Trong thời gian về Việt Nam nghỉ lễ Obon (kỳ nghỉ lễ dài thường diễn ra trung tuần tháng 8
hàng năm), thợ rèn gặp được câu chuyện liên quan tới phiếu bé ngoan mà thợ rèn nghĩ người
lớn chúng ta cũng có thể tham khảo được.
Cháu thợ rèn đang học lớp 2, mỗi lần được điểm 9 điểm 10 các cô sẽ tặng 2 phiếu ghi nhận
thành tích, để dễ hiểu thợ rèn cứ tạm gọi là phiếu bé ngoan. Nếu được điểm 8 thì được tặng
một phiếu. Khi các cháu tích đủ 20 phiếu sẽ được đổi lấy một món quà từ các cô như một cuổn
vở đẹp, một chiếc mũ có hình Đô Rê Mon…
Phiếu bé ngoan cũng rất khác, không giống như tấm hình in em bé trên tờ giấy mỏng mà mọi
người thường thấy, phiếu bé ngoan ở trường là những tấm bằng nhựa in đẹp và dày dặn. Nhìn
qua thợ rèn nghĩ một tấm phiếu bé ngoan đó in cũng phải mất chừng 1~3 ngàn với số lượng in
lớn. Hỏi các thầy cô thì các cô bảo sau này khi các bé gom đủ điểm sẽ mag lên đổi quà, còn nhà
trường sẽ tái sử dụng để phát cho các bé khác. Vì tấm phiếu bền, đẹp nên người nhận cũng
thích, mà lại dùng được nhiều lần nên vẫn đảm bảo được khích lệ tinh thần mỗi khi bé nhận, lại
còn chuyển đổi thành những món quà lớn hơn khi đủ điểm, hơn nữa còn tái sử dụng được nữa,
đúng là một mũi tên trúng hẳn 3 đích.
Về thăm nhà thợ rèn thấy các cháu mang phiếu bé ngoan ra khoe một cách phấn khích. Thợ
rèn thấy các cháu thích những tấm phiếu bé ngoan và những món quà quy đổi được còn hơn
những điểm 9 điểm 10 đấy chứ. Những suy nghĩ đó thợ rèn nghĩ rất đỗi tự nhiên và thuần khiết
khi chúng là suy nghĩ của những em học sinh ở lứa tuổi tiểu học.
Rồi thợ rèn mới nghĩ, có khi nào người lớn cũng giống trẻ con? Chỉ khác là hình thức phiếu bé
ngoan được quy đổi thành những thứ thực dụng hơn, đó là tiền lương, đó là tiền thưởng, đó là
những khoản phụ cấp…Những thứ này xét ở khía cạnh nào đó là minh bạch và thực tiễn hơn, và
là những thứ bắt buộc phải có để duy trì sinh kế. Lớn lên rồi, để có được những thứ này dù
không thích ta vẫn phải làm để có thể nhận được. Nhưng bên cạnh công việc, vẫn còn những
việc liên quan tới phát triển tâm hồn, phát triển trí tuệ, phát triển sức khỏe, hoạt động đóng
góp cho cộng đồng, những việc mà trừ một số trường hợp thì không mấy khi ta được nhận thù
lao một cách trực tiếp. Vậy những việc này có khi nào dễ bị lãng quên hay không?
Thợ rèn mới nhớ lại những kiến thức về điều khiển. Trong điều khiển có một phương thức
điều khiển có tên là điều khiển Feedback. Thợ rèn dùng hình phía dưới mô tả sơ qua một chút.
