12 năm trước khi đặt chân tới nước Nhật, bên cạnh những toà nhà cao tầng, tàu điện chạy tung tăng trên phố, thợ rèn còn bất ngờ với những văn hoá của người Nhật. Trong đó có những văn hoá, rất dễ thấy trong cuộc sống thường ngày. Gọi là văn hoá có khi là do thợ rèn đứng ngoài nên nói thế, chứ nơi mà họ tạo được văn hoá thì với họ đó là một thứ mặc định chứ không hơn không kém. Bữa nay thợ rèn giới thiệu với các bạn đó là văn hoá tắm nước nóng, tắm bồn của người Nhật.
Tắm nước nóng có thể phân ra làm ba nhóm lớn nếu lấy quy chuẩn là địa điểm tắm. Nhóm thứ nhất là tắm bồn, tức là nước nóng trong bồn. Cái này có thể thấy tại nhà, tại khách sạn… Nhóm thứ hai là sento tức cũng là nhà tắm công cộng, có thể thấy ở những nhà tắm của địa phương, ngoài nước nóng còn có cả xông hơi. Có những khách sạn tầm trung họ có những bồn tắm lớn để mọi người có thể cùng tắm. Nhóm thứ ba đó là onsen, tức suối nước nóng. Cái này chỉ có ở những địa điểm đặc biệt, có nước nóng tự nhiên và tại những khách sạn lớn. Ví dụ như Gero Onsen ở tỉnh Gifu, Dogo onsen ở tỉnh Ehime. Onsen thì tại Nhật muôn hình vạn trạng, có nơi đơn thuần là nước nóng, có nơi có lẫn bùn, có nơi có lẫn lưu huỳnh, có nơi có chút điện đủ nhỏ để làm tê và mát xa cơ thể.
Ở đâu đi chăng nữa, việc tắm nước nóng ở Nhật thực sự rất phổ biến.
Nhà thợ rèn rộng chừng 36m2 tính cả lan can. Không rộng lắm, nhưng luôn có bồn tắm. Ngày xưa thợ rèn còn là sinh viên, có ở một khu trọ rất là hẹp, nhà tắm tắm chung không có bồn, giá thì mềm hơn rất nhiều, nhưng về cơ bản những nơi như thế này không nhiều lắm. Nhà dành cho người Nhật mà không có bồn tắm coi như mất giá. Những em nhỏ còn là sinh viên, ở phòng chật hơn, thợ rèn có ghé qua thăm thì thấy phòng tắm có nhỏ hơn nhưng vẫn có kèm theo một cái bồn nhỏ. Còn nếu các bạn đi khách sạn Nhật, ấn tượng đầu tiên chắc sẽ là khách sạn gì mà hẹp, mà bé tí ti. Nhưng phòng luôn có bồn tắm các bạn nhé. Trong phòng mọi thứ được tối giản, nhưng riêng bồn tắm thì không. Điều này chứng tỏ bồn tắm có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người Nhật.
Thứ hai người Nhật dù bận bịu nhưng họ luôn mong muốn khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, họ có thể chui bồn tắm. Hồi mới vào công ty, thợ rèn còn học việc, có những hôm làm về muộn, có khi phải 12h đêm các bạn ạ. Thợ rèn lười, ra tạm cửa hàng tiện lợi, mua đồ ăn ăn tạm rồi lăn ra ngủ, sớm hôm sau lại mò dậy sớm đi làm. Nhưng cùng trên chuyến xe đi về, các bạn đồng nghiệp kể giờ về sẽ vào bồn ngâm một lúc, ăn gì thì ăn rồi mai tính tiếp. Sớm hôm sau, tóc thợ rèn có thể bết vì dơ, nhưng thấy các bạn đồng nghiệp tóc luôn khô ráo, người luôn sạch sẽ thơm tho. Thấy hay nên thợ rèn cũng học theo, giờ cũng dần biết tắm bồn. Có một lần thợ rèn dự tang lễ của người Nhật, lần đó thợ rèn được tiếp đón như một thành viên trong gia đình. Đêm đó sau khi viếng xong, khoảng 9h khách đã ra về hết, còn lại gia đình và người thân ngủ tại một phòng bên cạnh để canh đêm. Đêm đó thợ rèn ở lại cùng anh con trai lớn của bác người quen đã mất. Nhưng trước đó, thợ rèn cũng về qua nhà bác, vào bồn tắm rồi mới quay lại nhà tang lễ. Lúc về thì bồn tắm đã được chuẩn bị, nước nóng đã đầy bồn. Dù bận, dù có chuyện gì đi chăng nữa, người Nhật vẫn coi tắm bồn là một phần cuộc sống, trải nghiệm này đã cho thợ rèn thấy được điều đó. Rồi có lần đến thăm nhà người bạn ở Gifu. Mọi người trong nhà bạn đấy cũng quý thợ rèn lắm, bác trai bác gái đã lớn tuổi, thợ rèn nhẩm đâu cũng phải trên 70. Sớm ra, bác chuẩn bị sẵn đồ tắm và bảo thợ rèn vào bồn tắm, nước đã chuẩn bị sẵn. Thợ rèn cũng đã quen tắm bồn, nên thích lắm, vào tắm bồn xong rồi ăn sáng. Tắm bồn ở Nhật cũng giống như môt phần của việc tiếp khách quý từ xa.
