Masayoshi Son (Tôn Chính Nghĩa – Phiên âm tiếng Hán) hiện là chủ tịch của Softbank, công ty viễn thông đa quốc gia của Nhật. Doanh thu đạt trên 50 tỷ đô. Công ty có mong muốn mở rộng ra toàn cầu với các thương vụ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp. Masayoshi Son có tầm nhìn xây dựng một tập đoàn đa quốc gia với một hệ sinh thái đa dạng với quy mô 5000 công ty trong lĩnh vực công nghệ. Bản thân Masayoshi Son là một người khởi nghiệp và đi lên từ đôi chân của chính mình. Khi còn là sinh viên đại học ông đã thuê chính giáo sư của mình đã hỗ trợ làm ra sản phẩm là chiếc kim từ điển sau này mang lại cho ông một số vốn ban đầu để đầu tư kinh doanh. Masayoshi Son năm nay (2022) 64 tuổi, Son đã hướng tới xây dựng một trường đào tạo những người lãnh đạo hậu kế cho sự phát triển của tập đoàn Softbank, hướng tới sự trường tồn của tập đoàn trong 300 năm tới. Son đã nói, nếu chỉ muốn hướng tới một kỷ lục về kết quả kinh doanh trong 30 năm tới thì chỉ cần tập trung cho một thương hiệu, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn nhiều, nhưng để trường tồn lâu dài, cần có một hệ sinh thái, một tập thể nâng đỡ hỗ trợ lẫn nhau.
Đọc hàng ngàn cuốn sách, đã thực chiến trên thương trường, trải qua thất bại có thắng lợi có, Masayoshi Son đã đúc kết ra tố chất cần có của một người lãnh đạo cần có trong Softbank là 25 chữ. 25 chữ này được chia làm 5 dòng, mỗi dòng gồm 5 chữ, kết hợp của 5 chữ mỗi dòng lần lượt ứng với cách suy nghĩ từ tầm nhìn của một người đại tướng, cho tới chiến thuật cho trận chiến của một trung tướng. Nội dung này Son cũng đúc kết và tham khảo từ hơn 30 cuốn sách viết về binh pháp tôn tử mà ông đã đọc. Một phần ông giữ lại, một phần ông cải biên theo cách nhìn nhận của mình.
Nội dung bài viết và giải nghĩa 25 chữ này, bài viết được chọn lọc và trích từ bài giảng đầu tiên kỷ niệm khai giảng học viện Softbank Academia. Thợ rèn có biên tập và sắp xếp lại một chút. Các bạn biết tiếng Nhật và muốn thấu hiểu hơn về không khí của Son trong bài giảng có thể xuống cuối bài, bấm vào mục tham khảo.
25 chữ Hán được viết ở đây được chắt lọc từ Binh Pháp Tôn Tử, chiến tuật Lanchester, và kinh nghiệm của Mashayoshi Son (Tôn Chính Nghĩa 孫 正義). Nguyên văn tiếng Nhật là 孫の二乗兵法 Có thể dịch tạm là binh pháp bậc hai của Tôn, ý là chỉ binh pháp kết hợp của hai người tên Tôn (cùng tên chữ Hán). Nên phần tiếng Việt, thợ rèn có dịch là binh pháp song Tôn, dù vậy thợ rèn nghĩ cách dịch này chưa đắt vì thiếu mất hiệu quả của chữ bậc 2, có nghĩa là nhân lên theo hệ số mũ chứ không đơn thuần là một phép cộng. Tuy nhiên, đây mới là bài đầu viết về Son, nên mong các bạn lượng thứ. Từ phần sau thợ rèn sẽ để nguyên văn cách trò chuyện của Son, xưng tôi để nói chuyện với những học viên đang tham gia buổi học với ông.
Đây là điều tôi đã viết khi tôi bị bệnh và nhập viện. Lúc bấy giờ khoảng 26, 27 tuổi. Tức lúc tôi còn tầm tuổi các bạn trẻ đang ngồi đây. 25 chữ này không phải là những bí quyết tôi viết ra khi Softbank đã thành công, mà là những gì tôi viết ra khi còn trẻ, khi tôi khởi sự. Một phần những nội dung này bản thân tôi cũng chưa tôi rèn đạt đến mức đỉnh cao, nên xét ở khía cạnh nào đó thì 25 chữ này là chủ đề vĩnh cửu với những người mong muốn trở thành một vị tướng thực sự.
Những từ ở đây, khi các bạn hiểu được ý nghĩa câu chữ đó thì được coi là học thuộc lòng, chưa được gọi là thấm hiểu. Chỉ có thể gọi là thấm hiểu khi ta lấy chính bản thân mình làm vật thử, vượt qua được các thử thách và biết được bí quyết, know-how thì khi đó mới được gọi là hiểu thực sự, và các chữ cái đó mới thực sự trở thành tài sản của bản thân mình.
