Hôm qua thợ rèn mới nhận được bảng thông báo về chi phí y tế mà thợ rèn đã dùng trong năm 2022. Phần tổng kết có liệt kê các phòng khám thợ rèn đã ghé, số ngày, số tiền thuốc đã chi, phần nhà nước (bảo hiểm) chi trả và phần mà thợ rèn đã chi trả. Thợ rèn tập trung vào tổng số tiền và nhận ra số tiền mình dành cho y tế thấp hơn rất nhiều so với số tiền bảo hiểm mình đóng trong năm 2022, con số này chưa tới 5% tổng các loại bảo hiểm và thuế. Nếu trừ đi chừng 20~30% là các khoản tiện ích xã hội, dịch vụ công khác thì vẫn còn trên 50% mình đang góp một phần nào đó cho sự cân đối cho sự phát triển của xã hội Nhật Bản. Con số này khiến thợ rèn ngồi lại và ngẫm để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tiện ích công nào mình có thể dùng để bù lại khoản thuế đã đóng?”.
1. Tài chính của một quốc gia
Một cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp, một tổ chức, một quận, một tỉnh, một quốc gia khi tham gia vào hoạt động kinh tế, đều sẽ dính tới tiền, và tại đó sẽ có phần thu và phần chi. Hình thái có thể khác nhau, nhưng về cơ bản thì cũng khá giống nhau. Năm nay thu nhập từ lương và các khoản ngoài lương cao hơn khoản chi thì sẽ có tiền tích luỹ. Tiền tích luỹ được có thể mang tiết kiệm, mang đầu tư hoặc dùng chi tiêu thoải mái hơn cho năm sau. Ngược lại, nếu phần chi nhiều hơn phần thu thì năm đó lỗ và phải đi vay nợ hoặc thanh lý tài sản để chuyển lấy tiền mặt.
Thợ rèn đã tìm hiểu qua phần thu và phần chi của chính phủ Nhật cho con số của năm 2019. Để dễ hình dung thợ rèn chuyển đơn vị thành đô la mỹ, với tỷ giá 100 yên Nhật = 1 đô la mỹ. Năm 2019, chính phủ Nhật có dự toán cho nguồn thu là 1,000 tỷ đô, 620 tỷ là thu từ thuế, 320 tỷ đô là thu từ trái phiếu chính phủ (nhà nước đi vay tiền), và 60 tỷ đô là các nguồn thu ngoài thuế. Như vậy một chính phủ gần như nguồn thu từ thuế là nhiều nhất.
Thuế thì có nhiều loại trong đó có thể kể tới thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác (thuế bia rượu, thuế xuất nhập khẩu, thuế môi trường, thuế các ngành hàng đặc biệt…). Ngoài thuế ra, không đủ tiền thì nhà nước phải đi vay, vay bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ để mượn tiền từ người dân trong nước hoặc các tổ chức nước ngoài. Nhìn từ con số này ta có thể thấy, số tiền thuế mà thợ rèn cũng như các bạn đóng hàng tháng là số tiền đóng góp vào cho các khoản thu của một quốc gia.
Chiều ngược lại là phần chi. Nhật cũng chi 1,000 tỷ đô cho năm 2019. Phần chi phổ thông là 620 tỷ, phần chi cho trái phiếu chính phủ (trả nợ gốc và lãi cho những khoản vay những năm trước) là 230 tỷ và phần chu cấp cho các đơn vị hành chính địa phương là 160 tỷ.
Ở phần chi phổ thông lớn nhất đó là an sinh xã hội chiếm chừng 30%, chi phí công cộng chiếm chừng 7%, chi phí giáo dục nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm 6%, chi chí quốc phòng an ninh chiếm chừng 5%.