Nói chuyện tiếp khách thợ rèn mới lại kể câu chuyện mà ai làm ăn với Nhật, nhất là các sếp cũng cần lưu ý một chút. Đó chính là văn hoá giao lưu tắm truồng. Từ ngữ có phần hơi thô, nhưng tiếng Nhật thì có thể gọi là Hadaka No Tsukiai. Hadaka là ở trần, bên mình gọi là ở truồng, Tsukiai là giao lưu. Không phải là giao lưu tiếp xúc cơ thể, mà là giao lưu văn hoá. Tắm nước nóng là văn hoá của người Nhật nên khi nghỉ tại khách sạn hoặc Ryokan (lữ quán, khách sạn theo phong cách Nhật), họ thường cùng nhau đi tắm nước nóng cùng nhau. Vào tắm nước nóng, cơ bản không ai mặc quần áo gì cả, tất cả đều phải lột hết, đương nhiên phòng tắm của nam ra nam, phòng tắm của nữ ra nữ, chứ hiếm mới có nơi tắm chung. Khách quý Việt Nam qua Nhật, chẳng may chưa quen với chuyện này nhiều khi ngại lắm. Ai có bụng bia, hoặc trên người có gì hơi khiếm quyết một chút thì nhiều khi ngại, hoặc thân hình có nõn nà đi chăng nữa, nhưng từ bé tới lớn, chưa bao giờ đi tắm không mặc gì tại chốn đông người nên ngại. Có người ngại, nhưng cũng có người nhanh chóng theo phong tục của người bản địa, và giao lưu vui vẻ. Thợ rèn cũng từng hỗ trợ phiên dịch cho các bạn giám đốc Việt Nam qua tìm đối tác Nhật và không ít lần thấy sự bối rối khi được mời đi tắm, mà tới nơi mới biết phải tắm truồng.
Tắm bồn bên Nhật là vậy, nhưng bên Việt Nam thì có vẻ còn ít. Nhà bên Việt Nam thường sẽ có một khu nho nhỏ có vòi tắm hoa sen, bên cạnh là nhà vệ sinh chứ ít khi tách riêng. Bồn thì gần như không có, những khách sạn lớn hoặc những nơi có yếu tố Nhật Bản như khách sạn Nikko thì có thể tìm thấy bồn tắm đẹp.
Tắm bồn có lợi cho sức khoẻ
Trước khi bàn về tắm bồn tốt cho sức khoẻ ở mặt khô cứng, thợ rèn nghĩ chúng ta có thể bắt đầu từ lịch sử. Tắm bồn tại Nhật được biết được truyền từ Trung Quốc từ thế kỷ thứ 6, tức cách đây chừng 1500 năm. Các bạn xem phim cổ trang Trung Hoa thì có thể quen với cảnh các cô gái hay chàng trai thường chui vào cái thùng gỗ, mà trong đó hơi nước bay lên. Ai nhà giàu thì có nô tì đổ nước nóng vào cho, nếu không thì tự mình đun nước và đổ vào thùng tắm. Người xưa họ đã dùng thì thông thường không có căn cứ khoa học, mà là căn cứ kinh nghiệm. Kinh nghiệm tức họ dựa vào kết quả, người nọ truyền người kia. Ai mà tắm xong bảo khoẻ lắm, sướng lắm họ truyền tai nhau chứ không có facebook hay twittter như bây giờ. Người nghe được làm thử, thấy đúng thì lại truyền cho người khác. Cứ như vậy, từ làng nọ sang làng kia, từ đời nọ qua đời kia, kết quả là đúng nên họ truyền nhau, nên khỏi cần lý giải tại sao ta chỉ cần biết kinh nghiệm, trải nghiệm cho thấy tắm nước nóng tốt cho sức khoẻ.
Ở gần khu thợ rèn làm việc có một suối nước nóng nổi tiếng tên là Dogo onsen (道後温泉 ) tại thành phố Matsuyama thuộc tỉnh Ehime. Tương truyền, xưa nhiều diệc bạch sống ở Dogo. Một ngày nọ một con bạch diệc bị thương ở chân tìm thấy một suối nước nóng. Nó ngâm chân mình mỗi ngày và nhờ đó, nó lành lại nhanh và cuối cùng có thể bay đi. Những người chứng kiến điều này cũng ngâm mình trong suối nước nóng và bệnh của họ cũng lành. Tin đồn lan đi về việc suối nước nóng này tốt cho sức khoẻ khiến nó trở nên nổi tiếng. Những câu chuyện tương tự cũng có xuất hiện đâu đó ở nhiều nơi, và người Nhật họ cũng tin rằng và họ cũng có trải nghiệm suối nước nóng tốt cho sức khoẻ.