Về nội dung này, tôi cũng có viết một phần trong cuốn sách được xuất bản gần đây. Những ai đã đọc cuốn sách của tôi, có thể các bạn sẽ gật gù và nói “tôi biết, nghĩa là thế này chứ gì…”, có thể các bạn nghĩ mình đã biết nhưng thực tế tôi muốn nói rằng, các bạn chưa biết đâu, một chút cũng không, thật đấy.
25 chữ này, với tôi, tôi không bao giờ quên. Khi bắt đầu một kinh doanh mới, khi đối mặt với một khó khăn hay thử thách mới, khi suy nghĩ về kế hoạch trung hạn và dài hạn, tôi luôn coi những chữ này là yếu tố cơ bản để thành công. Tôi luôn tự vấn chính mình những yếu tố tạo nên thành công có thực sự khớp với những chữ này hay không? Những nội dung tôi chia sẻ sau đây dựa trên những điều đó, và không có sách nào viết, nên các bạn hãy chú ý lắng nghe.
Tôi đã đọc 30 cuốn sách về Binh Pháp Tôn Tử. Có nhiều người dịch và giải nghĩa. Tôi đã đúc kết lại những điều quan trọng theo cách hiểu của tôi. Những thứ mới và có cách giải thích riêng dựa trên kinh nghiệm thực chiến. Tôi đã thêm vào một số hàng và một số chữ để hoàn thiện bảng 25 chữ hán ở đây.
Thứ tự của các dòng trong binh pháp song Tôn từ đỉnh xuống được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của sự vật sự việc. Có những thời điểm phải đưa ra quyết định nhanh chóng, không có đủ thời gian để cân nhắc mọi góc cạnh, lúc đó trong con người chúng ta phải có thứ tự ưu tiên, tập trung kiểm tra đối chiếu với những điều quan tọng nhất đó để quyết định. Đối với người làm kinh doanh, thứ tự ưu tiên lần lượt từ trên xuống lần lượt là
- Lý niệm – Phương châm kinh doanh(理念)
- Tầm nhìn (ビジョン)
- Chiến lược (戦略)
- Tâm đắc của lãnh đạo (将の心得)
- Chiến thuật (戦術)
Dòng 1: Đạo Thiên Địa Tướng Pháp 道天地将法 – Lý niệm
Đây cũng là điều quan trọng nhất. Đây là điều kiện để chiến thắng trong mọi trận đấu. Đây là suy nghĩ cơ bản trong binh pháp Tôn Tử. Nhưng tôi sẽ giải nghĩa và phân tích dựa trên cơ sở nội tại của tập đoàn chúng ta Softbank Group.
Đạo là con đường. Softbank chữ đạo này có nghĩa là gì? Con đường và sứ mệnh Softbank đón nhận và sẽ đi đó là “Cách mệnh thông tin, mang đến hạnh phúc cho mọi người”. Đây cũng là nội dung xuyên suốt mọi hành động của chúng ta.
Thiên là trời, là thiên thời.
Đối với Softbank, trời có nghĩa là thời điểm phù hợp nhất. Các bạn biết đấy, chúng ta sinh ra vào thời kỳ có thể nói là bùng nổ thông tin (thông tin big bang), thời kỳ mà máy tính phát triển và được gia tốc cực đại (microprocessor), đồng thời có sự kết nối của thế giới này nhờ phát minh ra Internet.
Nếu Matsushita Konosuke (※ người sáng lập Panasonic) được sinh ra vào thời của chúng ta, tôi tin ông sẽ là một đối thủ cạnh tranh tuyệt vời. Tiếc là ông đã sinh ra sớm hơn thời đại. Thời ông được sinh ra không phải là thời kì bùng nổ của thông tin. Đối với chúng ta có thể đó là sự may mắn, nhưng đối với Matsushita có thể đó là sự không may.
Nói thế cũng không hẳn đúng. Thời ông sinh ra là may mắn và phù hợp với công ty làm về điện gia dụng. Nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng, gồm có Cách mạng nông nghiệp, Cách mạng công nghiệp, và nay là Cách mạng thông tin. Trong đó lớn nhất là cách mạng về thông tin. Đồ điện gia dụng cũng tuyệt vời và quan trọng nhưng chưa tới mức để gọi là cách mạng.
Chúng ta sinh ra đúng thời được gọi là thiên mệnh, đó có thể là may mắn, nhưng cũng có thể gọi là thiên mệnh mà ta phải đón nhận lấy và làm một điều gì đó. May mắn cũng là một phần thực lực. Chúng ta được sinh ra vào thời kỳ cách mạng thông tin đó đã là một lợi thế vô cùng lớn. Nắm được cơ hội đó hay không thì phụ thuộc vào chính chúng ta. Vận may và bão tố thông thường cùng tới với chúng ta một cách công bằng. Nói vậy nhưng cũng phải thừa nhận, so với những thế hệ trước, chúng ta được sinh ra vào đúng thời kỳ đỉnh điểm của cuộc cách mạng thông tin có thể xem là một may mắn, một thiên mệnh lớn. Chữ thiên trong có nghĩa như vậy, thời điểm và thiên mệnh.