Vai trò của một quốc gia gồm có ba phần chính:
- Phân phối và điều chỉnh tài nguyên
- Tái phân phối thu nhập
- Điều chỉnh kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô
Ba chức năng này được thực hiện qua việc thu chi của một quốc gia. Vai trò này không thay đổi đối với các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ công bố các con số tài chính này để cho người dân nắm được. Thợ rèn kể một số con số trên liên quan tới nước Nhật, còn các bạn quan tâm tới Việt Nam có thể tìm hiểu xem năm qua nhà nước đã có được khoản thu bao nhiêu? đã chi bao nhiêu? Dự toán cho năm nay sẽ là như thế nào? hoàn toàn có thể tìm hiểu trực tiếp qua website của bộ tài chính. Link thợ rèn để tại đây.
https://ckns.mof.gov.vn/SitePages/home.aspx
2. Những dịch vụ nào ta được hưởng lợi trực tiếp từ khoản chi của nhà nước?
Trong các khoản chi của nhà nước, khoản chi an sinh xã hội là khoản chi thường khá lớn. Việt Nam mình dân số còn trẻ nên phần lương hưu, khoản chi về y tế còn ít, chứ như ở Nhật các khoản chi này sẽ ngày càng tăng lên. Năm 2019 tổng chi cho an sinh xã hội lên đến hơn 30% tổng chi ngân sách. Tức kiếm được 3 đồng thì Nhật phải bỏ 1 đồng cho khoản này, 2 đồng còn lại thì mang đi chi cho các dịch vụ công, đi trả nợ, lo cho an ninh quốc phòng, lo cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ địa phương…
Ở phần đầu thợ rèn cũng đã chia sẻ thợ rèn có đi tới các phòng khám, như nha khoa, tim mạch, da liễu, nhãn khoa…Chi phí thăm khám nhà nước chịu 70%, người đi khám chịu 30%. Những người phải điều trị tốn nhiều chi phí, chính phủ còn có chính sách hỗ trợ và quy định hạn mức tối đa phải đóng. Giả sử chẳng may gặp bệnh hiểm nghèo, mức viện phí là 1 triệu hay 1 tỷ yên đi chăng nữa thì thợ rèn cũng chỉ phải trả không quá 60 ngàn yên, phần còn lại nhà nước sẽ trả. Đây là chính sách高額療養費制度 tiếng Việt mình tạm dịch là chế độ hỗ trợ điều trị y tế chi phí cao. Số tiền chi cho các khoản này cũng từ ngân sách nhà nước mà ra. Chẳng ai mong phải lâm vào hoàn cảnh phải trả mức viện phí lớn như vậy, nhưng nếu sống tại một quốc gia có chế độ an sinh xã hội tốt thì cũng phần nào được an tâm.
Giờ chúng ta ngó sang 2 đồng trong 3 đồng còn lại của ngân sách nước Nhật. Các dịch vụ mà ta sử dụng hàng ngày có thể kể tới đó chính là đường xá. Ai đi cao tốc thì bị tính phí chứ đi đường dưới thì được miễn phí. Chi phí xây cầu đường này cũng là tiền nhà nước thu từ thuế và phân bổ lại mà ra. Hằng năm có nhiều trận động đất xảy ra, với những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà nước cũng phải đứng ra lo khắc phục.
Công viên bên Nhật cũng rất nhiều, nhà có thể hẹp chứ công viên thì cực kỳ rộng và đẹp, người dân được sử dụng những không gian này miễn phí. Ai sinh con bên Nhật được tặng luôn 40 vạn yên, ai có con học mẫu giáo thì được miễn học phí, con cái lên các bậc cao hơn thì được hỗ trợ học phí hoặc được miễn giảm.
Nhật có đường xá sạch đẹp, phần cũng là nhờ hệ thống thu gom và xử lý rác. Việc thu gom rác, xây dựng các nhà máy xử lý rác… cũng là khoản lợi ích mà ta được hưởng lợi từ nhà nước.
Đợt dịch covid vừa qua, nhà nước cũng phải chi một khoản tiền lớn mua và tiêm vaccine miễn phí, chi trả viện phí cho tất cả các ca có liên quan tới covid.
