Mọi người thường nghĩ nhớ được càng nhiều thì càng có lợi, tuy nhiên thực tế bên cạnh năng lực ghi nhớ, thợ rèn nghĩ còn một năng lực hết sức quan trọng đó chính là năng lực quên.
Thợ rèn nhận thức điều này khi thời gian quan phụ trách một bạn sinh viên đại học tham gia chương trình internship mùa đông, mà người phụ trách bạn sinh viên này chính là thợ rèn. Bạn sinh viên này học năm ba đại học, có 15 năm tập luyện bơi lội từ năm 3 tuổi tới năm 18 tuổi. Cũng có tham gia các giải đấu và dành được một chút thành tích tại Nhật.
Chắc vì chăm chỉ luyện tập thể thao nên việc học cũng hơi sao nhãng một chút. Trong thời gian thực tập hai tuần, thợ rèn có giao một số vấn đề cụ thể để bạn giải quyết. Trong số các vấn đề đó có một số nội dung cần tính toán, sử dụng các công thức toán học, phải ngồi nhẩm sin sin, cos cos, tang tang. Ban đầu bạn cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng sau đó giải quyết được xong xuôi. Điều ấn tượng mà thợ rèn nhận thấy đó là niềm vui rất thuần khiết xuất hiện trên khuôn mặt của bạn đấy.
Đi làm cũng được mấy năm, đôi lúc cũng bị kỳ hạn và áp lực từ các bên chía vào nên thành ra tự lúc nào thợ rèn thấy việc phải chủ động đi tìm lời giải là một phần trong thói quen hàng ngày. Thời gian đầu khi học được thứ gì mới thì thấy vui và sung sướng lắm, cơ mà sau nhiều lần như vậy thì thợ rèn dần quên đi mất cái niềm vui thuần khiết khi tiếp xúc với những điều mới mẻ.
Những điều mới mẻ có thể là mới với người này và cũ với người khác. Có thể điều mới mẻ đó là một phát hiện to to, nhưng đôi khi chỉ là một phát hiện nho nhỏ như biết được một chức năng hữu ích của excel, nhưng nếu ta giữ được tâm thế mong muốn tìm hiểu những điều mới mẻ thì niềm vui thuần khiết sẽ luôn xuất hiện mỗi khi ta phát hiện hoặc học được một điều mới mẻ.
Rồi thợ rèn mới nghĩ điều gì tạo ra sự khác biệt về cảm xúc giữa một sinh viên và một người đã đi làm nhiều năm khi cả hai cùng khám phá hoặc học được một điều mới mẻ? Một người thì vui mừng phấn khích, trong khi đó người còn lại thì như chai lì cảm xúc. Thợ rèn mới nghĩ có thể đó là sự ưu tiên phát triển năng lực ghi nhớ và năng lực quên trong tiềm thức.
Năng lực ghi nhớ
Ngày xưa khi còn ngồi trên ghế nhà trường thợ rèn thích học lắm. Sáng học, trưa cũng học, rồi tối còn tranh thủ tham gia các khoá học với những người đi làm công ty. Hồi đó thợ rèn nghĩ nhớ được càng nhiều thì càng tốt, học được càng nhiều thì càng ấm thân, kiểu như một kẻ “đói kiến thức”, dù trong đầu không có được một định hình rõ ràng kiến thức đó sẽ dùng vào việc gì.
Bù lại, khi còn là sinh viên não bộ ghi nhớ tốt hơn, học nhiều cũng không thấy mệt cho lắm. Trong giai đoạn này đúng là khi tiếp xúc với một điều mới mẻ thợ rèn cũng cảm thấy phấn khích. Sự phấn khích đó sau này trở thành động lực để tiếp tục tìm tòi những điều mới mẻ.
Lợi thế của việc sẵn sàng học tập những điều mới mẻ đó chính là tạo dựng một nền tảng vững chắc để đưa ra các quyết định. Một quyết định tốt sẽ được bắt đầu từ nhiều lựa chọn. Lựa chọn chỉ có thể được khi ta tăng trải nghiệm và tăng năng lực ghi nhớ. Tuy vậy nếu chỉ tăng lựa chọn mà không có quá trình sàng lọc và quên đi những lựa chọn không thực sự tối ưu thì sẽ khó có thể đưa ra được một quyết định tốt. Lúc này vai trò của năng lực quên trở nên quan trọng.
Năng lực quên
Sau khi học cách ghi nhớ, thợ rèn nghĩ năng lực tiếp theo cần phải học và rèn luyện đó chính là năng lực biết cách quên.