Xưa thợ rèn có học về vật liệu. Chuyên ngành của thợ rèn là dập nguội. Đúng ra thì rèn phải là dập nóng mới đúng, cơ mà thợ rèn theo hướng dùng lực tác dụng lên vật liệu chứ không gia nhiệt. Có điều trong quá trình học, nghiên cứu thợ rèn vẫn được tiếp xúc với cả dập nóng, và những đề tài liên quan. Trong đó có một môn liên quan tới xử lý nhiệt các bạn ạ. Xử lý nhiệt là cách mà người ta thay vì dùng lực, người ta dùng nhiệt để đưa vật liệu lên các ngưỡng khác nhau, từ đó họ làm thay đổi tổ chức của vật liệu, rồi bằng cách hạ nhiệt độ xuống theo tốc độ khác nhau, khiến cho đặc tính của vật liệu thay đổi. Ví dụ nung nóng lên, nguyên tử phân tử di chuyển, tổ chức vật liệu thay đổi, nếu dôi gáo nước lạnh tức giảm nhiệt đột ngột thì cấu trúc đó bị thay đổi quá nhanh kiểu như đóng băng một cục lửa đấy các bạn. Trường hợp này vật liệu sẽ cứng, nhưng thường sẽ giòn. Còn cách khác, đó là để nguội từ từ các tổ chức của vật liệu có sự thay đổi từ từ thường sẽ được vật liệu mới có tổ chức ổn định hơn, ít cứng hơn, nhưng bù lại có tính dẻo dai. Vật liệu đã thế, thì con người cũng vậy. Để tạo ra sự thay đổi ta có thể dùng yếu tố bên ngoài, ví dụ như lực hoặc nhiệt từ đó làm thay đổi bản chất bên trong theo cách nào đó, rồi sau đó thêm bớt thứ gì, cộng thêm tạo điều kiện môi trường mới mà con người thay đổi. Có những thứ có thể làm thay đổi nhanh như những sự kiện trong cuộc đời ví dụ như kết hôn, có con cái, đổi việc… đây chính là những ngoại lực rất lớn có thể tác động tới sự thay đổi con người chúng ta. Cũng có những yếu tố có thể ví như nhiệt, đó là thời gian, đó là văn hoá nơi ta sinh sống, nó không làm ta thay đổi một sớm một chiều, nhưng nó vẫn âm thầm làm ta thay đổi.
Quay trở lại trạng thái cơ thể mệt nhọc, đó là trạng thái hiện tại. Nếu muốn thay đổi ta phải tác động yếu tố nào đó. Một là dội cho gáo nước lạnh, hai là ngâm mình trong bồn tắm.Cá nhân thợ rèn sẽ chọn phương án thứ hai, nó nhẹ nhàng hơn, và thợ rèn cũng cảm thấy nó dễ chịu hơn rất nhiều, dù biết rằng nó không phải là cách khiến ta cứng cỏi hơn như cách dội dầu lạnh vào cục sắt đang nung. Khi cơ thể ấm hơn, sẽ có nhiều sự thay đổi lớn, thường thì cơ thể cũng sẽ có những phản ứng để chống lại hướng thay đổi, tức sẽ tìm cách để hạ nhiệt. Khi hạ nhiệt cơ thể, cơ thể ít hao tổn năng lượng hơn và thường khi đó sẽ khiến ta ngủ ngon hơn. Ngủ ngon hơn, hoặc giúp ta đỡ tốn năng lượng hơn, theo cách nào đó giúp ta lấy lại sự cân bằng vốn có, qua đó gián tiếp giúp ta phục hồi sức khoẻ. Lý luận trên thợ rèn giải thích theo trải nghiệm bản thân, bạn nào mà bắt bẻ chắc thợ rèn sẽ phải mất thêm công đọc thêm sách.
Qua câu chuyện này, thợ rèn hi vọng các bạn có thêm cái nhìn về văn hoá tắm nước nóng của người Nhật. Và nếu các bạn quan tâm các bạn có thể thử thói quen tắm bồn. Cách thử thì muôn hình vạn trạng, nhanh nhất là vặn nước nóng trong bồn rồi vào đó ngâm mình. Nếu xịn xò hơn, các bạn có thể mang khăn tắm đi sento (nhà tắm công cộng), hoặc có thể rủ bạn bè đi tới những suối nước nóng nổi tiếng để trải nghiệm. Tắm bồn các bạn nên tắm trước khi đi ngủ chừng 2 tiếng, còn nếu bạn nào muốn trở thành giám đốc công ty, hãy thức dậy vào sáng sớm và tắm bồn trước khi bắt đầu ngày làm việc mới nhé. Thợ rèn cũng ham làm giám đốc lắm, nên sớm nay cũng mới tắm bồn, vừa tắm vừa nghĩ ra cần phải viết về đề tài này để chia sẻ với các bạn đây.
#0 – By Thợ rèn buổi sáng tắm bồn