Thợ rèn vốn là người hay tin người. Đặc biệt với những người càng gần gũi và quen biết thì lại càng hay tin. Người nào mà trong suy nghĩ họ giỏi hơn, họ biết nhiều hơn thì niềm tin đó lại càng được củng cố. Một khi đã tin thì đôi khi những điều họ nói có phần thiếu tính khách quan và bao quát thì thợ rèn vẫn dễ dàng tiếp nhận. Những thông tin sẽ càng dễ được chấp nhận nếu đó là những thông tin có lợi cho bản thân.
Ví dụ ai đó khen thợ rèn dễ thương là thợ rèn tin ngay. Còn ai đó mà chê thợ rèn đen hôi là ngay lập tức cơ chế phản vệ được khởi động, một là sẽ chỉ trích lại hai là sẽ tìm hiểu xem sự đen hôi đó có là sự thực hay không?
Điều này là hết sức bình thường trong tâm lý của chúng ta. Vậy nên đôi lúc thợ rèn cũng không cảm thấy thoả mãn được cách mà mình tiếp nhận thông tin vì thiên kiến cá nhân luôn ẩn mình trong việc chọn lọc thông tin. Một câu hỏi được đặt ra “Làm thế nào để có thể nhìn nhận sự vật sự việc một cách khách quan và bao quát?” không phân biệt sự vật sự việc đó được phát ngôn bởi những người có uy tín hay không? không phân biệt nguồn tin về sự vật sự việc đó mang lại giá trị tích cực hay tiêu cực cho chủ thể đang lắng nghe?
Thợ rèn nghĩ có một framework (bộ khung) này có thể áp dụng. Đó chính là nhìn sự vật sự việc trên hai trục thời gian và không gian, dựa trên nền tảng là số liệu mang tính thống kê.
Nhìn sự vật sự việc theo trục thời gian
Nguyên tắc cơ bản của việc nhìn nhận sự việc đó là quan sát chúng trên những góc nhìn có sử dụng dữ liệu và số liệu. Nếu có dữ liệu và số liệu mọi thứ sẽ dễ dàng trở nên rõ ràng hơn, ít dẫn đến những tranh cải chỉ để bảo vệ luận điểm cảm tính cá nhân. Ngân hàng khi cho vay họ sẽ quy định rõ ràng lãi suất và kỳ hạn phải trả bằng những con số. Quá hạn không trả thì nợ sẽ được phân loại sang những loại nợ có sự rủi ro cao hơn, cao tới mức trở thành nợ xấu thì họ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Bạn bè người thân cho nhau vay, bảo dăm bữa nửa tháng rồi trả. Dăm bữa nửa tháng đó thì chẳng biết chính xác là đến khi nào. Có người thì đó là một tuần, có người thì bảo đó là vài tháng, có người bảo cái đó chỉ là cách nói chứ dăm bữa nửa tháng thì phải là vài năm đấy chứ. Sự không rõ ràng và thống nhất quan điểm là nguồn cơn cho những tranh cãi. Vậy nên nếu có dữ liệu và số liệu một cách rõ ràng mà ai nhìn vào cũng thấy được một ý nghĩa duy nhất thì việc đánh giá vấn đề sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn cả.
Số liệu hay dữ liệu dù có nhưng bản thân nó chưa phải là cái phản ánh hết tính chất sự vật sự việc. Nó phải được nhìn nhận theo hai trục thời gian và không gian. Trước hết chúng ta cùng nhìn nhận sự vật sự việc theo trục thời gian trước.
Thợ rèn làm về cơ khí, bình thường cũng có làm việc với động cơ nên thợ rèn xin lấy một ví dụ như thế này. Khi khởi động một động cơ thông thường ban đầu điện lưu sẽ tăng lên rất mạnh do cần một năng lượng đủ lớn để thay đổi từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Khi động cơ được gia tốc xong và bước vào giai đoạn tải ổn định thì giá trị điện lưu sẽ giảm xuống và sau đó được duy trì ở mức độ ổn định đó.
Giả sử ai đó quan sát được sự vật sự việc ở duy nhất một thời điểm. Anh A quan sát sự việc khi động cơ vừa khởi động, anh đấy sẽ nói điện lưu đang rất cao. Trong khi anh B quan sát sự việc khi động cơ bước vào giai đoạn ổn định thì anh đấy sẽ nói điện lưu đang ở mức bình thường. Câu chuyện này thực sự không khác gì chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” của Việt Nam ta.
Sự vật sự việc có sự biến động theo thời gian, trong tiến trình đó nếu có sự quan sát tổng thế theo trục thời gian thì sẽ tránh được nhìn nhận sự việc theo một điểm đặc hữu, thay vào đó có thể nhìn nhận sự việc theo mỗi chuỗi được sắp xếp theo trật tự và tiến trình của thời gian. Cái này nói theo cách khác đó chính là lịch sử.
7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ là một điểm sáng, tuy vậy nếu soi chiều dài lịch sử hơn 2000 năm chống giặc ngoại xâm của Việt Nam thì chiến thắng đó chỉ là một điểm sáng trong chuỗi chiều dài lịch sử oanh liệt của một quốc gia nhỏ về quy mô nhưng lại rất hiếm khi khuất phục trước kẻ thù dù là kẻ thù liên bang hay kẻ thù to lớn từ nơi khác tới.
