Khi nói tới thiếu tự tin, ta thường liên tưởng tới những suy nghĩ tiêu cực. Điều đó không sai, nhưng sẽ thật lãng phí nếu chúng ta không thử nhìn vào mặt tích cực của việc thiếu tự tin. Thiếu tự tin là thời điểm tuyệt vời nhất để ta thực sự mở lòng đón nhận và lắng nghe ý kiến của người khác.
Mặt tốt của việc thiếu tự tin
Học tiếng Anh đã lâu cơ mà khi làm việc cho công ty Nhật việc trao đổi với khách hàng bản xứ thì thợ rèn không có đảm nhiệm. Có chăng thì đó là các câu chuyện liên quan tới kỹ thuật trong nội bộ công ty trong các chuyến công tác nước ngoài. Việc trao đổi nội bộ với nhau và đặc biệt trên lập trường thợ rèn là người của công ty mẹ đi hỗ trợ, câu chuyện lại xoay quanh các chủ đề thợ rèn là người nắm thông tin thì các bạn cũng có thể mường tượng được cấp độ khiêu chiến không quá lớn. Đương nhiên những cuộc trao đổi này không đòi hỏi trình độ tiếng Anh quá tốt, chỉ cần vừa đủ xài là ok. Tuy nhiên có lần thợ rèn được giao cho một nhiệm vụ đột ngột, đó là thông dịch cho khách hàng từ Mỹ, về một chủ đề mà thợ rèn chưa có kiến thức nền, cộng thêm buổi họp hôm đó công ty thợ rèn ở vai trò nhà cung ứng, tức ở kèo dưới trên bàn thương thuyết. Thợ rèn có nhận và tham gia cuộc họp. Có 30 phút đọc trước tài liệu nhưng thực sự nội dung của buổi họp thợ rèn không có tự tin và hoàn thành công việc trong cảm giác không thực sự mãn nguyện.
Tự tin có được khi mình hiểu ngọn ngành những điều mình nói. Tuy vậy thợ rèn không chắc chắn, thậm chí có nhiều điều còn chưa hiểu nên câu từ và cách diễn đạt cũng không được thanh thoát như mọi khi. Đó là một trong những lần thợ rèn cảm thấy có phần tự ti và xấu hổ về năng lực bản thân. Sau buổi đó phần mong muốn cải thiện thêm, nhưng trong sâu thẳm không tránh được những suy nghĩ phủ định bản thân, đặc biệt về sự yếu kém trình độ ngôn ngữ, kiến thức chuyên môn ngoài công việc đảm nhiệm. Điều duy nhất mà thợ rèn cảm thấy là phần bù ít ỏi cho nỗi niềm xấu hổ đó chính là cuộc trò chuyện với một anh khách hàng người Pháp trong giờ giải lao. Có vẻ như anh bạn biết thợ rèn đảm nhiệm project khác nên hiểu được sự lúng túng trong vai trò hỗ trợ ngôn ngữ của cuộc họp giữa hai bên. Có lẽ hiểu được điều này mà anh bạn vẫn dành một số lời khen và cảm ơn thợ rèn đã hỗ trợ.
Khi có tự tin là lúc mà chúng ta có thể mạnh dạn trình bày được quan điểm của bản thân, không bị quấn vào những suy nghĩ và lập luận khác cho dù đó là những lập luận hay tình huống có hướng đi ngược lại với ta. Tuy nhiên tự tin quá đôi lúc cũng làm xuất hiện những nhược điểm. Một trong số đó là không thể lắng nghe ý kiến của người khác một cách chân thành. Nó giống như cái sàng mắt lớn, chỉ giữ lại được những hòn đá đủ lớn. Những ý kiến mà bị coi là những hạt cát nhỏ hoặc những kiến thức không đủ ấn tượng sẽ bị ta bỏ qua như cách ta dùng cái sàng lọc lấy thông tin. Sự tự tin càng lớn, thì mắt sàng càng lớn. Nếu mắt sàng không phù hợp, sau cuộc gặp gỡ ta sẽ không đọng lại được thứ gì trên mặt sàng.
