Thợ rèn là người khá lười suy nghĩ, cơ mà lại muốn tìm hiểu về những thứ mới. Bởi vậy, cái gì không biết là đi hỏi liền. Vì dễ thương nên hỏi ai mọi người cũng trả lời, lại còn khuyến mại cho mấy câu chuyện không liên quan nữa. Nhưng vào một bữa nọ, như mọi khi thợ rèn chưa tìm hiểu gì cả mà đã lon ton đến chỗ sempai (tiền bối) để hỏi cách dội nước làm lạnh dao sau khi rèn cho một sản phẩm mới. Chắc tại sempai bận hay hôm đó sempai có gì bực bội nên mới quay ra mắng vốn thợ rèn rồi nhắc khéo “cái gì thợ rèn cũng đi hỏi như thế này thì không tiến bộ được đâu”. Ủa, có mỗi việc chỉ cho cách dội nước làm lạnh ví dụ như dội bao nhiêu, chọn loại nước nào, hay chọn loại dầu nào, dội trong bao lâu, dội với tốc độ như thế nào mà khó tính thế. Thợ rèn nghĩ bụng vậy để biện hộ cho cái tính thích ăn sẵn và lười suy nghĩ của mình.
Nhưng nếu suy nghĩ một cách khách quan thì điều sempai nói cũng có vẻ có lý. Thứ nhất người được hỏi cũng có công việc của họ, đôi lúc họ cũng rất bận, không thể nào trả lời tất tần tật các câu hỏi. Thứ hai, nếu họ có trả lời thì lần sau người được hỏi sẽ tới hỏi như một thói quen trong khi đó có những điều mà người hỏi có thể tự tìm hiểu. Thứ ba, thực tế nếu tìm hiểu kỹ thì sẽ có nhiều câu hỏi mà người hỏi thậm chí chưa biết tới.Chỉ liệt kê tạm ba điều trên thì thợ rèn nhận ra rằng nếu không tự mình tìm hiểu trước mà cứ tiện ai hỏi người đó thì không chỉ làm phiền người khác mà bản thân cũng không tiến bộ. Những câu trả lời thu được về cơ bản cũng như những mảnh vá rời rạc trong một chiếc áo hỗn tạp không theo hệ thống.Vốn là một anh thợ rèn chân chất, nhưng đi làm thì thợ rèn làm nhiều việc lắm. Có những việc nghe qua chẳng thấy sự liên quan ví dụ như lắp mạng điện cho hệ thống lò rèn, rồi lắp hệ thống nước làm lạnh, lắp hệ thống khí thải thoát ra trong quá trình rèn, rồi thì làm việc với bên xuất nhập khẩu để đưa hệ thống máy từ Nhật qua nước ngoài…Càng làm thì càng nhiều công việc và nhiều nội dung mà mình chưa động chạm tới bao giờ. Trong công ty thường có những người đi trước, họ có nhiều kinh nghiệm, nếu tiện ăn sẵn thì có thể chạy tới hỏi ngay. Nhưng từ ngày bị sempai mắng vốn, thợ rèn không dám làm vậy nữa vì sợ hỏi nhiều sẽ không còn dễ thương nữa. Từ đó thợ rèn quyết định cho mình nguyên tắc làm tối thiểu một trong 3 bước sau trước khi hỏi:
* Bước 1: Hỏi thầy google (hoặc tìm hiểu các tài liệu liên quan trong quá khứ)
* Bước 2: Mua sách về đọc
* Bước 3: Làm thử rồi gom lại những thứ không biết
Dù là đi tới bước nào đi chăng nữa thì cũng phải hình dung được khuôn mẫu của câu trả lời, hoặc là một giả thiết cho câu trả lời. Ví dụ như khi hỏi người khác 1+ 1 bằng mấy thì cần hình dung được câu trả lời sẽ là một ô trống mà ở đó sẽ là một con số…Khi hình dung được đại thể câu trả lời, lúc hỏi sẽ xoáy thêm vào để đi đến được câu trả lời và thông tin mình mong muốn trong thời gian ngắn, không bị sa đà vào những câu chuyện không liên quan. Ai mà trả lời 1 + 1 là “để tớ kể cho mà nghe xyz bla bla…” là phải biết dừng ngay vì mình biết rằng mình chỉ cần một ô trống mà thôi. Để làm việc này cũng không khó lắm, chỉ cần đổi ngược vai trò, mình là người được hỏi và sau đó thử trả lời theo hình thức điền vào chỗ trống, với mỗi chỗ trống là những thông tin mà mình muốn có được. Với cách suy nghĩ này, người được hỏi cũng dễ trả lời hơn.
