Cuối tuần vừa qua Nhật và Hàn mới đón một trận bão lớn. Tên quốc tế của cơn bão này là Hinnamnor. Tên của các cơn bão này được chọn ra theo thứ tự từ danh sách 140 cái tên được đề xuất bởi 14 quốc gia chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Cơn bão Hinnamnor lần này có nguồn gốc từ Lào là tên một khu bảo hộ quốc gia. Việt Nam mình cũng nằm trong hiệp hội này và chúng ta có 10 tên gọi đề xuất theo thứ tự xuất hiện là Sơn Tinh, Trà Mi, Cỏ May, Hạ Long, Ba Vì, Bằng Lăng, Côn Sơn, Sông Đà, Sơn Ca và Sao La. Cơn bão Hinnamnor nằm ở thứ tự 118, cơn bão có tên tiếng Việt gần nhất sẽ là cơn bão số 126 tên Sơn Ca. Khả năng cuối năm nay hoặc năm 2023 chúng ta sẽ nghe thấy tên gọi của cơn bão này.
Cơn bão có những cái tên rất đẹp như vậy, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng của nó thì thực sự lớn. Một cơn bão lớn, nếu giả sử ai đó có cái vợt gom hết gió lại giống như cái túi của bà tiên trong Tây Du Kí rồi mang hết lượng gió đó chạy máy phát điện thì năng lượng của một trận bão có thể dùng cho cả thế giới trong vòng một tháng.
Bão có gió, bão có mưa. Nhưng điều khác biệt của một cơn bão và một trận mưa đó là sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng. Tiếng Việt mình thường dùng chữ bão để chỉ một cái gì đó thật là to và dữ dội. Ví dụ bão giá có nghĩa là giá leo thang cực kỳ mạnh. Bão cát hay bão tuyết để chỉ lượng cát bay hay tuyên rơi cực lớn. Bão lòng để chỉ những biến động tâm lý cực kỳ lớn. Vậy nếu chúng ta coi một trận mưa là một thành công/thất bại thì một cơn bão là một thành công thật lớn/một thất bại thật lớn.
Thợ rèn xin được so sánh như vậy để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về sự khác biệt này thông qua việc tìm hiểu sự hình thành của cơn bão, từ đó ngẫm tới câu chuyện thành công hay thất bại.
Bão là một hiện tượng thời tiết xuất hiện tại các vùng biển có nhiệt độ nước biển ấm khoảng quanh vùng nhiệt 26 độ. Khi nước biển ấm lên thì nước sẽ bốc hơi, nước bốc hơi sẽ bay lên cao gặp không khí lạnh sẽ tạo thành mây. Mây bay lên và sau đó được lực coriolis (lực được sinh ra do trái đất tự quay quanh nó) xoáy chúng thành dòng. Lực xoáy càng lớn thì các đám mây càng bị văng ra khỏi khu vực trung tâm do chịu tác dụng của lực ly tâm. Cũng vì lý do này mà vùng trung tâm cơn bão không có mây. Một cơn bão sẽ trải qua 4 giai đoạn sau.
Giai đoạn thứ nhất: Giai đoạn hình thành
Giai đoạn này nếu ví von thì nó như giai đoạn một đứa trẻ chào đời.
Ở vùng biển Thái Bình Dương, có những nơi đón ánh sáng mặt trời thường xuyên. Vào mùa hè, những khu vực nhận được lượng nhiệt lớn có thể làm nóng mặt nước biển. Thường nhiệt độ sẽ rơi vào khoảng từ 26 độ trở lên. Những vùng này sẽ xuất hiện nhiều đám mây nhỏ. Những đám mây này sẽ tích lại với nhau, và tạo thành những đám mây lớn hơn. Người ta ước chừng khoảng 100 đám mây được hình thành thì chỉ có khoảng 10 đám mây trong số đó có tiềm năng trở thành nguồn gốc cho một cơn bão.
Giai đoạn thứ hai: Giai đoạn phát triển
Giai đoạn này giống như giai đoạn đứa trẻ bước vào dậy thì, lớn nhanh và phổng phao.
