Bữa thợ rèn đọc được cuốn sách của Tống Mặc có tựa đề “Nóng giận là bản năng Tĩnh lặng là bản lĩnh” được phát hành bởi Skybook. Trong cuốn sách có một ý luận về cử tạ và gánh nặng thợ rèn muốn trích ra và lưu lại.
Một cách ví von khá là gần gũi nhưng cũng hết sức sâu sắc. Quả nặng nâng lên và hạ xuống được thì nó không khác gì một công cụ giúp ta rèn luyện để có được thân hình khoẻ mạnh, vạm vỡ hơn. Khi ta tập nâng tạ ta biết ta có thể hạ xuống. Ta cũng có thể điều chỉnh mức tạ sao cho phù hợp với sức khoẻ của ta.
Ngược lại, gánh nặng là thứ ta nâng lên được, hoặc ta phải nâng lên nhưng không hạ xuống được. Ai làm nông đi gánh lúa thì có thể thấy, đưa gánh lúa lên vai thì phải gánh đến bờ, đến nơi để xe chở lúa. Có người dừng giữa chừng để nghỉ, nhưng cũng có những người gắng gánh cho tới bờ rồi mới nghỉ một thể. Gánh nặng vật lý ta có thể hiểu là như vậy. Nếu mở rộng ra thì gánh nặng còn có thể hiểu là gánh nặng tinh thần. Có thể đó là trách nhiệm, có thể đó là tham vọng, cũng có thể đó là một nghĩa vụ nào đó. Giả dụ như việc cha mẹ nuôi con ăn học, ở khía cạnh nào đó cũng là một gánh nặng. Việc gắng sức kiếm thật nhiều tiền cũng là một gánh nặng. Việc gắng sao cho có được danh vọng cũng là một gánh nặng. Việc có được một danh tiếng và phải duy trì nó đó cũng là một gánh nặng.
Nhưng gánh nặng chỉ là gánh nặng khi không hạ được xuống, còn khi hạ xuống rồi nó không còn là gánh nặng nữa. Việc không hạ được gánh nặng xuống, thợ rèn nghĩ có hai nguyên nhân. Nguyên nhân ngoài ta và nguyên nhân trong ta. Nguyên nhân ngoài ta là nguyên nhân ta không quản được. Giống như hệ thần kinh có thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm. Thần kinh phó giao cảm điều khiển các tuyến một cách vô thức mà ý thức ta không điều khiển được. Thấy đồ ngon tự khắc chảy nước miếng, thấy bụi bay vào mắt tự khắc mắt chớp và chảy nước mắt…còn thần kinh giao cảm là thứ ta có thể điều khiển được như ra lệnh cho việc nắm tay, đi đứng…
Chúng ta được bao quanh bởi nhiều yếu tố vật lý, có những điều kiện ràng buộc mà ta không điều khiển được. Chẳng may bị bắt vào tù, cột tay cột chân và yêu cầu gồng gánh bao cát trên vai thì ta muốn cưỡng lại cũng không cưỡng lại được. Cái này thợ rèn nghĩ nó giống như nguyên nhân ngoài ta. Gánh nặng như thế này thì ta không hạ xuống được cũng là điều dễ hiểu.
Còn nguyên nhân thứ hai đó là nguyên nhân trong ta. Nguyên nhân này do ý thức của ta, muốn buông muốn hạ xuống hay không. Muốn thì sẽ được, vấn đề ở việc ta có sẵn lòng muốn bỏ hay không. Ví dụ ai đó chửi ta làm ta thấy giận, cái giận này không ai cấm ta bỏ xuống cả, nhưng ta lại không muốn bỏ đi. Vì không bỏ đi nên luôn nghĩ về nó, để nó trên vai mà không hạ xuống được dần dà nó thành gánh nặng. Nếu bỏ được nó xuống, việc đó chẳng khác gì một hòn ta giúp ta tập luyện, giúp ta hoàn thiện tâm hồn.
Đọc định nghĩa về gánh nặng trong cuốn sách này thợ rèn mới chợt nghĩ nhiều lúc có những thứ ta nghĩ nó là gánh nặng nhưng thực ra quyền quyết định giữ chúng làm gánh nặng hay biến chúng thành quả tạ rèn luyện cho ta trở nên khoẻ mạnh hơn lại nằm chính trong suy nghĩ tư tưởng của ta.
–By Thợ rèn