Với các quốc gia có điều kiện kinh tế còn kém hơn, Nhật bản còn tài trợ các quốc gia qua nguồn vốn ODA (Official Development Assistance) trong đó có những khoản tài trợ không hoàn lại. Người dân không hưởng lợi trực tiếp tuy nhiên sẽ có những doanh nghiệp của Nhật được hưởng lợi, hơn nữa qua các chương trình hợp tác quốc tế vai trò của Nhật được nâng lên, vô hình chung người dân cũng được nâng cao vị thế theo một cách gián tiếp.
Còn nhiều khoản lợi mà ta không ý thức tới, tuy nhiên những đồng thuế ta đóng góp bằng cách nào đó đang hàng ngày len lỏi vào trong đời sống và góp phần thực hiện ba vai trò của một quốc gia đó là:
3. Có một thứ giúp tối ưu tiền thuế đã đóng
Trong phần 2, thợ rèn đã chia sẻ một số dịch vụ công mà bản thân người đóng thuế được thụ hưởng theo những cách thụ động. Tuy vậy có một dịch vụ thực sự thợ rèn muốn khuyến khích những ai đang ở Nhật hãy sử dụng đó chính là thư viện.
Nhật có hệ thống thư viện hết sức đồ sộ. Số thư viện công trên toàn quốc là 3360 (2019), có khoảng 450 triệu đầu sách được lưu trữ, hàng năm có khoảng 15 triệu đầu sách được bổ sung. Số đầu sách công khai là 230 triệu, số còn lại được lưu trữ trong kho.
Hệ thống thư viện của Nhật được liên kết với nhau, đặc biệt là thư viện của các đơn vị trong cùng một thành phố. Các thư viện cũng cho phép tìm kiếm và đặt mượn online. Với các cuốn sách được lưu trữ dịch vụ này cực kỳ hữu ích.
Cá nhân thợ rèn nghĩ, mình đóng khá nhiều tiền thuế, nếu không thu lại thì cũng thật uổng. Cơ mà không phải lúc nào cũng đi lang thang ngoài đường bào cho mòn đường, hay chăm chỉ đi phòng khám được. Thợ rèn nghĩ tới thư viện vì đây là nơi mình dùng càng nhiều, mình càng được lợi, mà nhà nước cũng càng thấy vui, chi phí cũng không vì thế mà tăng lên.
Nếu tính mỗi cuốn sách 2000 yên, ai chịu khó đọc được 500 đầu sách một năm thì sẽ tiết kiệm được chừng 100 vạn yên, còn ai đọc ít hơn thì có thể tính 100 cuốn, thì cũng tiết kiệm được 20 vạn yên.
Thợ rèn tận dụng thư viện theo cách chọn sách theo chủ đề. Vì khi chọn theo chủ đề mình sẽ gom đọc chừng 10~15 cuốn. Cuốn nào hay thì sẽ đọc sâu hơn, còn cuốn nào thấy không hợp thì có thể lướt qua. Mua sách và đọc theo chủ đề như thế này cũng khá tốn kém, nhưng nếu đi thư viện thì nghiễm nhiên được sử dụng dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Thợ rèn cũng đã tìm các đầu sách theo từ khoá, và tìm ra được cả những cuốn sách xuất bản từ khá lâu, giờ họ lưu vào kho, có những cuốn còn không còn bán trên thị trường nữa. Trong hành trình đó, nếu có cuốn thực sự ưng ý thì các bạn có thể chọn mua về để dùng cũng không sao, cơ mà kinh nghiệm của thợ rèn cho thấy khi đọc theo chủ đề thì tận dụng thư viện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Bên cạnh thư viện, khả năng còn các dịch vụ công khác mà ta càng dùng thì nhà nước càng vui cơ mà thợ rèn cũng chưa nghĩ được ra. Trước mắt thợ rèn nhận thấy thư viện là thứ dễ hiểu nhất nên nay ngồi viết bài này giới thiệu. Chúc các bạn có cuối tuần vui vẻ.
— By Thợ rèn —