Đã bao giờ bạn định nghĩa công việc mình đang làm là gì chưa? Cá nhân thợ rèn từ ngày rời ghế nhà trường và đi làm cho công ty hiện tại thợ rèn được phân vào bộ phận kỹ thuật sản xuất và chưa có sự thay đổi bộ phận trong 5 năm qua. Tên gọi của bộ phận là kỹ thuật sản xuất, nhưng bên trong được phân ra làm nhiều mảng, mỗi người mỗi việc công việc hết sức đa dạng phong phú. Thợ rèn cũng chưa bao giờ ngồi lại trả lời một cách nghiêm túc cho câu hỏi “công việc của bạn là gì?”. Nhân dịp năm ngoái khi có một em sinh viên tham gia chương trình internship trải nghiệm công việc 2 tuần, và thợ rèn được giao vai trò hướng dẫn, thợ rèn mới ngồi sắp xếp lại thông tin và có một định nghĩa cho cái nghề gọi là kỹ thuật sản xuất mà mình đang làm. Bài hôm nay thợ rèn viết với hai mục đích. Mục đích số một là giới thiệu nghề, các em học sinh chuẩn bị xin việc có thể tham khảo trong quá trình tìm việc. Mục đích số hai thợ rèn muốn giới thiệu một cách tổng hợp thông tin. Nội dung này sẽ có ích với các bạn muốn sắp xếp thông tin, muốn tự xây dựng một định nghĩa về một vấn đề theo phong cách của riêng mình.
Kỹ thuật sản xuất là gì?
Kỹ thuật sản xuất được viết là 生産技術 đọc là Seisan Gijutsu. Công việc này thợ rèn tóm lại trong 5 chữ cái 新改移廃ト(tân cải di phế tô), bạn nào biết tiếng Nhật tạm dừng ở đây và suy nghĩ thử xem 5 chữ cái này là viết tắt của những chữ gì rồi hãy tiến xuống dưới nhé. Bạn nào không biết tiếng Nhật thì cứ vậy nhảy xuống đọc tiếp.
Chữ này có thể hiểu là viết tắt của 新規設備導入 có nghĩa là thiết lập dây chuyền máy móc mới. Công ty thợ rèn làm về hoá chất. Sản phẩm chính là vật liệu phân cực chứ không sản xuất máy móc. Máy móc để làm ra những sản phẩm này chủ yếu là mua và đặt sản xuất từ các nhà cung ứng. Máy lớn thì có độ dài có khi lên đến 40~50m, máy nhỏ như máy gia công thì cũng giống như các máy CNC có đủ kích cỡ, diện tích sàn từ 6~30m2. Công việc của một kỹ sư kỹ thuật sản xuất là hiểu được quy trình sản xuất, phương pháp sản xuất sau đó đặt ra các yêu cầu cho máy (spectation – 仕様書 ), tìm kiếm các công ty sản xuất máy, trao đổi và kết hợp làm ra chiếc máy hoàn chỉnh.
Trong quá trình này sẽ đánh giá từ ngoại quan, kích thước (liên quan tới không gian và môi trường thiết lập), công năng chính của máy, yêu cầu kỹ thuật chi tiết liên quan tới máy…Phần lớn trường hợp là kết hợp với các công ty sản xuất máy đưa ra ý tưởng và chuyển ý tưởng thành hình thù cụ thể. Đối với công ty thợ rèn không dùng các máy CNC phổ thông trên thị trường sẵn có, mà làm các máy riêng đặc thù theo yêu cầu riêng, có thể gọi là sản phẩm đơn chiếc. Cũng có trường hợp với máy móc thông thường thì có thể đặt hàng sau đó mua về lắp đặt trong nhà xưởng. Mỗi khi đặt một dây chuyền mới, máy mới thì được coi là một project, như kinh nghiệm thợ rèn nhận thấy từ khi chuẩn bị dự toán, cân nhắc thiết kế cho tới khâu hoàn chỉnh thì thường kéo dài từ 6 tháng tới 3 năm (có ngoại lệ). Các dự án có thể gối đầu và chạy song song, một người phụ trách nhiều dự án với các phase (các giai đoạn) khác nhau.
