Bạn nào đang sống ở Nhật thì có thể biết chi phí điện thoại và chi phí tiền mạng hàng tháng khá tốn kém. Bài này thợ rèn chia sẻ về gói cước AHAMO của DOCOMO giúp thợ rèn tiết kiệm được cả chuyến đi du lịch hàng năm.
Ngày trước thợ rèn dùng một gói cước của DOCOMO như bảng dưới đây. Thợ rèn có mang theo cục wifi di động nên trừ những trường hợp sóng wifi kém thì thợ rèn cố gắng dùng mạng từ pocket wifi (cục wifi di động) để tiết kiệm dữ liệu. Tuy nhiên có những tháng phải đi vào núi hoặc đi tới những vùng sâu vùng xa nhiều thì thợ rèn phải dùng mạng 4G của điện thoại nhiều hơn nên thường thì 3Gb không đủ. Dù hiện nay liên lạc qua Line, Zalo, We chat nhiều nhưng vẫn có nhiều trường hợp thợ rèn phải liên lạc với những bác lớn hoặc phải trao đổi với tổng đài, các cửa hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ bằng điện thoại nên hàng tháng chi phí cho điện thoại ước chừng khoảng 5000~7000 JPY. Tháng cao thì có thể lên cao nữa, cơ mà trung bình thì khoảng tầm đó.
Có lần thợ rèn đang làm thực nghiệm với tiền bối, lúc chờ kết quả thợ rèn mới buột miệng than bảo điện thoại của Nhật đắt thật đấy, chứ em mà về Việt Nam một tháng trả 200 ngàn thì mạng dùng thoải mái. Thế là tiền bối mới bảo vậy là thợ rèn không biết tới gói AHAMO rồi, vì gói AHAMO không quá mắc mà lại có thể dùng khi đi nước ngoài. Thợ rèn mới về tìm hiểu. Khoảng hơn 1 năm trước thợ rèn chuyển qua dùng gói dịch vụ này thì một tháng thợ rèn tiết kiệm được tới hơn 3000 Yên, một năm tiết kiệm được hơn 3 vạn Yên (khoảng 6 triệu tiền Việt). Nếu khéo book tour quốc nội thì số tiền này tương đương với hẳn một chuyến đi Okinawa 2 ngày một đêm.
Khi chuyển qua AHAMO ngoài mức phí ưu đãi còn có dịch vụ đi kèm là sử dụng mạng khi đi nước ngoài dưới 2 tuần. Thợ rèn có đi công tác Đài Loan và về Việt Nam chơi. Lúc xuống sân bay chỉ cần bật chế độ roaming lên là có thể dùng mạng ngay lập tức, chi phí không phát sinh thêm. Mạng nhanh và ổn định. Đây là một trong những dịch vụ mà thợ rèn thấy ưng ý nhất vì đôi khi có những chuyến đi ngắn ngày thợ rèn cũng không phải mất công mua sim hay dùng ké wifi công cộng. Nhờ đó sẽ chủ động hơn mà vẫn tiết kiệm được chi phí.
Gói cũ | Gói AHAMO | |
Nhà mạng | DOCOMO | DOCOMO |
Data | 3Gb (trên 3Gb tính phí tăng cho mỗi 1Gb) | 20Gb (trên 20 Gb giảm tốc độ, miễn phí) |
Cuộc gọi | Cước thực gọi | Cuộc gọi dưới 5 phút miễn phí |
Quốc tế | Tính gói roaming (rất đắt) | 20 Gb 4G miễn phí trong 14 ngày. Quá 14 ngày giảm tốc |
Phí cơ bản | 4300 JPY/tháng | 2970 JPY/tháng |
Phí trung bình 1 tháng | 5000~7000 JPY/tháng | 3000~3500 JPY/tháng |
Phí trung bình 1 năm | 72.000 JPY | 39.000 JPY |
Chi phí cố định cần định kỳ rà soát
Chi phí điện thoại, điện nước, tiền thuê nhà là những khoản phải chi trả hàng tháng. Những khoản tiền này nếu chúng ta chỉ cần cắt giảm được một chút thì hàng tháng tự động chúng ta sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ. Theo thời gian ta sẽ tiết kiệm được một số tiền khá lớn. Như câu chuyện gói mạng kể trên, hàng tháng thợ rèn tiết kiệm được gần 3000 Yên, thì một năm tự động thợ rèn tiết kiệm được hơn 3 vạn Yên.
