Tiếp cận với tiếng Nhật lâu năm, nhưng vẫn có những từ thợ rèn bị bí, không biết dịch sang tiếng Việt như thế nào cho hay cho đẹp. Có thể vốn tiếng Việt của mình còn chưa tốt, nhưng cũng có thể ngôn ngữ của họ có những tầng nghĩa mà để nguyên sẽ đẹp hơn so với việc cố gắng giải thích. Bài hôm nay thợ rèn xin chọn từ Ikigai (生き甲斐). Nếu tra theo từ điển tiếng Nhật, họ giải thích ikigai là niềm vui trong công việc, giá trị trong công việc, còn tiếng Anh là “reason for living”, “to live for”, nhưng thực tế ngôn từ cũng bất lực, họ chọn giữ nguyên tiếng Nhật cho cả những đoạn văn bản tiếng Anh. Cũng không ít những cuốn sách về chủ đề này cũng đã được xuất bản, và ikigai vẫn cứ là ikigai, chỉ có thể cảm nhận chứ khó có thể hiểu được bằng những ngôn từ cụt ngủn. Bởi ý nghĩa sâu xa của ikigai, cũng có người đã tóm tắt ý nghĩa của từ này qua biểu đồ venn.
Ikigai được định nghĩa là sự dung hoà của bốn thứ sau: Thứ mà mình thích, thứ mà xã hội cần, thứ có thể tạo ra tiền, và thứ mình giỏi. Nếu giao của hai trong số 4 yếu tố trên sẽ tìm ra được lần lượt là sứ mệnh (mission), thiên chức (vocation), chuyên môn (profession), và đam mê (passion). Giao của 3 trong 4 thứ trên sẽ lần lượt thu được những cảm giác khá vẹn toàn, nhưng đâu đó còn cảm giác gì đó là phần bù của yếu tố còn lại. Ví dụ thiếu điều mình yêu thích thì thoải mái nhưng thấy trống rỗng, thiếu nhu cầu của xã hội, thì thấy mình vô ích, thiếu yếu tố làm ra tiền thì thấy sự nghèo khó, còn thiếu những thứ mình giỏi thì đôi lúc lại tự vấn liệu như thế này có ổn hay không? bản thân vô định. Và khái niệm ikigai chỉ thực sự được hoàn thiện khi cả bốn yếu tố được dung hoà. Khi còn trẻ, nếu ikigai được kết tinh trong thứ mà chúng ta gọi là công việc là điều tuyệt vời nhưng có vẻ đó không phải là điều dễ dàng đối với tất cả mọi người.Vậy làm thế nào để tìm được ikigai? Nếu bạn đang ngoài 20, 30 tuổi có lẽ bạn là người tuyệt vời trên con đường tìm tới chính mình. 20 tuổi là tuổi của đam mê, tìm kiếm điểm mạnh của bản thân, rồi còn phải kiếm tiền. 30 tuổi sẽ là tuổi của kết hôn, dành thời gian cho gia đình, 40 tuổi mới bắt đầu có sự phân hoá và dần đưa chúng ta đến những mảnh ghép còn thiếu. Lúc này con cái đã lớn hơn, chuyên môn đã tốt hơn, và kinh tế cũng có thể đã ổn định hơn. Cuộc sống của chúng ta cần bốn yếu tố trong biểu đồ venn này, nhưng theo các giai đoạn thì chúng lại có thứ tự ưu tiên khác nhau.
Cá nhân thợ rèn suy nghĩ thiếu thời là lúc bắt đầu bằng những việc mình yêu thích, rồi sau đó rèn luyện để mình giỏi lấy một lĩnh vực, sau đó dùng nó để kiếm tiền, cuối cùng mới là hướng tới điều xã hội cần và đóng góp cho xã hội. Ikigai là một bức tranh của nhiều mảnh ghép chứ không phải một bức hình trong đó có ikigai. Thực tế, chúng ta muốn sống phải có tiền, muốn có tiền thì phải làm những thứ thị trường yêu cầu, và được thị trường đánh giá (market, evaluation). Thợ rèn nghĩ trừ những người theo con đường tư tưởng, tôn giáo thì chúng ta đều theo con đường này đuổi theo thị trường và đánh giá của thị trường, như một cách để tiếp cận “công việc”. Nhưng sau đó cách chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá sẽ quyết định cách chúng ta đi đến ikigai như thế nào. Ví dụ mãi mãi theo tiêu chuẩn của thị trường, chú ý tới đánh giá của mọi người xung quanh thì có lẽ chúng ta sẽ đi đến được một công việc tốt với thu nhập không tệ. Nhưng cái đó khó có thể đưa đến được giá trị đỉnh cao vì đỉnh cao có được khi ta đủ tầm để vượt qua được những đánh giá của thị trường mà vươn lên lên tạo dựng tiêu chuẩn của chính mình. Ngày trước thợ rèn có ở Tokyo, lúc tàu các nơi đổ về đây, ga Tokyo sẽ được coi là điểm đầu hoặc điểm cuối của toàn tuyến. Tàu sẽ được dọn vệ sinh để chuẩn bị cho các chuyến tiếp theo. Người Nhật kỹ tính, chậm một phút cũng không được, đó là chưa kể, đã làm họ sẽ làm cho thật tỉ mỉ. 7 phút là khoảng thời gian một chiếc tàu shinkansen được vệ sinh sạch sẽ. Một toa tàu dài chừng 25m, một tàu shinkansen thông thường có khoảng 16 toa (cũng có tàu ít hơn) tính ra là dài khoảng 400m. Một đội vệ sinh như vậy vào có khoảng 22 người, chia làm 5~6 nhóm. Mỗi người phụ trách 1 toa khoảng 100 chỗ ngồi. Họ làm điều này trong 7 phút. Nếu 7 phút chỉ là nghĩa vụ thì có lẽ công việc này sẽ chẳng kéo dài được bao lâu, nhưng công việc này nếu là ikigai với một ai đó thì có những điều không tưởng cũng có thể trở thành hiện thực. Cá nhân thợ rèn cũng có lúc muốn đi tìm ikigai nhưng có vẻ chưa tìm được. Có lẽ ikigai không phải thứ mà mình cố gắng tìm sẽ ra, mà là thứ mà mình sống hết mình với hiện tại, để sau này khi mình nhìn lại, mình sẽ nhận ra à hoá ra cái đó là ikigai của mình…
#0 – By Thợ rèn
1 thought on “Ikigai – 生き甲斐 Lẽ sống”