Nhìn nhận sự vật sự việc theo thời gian thợ rèn nghĩ rất quan trọng, tuy vậy góc nhìn của ta sẽ được trọn vẹn hơn nếu có thêm một trục nữa đó là trục không gian.
Nhìn nhận sự vật sự việc theo trục không gian
Quay trở lại với ví dụ khởi động động cơ kể trên. Công ty thợ rèn có phần R&D trong nước Nhật, và có phần sản xuất hàng loạt tại các cứ điểm nước ngoài. Khi triển khai một dây chuyền, sản phẩm mới thông thường sẽ có khâu thực nghiệm, kiểm chứng trên quy mô phòng lab trước, sau đó mới triển khai theo diện rộng trên quy mô sản xuất hàng loạt. Khi đã sản xuất hàng loạt thì số lượng máy giống nhau sẽ được tăng lên.
Trong ví dụ khởi động động cơ, cùng thời điểm khởi động nhưng máy khác nhau mà giá trị điện lưu đạt cực đại khác nhau thì có thể đã có sự tồn tại bất thường. Hoặc khi cùng quan sát hiện tượng khi động cơ chịu tải như nhau và đã đạt đến trạng thái ổn định, động cơ A có giá trị 1.0A (đọc là ampe), động cơ B có giá trị 2.0A. Như vậy đã có sự khác nhau. Có thể có điều bất thường đang tiềm ẩn ở đây.
Bằng cách quan sát, đánh giá sự vật sự việc theo trục không gian này sẽ giúp ta có thêm một góc nhìn khác. Dữ liệu này được tích góp theo trục thời gian nữa thì ta có thông tin từ “điểm” thành “đường”, rồi từ “đường” thành “mặt phẳng”. Bạn nào mà khéo nữa thì thêm một trục nữa ta sẽ có chiều sâu tức từ “mặt phẳng” sẽ được chuyển thành “không gian”. Tuy vậy, trong phạm vi bài chia sẽ này thợ rèn nghĩ hai trục thời gian và không gian cũng có thể bao quát được một lượng lớn các sự vật sự việc nên sẽ không đề cập tới chiều thứ ba.
Thử từ những chuyện gần gũi trước
Nhiều người không biết nhiều về thợ rèn thường nghĩ thợ rèn có tính lemon question (chanh hỏi) vì có những câu chuyện thợ rèn không thèm tranh luận. Ví dụ có người bảo để da nâu mới đẹp, có người thì bảo da phải trắng mới dễ thương. Thợ rèn da nâu nên muốn bảo vệ ý kiến da nâu, cơ mà nếu thế thì câu chuyện từ cuộc tranh luận debate chuyển thành tranh cãi argue, vì mỗi người mỗi ý, và không có quy chuẩn chung hoặc cái chuẩn chung quá rộng có thể bao hàm cả ý kiến đôi bên. Những tranh luận kiểu này, nếu có tham gia thì giữ tinh thần nêu ý kiến, quan điểm cho vui hoặc tốt nhất là giữ cho mình tính cách lemon question, như thế vừa sang lại vừa khỏi vướng vào những cãi vã không có hồi kết.
Trong công việc thì khác. Có những trường hợp chúng ta phải làm rõ vấn đề, vì mục đích hướng tới cụ thể là giải quyết vấn đề tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, đóng góp vào doanh thu và sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy nên có những trường hợp muốn tránh cũng không tránh được. Những lúc như thế này, việc sử dụng hai trục thời gian và không gian để nắm bắt vấn đề dựa trên dữ liệu và số liệu có thể sẽ có ích. Kỹ năng này không phải sẽ đạt được trong một sớm một chiều, cơ mà nếu chịu khó luyện tập thì một ngày nào đó sớm mai thức dậy các bạn sẽ nhận ra mình có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và bao quát, nói cách khác là tư duy hệ thống.
Thợ rèn kể một vài mệnh đề để các bạn thử luyện tập, nếu các bạn các mệnh đề cụ thể của riêng mình thì có thể tự liệt kê và thực hành:
- Tôi nghĩ rằng chợ quê Việt Nam rồi sẽ dần được thay thế bởi các siêu thị
- Việt Nam có dân số trẻ
- Đi Nhật kiếm được nhiều tiền
- Đất ở Lâm Đồng đang rất đắt
- Học sinh ngày nay tiếng Anh giỏi hơn ngày xưa
Bí kíp đó là các bạn hãy cố gắng chuyển những từ khoá trong các mệnh đề thành các con số. Ví dụ chợ dần được thay thế bởi các siêu thị -> Tỷ lệ chợ/siêu thị. Dân số trẻ -> Độ tuổi trung bình dân số và độ tuổi trung bình của người lao động…
Về trục thời gian và không gian, việc khéo chọn vùng cũng rất quan trọng. Ví dụ dân số trẻ thì ta có thể xét từ giai đoạn 1975 tới nay, còn chọn không gian thì có thể so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, hoặc so sánh với các quốc gia thuộc nền kinh tế đang phát triển, hoặc có thể so sánh với các quốc gia kết thúc chiến tranh cùng giai đoạn với Việt Nam.
— By Thợ rèn —