Địa là đất, là địa lợi. Trong tiếng Nhật có từ 地の利nghĩa là địa lợi. Là lợi thế của người sở hữu đất đai trở thành cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng cho cách mạng thông tin chính là khách hàng, người dùng internet.
Trước đây người dùng internet chủ yếu đến từ Mỹ, nhưng gần đây sự dịch chuyển này đã chuyển qua châu Á. Châu Á đã chiếm 50% dân số sử dụng internet vào năm 2015. Địa lợi đã chuyển từ Mỹ qua Á. Từ trước tới nay người Mỹ đứng đầu có nghĩa là nếu không phải là công ty của Mỹ thì khó có thể đứng đầu. Các dịch vụ được phục vụ bằng tiếng Anh và phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Mỹ. Nay người Trung Quốc đã vượt qua số lượng người dùng của Mỹ, dân số sử dụng internet tại châu Á đã và đang tiếp tục tăng lên. Điều này cho thấy châu Á đang dần có được địa lợi, dành lấy vị thế nắm cờ trong tay.
Thiên thời, địa lợi đã có thế thì không làm không được. Khi mọi thứ đã thuận lợi như thế này, nếu không làm thì không có tư cách trở thành leader. Hơn 10 năm trước Softbank đã bắt đầu gieo những hạt mầm đầu tiên tại Trung Quốc, đó là Alibaba. Từ giờ trở đi, những lợi ích có được từ địa lợi sẽ ngày càng lớn. Tôi mong các bạn hãy luôn lưu ý về yếu tố này.
Tướng là tướng quân, muốn thành sự lớn cần có được tướng tốt.
Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Khổng Minh là bốn tướng tài của Lưu Bị. Trong Tam Quốc Chí, Lưu Bị thành nghiệp lớn là nhờ có tướng tài, không có tướng tài mọi chuyện không thành.
Tôi đang đứng ở vị trí cầm quân của Softbank. Để tạo ra được cuộc cách mạng, cần có tướng tài, bao gồm cả đại tướng và tướng trung. Muốn thành đại sự phải có tướng giỏi. Sau này một trong số các bạn thay tôi kế thừa và lèo lái Softbank, khi các bạn ở lập trường của một chỉ huy, dưới trướng cần phải hội tụ được những tướng tài. Một mình không làm gì được. Khi có những người có cùng chí hướng, có đủ tài để cầm quân giống Lưu Bị và bốn tướng tài thì ắt sẽ thành công. Việc của các bạn là tạo cho mình cái trướng đó để hội tụ được tướng tài.
Pháp là phương pháp, là pháp luật. Tiếng anh có thể hiểu đó là system (hệ thống), busniess model (mô hình kinh doanh), platform (nền tảng).
Những thành công chỉ nhờ may mắn sẽ không kéo dài được lâu. Phải có và phải xây dựng được hệ thống, nguyên tắc, nếu không sẽ không kéo dài được và sẽ không nhân rộng mô hình lên quy mô lớn.
Nghĩa của những từ này chỉ có vậy, nhưng tôi muốn các bạn không chỉ hiểu câu từ một cách qua loa phiến diện, hãy đưa những từ này vào đầu và luôn ý thức về chúng. Không chỉ hiểu nghĩa mà cần phải suy nghĩ tới cách ứng dụng vào thực tế. Làm thế nào để tạo ra hệ thống? Tạo ra quy trình có thể tái hiện được thành công, có thể duy trì thành công một cách lâu dài.
Dòng 2: Đỉnh Tình Lược Thất Đấu 頂情略七闘 – VISION
Đây là 5 chữ là Trí tuệ mà người leader nên có. Đây là dòng tôi thêm vào dựa trên kinh nghiệm thương trường tôi đã đi qua.
Đỉnh là đỉnh núi.
Khi đứng trên đỉnh núi ta sẽ thấy toàn bộ phong cảnh. Khi đang leo núi không thấy được toàn bộ vực sâu phía dưới. Khi leo lên đến đỉnh mới có thể bao quát và nhìn thấy tổng thể.
Là một người lãnh đạo, ta phải quyết được ngọn núi mình cần leo. Khi quyết định được ngọn núi cần leo, coi như đã quyết định được một phần hai cuộc đời. Người hậu kế của tôi sẽ cần phải suy nghĩ mình cần phải hướng tới đâu? Và phải làm rõ được điều đó.
Khi quyết định ngọn núi cần leo, phải có giới hạn về thời gian. Không phải là tương lai, mà phải là 1 năm sau, 3 năm sau, 5 năm sau… tại những mốc thời gian cụ thể hình dung ra những cảnh tượng rõ ràng. Tưởng tượng như mình đứng trên đỉnh núi và nhìn xuống để thấy toàn cảnh. Nếu không thể nói rõ hình ảnh mình muốn trở thành như thế nào sẽ không có tư cách để làm một leader.
Tại Nhật các giám đốc sau khi lên chức sẽ được các tờ báo và tạp chí phỏng vấn. Các bạn ngồi đây, mỗi người hãy tưởng tượng mình trở thành người hậu kế tôi. Hãy tưởng tượng mình đang đứng trước một đội quân hùng hậu là những người làm truyền hình và trả lời câu hỏi phỏng vấn về tầm nhìn cho cả tập đoàn.