Nếu chỉ có 1 đám mây thì chắc chắn không bao giờ tạo được bão. Xung quanh khu vực đó phải có nhiều đám mây tương tự. Chúng sẽ thu hút lẫn nhau và liên kết lại với nhau. Những đám mây này có đặc tính khá giống nhau, và chúng xuất hiện ở những nơi phải cách xa xích đạo. Vì càng xa xích đạo, tiến càng gần về hai cực của trái đất thì lực sinh ra do trái đất tự quay sẽ càng lớn. Lực này được gọi là lực coriolis. Lực này sẽ giúp liên kết các đám mây lại với nhau bằng cách xoáy chúng theo ngược chiều kim đồng hồ (nhìn từ bán cầu bắc). Lực này giống như một người đứng lấy cái muỗng khuấy cái nồi cháo. Khuấy càng mạnh thì hình xoáy ở giữa càng được tạo ra rõ nét. Lượng mây được tích lại và bay càng lên cao thì càng làm cho cơn bão mạnh lên. Mây mà bay lên thì sẽ làm cho không khí dưới mặt đất sẽ nhẹ hơn. Nhẹ hơn thì áp suất thấp hơn. Áp suất càng lớn thì có nghĩa mây bay lên càng nhiều và càng cao. Bởi vậy khi nhìn vào một cơn bão, người ta thường nhìn xem áp suất của tâm bão vào khoảng bao nhiêu. Điều kiện bình thường áp suất khí quyển vào khoảng 1013 Pa. Nếu áp suất thấp hơn thì gọi là áp thấp. Khi áp suất dưới 980 Pa thì đã được coi là một cơn bão mạnh, còn khi áp suất xuống dưới 950 Pa như cơn bão Hinnamnor lần này thì được coi là siêu mạnh. Chúng ta có thể mường tượng, gió được tạo ra bởi sự chênh lệch áp suất, khi áp thấp càng thấp thì chênh áp càng cao, chênh càng cao thì gió càng lớn. Giai đoạn trưởng thành của cơn bão này chúng sẽ liên kết rất nhiều những đám mây có thể coi là những đám bạn lại với nhau để tạo một khối thống nhất và tuân theo trật tự di chuyển đã được đặt ra.
Giai đoạn thứ ba: Giai đoạn thành thục
Giai đoạn này có thể ví như giai đoạn sinh viên sau tốt nghiệp đi làm. Làm ngày làm đêm để gia tăng tài sản. Cơn bão cũng vậy. Đứng yên một chỗ sẽ không thành bão. Nhờ có lực coriolis mà cơn bão sẽ vừa tiến lên phía bắc vừa hút lấy những đám mây khác trên đường đi của chúng, tạo thành một khối lớn hơn nữa, mở rộng bán kính ảnh hưởng. Nhưng đồng thời các đám mây cũng đã lớn, đã có một phần bão hòa và trên đường đi một phần đã trở thành mưa. Bão thành thục vì sau khi đạt trạng thái đỉnh cao nhất chúng sẽ liên tục va chạm với những đối tượng đi qua, có thể trên biển hay trên đất liền sinh ra mưa và các trận gió lớn. Đây cũng là giai đoạn cơn bão áp sát đất liền. Bão sẽ tiếp tục lớn mạnh nếu trên đường đi được cấp thêm năng lượng là các vùng hơi nước nóng, ngược lại sẽ bị yếu đi nếu gặp vùng lạnh hoặc va chạm với đất liền.
Giai đoạn thứ tư: Giai đoạn lụi tàn
Giai đoạn này có thể ví như giai đoạn về già. Sau thời gian chinh chiến, sức lực cũng lụi tàn. Bão không còn giữ được hình khối vững chãi như trước. Các đám mây liên kết một phần đã trút mưa, một phần lực xoáy không còn đủ lớn để giữ liên kết. Cuối cùng cơn bão trở thành một vùng áp thấp nhiệt đới. Rồi sau đó thì bị đánh tan và vùng mây đó cũng có áp suất bằng hoặc chênh không đáng kể với những vùng xung quanh. Bão tan.
Ngày xưa các cụ thường bảo góp gió thành bão thợ rèn ngẫm lại thấy đúng thật. Góp một ít gió, góp một ít mây vào đúng thời điểm thì có thể tạo thành một cơn bão.