Hệ thống này là hệ thống điều khiển feedback cho một động cơ. Hệ này có thể chia làm 3 phần,
- Phần thứ nhất là phần đưa ra mệnh lệnh
- Phần thứ hai là phần điều khiển
- Phần thứ ba là phần động lực thực hiện mệnh lệnh
Phần đưa ra mệnh lệnh có thể ví dụ như một cơ quan đầu não (controller) đưa ra tín hiệu
điều khiển, ví dụ cơ quan này yêu cầu thiết bị di chuyển từ điểm A tới điểm B (di chuyển bằng
động cơ), tức bộ phận này chỉ ra đâu là đích cần đi tới. Mệnh lệnh này truyền tới Amplifier để
chuyển từ yêu cầu đó thành hành động. Amplifier sẽ tính toán xem phải cấp một lượng điện
bao nhiêu để điều khiển động cơ sao cho động có thể đi được từ A tới B (điều khiển vị trí, điều
khiển tốc độ, hoặc điều khiển mô men)
Bản thân động cơ sẽ thực hiện việc quay vòng để di chuyển. Đồng thời trong quá trình này
động cơ sẽ có một bộ phận có tên là encoder đếm xem động cơ đã quay được bao nhiêu vòng.
Giả sử động cơ có ăn gian, hoặc chẳng may có những yếu tố bên ngoài khiến cho lượng điện
được cấp từ Amplifier rơi rớt đi mất thì encoder vẫn ghi lại được chính xác số vòng quay thực
tế mà động cơ đã thực hiện. Tín hiệu này được truyền lại Amplifier, Amplifier sẽ so sánh với
mệnh lệnh nhận được từ controller, và tính xem lượng thừa thiếu ra sao. Nếu thừa thì giảm,
còn nếu thiếu thì tăng, cứ tiến hành như vậy cho tới khi đi từ A đến được tới B. Quá trình điều
khiển qua những bộ phận này được gọi là điều khiển feedback. Sở dĩ gọi là feedback vì có sự
“feedback” – phản hồi lại cơ quan điều khiển để biết được lệnh thực hiện có sai sót gì không.
Trong điều khiển feedback, vai trò của encoder là rất quan trọng, vì nó giống như một trung
thần, gom thông tin và báo lại với cấp trên một cách chính xác, liên tục, và nhanh chóng. Nếu
không có encoder thì cấp trên chẳng biết phải feedback ra sao.
Hệ điều khiển feedback và chuyện phiếu bé ngoan thợ rèn thấy có điểm chung. Phiếu bé
ngoan chúng ta có thể hiểu như bằng chứng cho đứa trẻ làm được một việc tốt, việc tốt này
tương đương với 1 vòng quay của động cơ chẳng hạn. Bé nhận được 20 phiếu bé ngoan tương
đương với động cơ quay được 20 vòng, đây cũng đúng bằng số vòng cần thiết để di chuyển từ A
tới B. Như vậy Phiếu bé ngoan có vai trò như một encoder. Nhờ phiếu bé ngoan mà bé biết
được mình còn phải cố gắng bao nhiêu nữa để đạt được đến mục tiêu nhận đủ phiếu bé ngoan
phục vụ cho việc đổi quà.
Trong thực tế, thợ rèn nghĩ tư duy điều khiển feedback này có thể ứng dụng được cho nhiều
trường hợp mà người lớn cũng có thể sử dụng. Thợ rèn có một mong muốn đó là mỗi ngày hôm
nay tốt hơn mỗi ngày hôm qua, từng bước hoàn thiện bản thân về TÂM, THÂN, TRÍ, và có một
phần nhỏ là ĐÓNG GÓP XÃ HỘI.
Những mục tiêu lớn lớn một chút thì thợ rèn cũng có vạch ra, nhưng thường là sau một thời
gian bẵng đi, lúc review lại thì thợ rèn nhận thấy có nhiều trường hợp mình bỏ bê, không thực
hiện được. Ngày xưa thì cứ mỗi dịp tết đến là lại lôi quyển sổ ra viết trên trời dưới biển, nhưng
ngày nay thợ rèn chuyển hướng là đánh giá theo ngày. Mỗi ngày làm được việc tốt cho TÂM thì
nhận được một cái chấm màu hồng, làm được việc tốt cho THÂN thì được một chấm màu xanh
lá mạ, làm được một việc tốt cho TRÍ thì được một chấm màu vàng, còn làm một việc gì đó cho
người khác, cho cộng đồng và xã hội thì được một chấm màu xanh da trời. Số lượng việc thì bao
nhiêu cũng được, miễn là nhiều hơn một. Bạn nào nghiêm khắc hơn thì có thể đặt ra nguyên tắc
bù trừ, nếu làm một việc gì đó xấu cho TÂM, THÂN, TRÍ, XÃ HỘI thì trừ đi một điểm, chỉ khi nào
số việc tốt nhiều hơn số việc xấu thì mới được nhận chấm màu.