Quá trình lắp đặt thì sẽ liên quan tới hệ thống điện, hệ thống khí, điều chỉnh độ chuẩn của máy, gia công và nghiệm thu, bàn giao lại cho bộ phận sản xuất, hỗ trợ các nghiệp vụ kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất, thiết kế và chuẩn bị đồ gá và các linh kiện liên quan… Làm hết phần này thì gọi là xong chữ tân, có nghĩa là mới.
Đối với chữ tân này sẽ cần các kỹ năng cơ bản liên quan tới CAD, kỹ năng đọc hiểu bản vẽ, hiểu sơ bộ về hệ thống điện công nghiệp, mạng công nghiệp, PLC (điều khiển), kiến thức cơ khí, chuyên sâu về sản phẩm, kỹ năng quản lý project, kiến thức cơ bản về lập kế hoạch dự toán, kỹ năng phát biểu (sẽ có design review với các dây chuyền có mức đầu tư lớn, ví dụ công ty thợ rèn với những máy có mức đầu tư từ 1 triệu đô trở lên sẽ cần tiến hành desgin review, dự án nhỏ hơn thì có thể nội bộ tự quyết), kỹ năng thao tác điều chỉnh máy…Ngoài ra kiến thức về sở hữu trí tuệ nếu có sẽ là một lợi thế. Vì khi tiến hành phát triển một máy mới, sẽ có trường hợp công ty đơn phương hoặc công ty kết hợp với đối tác, hoặc đối tác đơn phương đăng ký bằng sáng chế nên trong công việc đôi lúc sẽ dính đến phần này. Công ty thợ rèn có bộ phận chuyên sâu, chuyên phục vụ cho công tác sở hữu trí tuệ nên nghiệp vụ này ít phải tốn công, nhưng hàng tuần và hàng tháng vẫn đọc các bằng sáng chế của các công ty đối tác có liên quan tới công việc mình đang phụ trách.
Cải trong cải tiến (kaizen) và cũng là viết tắt của chữ 改善 luôn. Một máy, một dây chuyền khi được đưa vào trong nhà máy nhiều trường hợp cần cải tiến. Ví dụ cải tiến để gia công được sản phẩm lớn hơn, hay nhỏ hơn thiết kế ban đầu, cải tiến để nâng cao năng suất, cải tiến để giảm hàng lỗi, cải tiến để tránh các vấn đề về an toàn. Công ty thợ rèn cực kỳ coi trọng an toàn nên trước khi đưa vào sử dụng cần qua khâu đánh giá an toàn. Chỉ những máy đạt tiêu chuẩn mới được bàn giao cho sản xuất. Bên cạnh cải tiến chất lượng, năng suất, thì cải tiến an toàn có thể nói là phần chiếm khá nhiều thời gian của một kỹ sư kỹ thuật sản xuất trong công ty thợ rèn.
Công việc cụ thể có thể là thêm bộ khung an toàn, thêm interlock (khoá chéo), thay thế một số linh kiện trong máy, sửa phần điều khiển PLC, sửa phần giao diện GOT, lắp thêm cảm biến, bổ sung các máy phụ đi kèm, cải tiến dao cắt, cải tiến phương pháp gia công…
Kỹ năng cho phần này thợ rèn nghĩ cần có kỹ năng định nghĩa vấn đề, giải quyết vấn đề, hiểu về thiết bị và thao tác vận hành máy, có kiến thức chuyên môn về một mảng sản xuất nhất định, kinh nghiệm sản xuất, khả năng kết nối các bộ phận…
Chữ này là chữ di viết tắt của 移設 tức là chuyển máy. Một máy được thiết lập sẽ có vòng đời nhất định. Có trường hợp máy được vận chuyển qua các nhà máy hay cứ điểm khác, có trường hợp cần thay đổi layout nhà xưởng. Trường hợp này khá phổ biến đối với các công ty có quy mô lớn, có vòng đời sản phẩm ngắn. Họ phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, do đó máy móc, dây chuyền cũng cần thay đổi để phù hợp với bộ tiêu chuẩn mới của khách hàng. Hoặc có các công ty có nhiều nhà máy, có nhiều cứ điểm họ sẽ có sự linh động với việc sắp xếp, phân công sản xuất để tối ưu hoá chi phí sản xuất hoặc chi phí vận chuyển. Công việc liên quan tới chuyển máy về cơ bản cũng giống như phần lắp máy mới, nhưng không đặt nặng phần thiết kế mà chỉ cần làm sao máy chuyển đi có thể khôi phục được nguyên trạng. Một số trường hợp, trước khi chuyển máy đi sẽ cần chỉnh sửa hoặc thay thế, cải tiến sao cho máy có thể đáp ứng được yêu cầu tại địa điểm chuyển tới.