Bước thứ hai là mua sách về đọc. Bước này tưởng khó mà thực ra không khó lắm. Khi tìm hiểu về một chủ đề nào đó thông thường internet sẽ là nơi có nhiều thông tin, nhanh và rộng nhưng khuyết điểm lớn nhất trong quá trình thu thập thông tin theo cách này là sự tràn lan, khó tìm được thông tin theo hệ thống. Sách có thể coi là phần bù của internet. Sách thì phải mua hoặc mượn mới có. Sách thì chỉ viết về một vài chủ đề nào đó thôi nên hơi hẹp. Nhưng sách có hệ thống, giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về một vấn đề nào đó.Ví dụ cho câu hỏi về việc dội nước làm lạnh con dao sau khi rèn mà thợ rèn kể trên, nếu tìm hiểu các cuốn sách về xử lý nhiệt sẽ ra được vô số những cuốn sách chuyên ngành, nếu ở Nhật thì sẽ có vô số những cuốn sách từ tổng quan cho tới chuyên sâu, dành cho người từ cấp độ chưa biết gì cho tới cấp độ người muốn tìm hiểu sâu. Khi gặp chủ đề mới, thợ rèn thường tìm hiểu những cuốn sách với những từ khoá đi kèm như nhập môn (入門) , dễ hiểu (分かりやすい) , sách có hình (図解) , manga (マンガ ) …Sách bên Nhật bây giờ nhiều lắm, sách mới cũng có, sách cũ cũng nhiều và rẻ. Chỉ cần một click chuột trên amazon hoặc book off là mấy hôm sau sách sẽ về. Còn những ai ở gần thư viện thì có thể đăng ký thành viên, vào tìm sách và đăng ký mượn. Nếu có sách thì chỉ 1-2 hôm là có thể đến thư viện lấy sách về đọc. Khoản tiền và thời gian dành cho đọc thêm sách cũng là một khoản đầu tư, mà thành quả của đầu tư này thì một lúc nào đó chắc chắn sẽ quay trở lại. Nếu tính khoản tiền đầu tư cho bản thân là 1/5 thu nhập, mà 1/2 trong số đó dành cho sách thì mỗi tháng tính ra có thể đầu tư được 9-10 cuốn sách. Với bất kể chủ đề, lĩnh vực nào, nếu mà đọc được khoảng 200 cuốn sách thì về cơ bản là khá tinh thông, còn không yêu cầu tới mức đó thì đọc chừng 5-20 cuốn cũng lượm được vô số những kiến thức hữu ích cho công việc, và có thể giải quyết được nhiều câu hỏi, thậm chí có thể trở thành người có thể trả lời các câu hỏi.Bước thứ ba là làm rồi mới hỏi. Bước này giống như là kiểm chứng sau khi đã thực hiện hai bước trên. Khi làm được đến bước này thì không phải là đi hỏi nữa mà ta gọi là đi đối thoại thì đúng hơn. Hỏi nhiều không phải là chuyện không tốt, nhưng hỏi nhiều có thêm phần suy nghĩ thì tốt hơn các bạn nhỉ.Nhân dịp cuối tuần, thợ rèn viết bài này để dụ dỗ các bạn ham hỏi mua sách về đọc. Có bạn nào có kinh nghiệm về việc học qua sách thì kể cho thợ rèn nghe với nhé.