Ngược lại với sự tự tin đó chính là sự thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin xuất hiện khi ta nhận ra sự chưa hoàn thiện của bản thân hoặc ta chợt nhận ra một hình thái lý tưởng tốt hơn hiện tại. Nếu sở hữu một tâm hồn thành thật và hướng tới những điều tốt đẹp, chắc chắn đây là thời điểm thích hợp để ta tiếp thu và lắng nghe chắt lọc lấy những lời khuyên. Về việc học Anh văn, nhờ cuộc họp bất ngờ trong câu chuyện trên mà thợ rèn thấy được sự chưa tròn trịa của bản thân, từ đó tạo động lực để bản thân lắng nghe những lời khuyên của những người có kinh nghiệm ở cấp độ MỚI mình muốn hướng tới.
Lắng nghe có chọn lọc và hướng tới những cấp độ cao hơn
Thợ rèn nghĩ việc học và rèn luyện bản thân cũng giống như việc hoàn thiện cái sàng (lọc) cho chính mình. Việc học và rèn luyện tốt giống như cái sàng có độ rộng mắt sàng hợp lý và có các thanh đan có sức bền đủ để đón nhận những giá trị và kiến thức sẽ đi qua. Giá trị của các kiến thức lượm được giống như độ lớn của các hạt cát. Năng lực tiếp nhận của ta giống như độ bền và cứng của các thanh đan.
Người không tự tin giống như cái sàng có mắt rất nhỏ, kiến thức nào, lời khuyên nào cũng giữ lại được. Nếu năng lực không đủ thì chỉ một số lượng cát vừa phải đã khiến cho cái sàng trĩu nặng không thể tiếp nhận thêm. Nếu tự tin đã có nhiều hơn thì mắt sàng sẽ lớn, ta có thể bỏ qua những điều đã trải nghiệm hoặc những điều ta đã thấm nhuần. Thông tin và những gì ta tiếp nhận là những hạt cát có kích thước khác nhau, thông thường nó phù hợp với hoàn cảnh sống và tính cách con người chúng ta. Nếu thiết lập độ tự tin không phù hợp, cụ thể là quá lớn, sẽ khiến cho những giá trị phù hợp với cấp độ của ta không đọng lại được, mà nó cứ vậy chảy qua, khiến cho tốc độ hoàn thiện bản thân trở nên chậm hơn.
Cuộc sống sẽ luôn có những thử thách, đó là những hạt cát lớn hơn mắt sàng, chúng va đập vào ta, khiến cho ta cảm thấy thiếu tự tin, chúng khiến ta phải nỗ lực để mở rộng mắt sàng hơn nữa. Khi mở rộng ra ta lại có cơ hội tiếp cận với những thử thách lớn hơn, đó chính là hành trình để vươn lên không bao giờ ngưng lại. Cái này ta gọi là thích ứng với sự thay đổi.
Thích nghi với sự thay đổi
Từ khi trái đất hình thành tới nay đã trải qua nhiều giai đoạn biến động. Những giai đoạn biến động đó có thể làm tuyệt chủng các loài động vật to lớn như khủng long, voi ma mút, nhưng lại không thể huỷ diệt được con gián, loài vật được coi là sống dai nhất trên thế giới. Con gián có thể sống sót được là nhờ sự thích nghi với những biến đổi. Bởi vậy ngày nay, khi xét về đặc điểm của một con người, ai mà mạnh với sự thay đổi thì mặc định được xem là một ưu điểm. Vậy thế nào là một người có năng lực thích nghi với sự thay đổi? Dưới đây thợ rèn liệt kê ba năng lực. Nếu bạn có được thì xin chúc mừng, bạn đã là người sở hữu một điểm mạnh mà nhiều người mong muốn có được trong thời đại mà mọi thứ diễn ra nhanh và có nhiều biến động như ngày nay.
- Năng lực tinh thần: Năng lực mà cho dù có bất kể thứ gì xảy ra đi chăng nữa cũng không hề thay đổi
- Năng lực biến hoá: Năng lực mà khi nhận ra sự biến đổi là tốt và cần thiết thì sẵn sàng thành thực tiếp nhận sự thay đổi.
- Năng lực quyết đoán: Năng lực mà một khi đã quyết sẽ thay đổi thì có thể hành động ngay lập tức.
Khi tiếp nhận sự thay đổi, chắc chắn sẽ có những thời điểm khiến ta cảm thấy thiếu tự tin. Những trường hợp này, các bạn hãy dừng lại một chút nghĩ về câu chuyện cái sàng, nếu đó là thời điểm cần phải thay đổi thì đây là thời điểm tuyệt vời để ta thành thực thừa nhận sự yếu kém của bản thân đồng thời chấp nhận thử thách để đưa bản thân lên một bậc cao hơn.
— By Thợ rèn —