Công việc này đương nhiên cần hiểu về máy, hiểu về cách vận hành, cách thiết lập, còn đòi hỏi một số kiến thức về hải quan, thuế. Việc luân chuyển máy trong nước thì không dính nhiều tới chuyện này nhưng nếu vận chuyển ra nước ngoài thì sẽ liên quan tới các điều khoản thương mại quốc tế, vận tải biển, thủ tục xuất nhập khẩu…Thường sẽ phải làm việc qua các công ty thương mại có khả năng giao dịch quốc tế, nên đối với thợ rèn phần này được hỗ trợ rất tốt nên không quá đáng ngại. Đối với các công ty quy mô nhỏ hơn hoặc họ chủ động trong giao dịch thì họ sẽ cần có kiến thức về mảng này sâu hơn một chút.
Chữ này là chữ phế viết tắt của chữ 廃棄 tức là thanh lý máy.Máy móc, dây chuyền sản xuất hết vòng đời sẽ cần huỷ. Việc huỷ máy sẽ theo một quy trình nhất định phù hợp với công ty và các quy định hành chính. Ví dụ máy móc có các hoá chất có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường thì cần phải có giấy phép của các cơ quan hành chính mới được huỷ máy. Máy móc chưa hết thời gian khấu hao tài sản thì sẽ cần làm các thủ tục liên quan tới xử lý tài sản còn dư. Việc xử lý máy và dây chuyền về cơ bản sẽ có đơn vị chuyên làm về mảng này. Phía kỹ sư kỹ thuật sản xuất cần điều chỉnh kế hoạch với các phòng ban khác, lên kế hoạch chuyển máy ra ngoài, xử lý phục hồi hiện trường sau chuyển máy, giám sát an toàn, giám sát các yêu cầu về bảo mật (với máy móc chuyên dụng, bản thân mỗi máy có nhiều kỹ thuật riêng, trong đó có các yếu tố về bảo mật kinh doanh).
Với nghiệp vụ này ngoài các nghiệp vụ cơ bản kể trên thì việc có một chút kiến thức về kế toán và luật môi trường sẽ là giúp ích nhiều cho công việc. Công ty thợ rèn không có chương trình đào tạo chi tiết, nhưng có thể học lỏm từ các đàn anh khoá trên, hoặc thi thoảng có những tài liệu được lưu trên máy chủ trên công ty thì có thể vào tham khảo.
Chữ này là chữ viết tắt của トラブル tức là trouble, trục trặc.Máy móc khi vận hành không phải lúc nào cũng êm ái. Có những trường hợp máy dừng, máy gây ra vấn đề về chất lượng, an toàn, trường hợp này các kỹ thuật viên phải vào hiện trường xử lý. Trục trặc của máy móc thường xuất hiện theo đồ thị phía dưới. Ban đầu lúc mới lắp đặt sẽ xuất hiện nhiều lỗi, lỗi này do chưa quen, hoặc do máy móc cần thời gian để đạt tới trạng thái ổn định. Giai đoạn tiếp theo máy ít xảy ra vấn đề, đến giai đạn cuối tiến gần tới tuổi thọ thiết kế, nhiều vấn đề phát sinh ví dụ như vòng bi bị mòn, linh phụ kiện bị biến dạng, các linh phụ kiện lão hoá…
Để đối ứng với trục trặc kinh nghiệm là khá quan trọng. Nếu ban đầu chưa có kinh nghiệm sẽ cần theo học những người có kinh nghiệm. Nếu không xử lý được có thể trao đổi với nhà sản xuất để có những giải pháp tốt nhất. Đối với phần này, thợ rèn nghĩ kỹ năng nắm bắt thông tin tại hiện trường, phân tích nguyên nhân, giải quyết vấn đề hết sức quan trọng. Bên cạnh đó kỹ năng ho-ren-so cũng quan trọng không kém. Khi có trục trặc xảy ra sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, do đó cần nhanh chóng báo cáo với sếp và điều chỉnh với các phòng ban. Kinh nghiệm thực chiến cũng hết sức quan trọng. Người làm việc lâu năm thường xử lý phần này tốt hơn, nhưng những người trẻ có thể tăng tốc bằng cách lưu lại các bảng tác nghiệp và ví dụ về trục trặc gặp phải cũng như phương pháp đối ứng.