Hiện thợ rèn có dùng hai thẻ tín dụng của Mitsui và Mitsubishi. Hàng tháng trước đây thợ rèn vẫn nhận được tờ giấy thông báo số tiền đã chi tiêu trong tháng. Họ tính mỗi lần gửi như vậy là 99 yên. Thợ rèn đã cắt khoản này và sử dụng ứng dụng trên điện thoại, có thể cập nhật bất kỳ lúc nào. Như vậy trong vòng 1 năm thợ rèn có thể tiết kiệm được 2400 yên chỉ cho khoản nhận thông báo dịch vụ thẻ tín dụng.
Hoặc trước đây thợ rèn có đăng ký một kênh podcast có tính phí của Nikkei. Hàng tháng phải trả chừng 600 Yên. Nhưng sau này thợ rèn chuyển qua đọc báo giấy, và cũng ít nghe kênh podcast này. Có một dạo thợ rèn không nghe nhưng không huỷ dịch vụ. Do vậy hàng tháng thợ rèn vẫn tự động bị trừ một khoản cố định. Ngoài Nikkei, trước đó thợ rèn cũng có đăng ký một số dịch vụ của Amazon hoặc một số kênh e-learning khác mà thực tế tần suất sử dụng khá thấp. Kết quả là hàng tháng bị trừ tiền một khoản vài ngàn yên cho những dịch vụ không mấy động tới. Những khoản này không quá lớn, nhưng tính theo năm, nó sẽ là một khoản không hề nhỏ. Bởi vậy, đối với những chi phí cố định, thợ rèn nghĩ các bạn có thể cân nhắc định kỳ rà soát, viết ra những chi phí mình đã chi tiêu, khoản nào cần thì giữ lại, khoản nào không cần thì mạnh dạn cắt bỏ. Những khoản cần thì có thể tối ưu được không? Nếu không rõ có thể google, chắc chắn có nhiều gợi ý để chúng ta có thể tối ưu.
Điểm hay của việc tối ưu các khoản chi phí cố định đó là chúng ta chỉ cần thực hiện một lần, sau đó thì hưởng thành quả định kỳ. Các khoản chi cố định về cơ bản xoay quanh nhà cửa, điện nước, điện thoại, mạng, các chi phí subcription…những hạng mục này nếu thanh toán bằng credit thì có thể dễ dàng kiểm tra chi tiết qua biểu kê hàng tháng.
Những khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên thì tính theo đơn vị tháng
Ngày xưa cứ buổi trưa thợ rèn có thói quen uống cà phê cho tỉnh ngủ. Mỗi một cốc cà phê mua tại máy bán hàng tự động giá vào khoảng 130 Yên. Một tháng đi làm 23 ngày thì chi phí cho cà phê chiều vào khoảng 3000 Yên. Một năm thì mức phí này vào khoảng 36 ngàn yên.
Lúc mua những món đồ nhỏ nhỏ như thế này thường thợ rèn không có phản ứng mạnh. Vì nghĩ đó là khoản chi không đáng kể, lại có ích cho công việc. Nhưng đôi lúc thợ rèn nghĩ, thay vì mua ở cây bán hàng tự động, mình chỉ cần chịu khó một chút ra siêu thị mua gói cà phê, mang lên công ty tự pha với nước nóng, ngày uống 2-3 cốc thì một tháng cũng chỉ mất 500 yên. Một năm cũng tiết kiệm được tới 30 ngàn yên, đủ tiền mua được 20 cuốn sách mới toanh.
Những món đồ nhỏ, chi phí không đáng kể dễ dàng vượt qua được rào cản tâm lý. Tuy vậy đối với những món đồ mà ta mua thường xuyên có tính lặp lại như một thói quen, thợ rèn nghĩ thay vì tính giá cho một lần mua, ta dừng lại một chút và hỏi mình sẽ tốn bao nhiêu cho một tháng sẽ giúp mình sử dụng tiền một cách tối ưu hơn. Những món đồ đó vẫn bắt buộc phải mua thì mình vẫn có thể mua theo cách rẻ hơn. Ví dụ như sử dụng dịch vụ mua hàng định kỳ của Amazon, họ sẽ giảm giá 10~15%. Thực tế thợ rèn thường mua gạo lứt mua hạt óc chó định kỳ và cũng tiết kiệm được một khoản kha khá.
Thợ rèn để link của AHAMO ở đây. Bạn nào đang ở Nhật thì có thể tự tìm hiểu thêm để tối ưu chi phí nhé.