Bữa qua đi làm về, thợ rèn nhận được một cuộc gọi với số máy bắt đầu là 0120****. Thợ rèn nghĩ có thể là số của một đơn vị nào đó gọi tới thông báo gì chăng. Nghĩ vậy, nhưng thợ rèn vẫn gọi lại. Thì ra đầu dây bên kia báo là số điện thoại từ uỷ ban hỗ trợ người tị nạn của Liên Hợp Quốc. Do lúc thợ rèn gọi lại cũng đã khá muộn nên họ báo hôm sau sẽ có nhân viên chuyên trách gọi lại. Cách đó chừng 7~8 năm thợ rèn có một giao ước hỗ trợ theo tháng và định kỳ vẫn nhận tài liệu từ đơn vị nên việc họ có thông tin cá nhân của mình cũng không có gì là bất thường. Tuy vậy có một điều không biết tại sao họ lại đột nhiên gọi điện. Điều này khiến thợ rèn có hơi băn khoăn một chút. Nhưng không sao, cứ để xem mai họ gọi tới sẽ xem có chuyện gì.
Sáng thứ 7, một nhân viên tên Otsuka gọi cho thợ rèn. Nghe qua thì thợ rèn đoán được người ở đầu dây bên kia cũng phải từ 50~60 tuổi. Họ giới thiệu sơ qua một chút và hỏi thợ rèn về tình hình lũ lụt tại Pakistan thời gian vừa qua. Thợ rèn có đọc báo Nikkei và cũng có thấy một số thông tin được cập nhật. Nên có nói là biết sơ qua về thông tin này. Rồi người nhân viên mới đưa ra một đề xuất, đó là tăng mức tiền hỗ trợ hàng tháng lên trong một khoảng thời gian nhất định. Thợ rèn suy nghĩ một chút rồi đồng ý. Bên Liên Hợp Quốc báo sẽ gửi giấy tờ xác nhận và cũng thông báo rằng bất kể khi nào thợ rèn muốn thay đổi về mức hiện trạng, chỉ cần gọi điện là họ sẽ hỗ trợ xử lý ngay lập tức.
Câu chuyện là vậy, nhưng qua cuộc điện thoại này thợ rèn thấy mình có thể học được ít nhất ba điều:
Một cuộc điện thoại, nhân viên của tổ chức đã chốt được giao ước tăng 1.5 lần hỗ trợ từ thợ rèn. Cuộc điện thoại cũng không quá dài, chỉ chừng 3 phút bao gồm cả trao đổi sơ bộ, xác nhận thông tin cá nhân và các thủ tục phía sau. Trước đây, có những sự kiện bất ngờ khác như xung đột khu vực Nam Á, chiến tranh Ukraine thợ rèn cũng có nhận được những thư mời hỗ trợ thêm thông qua đường bưu điện. Tuy nhiên thợ rèn khất từ phần lớn. Có những dịp đặc biệt ví dụ sinh nhật thì thợ rèn quyết định đồng ý và chi thêm một khoản ngoại lệ ngoài mức quyên góp định kỳ hàng tháng. Cơ mà bữa nay khi nghe điện thoại, cá nhân thợ rèn thấy được sự khẩn thiết hơn, nghe và trao đổi trực tiếp khiến thợ rèn cảm thấy mình sẵn sàng hơn cho quyết định liên quan tới tiền bạc. Nếu xét về hiệu suất thì việc gọi điện này có vẻ hiệu quả hơn so với việc gửi các giấy tờ qua đường bưu điện. Đương nhiên đối với những cuộc gọi quảng cáo, làm phiền từ những đơn vị không liên quan thì không thuộc phạm vi được đề cập.