Tầm nhìn (vision) không phải tự dưng mà xuất hiện, không phải thứ có thể nghĩ ra trong 1 tiếng hai tiếng đồng hồ mà nó là kết quả của một quá trình suy nghĩ, luôn đau đáu về nó trong sâu thẳm của suy nghĩ.
Tầm nhìn 30 năm của Softbank, không phải là đôi ba dòng tôi suy nghĩ trong 1-2 tiếngđồng hồ. Tôi đã dành cả hơn một năm để suy nghĩ. Đương nhiên trong quá trình đó, tôi cũng có cùng với các bạn suy nghĩ để cho ra hình thù cuối cùng của tầm nhìn. Những vision nghĩ ra chỉ trong 1-2 tiếng, với tôi là thứ không thể có và không thể chấp nhận là một tầm nhìn. Những người không có vision thì không nên trở thành leader.
Tình là tình báo (情報) trong tiếng Nhật có nghĩa là thông tin. Phải điều tra và có thông tin đủ sâu đủ rộng. Điều tra một cách triệt để.
Tôi đã rời Mỹ về Nhật và dành hơn 1 năm rưỡi để suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp trước khi quyết định thành lập softbank. Lúc đó tôi cũng không biết phải làm gì? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã viết ra 40 mô hình kinh doanh, tất cả đều mới chưa ai làm.
Nếu thực hiện kế hoạch đó tôi tự tin sẽ đứng đầu Nhật Bản. Lúc đó tôi đã lập kế hoạch kinh doanh cho 10 năm, bao gồm cả bản kế hoạch cho dòng tiền, dự đoán về doanh thu, bảng cân đối thu chi, kế hoạch nhân sự, thị phần thị trường. Tôi cũng đã tìm hiểu những mô hình kinh doanh của những công ty đối thủ, những công ty có thể trở thành đối thủ. Tôi đã điều tra và tìm hiểu. Gom số tài liệu tôi chuẩn bị lại thì có khi cao hơn cả 1m. Tôi đã điều tra và tìm hiểu thông tin một cách triệt để.
Vì cấp trên bảo nên làm. Tại thời điểm làm việc với tinh thần thụ động như vậy đó coi như đã không còn tư cách để trở thành một leader. Các bạn phải trang bị và rèn luyện cho mình năng lực đề xuất. Chúng ta phải thực hiện phương án này, nếu chúng ta không làm phương án XYZ này thì sẽ bị đối thủ hạ bệ. Lúc nào cũng đặt mình trong trạng thái phải suy nghĩ.
Một năm tôi nghĩ ra 40 ý tưởng. Sau đó chắt lọc lại. Tôi đã chấm điểm cho từng ý tưởng, và cuối cùng đã chọn ra Softbank. Gặp may là thứ mà chỉ có thể xảy ra một vài thời điểm và sẽ không thể duy trì lâu dài. Bởi vậy thu thập, điều tra thông tin một cách triệt để là việc hết sức quan trọng. Hãy điều tra để có được câu trả lời VISION đưa ra có thật sự đúng hay không? Có sai sót gì không?
Lược là chiến lược (戦略)
VISION thực hiện được hay không là nhờ vào có chiến lượ. Bước trên chúng ta đã điều tra thông tin một cách triệt để. Bước tiếp theo đó là phân tích, loại bỏ những thứ lãng phí, loại bỏ lá và cành nhỏ, tìm ra và chỉ giữ lại cái thân lớn. Cái này gọi là chiến lược. Vốn dĩ chữ lược có nghĩa nghĩa là lược bỏ. Tức sau khi gom không bỏ sót thông tin, thì phải qua bước phân tích và lọc bỏ, chỉ giữ lại cái cần và cái có giá trị. Phải thanh lọc, loại bỏ triệt để, nếu không làm được như vậy thì chưa gọi là LƯỢC.
Thất là bảy, có nghĩa là bảy phần, hay 70%. Chữ này tôi muốn nhắc tới vấn đề quản trị rủi ro.
Kẻ ngu đánh 50-50, người thận trọng chờ 90% thì đã quá muộn.
Con thằn lằn nếu mất 50% đuôi có khi sẽ đau mà chết, nhưng nếu mất 30% nó sẵn sàng cắt đuôi và vẫn sống khỏe mạnh bình thường.
Báo chí khi viết về tôi, mọi người thường nghĩ tôi là người liều lĩnh chấp nhận liều ăn nhiều, chấp nhận rủi ro. Tôi ưa thích mạo hiểm, nhưng khi hành động thực tế tôi khá thận trọng. Tôi không để rủi ro vượt quá 30%. Nếu chẳng may thất bại, tôi sẵn sàng bỏ đi một phần nhưng sẽ quản trị để không làm ảnh hưởng tới tổng thể. Nói vậy không có nghĩa con số 70% tôi đánh giá qua loa đâu nhé. Tôi điều tra, phân tích đánh giá một cách kỹ lưỡng, để chắc chắn phần thắng trên 70% trước khi quyết định bất kể chuyện gì.
