Cuối năm công ty thợ rèn có tặng nhân viên sổ tay cho năm mới. Thợ rèn cũng có đăng ký để nhận cuốn sổ tay vì thấy thiết kế của cuốn sổ này khá là phù hợp với công việc. Có lịch theo tháng, có lịch theo tuần, lịch trong ngày phân chia theo từng block 30 phút một, rất tiện để lên lịch và ghi chi tiết. Thợ rèn thường dùng quyển sổ B5, nó vừa size, đi ra ngoài tiện cho việc mang theo. Bộ phận thợ rèn là bộ phận kỹ thuật, hàng năm làm việc với hàng trăm đối tác. Bộ phận kỹ thuật cũng là bộ phận chọn các đơn vị cung ứng về máy móc, linh phụ kiện ở giai đoạn tìm kiếm đơn vị mới, nên xét ở khía cạnh nào đó bộ phận này gần gũi, có quan hệ và trao đổi mật thiết hơn với các nhà cung ứng bên ngoài.
Hàng năm, từ đầu tháng 12, các công ty lại gửi lịch và sổ tay tới bộ phận thợ rèn đang làm việc. Lịch có lịch treo tường, có lịch để bàn, sổ tay có cuốn A6, B5, A5, A4… đủ các chủng loại. Đặc điểm chung là trên các cuốn lịch có tên của các công ty đối tác. Việc tặng lịch một phần để hai bên cảm ơn lẫn nhau, một phần là để quảng bá hình ảnh của công ty nhờ những thiết kế có lồng tên công ty vào. Mọi người trong công ty, ngoài kỹ thuật các phòng ban khác cũng hoàn toàn có thể mò tới để nhặt những cuốn lịch mà mọi người ưng ý. Có lần thợ rèn nhăt mấy cuốn sổ tay đẹp mang tặng các em kohai để mong các em quen dần với việc dùng và ghi chép lịch trình trên sổ tay. Những cuốn như thế bán ngoài hiệu sách có khi phải tới vài ngàn yên, tính ra tiền Việt cũng mấy trăm ngàn chứ không hề rẻ.
Chuyện nhặt lịch, nhặt sổ tay thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng hôm rồi, có một bác ở phòng quản lý chất lượng qua hỏi thợ rèn về cuốn lịch của công ty Kamiya Kikou, một công ty chuyên sản xuất dao cung ứng cho bên thợ rèn khiến thợ rèn mới suy nghĩ một hồi và quyết định ngồi viết về chủ đề này.
Chuyện là năm ngoái bác Fukumoto có lấy cuốn lịch của công ty Kamiya Kikou mang về treo ở nhà, bác ưng cái bụng lắm hay sao mà năm nay cũng muốn nhận cuốn lịch của công ty này. Lịch công ty đối tác nhận về, mọi người để vào cái hộp chung, ai thích lấy cuốn nào thì lấy, thích bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu chứ không có quản lý gì cả, số lượng có hạn, ai nhanh tay hơn thì nhăt được trước, bởi vậy mà để nhận được cuốn lịch của một công ty chỉ định là việc khá khó. Cơ mà bác Fukumoto muốn lắm, đến lục cả cái thùng mà không thấy, nên buồn bã qua bảo thợ rèn và cả sếp thợ rèn xem nếu có thấy thì cho xin.
Nếu người khác thì chắc thợ rèn cũng vâng vâng dạ dạ rồi cho qua, nhưng bác Fukumoto có vẻ thực sự thích, và bình thường thợ rèn cũng hay chơi với bác này, nên cũng muốn làm điều gì đó trong khả năng có thể của mình. Hàng ngày, thợ rèn thì đi bộ lên công ty, còn bác Fukumoto thì đạp xe đến công ty. Công ty thợ rèn trên đỉnh đồi, chiều về thì dễ chứ chiều đi thì cực kỳ khó nhằn bởi có những đoạn khá là dốc. Có những hôm sáng sớm, trời se se lạnh, thợ rèn gặp bác Fukumoto ở ven sườn dốc. Thợ rèn thì đi bộ khá nhanh, còn bác thì đạp xe cũng không phải là vận động viên chuyên nghiệp, thành ra tốc độ đạp xe và tốc độ đi bộ của thợ rèn là gần như bằng nhau. Thế là người đi bộ và người đi xe đạp vừa đi vừa nói chuyện, dần dần thành quen, chứ bình thường kỹ thuật và quản lý chất lượng ít nói chuyện với nhau lắm. Công ty thợ rèn cũng để nhân viên ngồi ghế tự do, ai thích ngồi đâu thì ngồi. Thợ rèn thường mò qua bên quản lý chất lượng ngồi, vì bên đó bàn rộng hơn chứ không chật như khu vực dành riêng cho phòng kỹ thuật. Có những hôm đi làm về sớm, thợ rèn nán lại buôn chuyện với bác Fukumoto, bác này thích đọc sách thế là hai người ngồi buôn cả nửa tiếng, thợ rèn biết được có thư viện quốc gia ở Tokyo, có cả hàng triệu đầu sách gần như cuốn nào ra cũng có. Thợ rèn còn tính bữa nào có dịp ghé Tokyo sẽ qua làm thẻ thư viện ở đây, và hi vọng sẽ được dùng các dịch vụ đọc sách online của thư viện này, chỗ thợ rèn mới được khoảng 5000 đầu sách chứ ở đây chắc sắp tới khi họ số hoá thì có khi phải lên mấy trăm ngàn đầu sách, tha hồ mà chọn mà đọc “miễn phí”.
