Từ trải nghiệm tại Nhật, thợ rèn muốn viết về những ý tưởng nó loé lên trong đầu. Vô tình ai đó đọc được có cộng hưởng thêm vào và cho ra sản phẩm thực tế thì tuyệt nhất. Có thể một số ý tưởng ở đâu đó đã được thực hiện, cơ mà về cơ bản, những loạt bài viết này thợ rèn chưa đi sâu tìm hiểu, chỉ coi như là một ghi chú cho những trải nghiệm và sự kết hợp có thể suy nghĩ tới.
Bài nay thợ rèn nghĩ về ý tưởng “BỘT TẮM TỪ HƯƠNG VỊ VIỆT NAM”
Thợ rèn thích onsen, thích tắm bồn, nên đi siêu thị thường ghé những góc bán các loại bột hoà cùng với nước nóng để tắm. Bạn nào đi siêu thị Nhật sẽ thấy góc này bán rất nhiều, từ các loại bột tạo hương vị, cho tới các loại bột tạo màu sắc, rồi tới các loại bột có tác dụng chăm sóc sức khoẻ, có cả những loại bột được mô phỏng từ những suối nước nóng nổi tiếng trên khắp nước Nhật. Ảnh dưới là gói mà thợ rèn mua tuần trước, và dùng để tắm bồn mỗi ngày các bạn ạ.
Thợ rèn mới nghĩ về Việt Nam. Việt Nam mình không tắm bồn, nhưng có các loại hình tắm khác như tắm bùn ở Nha Trang, tắm khoáng ở Quảng Ninh, Ba Vì được biết là để chữa bệnh và làm đẹp, cơ mà xa và mắc, chỉ hợp với người bản địa hoặc người có tiền mà thôi. Hoặc có dịp đi Sapa thợ rèn được biết tới tắm thuốc của người dao đỏ, với những cây hương liệu, cây dược liệu với mục đích trị liệu. Họ dùng lá thuốc trực tiếp chứ không có xay ra làm bột. Không nói đâu xa, còn một hình thức tắm nữa mà nhắc tới hẳn nhiều bạn sẽ nhớ, sẽ vấn vương, đó chính là tắm cây mùi ngày tết.
Hồi xưa cứ 30 tết, cả nhà nấu bánh chưng, rồi nhân tiện nấu luôn nồi nước ấm, mẹ đi chợ mua bó rau mùi già, có hoa rất là thơm, cho vào nồi nước rồi mọi người chia nhau tắm. Mùa đông miền bắc hơi lạnh. Người thành phố thì có nước nóng, chứ người nhà quê phải nấu nước đun ấm. Bữa nào mà đi làm đồng về muộn, có khi lo nấu cơm xong rửa qua tay chân rồi đi ngủ chứ không có tắm sạch sẽ được. Vậy nên dịp cuối năm, mọi người lôi nhau ra tắm, bố mẹ lôi mấy đứa nhỏ ra, chịu khó kì cọ có khi ra cả tấn ghét.
Nói là vậy, chứ phong tục của người Việt mình hay và có ý nghĩa cả. Tắm cây mùi dịp 30 tết ý là để loại bỏ chuyện không vui đồng thời loại bỏ bụi trần theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng để chào đón một năm mới vui vẻ và nhiều niềm vui. Cây mùi có vị thơm ngan ngát, đúng ra là hơi cay, nó rất tinh khiết và có gì đó nhẹ nhàng tạo sự dễ chịu. Trong y học, cây mùi có tính ấm, nên có tác dụng lưu thông khí huyết, phục hồi sức khoẻ, tinh dầu của cây mùi có tác dụng chống suy nhược thần kinh, giảm căng thẳng. Một số nơi họ còn nói trong tinh dầu còn có những hoạt chất chống oxi hoá, giúp da mịn màng đẹp như tiên tắm nước nóng. Ngoài cây mùi, Việt Nam mình còn nhiều cây lắm, như cây xả, hương quế, các cây thuốc nam…
Truyền thống Việt Nam xuất phát từ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế bởi vậy thợ rèn nghĩ những cây mùi, cây xả, cây thuốc nam dùng để tắm, để xông hơi tốt cho sức khoẻ là có thật. Ít nhất như xưa, thợ rèn thấy tắm xong người thơm tho, dễ chịu tinh thần đón năm mới tăng thêm mấy bậc, da thì mịn màng hơn không khác gì da em bé. Từ trải nghiệm tắm nước nóng bên Nhật và những trải nghiệm tắm dịp đặc biệt bên Việt Nam thợ rèn nghĩ nếu có thể chuyển những cây dược liệu này thành những thứ có thể dễ dàng sử dụng ở những nơi khác nhau, dễ dàng bảo quản, kiểu giống như bột tắm của Nhật thì sẽ rất tuyệt. Bởi những lý do sau:
Thứ nhất, giúp cho nhiều người có thể tiếp cận được những dược liệu hoặc hương liệu quý với giá thành rẻ hơn.
