay một vỉ thuốc có tên パモキサン về uống.
Tại Việt Nam, hàng năm uống thuốc giun là chuyện hết sức bình thường. Nhà nào có điều kiện thì mua thuốc giun quả núi, ngọt và dễ uống. Nhà nào không có điều kiện thì mua loại thường, loại này thì đắng hơn.
Tại Nhật giun có tên là 蟯虫(ギョウ虫) thuộc họ ký sinh trùng. Nhật Bản cũng từng như Việt Nam hiện nay. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, những năm 1945 có tới 70~80% dân số Nhật được khám có mang trong mình trứng hoặc giun sán. Thời bấy giờ, người Nhật gọi giun sán là bệnh quốc dân. Sau một thời gian, kinh tế phát triển, Nhật đầu tư hơn cho cơ sở hạ tầng, người dân cũng quan tâm hơn tới việc giữ gìn sức khoẻ và vệ sinh cá nhân, nhà nước thì đầu tư phát triển hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (下水道) giúp tình hình được cải thiện hết sức đáng kể.
Chừng 30 năm sau, năm 1975, tỷ lệ dân số nước Nhật nhiễm giun sán chỉ còn dưới 1%. Tỷ lệ này được cho rằng còn thấp hơn so với hiện nay.
Ngược với Nhật, theo nghiên cứu của học viên quân Y (2005) hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ dân số nhiễm giun sán chừng 60~70% dân số. Còn trên thế giới cũng có tới 1.4 tỷ người nhiễm giun đũa, 1.3 tỷ người nhiễm giun móc năm 1995 , và tập trung chủ yếu tại các nước châu Phi, châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam(1). Hiện nay tình hình có thể đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên con số người nhiễm giun sán chưa thể về dưới 1% như Nhật Bản được.
Theo nghiên cứu của bà Kaku, năm 1986 tỷ lệ trẻ em khu vực quanh Tokyo nhiễm giun sán vào khoảng 0.85%. Trong khi đó người nước ngoài vào Nhật Bản và được khám nhiễm giun sán chiếm tỷ lệ 16.5% (2). Điều này chứng tỏ thực tế tại nước ngoài vấn đề vệ sinh và phòng chống bệnh giun sán vẫn còn có khoảng cách khá xa so với Nhật.
Từ kết quả trên thợ rèn cho rằng, dù chúng ta đang sinh sống ở Nhật, dù tỷ lệ nhiễm giun sán tại quốc gia này ở mức thấp nhưng chúng ta vẫn nên uống thuốc giun hàng năm. Lý do như sau:
- Thứ nhất, khả năng về Việt Nam hoặc qua một quốc gia khác trong các kỳ nghỉ hoặc đi công tác, du học trao đổi… là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong thời gian 1~2 tuần sinh hoạt tại nơi đó, có nguy cơ mang mầm giun sán. Như cá nhân thợ rèn gần như năm nào cũng về Việt Nam hoặc đi một nước nào đó. Nhiều bạn du học sinh và các bạn đang làm việc bên này cũng trong hoàn cảnh tương tự.
- Thứ hai, Nhật có nhiều cá sống, rau sống. Dù khả năng nhiễm giun có thấp hơn nhưng không thể phủ nhận con số 1%.
- Thứ ba, thuốc giun ở Nhật có bán phổ biến, có thể mua mà không phải đến phòng khám (mua tại drug store), giá khoảng dưới 1000 yên, không quá mắc. Chi phí để giữ gìn sức khoẻ như vậy không quá tốn kém.
Bạn nào mà có quên mấy năm nay không uống thuốc giun thì có thể tham khảo từ khoá ギョウ虫駆除剤 (thuốc trừ giun), hoặc có thể mua thuốc パモキサン về uống để từ mai ta bớt lo lắng về ký sinh trùng có trong người các bạn nhé.
#6666- By Thợ rèn
Tham khảo