Bởi trước đó có quen biết qua lại như vậy, nên khi thấy bác Fukumoto thích cuốn lịch treo tường của Kamiya Kikou thợ rèn mới bảo sempai và sau đó vài hôm thợ rèn thấy cuốn lịch xuất hiện trong thùng đựng lịch của công ty, rồi sempai cầm cuốn lịch mang sang trao tận tay cho bác Fukumoto, rồi là nụ cười mãn nguyện và những lời cảm ơn hai bên dành tặng cho nhau. Thực ra, Kamiya Kikou có quan hệ rất gần gũi với chỗ thợ rèn và sempai, vì nhóm thợ rèn phụ trách mảng gia công. Mà gia công phải dùng tới dao. Mỗi năm công ty thợ rèn mua số lượng rất lớn nên hai bên có quan hệ mật thiết cả về kỹ thuật và hoạt động kinh doanh. Bình thường, sổ tay thợ rèn mới quan tâm, chứ lịch treo tường, thấy cái nào ưng ưng là nhặt chứ chẳng mấy khi đòi hỏi chi nhiều. Nhưng lần này khi bác Fukumoto hỏi xin, thợ rèn và những người xung quanh mới bắt đầu vận động để cuối cùng câu chuyện kết thúc bằng những nụ cười.
Bên Việt Nam mình các cụ thường bảo “Con không khóc làm sao mẹ cho bú”, ý để nhắc nhở nếu mình có nhu cầu, nguyện vọng nếu không đưa lên thì người khác có thể không biết, không biết thì họ sẽ không đáp ứng được nhu cầu của mình. Bạn nào dễ hờn dễ dỗi thì lại khóc lóc ỉ ôi bảo chả hiểu nhau gì cả trong khi mình chưa phát tín hiệu thì sao có thể hiểu. Người Nhật họ không mấy khi nhờ, nhưng khi họ quan tâm tới chuyện gì đó thì họ sẽ nhờ. Ở Nhật có nhiều người được gọi là Otaku ý chỉ những người họ có những thói quen, sở thích, sở trường một cách dị biệt , ví dụ như anime, cosplay, CD…Ngoài Otaku thì có rất nhiều người ở mức độ nhẹ nhàng hơn họ có những thứ gọi là kodawari拘り(こだわり) tức những suy nghĩ, quan niệm khó thay đổi với một vấn đề gì đó. Câu chuyện về cuốn lịch kể trên, có thể coi là một ví dụ về kodawari, ẩn sau đó có thể là kodawari về cách bài trì căn phòng hoặc có thể là một kodawari về một thiết kế nào đó cũng nên.
Người Nhật họ có nhiều thứ tỉ mẩn mà người nước ngoài nhìn vào có khi không mấy coi trọng hoặc không mấy quan tâm. Ai mà có thể đáp ứng được, hoặc ít nhất là để tâm được tới những điều tỉ mẩn này của họ thì có thể nói đã tiến gần hơn một bước tới họ. Người Nhật khó gần, và thường khách sáo xã giao, nhưng đó chỉ là vòng ngoài khi hai quan niệm trong ngoài vẫn rõ mồn một, chỉ khi nào tiến được vào sâu hơn, thì người Nhật mới cho thấy được những thứ thật hơn về con người họ. Đương nhiên tiến sâu được hơn, sẽ có những trải nghiệm thú vị hơn hoặc cũng có thể cay đắng hơn vòng ngoài rất nhiều. Cá nhân thợ rèn nhận thấy, nếu được, các bạn đang sống bên Nhật hãy thử tiến sâu hơn khi tiếp xúc với người Nhật. Một trong những cách để tiếp cận nhanh nhất đó là tự mình có những kodawari riêng cho mình. Những kodawari này nho nhỏ thôi cũng được, ví dụ như kodawari về rượu Nhật, về xe đạp, về khăn mùi xoa, về cuốn sổ tay, về đồ ăn thức uống…sau đó tìm những người có những kodawari gần với mình rồi trao đổi giao lưu, tăng tần suất tiếp xúc. Những lúc như vậy, khi đã có kodawari, giả sử cần có mong muốn nhận sự giúp đỡ, có đề nghị nhờ sự hỗ trợ các bạn cũng đừng ngại, hãy cứ nói, bởi không xin chẳng ai biếu. Và khi bạn phát đi tín hiệu xin, chính kodawari sẽ trở thành môi trường để kết nối hai bên và chắc chắn sẽ có một phản ứng nào đó sẽ xảy ra, thông thường kết quả trả về sẽ là những nụ cười và những lời cảm ơn.
#0- By Thợ rèn