Thợ rèn nhận thấy mình cuốn theo câu chuyện với 2~3 câu hỏi mà thợ rèn trả lời Yes. Bạn nào đọc Đắc Nhân Tâm thì khả năng nhớ tới bí kíp này. Ban đầu bất kì câu chuyện gì hãy bắt đầu bằng những nội dung câu hỏi mà đối phương sẽ trả lời Yes, sau đó các nội dung khác, họ sẽ dễ chấp thuận hơn. Hôm nay thợ rèn cũng nhận thấy đúng là mình cũng không phải ngoại lệ trong vai trò là người được (bị) dẫn dắt. Câu chuyện bắt đầu bằng câu hỏi “Thợ rèn ơi, thợ rèn có biết thông tin về tình hình lũ lụt tại Pakistan không?”. Thợ rèn trả lời YES. Sau đó bác Otsuka mới hỏi tiếp, “Hiện tại hàng tháng thợ rèn đang quyên góp với số tiền là *** có đúng không ạ?”, Thợ rèn lại trả lời YES. Được hai câu Yes, giờ bác Otsuka mới đề xuất, và thợ rèn đã có vẻ gần đồng ý. Biết thợ rèn hơi lưỡng lự, khả năng biết thợ rèn đang nhẩm tính cân đối thu chi, bác Otsuka đưa ra đề xuất “Hiện tại đây là tình trạng khẩn cấp, nên Liên Hợp Quốc mong muốn Thợ rèn hợp tác. Đương nhiên, sau đó thợ rèn có thay đổi chỉ cần gọi điện vào bất kể thời gian nào, Thợ rèn hãy yên tâm, hoàn toàn có thể chuyển mức hỗ trợ theo tình hình thực tế”. Nghe tới đây thợ rèn đã chấp nhận YES. Sự khéo léo trong cách nói chuyện và nắm bắt tâm lý của người nghe chính là bí kíp chốt đơn hiệu quả của bác Otsuka. Thật là đáng nể và đáng học tập.
Thợ rèn kể các bạn nghe câu chuyện về giao ước hỗ trợ định kỳ thay vì hỗ trợ một lần. Ngày xửa ngày xưa khi còn là sinh viên cao học, thợ rèn có đi qua khu vực Sakae thuộc thành phố Nagoya tỉnh Aichi. Bữa thợ rèn thấy có 2 người đứng kêu gọi hỗ trợ người tị nạn. Hỏi ra thì biết họ là đại diện của quỹ Liên Hợp Quốc. Còn là sinh viên (nghèo), dư dả tài chính không nhiều, nên thợ rèn có đăn đo. Thợ rèn thấy họ ghi nhận hỗ trợ bằng thẻ tín dụng và hỗ trợ định kỳ, số tiền tuỳ mình quyết theo những mức được gợi ý. Thợ rèn tính hay mặc cả, nên nghĩ nếu hỗ trợ định kỳ thì chưa chắc, nhưng nếu hỗ trợ một lần thì mình có thể bớt một chút chi tiêu và sẵn sàng quyên góp. Thợ rèn đưa offer xin được hỗ trợ một lần. Nhưng câu trả lời nhận được là sự từ chối và họ giải thích họ mong muốn được gắn bó ổn định và lâu dài, số tiền mỗi lần không cần quá lớn. Thợ rèn cũng đắn đo lắm, nhưng rồi quyết định đồng ý. Bẵng đi một thời gian thì cũng đã được 7~8 năm rồi. Giờ ngẫm lại, đúng là phía bên tổ chức họ rất xuất sắc khi thuyết phục theo cách đề nghị đóng góp ổn định và lâu dài với một mức hợp lý hơn so với đóng góp một lần với số tiền lớn. Đương nhiên việc thuyết phục được một người sẵn sàng cung cấp số thẻ tín dụng là một điều khó hơn việc nhận tiền mặt một lần nhưng xét về lâu dài và sự ổn định của tổ chức thì thợ rèn nghĩ đây là một chiến lược hết sức tuyệt vời. Tại Việt Nam mình có nhiều tổ chức thực hiện quyên góp nhận tiền một lần, số đơn vị nhận định kỳ và tự động xử lý thợ rèn chưa gặp được. Sau này các công cụ tài chính phát triển hơn, có nhiều chức năng hỗ trợ, thợ rèn nghĩ đây có thể là một cách làm hay có thể tham khảo.
Một cuộc điện thoại mà thợ rèn học được ba điều. Nên nghĩ phải lưu lại, biết đâu có bạn nào vô tình đọc được có được một gợi ý nào đó thì sao.
–By Thợ rèn–