Vào mùa đông, da khô và dễ mắc các chứng viêm nhiễm da. Thợ rèn thời gian vừa rồi bị ngứa, đêm đến gãi tước hết da, không chịu được nữa nên sáng nay thợ rèn đến phòng khám chuyên khoa về da liễu để kiểm tra. Trước khi khám thợ rèn được yêu cầu viết thông tin địa chỉ liên lạc, những thông tin sơ bộ về triệu chứng gặp phải rồi ngồi đợi chờ đến lượt vào khám. Đến lượt, bác sỹ sau khi kiểm tra nhìn qua một lượt thì kê cho một toa thuốc gồm 5 loại, rồi sau đó bảo thợ rèn qua lấy mẫu máu để kiếm tra xem có bị vướng phải trường hợp dị ứng nào không? Sau khi khám xong, thợ rèn xuống tầng 1 để vào nhận thuốc từ đơn thuốc bác sỹ kê lúc nãy. Bữa nay thợ rèn quên không có mang theo sổ lấy thuốc nên bên nhà thuốc lại gửi cho một tờ giấy nhờ thợ rèn viết họ tên, địa chỉ nhà ở. Một buổi đi khám mà thợ rèn đã phải 2 lần viết địa chỉ. Vốn thợ rèn chữ cũng không tệ và cũng không ngại chuyện viết lách nên không có sao, chứ bạn nào mà mới qua Nhật phải yêu cầu viết nhiều như thế có khi ngại, lần sau trốn không muốn đi khám cũng nên.
Nói vui vậy thôi chứ bữa nay thợ rèn kể lể ở trên là để giới thiệu về một dịch vụ bên Nhật đó là làm con dấu. Bên Việt Nam mình dùng chữ ký nhiều, ai cũng phải tập ký sao cho thật bay bổng, thật đẹp. Bên Nhật thì họ gần như không ký. Ai mà yêu cầu ký, họ sẽ ngồi nắn nót viết đầy đủ họ tên. Thợ rèn qua bên này cũng lâu, có dạo về Việt Nam làm tài khoản ngân hàng cũng không dám ký bay bổng, bởi sợ sau này không nhớ mình đã ký như thế nào, nên cũng bắt chước người Nhật, viết nguyên đầy đủ họ tên Nguyễn Văn Thợ Rèn. Mấy bạn hỗ trợ thợ rèn làm tài khoản hôm đó bảo thợ rèn có nhầm gì không, thợ rèn bảo không, đó là chữ ký của thợ rèn đấy thì các bạn mới chịu bỏ qua. Khác với Việt Nam, người Nhật dùng con dấu nhiều. Người còn chưa có chức vụ thì có con dấu là họ, người có chức vụ cao hơn thì con dấu đi kèm ngày tháng. Tuỳ theo công việc mà màu mực của con dấu cũng khác nhau. Như công ty thợ rèn con dấu màu đỏ là chức bé nhất, màu xanh là chức chủ nhiệm, còn màu đen là chức trưởng bộ phận, trưởng phòng. Quy định này có thể tuỳ công ty.
Con dấu thợ rèn thấy thích hơn. Vì con dấu việc đóng vào sẽ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Bởi vậy, khi đi các cửa hàng 100 yên bên Nhật họ cũng bán rất nhiều các loại con dấu khác ngoài tên người. Ví dụ con dấu 処理中 có nghĩa là đang xử lý, 済み là con dấu chỉ đã làm xong…Những con dấu này đặc biệt hữu ích cho những ai làm văn phòng. Thay vì viết tay thì chỉ cần dùng con dấu đóng cái cộp một phát là xong, vừa nhanh vừa tiện.
Bên cạnh con dấu này, bữa dịp đầu năm thợ rèn nhận được nengajo (年賀状 ) là tấm thiệp mừng năm mới, trong số đó có một tấm mà địa chỉ nhà không phải viết tay cũng không phải in máy, mà là đóng dấu bằng mực đỏ. Thợ rèn tò mò thắc mắc chắc họ làm con dấu mới ra hình thù như thế này. Nghĩ lại hàng năm mình cũng phải viết rất là nhiều địa chỉ nhà, số điện thoại, ví dụ như tấm thiệp đầu năm, ví dụ như hồ sơ giấy tờ, ví dụ như thông tin cần điền trên phòng khám chẳng hạn, hoặc ví dụ như khi đi đâu đó cần đăng ký thông tin vào phiếu đăng ký chẳng hạn. Mỗi lần như vậy, ngồi viết cũng phải mất hơn một phút. Bữa nào mà quên không nhớ chữ kanji có khi phải lục lại, tra lại mới viết hoàn chỉnh được. Thợ rèn mới chợt bảo, tại sao mình không thử làm con dấu ghi địa chỉ nhà mình nhỉ? Rồi thợ rèn tìm thông tin trên mạng thì ra rất nhiều dịch vụ liên quan tới con dấu tự đặt cho địa chỉ nhà. Vốn dịch vụ này được dùng cho con dấu công ty, nhưng hoàn toàn có thể phục vụ cho mục đích cá nhân như dùng để làm con dấu cho địa chỉ nhà. Thợ rèn đặt và họ hẹn khoảng hơn tuần sau sẽ chuyển tới. Dịch vụ đặt được qua Amazon, chi phí chỉ hơn 1200 Yên, nên cũng không quá mắc.
Năm nay thợ rèn không có viết thiệp mừng năm mới nhiều, nhưng thợ rèn có ý định khi dịch bệnh đỡ hơn, sẽ đi du lịch, và tới mỗi địa điểm du lịch sẽ gửi postcard tới những người bạn của thợ rèn. Thay vì ngồi cặm cụi viết địa chỉ nhà lên tấm thiệp đó, chỉ cần đóng cái cộp một phát là xong. Chỉ nghĩ vậy thôi thợ rèn đã cảm thấy vui và phấn chấn lắm rồi.
Việc làm con dấu nếu xét ở góc độ đầu tư thợ rèn cũng nghĩ là môt khoản sinh lời tốt. Ví dụ một giờ của các bạn lương vào khoảng 2500 yên chẳng hạn, thì con dấu 1200 yên sẽ tương đương với 30 phút. Một lần viết địa chỉ nhà ước chừng khoảng 1 phút, như vậy sau khoảng 30 lần viết là đã hoàn vốn. Bạn nào mà phải viết nhiều, gửi hồ sơ giấy tờ, hay đi khám bệnh, làm các thủ tục nhiều thì 30 lần viết địa chỉ chắc chỉ tầm 1 quý là đủ số lần. Vậy nên sẽ hoàn vốn trong khoảng 3 tháng, những tháng sau coi như là lãi. Khi người khác ngồi viết, mình lại dùng con dấu sẽ thấy nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn, tại những nơi mà nhiều người phải đợi thì còn làm lợi cho cả phía người tiếp nhận, vậy nên khoản đầu tư này theo thợ rèn nghĩ nên thực hiện. Nếu thợ rèn biết dịch vụ này sớm hơn có lẽ thợ rèn đã dùng. Nhưng không sao, những bạn nào bên Nhật mà vô tình đọc được bài viết này, các bạn có thể tìm kiếm từ khoá 社判 ゴム印 住所印 会社印 法人印 回転式住所印 回転式 印鑑 はんこ スタンプ, tìm qua google cũng được, hoặc bạn nào dùng Amazon thì có thể đặt mua trực tiếp cho nhanh.
#1111 – By Thợ rèn