Sang tuần có buổi thi TOEIC, bữa nay theo lý trí thợ rèn tính sẽ ở nhà chăm chỉ học và ôn bài, cơ mà cảm tính lại thúc đẩy phải mò đi xem vở ca kịch có tên PEACE ON YOUR WINGS – Tiếng Việt tạm dịch là “Hoà bình trên đôi cánh em”. Cuối cùng thì cảm tính đã thắng, và thợ rèn đã dành nguyên ngày để di chuyển xuống thành phố Hiroshima để xem trực tiếp vở kịch này.
Ở cạnh công viên hoà bình, bên cạnh toà nhà tàn tích của vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945 còn có đài tượng niệm những người đã hi sinh trong sự kiện này. Ở một góc của công viên hoà bình có một khu trưng bày những chú hạc nhiều màu sắc, điểm nhấn là một bức tượng của một cô bé có tên là Sasaki Sadako với đôi tay nâng chú hạc. Thợ rèn đã tới đây, đi qua bức tượng này nhiều lần, nhưng thú thực mà nói thợ rèn chưa biết tới câu chuyện phía sau bức tượng và những chú hạc được trưng bày tại đây. Vở nhạc kịch lần này có thể xem là một tiết học lịch sử sinh động dài 120 phút được biểu diễn bởi các em học sinh Mỹ qua Nhật lưu diễn, truyền tải những thông điệp về hoà bình tại chính mảnh đất đã hứng chịu những ảnh hưởng đầu tiên trên thế giới về bom nguyên tử.
“Peace on Your Wings” là một chương trình biểu diễn nhạc kịch đầy cảm xúc và ý nghĩa, nói về câu chuyện đầy cảm hứng của Sasaki Sadako và thông điệp về hòa bình mà cô mang lại. Chương trình này là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, được tạo ra để kể lại câu chuyện của một cô gái Nhật Bản dũng cảm và truyền cảm hứng.
“Peace on Your Wings” không chỉ là một buổi biểu diễn nhạc kịch, mà còn là một trải nghiệm cảm xúc đầy sâu lắng. Nó kể về hành trình của Sadako, từ thời niên thiếu hạnh phúc đến những thử thách khó khăn khi cô mắc phải bệnh bạch cầu do bom nguyên tử. Câu chuyện này được thể hiện qua âm nhạc, lời hát và màn trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ trên sân khấu.
Mỗi màn trình diễn trong “Peace on Your Wings” là một hình ảnh đẹp và mạnh mẽ về tình yêu, sự kiên nhẫn và hy vọng. Cảm xúc và thông điệp về hòa bình được truyền tải qua tiết tấu âm nhạc và lời hát diễn đạt tuyệt vời.
Chương trình này không chỉ là một dịp để tưởng nhớ Sadako và những nạn nhân của bom nguyên tử, mà còn là một cơ hội để tạo ra sự hiểu biết và đề cao giá trị của hòa bình trong thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.
“Peace on Your Wings” thật sự là một trải nghiệm âm nhạc và nghệ thuật tinh thần, nó tạo ra cảm xúc mạnh mẽ và góp phần khuyến khích mọi người hành động vì một thế giới hòa bình hơn.
Sau buổi biểu diễn, thợ rèn đã thấy có những tiếng sụt sùi ở những hàng ghế xung quanh. Lúc đèn bật sáng, thợ rèn thấy rất nhiều người cầm trên tay chiếc khăn giấy hoặc chiếc khăn mùi xoa. Câu chuyện có phần cảm động khi cảnh cuối của vở kịch là cái chết của Sadako với sự kiên trì tới giây phút cuối cùng, cô bé vẫn cố gắng gấp những chú hạc giấy. Không, không hẳn người ta khóc vì cái chết của Sadako, người ta khóc vì ý nghĩa nhân văn của cô bé biết mình bị bệnh nhưng vẫn không từ bỏ ước mơ được sống và luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho những người xung quanh. Sadako biết mình bị máu trắng do ảnh hưởng của bom nguyên tử, nhưng cô bé vẫn dường như tỏ ra yêu đời và cho mọi người thấy hình ảnh không liên quan, để mọi người có thể an tâm hơn rằng cô bé dường như chưa biết rằng mình chỉ còn sống trong mấy tháng nữa thôi. Những phút cuối cuộc đời Sadako vẫn dành thời gian an ủi chăm sóc những em bé khác trong viện, trong số đó có cả những em bé có cùng hoàn cảnh với Sadako. Hình ảnh Sadako trút hơi thở cuối cùng để biến thành vì sao trên bầu trời được tái hiện lại cảnh em bé Mitsue đã chết trước đó mặc bộ Kimono đẹp và dẫn Sadako đi, lúc đó đã có rất nhiều người đã khóc.
Những người bạn của Sadako sau đó mong muốn làm điều gì đó cho cô bé. Một ý tưởng được đưa ra. Đó là lập một bia tưởng niệm và xây tượng cho Sadako. Đúng thời điểm đó, có hội nghị của các thầy cô hiệu trưởng toàn nước Nhật gồm hơn 2000 người tham gia, các bạn của Sadako đã lên kế hoạch làm tờ rơi để gửi tới hội nghị. Ngày đó không có máy in như bây giờ, các bạn phải chia nhau mỗi người mỗi việc, không nghỉ giải lao để sao cho có thể kịp in đủ số tờ rơi để mang tới hội nghị. Và thật tuyệt vời, các bạn đã làm được. Không chỉ dừng lại ở những lời nhắn, mà câu chuyện về Sadako đã truyền cảm hứng tới tất cả các thầy cô trên cả nước. Hoạt động quyên góp được kết nối, những lá thư với tin vui liên tục được gửi về. Số tiền quyên góp được đã được dùng để xây dựng tượng đài và bia tưởng niệm Sadako.
Cuối buổi biểu diễn, thợ rèn có để ý thấy có một người phụ nữ ngồi xe lăn và xem buổi biểu diễn ở góc trên cùng của sân khấu. Bà cụ tuổi cũng tầm ngoài 80? tầm bằng với tuổi của Sadako (1943-1955) nếu cô còn sống. Bà cũng đã khóc. Cũng có thể bà chính là một nhân vật trong câu chuyện lần này…
— BY THỢ RÈN