Dám làm cần một năng lượng đủ lớn tại thời điểm quyết định, còn dám không làm cần một năng lượng đủ lớn để chặn những chuỗi hành động trong vô thức.
Theo phản xạ, bằng cách nào đó, não bộ có cách ra lệnh cho tay chân ta hành động một cách vô thức. Đôi khi việc phản xạ này giúp bảo vệ cơ thể từ nguy hiểm, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải xạ này chỉ đơn thuần là lựa chọn dễ dàng hơn, tốn ít năng lượng hơn, lựa chọn đó không cần thiết hoặc ít nhất là chưa cần thiết tại thời điểm cần đưa ra quyết định. Thợ rèn cũng không biết nguyên lý của hiện tượng này, tuy nhiên do nó lặp đi lặp lại nhiều trong cuộc sống thường ngày nên thợ rèn muốn ngồi viết lại đôi dòng từ những ví dụ mình gặp phải thường ngày.
Ví dụ số 1: Dám không nhặt chiếc khăn giấy rơi
Khi bưng một khay đồ ăn tại căng tin, trên khay có để một tệp khăn giấy, vô tình chiếc khăn giấy rơi xuống đất. Lúc đó thợ rèn đang ở gần bàn ăn, nhưng vô thức thợ rèn vẫn ngay lập tức cúi xuống một tay giữ khay đồ, một tay nhặt chiếc khăn giấy.
Thực ra trong trường hợp này vẫn có thể lựa chọn phương án đó là bê khay đồ ăn đặt lên bàn ăn, sau đó bình tĩnh nhặt khăn giấy lên. Cách làm này giúp đảm bảo rằng đồ ăn trên khăn được đặt một cách an toàn không sợ bị đổ. Việc nhặt khăn có thể trễ hơn một chút nhưng do hai tay không phải bưng đồ nặng nên sự an toàn chắc chắn được đảm bảo hơn.
Ví dụ số 2: Dám không đọc tin nhắn mới gửi tới
Thợ rèn ít giao lưu nên một ngày số lượng tin nhắn từ messenger của facebook, line, wechat, zalo không có quá nhiều. Tuy nhiên có một số hội nhóm thợ rèn có tham gia trên zalo với tư cách dự thính, nên hàng ngày có rất nhiều tin nhắn ít liên quan gửi tới. Hoặc khi có một bài đăng nào đó trên facebook, khi có bình luận hoặc có lượt like, lượt love tăng lên là facebook gửi về làm thợ rèn muốn xông vào xem ngay. Thực ra khi bình tĩnh xem lại thì việc có xông vào xem ngay hay để cuối ngày ngồi xem tổng thể thì cũng chẳng khác nhau là mấy.
Việc check e-mail trên công ty cũng tương tự. Một ngày có hơn trăm e-mail gửi tới, e-mail cần xử lý thì chiếm khoảng 20%, e-mail tham khảo chiếm chừng 40%, còn khoảng 40% thì không đọc thậm chí cũng không có vấn đề gì. Ấy vậy mà khi có e-mail gửi tới, không hiểu sao theo phản xạ là thợ rèn lại muốn xông vào xem mới lạ. Việc mà gấp thì thường sẽ được xử lý qua điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp nên bình thường thì việc muốn đọc ngay e-mail chỉ là vấn đề kiềm chế cảm xúc bản thân.
Cơ mà ngày nào bận, ví dụ phải đi công tác hoặc phải xử lý việc gấp, thì việc check điện thoại và việc check e-mail không được thực hiện liên tục, thợ rèn bắt buộc phải gom lại một thời điểm nhất định trong ngày. Việc để cho não bộ sai khiến ta phải xông vào kiểm tra ngày có thể do một phần vì sự rảnh rỗi, hoặc vì não bộ không tìm được sự hưng phấn cao hơn so với việc kiểm tra tin nhắn hay e-mail.
Để dám không đọc tin nhắn, không đọc e-mail thợ rèn nghĩ ngoài việc tạo thói quen “dám không làm”, ta còn phải tạo ra môi trường cưỡng chế không cho phép mình thực hiện việc này. Việc cưỡng chế này có thể thực hiện bằng cách tắt thông báo từ các ứng dụng, tạm thời tắt trình duyệt không cần thiết. Cũng có thể gián tiếp tạo ra sự cưỡng chế theo hướng tích cực hơn ví dụ cảm nhận niềm vui từ việc hoàn thành việc chạy bộ, niềm vui từ việc hoàn thành một trang thư pháp, niềm vui từ việc hoàn thành được **% của dự án xyz..Việc để cho não bộ có sự lựa chọn không mấy khẩn cấp và có phần “vô bổ” là dấu hiệu của việc ta đang thiếu đi một mục tiêu ý nghĩa.
Ví dụ số 3: Biết không nói, giận không la
Khi ngồi quan sát lại một số cuộc trò chuyện thợ rèn nhận ra mình có một thói quen đó là khi câu chuyện có nội dung mình biết, nhiều trường hợp thợ rèn sẽ tìm cách bước vào câu chuyện thay vì ngồi lắng nghe. Thực ra, dù là câu chuyện mình biết hay mình chưa biết thì việc chịu khó ngồi lắng nghe và khai thác câu chuyện một cách kỹ lưỡng thường sẽ mang lại cảm giác dễ chịu cho người nói đồng thời giúp mình có được nhiều thông tin hơn.
Khi giận một ai đó, đặc biệt là đối với những người yếu thế hơn mình thường thợ rèn cũng sẽ thể hiện ra bằng lời nói. Cơ mà nhiều trường hợp khi nghe câu chuyện đối phương kể ra thì có những tình tiết để ta có thể cảm thông. Việc “dám không la” cũng có nhiều trường hợp giúp ta tránh được những câu nói quá lời khi không kiểm soát được cảm xúc.
Trên đây thợ rèn chia sẻ ba ví dụ trong cuộc sống thường ngày nếu ta “dám không làm” sẽ giúp ta có được lựa chọn và cách hành xử tốt hơn. Có một lưu ý đó là dám không làm có hàm ý của việc ta có thể làm nhưng ta chủ động lựa chọn không làm. Điều này khác với việc “không thể làm”.
— By Thợ rèn