Cuối năm mọi người thường tổng kết và sau đó là lên kế hoạch cho một năm. Chả biết tự khi nào thợ rèn cũng bắt chước tổng kết và lên kế hoạch. Cơ mà nhìn lại những năm qua thì thợ rèn nhận thấy chưa có năm nào mình đạt được hết tất cả những mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí có những năm khi nhìn lại còn không nhớ vì sao mình lại có mục tiêu đó nữa. Tuy vậy cũng có những mục tiêu đạt được hoặc vượt xa kế hoạch đặt ra. Nay cũng là thời điểm đầu năm nên nếu viết về chủ đề này thì cũng hạp nên thợ rèn ra quán cà phê ở xa nhà hơn một xíu rồi ngồi cạch cạch viết bài. Chuyện phải đi xa, mà còn phải mò vào quán Starbucks cách nhà một ga tàu Shinkansen (tàu cao tốc) là vì sớm nay thợ rèn lỡ bốc vào tấm thẻ cho thử thách “tuyển tập những lần đầu”. Lần đầu của cái gì cũng được, và thợ rèn chốt phương án lần đầu đi Shinkansen để…uống cà phê.
Có hai cách đặt mục tiêu
Năm trước thợ rèn có đặt mục tiêu đọc 1,000 cuốn sách trong vòng 3 năm. Cách đặt mục tiêu này là đặt mục tiêu tuyệt đối. Tức so với thời điểm bắt đầu lấy cột mốc là 0 cuốn, sau thời gian nhất định 3 năm thì số cuốn sách đọc được là 1,000. Đây là con số tuyệt đối. Cách đặt mục tiêu này tương tự như thu nhập sau 1 năm là *** triệu, điểm thi TOEIC năm nay là ***, số nơi đi được trong năm nay là *** tỉnh thành… Con số khá rõ ràng và thường đó là một mục tiêu mang tính dài hạn, không thể đạt được một sớm một chiều.
Thợ rèn cũng có đặt mục tiêu mang tính trừu tượng hơn đó là mỗi ngày học thêm được một điều mới. Điều mới là gì cũng được, dù to dù bé đều được tính hết. Mục tiêu như thế này là tương đối, vì so với những gì ta đã biết, chỉ cần ta kiếm được một cái gì không giống cái đó là được tính đã đạt mục tiêu. Mục tiêu này tương tự như ngày hôm nay là phiên bản tốt hơn ngày hôm qua, số trang sách đọc được tuần này nhiều hơn tuần trước 1 trang, thời gian hoàn thành bản vẽ nhanh hơn so với lần trước đó 5%…
Thực ra nếu soi kỹ thì hai cách đặt mục tiêu trên cũng không khác nhau quá nhiều, tuy vậy thợ rèn sẽ soi vào kỳ hạn mục tiêu và đối tượng so sánh để khuếch đại và làm rõ sự khác biệt này.
Mục tiêu tuyệt đối | Mục tiêu tương đối | |
Thời gian | Dài hạn, trung hạn | Ngắn hạn, trung hạn |
Thời điểm reset | Kết thúc kỳ hạn | Cột mốc giữa chừng |
Đối tượng so sánh | Thời điểm bắt đầu | Đối tượng tại thời điểm reset |
Ví dụ | Năm 2025 hoàn thành 1,000 cuốn sách | Tuần này đọc nhiều hơn tuần trước 1 trang sách |
Mục tiêu tuyệt đối như tích phân, mục tiêu tương đối như vi phân
Bạn nào học toán thì còn nhớ tích phân là tổng của vô số những phần tử nhỏ được tách ra theo một đơn vị nhất định. Còn vi phân là phân chia một đối tượng lớn thành những mục nhỏ mà mục nhỏ đó tiến gần tới số 0.
Ví dụ mục tiêu 2025 đọc được 1,000 cuốn sách thì đó là tích phân số lượng cuốn sách đọc được từ ngày đặt mục tiêu tới năm 2025. Số lượng cuốn sách đọc được trong một đơn vị thời gian chính là vi phân của mục tiêu 1,000 cuốn sách này. Tích phân là phép tính tổng những cái nhỏ, còn vi phân là quá trình ngược lại tức chia cái lớn thành những cái nhỏ.
Cá nhân thợ rèn thích mục tiêu tương đối hơn mục tiêu tuyệt đối. Lý do là vì ba lý do sau:
*** Thứ nhất: Sớm biết được kết quả hơn
So với mục tiêu tuyệt đối, mục tiêu tương đối thường có thời gian reset ngắn hơn. Ví dụ như trường hợp thợ rèn kể trên là hôm nay so với hôm qua, tuần này so với tuần trước, tháng này so với tháng trước…Nếu đơn vị ngày thì hết ngày là có thể thấy được kết quả, có thể biết mình đã đạt mục tiêu hay không. Điều này vô hình chung khiến ta ý thức về việc cần làm nhiều hơn, ít khi bị quên đi và dần dần chúng sẽ trở thành thói quen. Do mục tiêu được chia nhỏ nên về cơ bản nó khá dễ thực hiện, khi dễ thực hiện thì khiến chúng ta dễ bắt tay vào hành động hơn.
Ví dụ số trang sách tuần này nhiều hơn tuần trước 1 trang, nếu tuần này thợ rèn đọc được 50 trang thì tuần sau thợ rèn chỉ cần đọc 51 trang là đạt mục tiêu. Nếu đã đọc được 50 trang thì việc tăng 1 trang tức chỉ 2% thì không quá khó nếu không muốn nói là dễ.