Thợ rèn chọn TÂM, THÂN, TRÍ, XÃ HỘI thực ra là để phân chia các việc mình làm vào các
nhóm đó cho dễ, chứ các bạn mà muốn làm thử thì có thể phân chia theo những nhóm cụ thể
hơn như: Học ngoại ngữ hoặc học chuyên môn, chạy thể dục, học kỹ năng mới, ngồi thiền…
cũng hoàn toàn không sao. Thợ rèn bị bệnh thành tích nên mới chia theo bốn nhóm như trên.
Dù việc nhỏ hay to, miễn là mình làm được bất kỳ việc gì thuộc phân loại đó thì sẽ nhận được
chấm màu tương ứng.
Các nhóm này thợ rèn phân chia như sau:
TÂM: Những việc thuộc về vẻ đẹp đạo đức và tâm hồn
Ví dụ như giữ thân thể sạch sẽ, giữ tác phong nơi công cộng, ngồi thiền, không nóng giận vô cớ,
bình thản trước bất kể chuyện gì, nói điều tốt đẹp, biết ơn, nghe nhạc, thưởng thức ẩm thực hội
họa, văn nghệ, mở rộng trải nghiệm qua du lịch…Ngược lại có những hành động và suy nghĩ
khẩu phật tâm xà, ném đá giấu tay, bốc lửa bỏ tay người, khẩu nghiệp… thì bị điểm trừ.
THÂN: Những việc thuộc về giúp ích nâng cao sức khỏe
Ví dụ như dậy sớm, ngâm chân trước khi ngủ, chạy bộ hoặc đi bộ từ nhà lên công ty, chườm
mắt bằng nước nóng, ăn uống những món ăn có lợi cho sức khỏe, đi ngủ đúng giờ, tắm bồn, tập
yoga…được tính điểm cộng, những việc như ăn nhiều đồ ngọt, cay, ngủ dậy muộn, thức khuya,
ngày đi bộ không quá 5000 bước, quên không uống thuốc theo đơn của bác sỹ thì sẽ bị tính
điểm trừ.
TRÍ: Những việc thuộc về giúp nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm
Ví dụ như đọc sách, đọc báo, học ngoại ngữ, học chuyên môn, học từ những người xung quanh,
đọc báo, nghe podcast, đọc luận văn…sẽ được tính điểm cộng. Lãng phí thời gian, xem quá
nhiều thông tin không có ích, đọc các tin bài giật gân không có ý nghĩa thì bị điểm trừ
XÃ HỘI: Những việc đóng góp chia sẻ một cách vô tư
Quyên góp, dọn dẹp những nơi chung, làm tư vấn viên cho các em khóa dưới, chia sẻ bài viết
qua thợ rèn blog, tặng quà cho những người khác…thì được điểm cộng. Làm cho người khác tức
giận, bày ra cho người khác dọn… thì bị tính điểm trừ.
Vì thợ rèn vạch ra một cách khá chung chung nên hàng ngày chỉ cần làm được một việc nho
nhỏ ví dụ như sáng dậy chú ý gấp chăn màn gọn gàng là đã được điểm về TÂM. Mỗi ngày lên
công ty, chỉ cần ngồi xe đọc 20 trang sách là được TRÍ, lúc đi làm về mà đi bộ chứ không ngồi xe
là đã được điểm THÂN, hàng ngày chịu khó quan sát và chia sẻ qua việc viết blog hoặc ngồi dịch
bài để xuất bản sách, như vậy là đạt điểm XÃ HỘI.