Để hình thành một cơn mưa chỉ cần có nước bốc hơi sao cho hơi nước bay lên thật nhiều, nhiều tới mức độ ẩm trong không khí bão hòa, buộc những đám mây phải chuyển thành những giọt mưa. Việc này giống như nỗ lực cố gắng của mỗi cá nhân, những nỗ lực này nếu duy trì thì chắc chắn đến một ngày nào đó sẽ đủ lớn để tạo nên một thành công. Tuy vậy không phải mọi nỗ lực đều có thể tạo nên sự thành công lớn, cũng giống như cả trăm đám mây mới có khoảng 10 đám mây có khả năng tạo thành bão. Trong 10 đám mây tiềm năng đó, chỉ có 1~2 thực sự trở thành bão. Tức trăm người thành công mới có 1 người thành công lớn.
Để thành bão còn cần có những đám mây tương đồng và lực xoáy coriolis đủ lớn. Điều này cũng tương tự như những người bạn cùng chí hướng hoặc ít nhất cũng là những người bạn bắt cặp để giúp chúng ta có thể kết hợp được với nhau. Lực coriolis là yếu tố ngoại cảnh hay chúng ta vẫn thường gọi là thiên thời. Nếu mây rất lớn nhưng xuất hiện ở xích đạo thì cũng không có bão. Như vậy để làm nên thành công lớn, rõ ràng còn cần tới một yếu tố nằm ngoài phạm vi có thể điều khiển của chúng ta đó chính là thời. Bill Gate thành công khi sinh ra ở thế kỷ 20, chứ nếu ông sinh ra vào thời nhà Trần thì có thể đã trở thành một anh Lính đi đánh giặc Mông.
Và một điều chúng ta cũng phải thừa nhận có hợp thì cũng sẽ có tan. Dù bão mạnh tới mấy nhưng rồi cuối cùng cũng trở thành vùng áp thấp nhiệt đới rồi tan đi như những cơn mưa. Không có một thành công nào đạt được mãi mãi, nhưng những thành công và dư âm đó sẽ tạo ra nước nước lại đổ ra biển và nước biển lại tăng nhiệt độ và sau đó lại có những mầm mống cho những sự thành công khác. Trong một thành công lớn như cơn bão nhiệt đới, một lượng mưa lớn được tạo ra. Lượng mưa đó xuất hiện đúng theo vòng tuần hoàn của hơi nước trong tự nhiên. Với lượng nước lớn như thế đã đổ xuống, xác suất có sự đóng góp từ những giọt nước mà ta đưa ra ngoài qua hơi thở, hệ bài tiết, mồ hôi của chúng ta là khá cao. Thành công lớn được gọi tên Hinnamnor cũng chẳng khác gì thành công gọi Bill Gates hay Steve Job, nhưng thực sự mà nói mỗi chúng ta cũng chính là những nhân tố trực tiếp đóng góp và làm nên thành công đó, có thể nó nhỏ như những giọt nước mưa trong một trận bão phải không các bạn?
Ngẫm học từ cơn bão, thợ rèn cho rằng để thành công cần có tối thiểu các yếu tố sau: Thứ nhất là nỗ lực như những hơi nước bốc hơi đều đặn trên mặt nước biển. Thứ hai là những người bạn đồng hành như những đám mây xung quanh có nhiều điểm tương đồng có thể tương hỗ lẫn nhau. Thứ ba là yếu tố thiên thời và một chút may mắn, giống như nơi ta nỗ lực, nơi ta cố gắng, thời điểm ta nỗ lực hay cố gắng nhận được một lực hỗ trợ lớn như lực coriolis giúp những tất cả nối lại với nhau thành một hệ thống gắn kết chặt chẽ và tạo nên sức mạnh từ việc phát huy tối đa nội lực của những thành phần cấu thành. Xét về mặt tuyệt đối thì thợ rèn giống như một đám mây, nhưng xét ở một phạm vi hẹp và so sánh tương đối với xuất phát điểm ban đầu không cao thì thợ rèn cũng tạo được một cơn bão tí hon. Và cơn bão tí hon đó cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên mà thợ rèn vừa kể ở trên.
Nay thợ rèn kết thúc ở đây vì thợ rèn còn phải quay trở lại đếm xem nay mình thở ra được bao nhiêu hơi nước, để sau này thế giới gọi tên bão SƠN CA thì thợ rèn cũng sẽ phải nhảy vào và nói thợ rèn hàng ngày cũng có đóng góp một lượng nước trong đó.
–By Thợ rèn–