Khi tới các ngôi chùa của Nhật ngày nay bạn sẽ thấy tên chùa được viết theo cấu trúc OO 寺 – 寺(tự) có nghĩa là chùa. Tên chùa được viết theo hàng ngang nhưng lại được đọc từ phải sang trái chứ không phải từ trái sang phải. Tại sao vậy? Nhật Bản là quốc gia cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán Ngữ, mà ngày trước khi sử dụng chữ Hán bất luận viết theo hàng dọc hay viết theo hàng ngang, tất cả đếu được viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ phải qua trái.
Tới cuối thời Eido (thế kỷ 18, 19), văn hoá phương tây bắt đầu được du nhập vào Nhật Bản. Năm 1788, ấn phẩm Lan học giai thê (蘭学階梯) bộ ấn phẩm về văn hoá và lịch sử Hà Lan được giới thiệu và phát hành tại Nhật. Hồi bấy giờ, người Nhật phân cách viết theo nguyên tắc, tiếng Nhật viết dọc, tiếng nước ngoài viết ngang. Nhưng cách phân biệt này có nhiều điều bất tiện, phải kể đến đó là sự bất tiện khi tra từ điển. Mỗi lần đọc tiếng nước ngoài lại phải quay ngang cuốn sách 90 độ rất phiền hà. Sự phiền hà này khiến cho người Nhật chuyển từ viết dọc sang viết ngang, và họ mô phỏng cách viết từ trái qua phải của các nước phương Tây.
Đến trước chiến tranh thế giới thứ 2, trong nước Nhật văn bản viết ngang theo thứ tự từ trái qua phải đã dần được định hình. Kể từ ngày 1/1/1946 tiêu đề của báo chí bắt đầu sử dụng cách viết này (nội dung thì vẫn viết dọc như ngày nay). Chậm thay đổi nhất là các văn bản liên quan tới toà án. Các văn bản chính thống liên quan tới toà án chỉ bắt đầu viết theo hàng ngang từ ngày 1/1/2001.
Các ngôi chùa tại Nhật phần lớn đều là những ngôi chùa được xây trước khi cách viết cổ điển được chuyển sang cách viết hiện đại, nên dù tên chùa viết theo hàng ngang thì thứ tự đọc vẫn là từ bên phải sang trái. Nếu bạn đi chùa tại Việt Nam và để ý thì cũng thấy điều tương tự, nhiều ngôi chùa có tên được đọc từ phải sang trái. Phải chăng đây cũng là một dấu tích cho thấy sự ảnh hưởng của văn hoá Hán ngữ cũng nên.
#2222- By Thợ rèn