Trong thời đại xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay, để sống hạnh phúc chúng ta hãy thử làm theo cách kết hợp giữa phong cách của người Đan Mạch và của người Nhật qua cuốn sách 未来に通用する生き方 của tác giả Shimazaki và Nakajima nhé. Bật mí, hai tác giả này một người đam mê nghệ thuật, làm việc liên quan tới kiến trúc các nước Bắc Âu, một người là trưởng bộ phận đầu tư của đại sứ quán Đan Mạch, cả hai đều là những con người thanh tú. Thợ rèn không viết hết lại được, chỉ trích lại những phần nào thú vị trong cuốn sách mà thôi.
**** Điểm thú vị số 1: Tưởng tưởng 30 năm sau
30 năm sau không biết mình sẽ như thế nào nhỉ? 30 năm sau mình muốn trở thành người như thế nào? Để làm được điều này thì mỗi ngày ta phải làm gì? Xã hội bây giờ thay đổi nhiều rồi, người Nhật cũng như người Đan Mạch sẽ còn sống thọ hơn trước nữa. 30 năm sau, dù chúng ta là ông cụ hay bà cụ sẽ thú vị hơn nếu ta tự thiết kế cuộc đời của mình thay vì vui vẻ với cuộc sống trong viện dưỡng lão. Cái này gọi là thiết kế cuộc đời các bạn nhé. Trong cuốn sách không nhắc tới, cơ mà thợ rèn cho rằng có một bí kíp có thể giúp ta hình dung được tương lai, đó là viết “NHẬT KÝ TƯƠNG LAI”. Nhật ký tương lai cũng giống với cuốn nhật ký bình thường nhưng ta sẽ viết ở thì quá khứ. Ví dụ,
…ngày 13/1/2050. Năm nay thợ rèn thật vui vì đã trúng cử chủ tịch nước. Giấc mơ bao năm nay đã thành hiện thực…
Chúng ta có thể bỏ qua tất cả những điều kiện ràng buộc, để cho ta được thoả mãn ý nguyện, và ta tưởng như mình đã làm được điều đó. Điều quan trọng là không chỉ để trong đầu mà cần phải viết ra, và cần viết ở thể quá khứ các bạn nhé. Ở khía cạnh nào đó, chúng ta đã khởi động một hiện tượng gọi là tự kỷ ám thị, đây cũng là bước sơ bộ đầu tiên đưa ta tới gần tương lai mà mình mong muốn.
Cơ mà 30 năm? Dài quá, tưởng tưởng sao nổi đây? Thực ra 30 năm cũng chỉ là sự kết nối của 30 cái 1 năm, một năm được kết nối bới 12 cái 1 tháng, mỗi tháng được kết nối bởi 4 cái 1 tuần, và một tuần được kết nối bởi 7 cái 1 ngày. Như bí kíp viết nhật ký tương lai ở trên, các bạn có thể mua một cuốn nhật ký, sau đó viết cho 1 năm phía trước, quyết định chủ đề cho 12 tháng, mỗi tháng 1 chủ đề, về các tuần thì chia ra làm các công việc cụ thể ĐÃ làm, sau đó viết cho các ngày là những đầu việc chi tiết, cụ thể hơn. Đầu năm thợ rèn viết nhật ký cho năm, đầu tháng viết cho tháng, đầu tuần viết cho tuần, đầu ngày sẽ viết cho ngày các bạn ạ.
Trong cuốn sách cũng có đề cập tới một phương pháp tên là tư thục 私淑. Tư là ta, thục là hiền lành nhưng trong tiếng Nhật từ này có nghĩa là “học từ xa”. Mặc dù ta không được nhận sự chỉ dạy trực tiếp nhưng ngưỡng mộ ai đó là người đáng kính và phỏng theo đó để học. Học tiếng Nhật bao năm mà nhờ chăm chỉ đọc sách hôm nay thợ rèn mới biết từ này đấy. 30 năm nếu tưởng tượng không ra thì có thể học theo những vĩ nhân trong quá khứ, những người nước khác cũng không sao, lấy họ làm gương rồi dõi theo. Nếu ta tìm hiểu về cuộc đời, lịch sử của ai đó, sẽ thấy tất cả đều có nốt trầm nốt bổng, sẽ thấy họ sẽ có những nỗi khổ chẳng kém gì nổi khổ (của ta). Khi thấy vậy thì ắt mình sẽ có động lực để chấp nhận những điều mà mình gặp phải đồng thời tin vào năng lực bản thân và tin vào cái đích mà ta đang hướng tới. Biết cách tin vào bản thân con đường rồi sẽ mở ra.