Lúc rút quân tôi sẽ thực hiện rất nhanh, và thường bị nhiều báo chí và truyền thông đưa ra những lời phê bình nếu không muốn nói là phê phán.
So với lúc tấn công, lúc thoát ra sẽ cần sự dũng cảm lớn hơn rất nhiều. Các bạn sẽ không tránh được những lời phê bình và những lời đánh giá mang tính vùi dập từ những người xung quanh. Tuy nhiên, càng những lúc như thế này, dứt khoát càng trở nên cần thiết. Chỉ những người làm được việc này mới có tố chất trở thành lãnh đạo.
Những người “keo kiệt” và sợ mất mát thường là người làm tổn hại tới công ty nhiều hơn. Tôi cho rằng duy trì hiện trạng không mấy tốt đẹp là quyết định điên khùng. Không thoát được cũng là kẻ điên. Tôi hiểu họ sợ mất mát, họ sợ những lời phê phán đang chờ phía trước, nhưng những người như thế không nên trở thành lãnh đạo. Người không dứt khoát quyết định được điểm dừng chẳng khác gì lái một chiếc xe không có phanh, hay lái một chiếc xe không có chế độ lùi. Các bạn hãy tưởng tượng ngồi trên chiếc xe đó sẽ nguy hiểm như thế nào?
Những công ty lớn, và cả những công ty vừa và nhỏ phần lớn thất bại đều do không triệt để được chữ “thất – 七” này, tức họ không quản lý rủi ro một cách hợp lý. Họ chấp nhận rủi ro hơn 30%, hoặc khi thua lỗ quá mức cũng không dám mạnh dạn rút bỏ.
Mặt khác công ty Nhật gần đây thường bị thua những công ty nước ngoài. Vì công ty Nhật phần lớn quá thận trọng, Đừng nói là chờ thắng 7 phần, họ phải chờ tới 9 phần, nhưng khi mọi thứ đã rõ ràng như thế này, phần lớn trường hợp đã là quá muộn. Ngoài kia mọi thứ đang diễn ra hết sức khốc liệt. Hấp tấp quá cũng không được, thận trọng quá cũng không được. Các bạn hãy lưu ý con số 7 này để suy nghĩ về quản trị rủi ro.
Đấu là chiến đấu.
Tôi muốn nói với các bạn rằng khi muốn thành sự phải dành cả tinh thần và tính mạng để chiến đấu. Chỉ khi chiến đấu thì mới bắt đầu thành sự. Chiến lược có tuyệt vời đi chăng nữa, nếu không chiến đấu cũng không thể thành nghiệp lớn.
Xung quanh chúng ta luôn có đối thủ cạnh tranh. Không chiến đấu sẽ không bao giờ chiến thắng, không đúng ra là không chiến đấu sẽ bị tiêu diệt.
Điển hình của những người chỉ nói mà không làm, những người chỉ nói mà không bao giờ chiến đấu đó chính là những chuyên gia bình luận. Những người biết mọi chuyện, đặc biệt là những người làm nghiệp vụ tư vấn, khi gặp họ tôi thường bảo, anh nói được hay vậy thì anh hãy làm thử đi?
Trừ những người có thực lực, phần lớn sẽ đáp lại “Đó không phải việc của tôi”. Nếu chỉ nói thì cực kỳ đơn giản. Nếu không tự tin tự mình làm để thành sự thì đó là lý luận vô ích và vô trách nhiệm. Chiến lược hay tầm nhìn (vision) có tuyệt vời đi chăng nữa, nhưng nó chỉ là những tờ giấy thì sẽ kết thúc ngay lập tức. Nếu chỉ đơn giản như thế thì gõ hai dòng twitt là xong, tôi nghĩ như vậy sẽ hợp lý hơn.
Làm là chuyện khá là khó đấy. Nhìn ngoài bình luận thì ai cũng có thể nói được. Có người nói với tôi phương châm của Softbank là “làm cho mọi người đều hạnh phúc” thế tại sao lại đi “khóa sim”? Để thực hiện được phương châm kinh doanh, để thực hiện được tầm nhìn nếu không chiến đấu sẽ không làm được đâu. Lúc đang xung trận và chiến đấu hết mình, có khi nào mình lại trao vũ khí cho đối thủ hay không? Nếu làm vậy trước khi thành sự có khi đã lăn ra chết.
Để thực hiện tầm nhìn cần chiến đấu. Trước khi thành sự mà chết thì chỉ đơn thuần là một người tốt. Người thực sự có trách nhiệm với tầm nhìn của mình chắc chắn không có chuyện vào trận chiến, tìm kiếm đối thủ rồi trao vũ khí cho đối phương. Phải chiến đấu hết mình mới có thể thành sự. Những người luôn đòi hỏi những chiến binh phải trở thành một chiến binh tốt bụng thay vì chiến bình quả cảm thì họ chắc chắn là những nhà bình luận chuyên nghiệp. Chính họ mới là những người vô trách nhiệm.