Trong tiếng Nhật có một cụm từ là Thủ Phá Ly, viết là 守破離 . Từ này thợ rèn biết tới khi học Karate. Khi học karate, việc đầu tiên đó là tuân thủ tất cả những gì được dạy, không đi ngược lại dù có thể điều được dạy chưa phải là tốt nhất. Sau khi đã có nền tảng tốt, bước tiếp theo là phá cách, thêm những thứ mới vào, và bước cuối cùng là ly tức tách ra theo trường phái riêng của mình. Khi ở bước đầu tiên là thủ, thợ rèn nghĩ năng lực ghi nhớ và sự lì lợm là hết sức quan trọng. Càng những bước về sau, gồm phá và ly thì năng lực quên đi những cái cũ để chắt lọc lấy cái tinh tuý càng trở nên quan trọng.
Cá nhân thợ rèn là người Việt Nam, thợ rèn đôi lúc tự nhận thấy mình yếu ở khâu thủ. Đôi lúc mới bắt đầu nhưng đã muốn phá cách, làm mọi việc trong sự nghi ngờ. Điều này thợ rèn nghĩ không tệ nếu xét trong ngắn hạn, tuy vậy nếu xét trên dài hạn và đứng trên lập trường của người truyền tải thì có vẻ không phải cách làm tối ưu lắm. Dù có nghi vấn, nhưng vẫn lì lợm tuân thủ và ý thức về nó cũng là một loại năng lực. Việc kiềm chế để nó không lấn sân sang phần phá cách quá sớm cũng là một loại năng lực khác mà thợ rèn nghĩ phải rèn luyện mới có được.
Người trồng rau sẽ tỉa và vứt bỏ những cây yếu kém, người trồng mít sẽ cắt bỏ những quả xấu hơn và chỉ giữ lại những trái tốt nhất. Việc này cần thiết vì nguồn dinh dưỡng có hạn. Để tất cả ở lại thì có khi tất cả còi cọc một cách đều đặn như nhau. Như vậy không có được cái tốt nhất mà chỉ có được cái tệ nhất theo cách đồng đều nhất. Để có được cái tốt nhất, thợ rèn nghĩ năng lực quên đi là cần thiết. Năng lực quên đi cũng có thể hiểu là năng lực dám vứt bỏ. Năng lực có thể có được qua sự rèn luyện cũng giống như cách ta làm với năng lực ghi nhớ. Muốn có được điều này, tiêu chuẩn, kinh nghiệm để thấy sự tối ưu, trục giá trị quan là điều cần thiết.
Năng lực ghi nhớ là năng lực ta hướng ra bên ngoài để tìm kiếm những điều mới mẻ, trong khi đó năng lực quên lại là năng lực ta hướng vào bên trong để chọn lọc và giữ lại những điều tốt đẹp nhất. Thợ rèn lấy ví dụ việc tiếp xúc với một điều bức xúc khi còn trẻ đó có thể xem là một trải nghiệm, nếu suy nghĩ tích cực thì thứ cảm xúc đó được xem là một thứ mới mẻ mà ta lượm lặt được. Nhưng khi ta đã đủ trải nghiệm và nhận thấy bức xúc là một thứ cảm xúc có thể lấy đi năng lượng của ta thì ta cần biết cách quên chúng đi. Khi ta là một nhân viên, nếu có gì không hài lòng ta có thể phàn nàn và trao đổi với người khác, nhưng khi ta là sếp chắc chắn sẽ có những thời điểm ta không thể nào phàn nàn theo cách của một nhân viên, những lúc như thế này việc có thể quên đi lại là một năng lực giúp ta tập trung vào mục tiêu quan trọng hơn mà không bị sao nhãng bởi những thứ hỗn tạp xung quanh. Gọi là nhân viên với sếp cho sang chứ thợ rèn nghĩ những trải nghiệm này hoàn toàn có thể nhận thấy có sự tương đồng của một đứa trẻ và người ở lập trường làm cha làm mẹ.
Hành trình để học được năng lực biết quên đi thợ rèn nghĩ vẫn còn khá dài đối với thợ rèn. Tuy vậy nhân việc nhận ra được loại năng lực mới mà mình có được này thợ rèn muốn lưu lại đôi ba dòng. Sau này thợ rèn có thêm nhiều bí kíp cho việc tu dưỡng năng lực này thợ rèn sẽ lại ngoi lên và kể các bạn nghe.
— By Thợ rèn —