**** Điểm thú vị số 2: Công việc có 3 loại
Phần này thợ rèn thích nhất trong cuốn sách này. Tác giả sau khi trải nghiệm hơn nửa cuộc đời ở hai quốc gia Nhật Bản, Đan Mạch đã đúc kết ra một điều việc ta làm có 3 loại: việc công ty, việc cá nhân, và việc chí lớn. Trong tiếng Nhật, họ khéo dùng từ đồng âm (đọc) khác ý nghĩa, 3 từ này lần lượt là 仕事,私事,志事 .
Cuộc đời thật là tươi đẹp, nhưng lớn lên và chăm chỉ làm những việc do người khác mang yêu cầu (việc công ty) thì mình chưa thực sự sống cuộc đời của mình. Xã hội của Nhật là xã hội của công việc, thợ rèn cũng thấy người Nhật mà mình quen biết có nhiều người ưu ái cho công việc nhiều hơn nên ít có thời gian dành thời gian cho việc cá nhân, và chỉ một số ít người suy nghĩ tới việc chí lớn.
Cả ba việc trên đều có vai trò quan trọng như nhau. Việc công ty giúp ta có lương (thực) cho cuộc sống sinh hoạt, việc cá nhân là những việc dành cho gia đình, bồi bổ kiến thức cho bản thân, việc chí lớn là việc hoạt động vì cộng đồng và thường khiến cho ta cảm nhận được giá trị tồn tại của bản thân. Để làm tốt được cả ba công việc này, sức khoẻ là thứ cần được ưu tiên đầu tiên. Bên cạnh đó còn phải khéo léo kết hợp và giữ được sự cân đối giữa cả ba công việc, nghiêng quá về một bên đôi khi sẽ tạo ra sự xô lệch và không đạt được kết quả như mong muốn. Đi làm việc cho cộng đồng mà chuyện nhà chưa xong thì tối về vợ xéo con kêu, tính đi công tác xã hội mà sức khoẻ của mình không rèn luyện, leo lên xe là say xanh mặt thì cũng không ổn. Tính đi hỗ trợ bà con cách nuôi trồng mới có hiệu quả kinh tế cao mà năng lực chưa rèn luyện tốt, khả năng ăn nói không có thì cũng không truyền tải được nội dung.
Quan hệ gia đình, đảm bảo sức khoẻ, và bồi dưỡng trí lực cho bản thân tất cả đều là việc cá nhân. Về điểm này thì Đan Mạch hơn Nhật Bản (theo tác giả), vì họ biết cách giữ cân bằng của cả ba loại công việc trên vậy nên họ sống hạnh phúc hơn, ai nấy trông đều xinh đẹp rạng ngời, nhìn qua là thấy sắc nước hương trời in lên trên ngay phong thái khuôn mặt của họ. Nếu chẳng may, ta quá nghiêng về một VIỆC nào đó thì cần phải điều chỉnh để sao cho có thể về được quỹ đạo để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Việc công ty và việc cá nhân thì nhiều người vẫn đang thực hiện trong vô thức, nhưng việc chí lớn thì có vẻ không nhiều người ý thức về nó. Thợ rèn có đọc được một câu như thế này
散歩のついでに富士山に登った人はいない
Câu này có nghĩa là không có ai tiện đường đi dạo mà leo núi Phú Sỹ cả. Làm việc lớn không phải là việc làm nhân tiện, mà cần có sự đầu tư thời gian, tâm sức cho nó tương đương với sức nặng của việc lớn đó vậy.
Khi về già, 60 tuổi, 70 tuổi hết việc công ty, hết việc gia đình thì tự dưng rơi cái bộp một cái xuống bệ nhàn rỗi, rồi thì tự dưng thấy thiếu vắng cảm giác niềm vui cuộc sống, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Người Nhật đặc biệt là nam giới thường làm việc cật lực, đến tuổi về hưu tự dưng sinh nhàn rỗi, khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Trước đó cũng không chuẩn bị và cũng không suy nghĩ nhiều về việc chí lớn nên dễ sinh cả tâm bệnh chỉ vì nhàn quá mà. Nhìn vào họ, thợ rèn cũng thấy sợ, có khi phải học theo phương pháp Tư Thục kể trên để tìm được người thầy hay để mà bắt chước theo để thiết kế cho cuộc đời của mình mới được.
#9999- By Thợ rèn