Bữa nay chủ nhật thợ rèn có ra ngoài đi dạo ngắm phố phường thành phố Đài Trung. Thợ rèn tự đặt ra đề bài cho mình là “đi 60 phút gạch ra 10 gạch đầu dòng những điều thú vị trên tuyến đường đi qua”. Chẳng biết trong đầu thợ rèn suy nghĩ thế nào mà nhìn lại danh sách toàn thấy về đồ ăn và nhà cửa. Duy nhất có một ý liên quan tới con sông nên thợ rèn ưu tiên viết về chủ đề này trước.
Đài Loan nhỏ và có nhiều núi. Phía đông chủ yếu là núi, ít người cư trú. Người sinh sống là làm việc chủ yếu ở phía Tây. Dọc theo vùng duyên hải đó là một khu vực dân cư đông đúc, chia làm Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam. Đài Loan nhỏ, tính ra đi tàu cao tốc Shinkansen thì chỉ hai tiếng là đi được từ Bắc tới Nam. So với ở Nhật, những người đi làm xa bằng Shinkansen thì có khi một chiều đi làm của họ bằng việc đi hết cả đất nước Đài Loan.
Đài Loan nhiều núi. Mà nhiều núi ắt có nhiều sông. Khu vực đồng bằng nhiều người sinh sống. Những con sông này bên cạnh vai trò dẫn nước tự nhiên ra biển, chúng còn là kênh dẫn thải nước thải sinh hoạt đã qua xử lý. Nếu không quản lý kỹ, hoặc năng lực xử lý nước thải không tốt, các con sông này sẽ trở nên đen ngòm dơ dáy và làm ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, khi nhìn vào sự phát triển của một quốc gia, ngoài những yếu tố vĩ mô, cá nhân thợ rèn nghĩ chúng ta có thể quan sát thông qua những thứ gần gũi hơn ví dụ như độ sạch của nước sông, độ sạch của con đường.
Sau hơn một tháng công tác bên Đài Loan thợ rèn nhận thấy một điều tưởng chẳng liên quan mà thực tế có vẻ lại rất liên quan đó là mối quan hệ giữa sự phát triển của cơ sở hạ tầng và lượng bụi bám trên giày. Thợ rèn đặt ra giả thiết rằng sự phát triển về cơ sở hạ tầng của một quốc gia tỷ lệ thuận với lượng bụi bám trên giày khi đi ra ngoài. Sự thực giày thợ rèn đi ở Nhật thường ít khi phải vệ sinh và ít khi bị bám bẩn. Đế giày thường sạch, giày chỉ cần lau nhẹ xung quanh là lại sáng bóng như mới. Nhưng khi về Việt Nam hay qua Ấn Độ thì giày đảm bảo sẽ bị bụi và tần suất vệ sinh thường tăng lên gấp đôi, gấp ba. Giả sử có nơi nào đó sạch và ít bụi, nhưng thường sự phát triển không đồng đều sẽ dẫn đến hệ quả một lúc nào đó ta sẽ đi qua những vùng mà có khả năng sẽ làm đôi giày dễ bị bẩn hơn. Chuyến đi lần này thợ rèn có mang theo hộp si để đánh giày, nhưng sau hơn một tháng, mũi giày vẫn sáng như gương, qua đó cho thấy đường xá của họ có thể nói là khá sạch sẽ, và gián tiếp có thể nhận ra cơ sở hạ tầng của Đài Loan khá là tốt.
Bên cạnh lượng bụi bám trên giày, thợ rèn còn có giả thiết thứ hai đó là sức khỏe và mật độ đàn cá dưới sông trong thành phố tỉ lỷ thuận với năng lực xử lý và quản lý môi trường của một quốc gia. Giả sử giả thiết này là đúng thì Đài Loan là quốc gia làm rất tốt trong quản lý và xử lý nước thải sinh hoạt. Căn cứ cho điều này là bởi khi thợ rèn đi qua khu vực có con sông chạy trong thành phố, thợ rèn thấy có rất nhiều cá chép và cá rô phi bơi dưới sông. Đàn cá bơi khỏe khoắn trong dòng nước chảy trong mát.
Bạn nào ở Nhật sẽ thấy cá chép bơi ở các dòng sông nông khá là nhiều. Người dân Nhật không ăn cá sông. Họ ngắm cá sông coi như một thú vui. Đài Loan cũng tương tự. Họ có biển bao quanh. Cá đánh bắt ngoài biển không quá khó. Cá biển ít tanh hơn cá sông, môi trường sống sạch sẽ hơn nên về lý thuyết ít bị nhiễm độc, nhiễm bẩn.
Nhân chuyện nói về Đài Loan và Nhật, thợ rèn cũng muốn liên tưởng một chút về Việt Nam. Hơn một vài năm trước thợ rèn cũng có về công tác tại Việt Nam. Nơi thợ rèn sống là khu đô thị Times City. Trong Times cây cối đẹp, không khí trong lành ít bụi hơn so với bên ngoài. Xung quanh khu vực đó có mấy con kênh dẫn ra các nhánh sông. Nước tại các nhánh kênh này thường đen đục khó có thể đoán được phía dưới có cá hay không. Dọc dòng sông, có nhiều ống nước chĩa ra từ các nhà dân hoặc các hàng quán hai bên. Nước chảy vào nhánh sông (kênh) đen kin kít, chẳng khác gì nhựa đường đun đặc chuẩn bị cho việc trải màu đường. Mùa hè thì ngoài việc cảm nhận bằng mắt, người đi đường có thể trải nghiệm sự ô nhiễm bằng khứu giác, vì khi nước bốc hơi mạnh khiến mùi các chất thải còn đọng lại dưới sông thường nồng hơn. Vào giữa mùa hè thì thứ mùi này trở nên nặng hơn. Người nào ở lâu thì thấy quen, chứ ai từ vùng khác tới có khi ở xa là thấy ngay mùi.
Có một vài loại cá có sức khỏe tốt chúng vẫn có thể sống tốt tại những môi trường này, nhưng để tìm thấy những con cá chép vàng, đỏ, trắng bơi và tụ tập nơi có những đoạn nước chảy xiết như bên Đài Loan thì có thể thợ rèn chưa tìm thấy trong các con kênh trong nội thành Hà Nội. Sự khác biệt trong sự phát triển của một quốc gia có khi được thể hiện qua những con số vĩ mô như GDP, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động… nhưng bên cạnh đó thợ rèn nghĩ vẫn có thể cảm nhận bằng những hình ảnh gần gũi quen thuộc mà ta có thể bắt gặp thường ngày. Nhìn đôi giày hơn tháng chưa phải đánh si và đàn cá chép bơi dưới lòng sông, thợ rèn mong ước một tương lai không xa, những hình ảnh đó sẽ xuất hiện tại ngay cả những đô thị lớn của Việt Nam.
**** By Thợ rèn