Toyoda, Honda, Matsushita, Henry Ford, Steve Job, Bill Gates tất cả họ đều là những chiến binh và họ đã chiến đấu hết mình. Vision là chiến đấu, không chiến đấu không thể thực hiện được tầm nhìn. Softbank cũng có khi phải chiến đấu với cơ quan hành chính, người xây dựng thể chế. Vì sao phải chiến đấu? Chiến đấu là để thực hiện cái chí và vision. Cái chúng ta hướng tới là 5 năm sau, 10 năm sau, 50 năm sau, 100 năm sau chứ không phải vì kết quả của tháng sau. Cũng có những trường hợp vì đại cục mà 1~2 năm làm phiền tới người khác, làm phiền tới gia đình. Nhưng nếu đã quyết chí và biết được rằng điều mình làm là vì lợi ích tổng thể thì xung quanh có phê phán, bị vùi dập trong những lời nói không mấy dễ chịu thì hãy cứ nhẫn nại và kiên định thực hiện. Với tôi vì cái tổng thể nếu một lúc nào vấp phải những phản khác, phê phán thì vẫn có thể chấp nhận được. Đương nhiên là ta phải làm những chuyện tốt nhé, chứ không được làm những chuyện không tốt. Để trở thành nhà cách mệnh cần phải chiến đấu, và chỉ thắng, phải thành sự mới trở thành nhà cách mệnh.
Dòng 3: Nhất Lưu Công Thủ Quần 一流攻守群 – Chiến lược
Nhất là số 1. Đây là chiến lược hướng tới số 1 tuyệt đối.
Nếu không thành số 1 tuyệt đối thì theo thời gian, lợi nhuận sẽ suy giảm và biến mất. Nếu không trở thành số 1 tuyệt đối sẽ không thể tạo ra được lợi nhuận lớn.
Khi xây dựng nền tảng Platform cũng vậy. Chỉ khi trở thành môi trường số 1 cực mạnh đánh bay mọi đối thủ thì mới có thể dành chiến thắng. Cái ta phải hướng tới là trở thành tiêu chuẩn mới cho ngành, cho lĩnh vực, định nghĩa lại cuộc chơi. Chỉ khi trở thành số 1 tuyệt đối như vậy thì mới có thể tạo ra được ý nghĩa.
WINDOW của Microsoft, CPU của Intel, Google, Amazon, Yahoo là những ví dụ tiêu biểu. Chỉ khi đứng đầu tuyệt đối mới có thể hưởng thụ lâu dài. Chiến lược Number One này đã được viết trong binh pháp Tôn Tử và cũng được viết trong cuốn sách Lanchester. Để làm được điều này tôi chỉ đánh trận mà tôi biết tôi có thể thắng. Một khi đã xung trận chắc chắn sẽ thắng. Hơn nữa khi đã làm thì lĩnh vực đó sẽ trở thành số 1 tuyệt đối. Và tay ta chỉ nên tập trung vào lĩnh vực mà mình có tự tin có thể dành được chiến thắng trong đó. Một khi đã bắt tay vào làm, vấn đề có thể muộn hay sớm, nhưng mình phải tự tin để trở thành số 1. Và chỉ tập trung vào đó. Khi nhìn thấy con đường mình có thể trở thành số 1, mới thực sự bắt tay vào làm.
No.1 và phải hướng tới mức độ này. Xung trận mà không tự tin coi như đã thua cuộc. Chưa thắng cũng không sao, hãy cho bản thân được trải nghiệm trạng thái No.1 ở một phạm vi nào đó. Một khi đã trải nghiệm chiến thắng, ắt sẽ có được tâm trạng muốn trở thành No.1 những lần tiếp theo. Nếu vị trí đó là home position thì sau này khi không ở vị trí đó sẽ cảm thấy thoải mái.
Tôi xin lỗi nếu câu chuyện tôi khiến các bạn nghĩ tôi đang tự mãn, nhưng từ khi còn là học sinh tiểu học, gần như tôi chỉ có trải nghiệm là number 1. Làm gì cũng vậy, tôi chỉ có trải nghiệm là number 1. Nếu không đạt số 1 thì tôi sẽ không chịu được. Đương nhiên để đạt được vị thế này thì phải cố gắng thật nhiều mới có thể đạt được. Tôi đẩy mình vào trạng thái đó. Một khi đã quyết làm gì tôi sẽ đưa mình vào chế độ không có số 2 mà chỉ có số 1.
Nhưng tôi muốn các bạn không hiểu lầm, đó là tôi không cầu toàn tất cả mọi chuyện đâu nhé. Tôi chưa bao giờ quyết mình sẽ trở thành Number 1 trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi cũng chưa từng hướng tới number 1 trong thi đấu bóng rổ bởi chiều cao của tôi có phần hơi khiêm tốn. Nhưng nếu là những lĩnh vực, hoặc mục tiêu tôi nhắm mình có thể làm được, một khi đã quyết làm, tôi sẽ sẽ phải đưa mình vào chế độ phải hướng tới Number 1. Làm một cách triệt để và hướng tới số 1.