Từ khi thực hiện việc dán những chấm tròn, thợ rèn thấy mình bắt đầu có những thay đổi nho
nhỏ. Vì thợ rèn bắt buộc phải suy nghĩ để sau khi kết thúc một ngày mình phải gặt được 4 chấm
màu. Có những hôm đã đủ điểm TRÍ, THÂN, XÃ HỘI, còn thiếu mất điểm về TÂM, thợ rèn không
biết làm gì để kiếm được chấm tròn màu hồng. Thế là thợ rèn nhớ đến từ khóa Awareness tức
là chú ý tới những giây phút hiện tại qua những giác quan của chúng ta trong những khoảng
thời gian ngắn khoảng chừng 15~30s. Ví dụ lúc đang tắm, mình chỉ tập trung vào một giác
quan, ví dụ xúc giác, tức cảm nhận nước rơi từ vòi sen xuống dưới da. Có hôm thì tập trung vào
thính giác, lắng nghe tiếng chim kêu trên cành cây cao (trong 15s)… hoặc có những hôm thợ
rèn suýt nữa thì nổi cáu với một người bạn, nhưng lại nghĩ nếu không cáu thì hôm nay sẽ được
một chấm màu, thế là thợ rèn cố nén cục tức lại để tối nhận chấm màu hồng.
Lúc thợ rèn ngồi viết những dòng này thợ rèn cũng vừa dùng bàn chải đánh răng cũ chấm nước
và lau sạch những bụi bám trong những khe nhỏ của dây đồng hồ đeo tay. Có lẽ nếu không nhờ
những chấm tròn này thợ rèn sẽ không có để ý tới những chuyện nho nhỏ đó, mà có để ý thì
cũng bỏ qua chứ không có bắt tay vào làm. Những chấm tròn đã giúp thợ rèn thực hiện những
việc nho nhỏ thực tế như:
- Sắp xếp giày dép
- Đặt lại thảm ngay ngắn trước khi ra khỏi nhà
- Lau chùi gương khi thấy có vết ố nhẹ bám
- Chịu khó cắt lông mũi, móng tay thường xuyên hơn
- Sửa lại bảng tên khi thấy hơi bị lệch một chút
- Cầm sách đọc khi đi bus
- Lau bụi trên bàn làm việc một cách thường xuyên hơn
- Mạnh dạn vứt bỏ báo cũ đã đọc
- Lau không để giọt nước nào đọng tại khu bếp
- Không vội vã khi qua đường
- Bình tĩnh đứng trước của thang máy hoặc cửa tự động cho tới khi cửa mở hoàn toàn
- Cố dặn không nổi cáu đối với những trường hợp mà thường thì đã cáu
- Lau ngăn đựng giày tại tủ giày trên công ty
- Sạc điện cho tai nghe bluetooth để lúc về nghe tin tức (trước đó thì biết là tai nghe hết pin nhưng không chịu sạc)
- Sắp xếp lại desktop thường xuyên và không để quá nhiều file như trước
- Dọn tủ lạnh, sẵn sàng vứt bỏ những món quá hạn
- Sáng dậy chú ý tới chăn gối gọn gàng hơn
- Sẵn sàng ngồi lại một chút để lau sạch bảng để tên của các thành viên trong nhóm
- Mang máy tính tới phòng có khí, dùng vòi khí thổi sạch bụi trong các khe và kẽ bàn phím
Thợ rèn thấy mình có những thay đổi nho nhỏ này, dù không lớn nhưng cảm thấy thực sự rất
vui. Vui không phải mình làm được những việc đó, mà vui vì mình để tâm tới những điều nho
nhỏ đó. Vậy nên thợ rèn ngồi viết lại đôi dòng này, hi vọng có bạn nào vô tình đọc được rồi sẽ
bắt đầu thực hiện kế hoạch ngồi gom những chấm màu. Lớn rồi những chấm màu không được
đổi bằng những món quà vật chất, nhưng một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra rằng món quà
tinh thần từ những chấm tròn mang lại cũng rất ra gì.
–By Thợ rèn vừa kiếm được một chấm màu xanh da trời –