Thợ rèn ở cũng gần suối nước nóng Dougo Onsen ở Matsuyama thuộc tỉnh Ehime phía Nam Nhật Bản, nói là gần chứ đi một chiều cũng mất chừng 3h đồng hồ, tính chi phí thì ước chừng khoảng 7.5 ngàn yên. Hai chiều thì vào khoảng 15 ngàn yên, phí tắm 1.5 ngàn vị chi là 16.5 ngàn. Để tắm ở đây, bỏ ra 1 đồng tiền tắm thì phải mất tới 10 đồng tiền tàu xe, chưa kể thời gian. Vậy nên dù có yêu thích onsen thì thợ rèn cũng không thể tới đây hàng tuần được, mà đơn vị phải tính là hàng năm. Nhưng nhờ những gói bột tắm mà thợ rèn có thể trải nghiệm một chút gì đó hương vị của hàng chục onsen khắp nước Nhật hàng ngày mà không mất công đi đâu cả. Khi muốn thưởng thức và du lịch thì thợ rèn sẽ đi vào những dịp nghỉ lễ hoặc dịp lấy được ngày nghỉ. Ví dụ như ở Việt Nam, để tắm lá thuốc của người dao đỏ cũng vậy, tiền tắm thì không mất mấy, chứ tiền đi lại và thời gian cho nó thì mất nhiều hơn. Bởi vậy giờ một số bạn có bán lá thuốc sấy khô, cơ mà tiện hơn một chút nữa có thể làm bột hoặc những thứ phái sinh thì thợ rèn nghĩ sẽ rất là tuyệt vời.
Thứ hai, đó là giúp bảo tồn hương vị Việt và nâng cao giá trị văn hoá Việt Nam
Nghe có vẻ không liên quan nhưng thợ rèn nghĩ như thế này. Khi mua một món đồ đắt tiền, thợ rèn thông thường sẽ mong muốn thử trước. Thay vì bỏ ra mấy triệu đồng đi vào Nha Trang hay ra Quảng Ninh tắm bùn, tắm khoáng, nếu có thể trải nghiệm trước với mức phí rẻ hơn thợ rèn sẽ thử trước tại nhà, sau đó thấy chưa đã, chưa đủ thì ắt hẳn sẽ đòi hỏi ở mức cao hơn và sẵn sàng trả chi phí cao hơn. Những gói bột tắm, có thể coi là những sản phẩm dùng thử, còn những thứ thực sự đó là ở bản trên Sa Pa, ở Nha Trang, ở Quảng Ninh, hay gần gũi hơn là ở cạnh nồi bánh chưng ngày tết dưới quê thì có thể coi là nấc cao hơn. Việt Nam mình cũng rất nhiều cây thuốc, nên những sản phẩm phái sinh có thể sẽ khai thác được nhiều hơn. Khi nhiều người biết tới qua “sản phẩm dùng thử” thì giá trị của hàng thật hoặc giá trị của những sản phẩm ở phân khúc cao hơn sẽ được nâng lên.
Viết tới đây thợ rèn lại thèm cây mùi ngày tết. Bạn nào làm được báo thợ rèn, thợ rèn mua mang qua Nhật ngày nào cũng tắm để phủi bụi trần các bạn nhé.
#1111 By Thợ rèn