Không chấp nhận số 2, số 3 càng không chấp nhận thỏa hiệp với số 4 số 5. Nếu như vậy không có chuyện thành sự đâu. Phải có một chí lớn, và có khí khái để hướng tới điều đó. Bản thân đã cố gắng nhưng chỉ đứng vị trí số 2, rồi để bản thân thỏa hiệp với điều đó là chuyện không thể chấp nhận. Đang đứng số 2 có nghĩa là cuộc chiến chưa kết thúc, còn đang làm dang dở và còn phải cố gắng tiếp. Công ty không tạo được môi trường với tinh thần chiến đấu như vậy như vậy sẽ không thể sống sót 300 năm nữa.
Nếu các bạn ngồi đây có tình yêu thương với cấp dưới, có trách nhiệm lớn đối với khách hàng thì phải hướng tới số 1. Khi vươn lên được vị thế số 1, các bạn sẽ có được sự thoải mái hơn cả về cảm xúc và thời gian, khi đó có thể quan tâm tới khách hàng tốt hơn. Ở vị thế đó, bạn cũng sẽ có cơ hội tiếp tục thử sức với những kỹ thuật mới, tân tiến hơn. Bạn cũng có thể bắt đầu business với tinh thần trách nhiệm lớn hơn. Một khi đã quyết làm chuyện lớn, tuyệt đối không thỏa hiệp và chấp nhận vị thế số 2. Sự tồn tại đó là tầm thường và không ai nhớ tới.
Lưu là dòng chảy của thời đại. Hãy đọc trước thời đại, xuôi theo dòng, không đi ngược thời đại.
Khi tôi còn nhỏ, bố tôi đã đóng góp nhiều cho công cuộc tái cấu trúc lại ngành đóng tàu của Nhật. Nhiều tạp chí và báo chí đưa tên và biểu dương công tích của ông. Thậm chí người ta còn làm bộ phim truyền hình về ông. Tôi cũng tôn kính bố tôi rất nhiều. Ngành đóng tàu Nhật Bản thời bấy giờ đã lâm vào tình cảnh rất khó khăn, khó là vậy nhưng ông vẫn có thể xây dựng lại được. Ông thực hiện cắt giảm chi phí sản xuất, hợp lý hóa quy trình và cuối cùng đã bằng cách nào đó khôi phục được các xưởng đóng tàu.
Lúc bấy giờ tôi mới chỉ là học sinh cấp 2, tôi mới bảo với bố tôi rằng: “Bố ơi, con rất là tôn kính bố như một người bố, nhưng con không thể tôn kính bố như người đàn ông được đưa tên trên các trang báo. Con nghĩ người đàn ông đó bị khùng, không có tư cách là một người kinh doanh”. Suy nghĩ đó của tôi đến giờ cũng không có gì thay đổi. Tại sao tôi lại nói thế? Vì tại sao lại phải dành thời gian và cuộc đời của mình cho lĩnh vực mà đang bước vào giai đoạn chìm nghỉm? Khi lựa chọn hướng đó, coi như không có tư cách của một người kinh doanh. Đó là hành động đi ngược thời đại, đi ngược với dòng chảy tự nhiên.
Tôi hiểu, ở vị trí cha tôi, ông không có lựa chọn nào khác, bắt buộc ông phải nhận trách nhiệm vực dậy con thuyền đang chuẩn bị đắm. Nếu tôi ở lập trường đó, tôi sẽ sử dụng những tài nguyên và kinh nghiệm của ngành đóng tàu để phát triển những business khác với đóng tàu. Hoặc sẽ không làm business đóng tàu ở Nhật nữa, mà mang business đó ra nước ngoài. Có thể mang sang Trung Quốc, mang kinh nghiệm đó sang Ấn Độ hoặc Nga, tối ưu quá trình với chi phí hợp lý hơn. Nếu triển khai theo hướng này thì câu chuyện còn có thể hiểu được.
Lúc nãy tôi có chia sẻ về thất bại và thoát trận. Làm sao mình phải đọc được khuynh hướng của thời đại thật nhanh và hành động theo dòng đó. Khi quyết định đi ngược với dòng chảy đó, coi như đã không còn tư cách của người làm kinh doanh. Tái kiến, tái xây dựng? Đó không khác gì một sự nỗ lực lãng phí của một tài năng. Không còn cách nào, bắt buộc phải làm có thể là thế, nhưng như vậy thì hơi đáng thương. Dù những lời nói có phần gay gắt nhưng đành lòng tôi phải nói ngay cả đối với cha mình.
Tập đoàn Softbank của chúng ta sẽ không bước chân vào những ngành nghề đã chuyển sang bóng xế chiều. Tuyệt đối không được lựa chọn những ngành nghề này. Ngày nay nhiều người phải tiếp nhận những business từ gia đình, tôi có thể đồng tình với hoàn cảnh của họ vì họ không còn lựa chọn nào khác.