Việc đặt mục tiêu như thế này cũng giúp tránh được việc “no dồn đói hóp”. Tức có những thời điểm thì làm thật thật nhiều, nhưng cũng có những thời điểm thì không làm gì cả. Việc làm ít và chia nhỏ ra sẽ khiến việc hình thành thói quen dễ hơn.
Cá nhân thợ rèn có viết blog bản công khai và bản không công khai. Có những thời điểm số lượng bài viết dồn vào đăng lên nhiều, cũng có thời điểm thì gần như không có bài nào. Thợ rèn nghĩ thưa và đều tốt hơn việc dồn dập sau đó tắt ngủm, nhưng vẫn có những khoảng thời gian chưa thực hiện được. Việc ý thức về sự khác biệt của mục tiêu tuyệt đối và mục tiêu tương đối này cũng là một bước để thợ rèn tiến tới bình chuẩn hoá công việc một cách thực tiễn hơn.
*** Thứ hai: Thành quả có được khi ta quên đi
Năm rồi thợ rèn được tăng lương. Bậc lương cơ bản thay đổi kéo theo các khoản trợ cấp, tăng ca, tiền thưởng hai kỳ mùa hạ và mùa đông đều tăng do những khoản này lấy lương cơ bản làm nền sau đó nhân hệ số. Việc tăng lương là mục tiêu dài hạn, cơ mà đó là thành quả của những việc nho nhỏ hằng ngày ví dụ như hoàn thành tác vụ đúng thời hạn, luôn ý thức tạo thêm giá trị cho những dự án tham gia, coi bản thân là chi phí để ý thức tăng năng suất lao động từ đó cống hiến cho lợi nhuận của công ty…
Thú thực việc đạt được một cái gì đó sau một khoảng thời gian dài nỗ lực, đạt được vào thời điểm mà ta đã quên đi cho thợ rèn một cảm giác rất đặc biệt và thường nó là thành quả to hơn chúng ta nghĩ.
*** Thứ ba: Dễ thiết lập mục tiêu hơn
Và điều quan trọng hơn cả đó là thiết lập mục tiêu không quá khó. Ví dụ xưa thợ rèn cứ tạm đặt cho mình mục tiêu đạt 900 TOEIC nhưng thực tế chưa hình dung được mình sẽ làm gì với số điểm đó. Có chăng thì đó là số điểm để minh chứng cho một kỹ năng đã được kiểm chứng, hoặc xa hơn một chút là nó sẽ thành tiền đề để có được vị trí tốt hơn trong công việc hoặc có cơ hội để có thêm những lựa chọn mới về nơi làm việc. Tuy vậy từ lúc đặt mục tiêu cho tới khi kết quả đó đặt được sẽ có một khoảng thời gian ở giữa. Trong thời gian này chắc chắn có nhiều biến động và thậm chí có những biến động khiến cho tình hình sẽ bị xoay chuyển. Ví dụ công ty điều chuyển công tác Trung Quốc, nếu vậy thay vì tập trung cho tiếng Anh thì nên phân bổ thời gian cho tiếng Trung sẽ tốt hơn. Ví dụ công ty phân công làm việc trực tiếp với đối tác bên Mỹ, thay vì tập trung ôn tập kiếm điểm thì những kỹ năng nghe nói thực chiến trong các cuộc họp có khi sẽ phù hợp với thực tiễn hơn. Điều tệ hơn đó là đánh mất mối liên kết giữa ý nghĩa của việc cần đạt được với thực tại khiến ta quên đi cần phải thực hiện mục tiêu, kết quả cuối cùng mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu.
Điểm yếu của mục tiêu tuyệt đối đó là sau khi nó được chốt thì thường sẽ khó linh động. Thay vào đó mục tiêu tương đối có tính linh động cao hơn và ta dễ dàng điều chỉnh. Thậm chí nếu ta chưa biết được cách sử dụng điểm số của kỳ thi tiếng Anh là gì thì ta vẫn có thể vui vẻ với sự tiến bộ hàng ngày trong việc nghe và nói tiếng Anh.
Mục tiêu tương đối nói cách khác tập trung vào quá trình, còn kết quả chỉ là vấn đề thời gian. Vậy nên ban đầu nếu thiết lập được một lộ trình đúng thì ta không còn phải quá bận tâm vào ý nghĩa của mục tiêu điều này thực sự hữu ích khi mục tiêu chắc chắn là cần thiết nhưng lại khó định nghĩa một cách thuyết phục tại thời điểm hiện tại.
Tuy vậy mục tiêu tương đối cũng không phải là trọn vẹn. Các cụ có nói sai một ly đi một dặm, điều này cũng giống với nếu vi phân mà sai một chút thì tích phân sẽ đi đến một kết quả hoàn toàn khác. Nhìn rừng mà không nhìn cây thì khó hành động, nhưng nếu nhìn cây mà không nhìn rừng thì đôi khi sẽ chỉ ở mãi trong một khu rừng trong khi đó bên ngoài kia có nhiều khu rừng khác mà ta có thể thoả sức khám phá. Vậy nên đôi lúc cũng có những khoảng thời gian dừng lại, chẳng hạn đợt nghỉ đầu năm chẳng hạn để xem lại vi phân có chuẩn hay không, hoặc để ngồi nhẩm tính xem phép tính tích phân của mình có kết quả là bao nhiêu từ đó để có thể xây dựng cho mình những phép tính tích phân khác lớn hơn, bạn nào xuất sắc còn lập nên tích phân trong tích phân tức tích phân kép. Năm mới chúc các bạn ngồi biến những mong muốn và kỳ vọng thành những phép toán tích phân và vi phân phù hợp.
— By Thợ rèn–