Tản mạn về một bí kíp tổng hợp thông tin
Trên đây thợ rèn đã chia sẻ về định nghĩa kỹ thuật sản xuất là gì theo góc nhìn của thợ rèn. Cách định nghĩa này không có trong cuốn sách nào cả. Dù 5 năm, hay 10 năm nữa các bạn có hỏi thợ rèn công việc kỹ thuật sản xuất là gì thợ rèn tự tin vẫn có thể dõng rạc nói với bạn về 5 chữ 新改移廃トvới từng nội dung cụ thể. Tại sao? Vì định nghĩa bằng câu chữ thợ rèn đã chuyển thành hình ảnh. 5 chữ này nếu lấy phiên âm và ghép lại với nhau thì nó sẽ là シカイハト , để cho dễ hình dung thợ rèn thay chuyển thành 司会の鳩 (vẫn đọc là Shikai (no) Hato) , nghĩa là chú chim bồ cầu làm MC. Hình ảnh rất lạ, chẳng đâu có đúng không? Nhưng đây lại là bí quyết để ghi nhớ.
Hằng ngày để sắp xếp thông tin, ghi nhớ thông tin, thợ rèn nghĩ thao tác này có thể chia làm các bước sau:
Bước 1: Liệt kê tất cả thông tin, giống như cách brainstorming (liệt kê các đầu việc đơn lẻ của một kỹ sư kỹ thuật sản xuất)
Bước 2: Gom các thông tin, các yếu tố lại thành các nhóm, giống như cách grouping (từ 3~5 nhóm, trong trường hợp này thợ rèn phân làm 5 nhóm như trên)
Bước 3: Sắp xếp các nhóm lớn theo một trật tự để ghi nhớ, tạo dấu ấn hoặc tạo màu sắc riêng cho việc sắp xếp này sẽ giúp việc ghi nhớ hoặc cách định nghĩa trở nên thú vị hơn (sắp xếp các chữ cái đại diện cho nhóm lại thành một từ có nghĩa, nghĩa càng lạ lùng càng tốt. Tiếng Anh hay tiếng Việt không có chữ tượng hình thì có thể lấy chữ cái đầu tiên để làm đại diện rồi ghép lại).
Các bạn làm nghề khác cũng hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này để trả lời cho câu hỏi “bạn làm công việc gì?” theo một phong cách rất riêng, thợ rèn tin là thế. Còn đối với các bài phát biểu đòi hỏi cái riêng, các bạn cũng có thể tham khảo cách làm này để sắp xếp thông tin. Thực tế có rất nhiều framework mà họ lấy từ các chữ cái đầu tiên để đặt tên cho một định nghĩa nào đó ví dụ như 5S, PDCA, SWOT, 3C, 4M…Tiếng Nhật thì lợi thế hơn một chút vì lượng chữ hán phong phú nên nếu khéo léo có thể tạo ra được những từ có nghĩa hơn là các chữ đơn lẻ. Ngoài công việc kỹ thuật sản xuất, các bạn có thể thử sức thành những người thiết kế ra các con chữ thú vị nhé.
—By Thợ rèn
Thanks in support of sharing such a nice idea,
article is good, thats why i have read it entirely