Nếu là tôi, tôi vẫn sẽ tiếp nhận, nhưng một khi tiếp nhận sẽ nhanh chóng nghĩ cách bẻ lái thay đổi phương hướng. Tôi không có làm việc theo hướng duy trì và bảo vệ tất cả qua tất cả các đời. Tuyệt đối không được đi ngược với dòng chảy của thời đại. Quay trở lại với xã hội nông canh? Không có chuyện đó. Quay trở lại với ngành công nghiệp lắp ráp? Không thể nào. Đọc trước thời đại, và sao cho có thể bước đi cùng thời đại, làm thử bước đi trước một bước và chờ thời tiến tới phía sau.
Các bạn đi bơi cũng vậy. Tốc độ bơi, năng lực bơi của các bạn các bạn biết, các bạn có hình dung được mình bơi được với tốc độ bao nhiêu khi bơi ngược dòng không? Khi bơi theo dòng chảy bạn bơi được thoải mái như thế nào, đương nhiên các bạn cũng sẽ hiểu. Cuộc sống là vậy, mọi thứ hết sức đơn giản, không cần phải suy nghĩ quá phức tạp.
Trong thời đại số việc chọn hệ điều hành nào cũng trở nên hết sức quan trọng. Ngày trước Fujitsu đã chọn hệ điều hành CP/M. Ngay tại thời điểm đó, tôi đã nói thẳng với hội đồng quản trị của Fujitsu rằng chẳng phải mấy ông đang bị khùng hay sao? Tại sao không chọn MS DOS? Sau đó họ quay sang nói với tôi rằng tôi không hiểu chi tiết về kỹ thuật. Trưởng phòng kỹ thuật đã giải thích rất nhiều về kỹ thuật, nhưng tôi cũng lại bảo, ông cũng khùng nốt. Ông là kẻ khùng kỹ thuật.
Có thể một thời điểm nào đó, một bộ phận nào đó xuất sắc nhưng chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhìn cây thấy lá thấy cành xanh tốt mà chọn là không ổn. Đặt tiêu điểm vào những điểm yếu của dòng chảy chung rồi coi đó là dòng chảy lớn là sai lầm không thể chấp nhận. Nhiều người muốn nói điểm xuất sắc của những nhánh này, những điểm yếu mà dòng chảy chung chưa đạt được. Những người như vậy không phù hợp để khởi nghiệp. Đã làm hãy hướng tới con đường lớn, theo dòng chảy lớn và trở thành vô địch trên nhánh đó. Thành công ở những nhánh hẹp, những nhánh cành hay lá, coi như là không có tư cách của một người khởi nghiệp.
Có nhiều chuyên viên vấn đưa ra những lời khuyên cho những công ty khởi nghiệp, họ khuyên những công ty này hãy theo chiến lược đánh vào ngách hẹp. Thi thoảng tôi còn nghe có người nói với tôi rằng: Anh Son này, ngày trước cũng may mà anh chọn ngách hẹp nên sau này mới thành công.
Khùng. Tôi chưa bao giờ chọn ngách chọn khe. Tôi chưa bao giờ, dù chỉ là một thoáng trong đầu.
Không phải là ngách hẹp, thứ tôi chọn dù hiện tại còn nhỏ đi chăng nữa nhưng 5 năm sau, 10 năm sau, 30 năm sau nó sẽ trở thành trụ cột, trở thành thân cây chính. Tôi luôn chọn theo hướng đó, chẳng qua là tôi chọn từ khi chúng nó còn nhỏ, từ giai đoạn sớm. Chứ tôi chưa bao giờ ý thức mình phải đi theo ngách hẹp.
10 năm sau cái mình chọn vẫn ngách hẹp, 30 năm sau vẫn là ngách hẹp thì khả năng bạn đã chọn cành và lá, một lúc nào đó nó sẽ bị rơi rụng mà thôi. Lựa chọn đó, một thời điểm có thể thành công nhưng nó không khác gì bèo nổi trên sông.
Cũng có người biết tương lai sẽ nhánh chọn sẽ trở thành thân cây, nhưng lo sợ không dám chiến đấu không có tự tin chiến thắng mà chuyển qua chọn ngách hẹp. Điều đó chẳng khác chưa đánh đã thua, thật khó để mong thắng lợi và thành công lớn.
Khi chọn hệ điều hành (OS) hay khi chọn phương thức truyền thông nào, có người chọn CDMA 2000, 1X, hay WIN? Thật la đau lòng, họ chọn những nhánh hẹp mà sau này những nhánh đó không thể trở thành dòng chảy chính của thời đại. Đó là thất bại của chiến lược. Một thời điểm nào đó có thể nhanh chóng mở rộng được thị trường, chiếm được lợi thế, một thời điểm nào đó có thể mở rộng được nhận diện thương hiệu, nhưng tuyệt đối chúng ta không được phạm vào những thất bại như vậy.
Tuyệt đối các bạn không được leo lên con thuyền đang chìm, không chọn những cành những lá mà quên mất sự tồn tại của nhánh chính. Phải chọn cái mà sau này sẽ trở thành dòng chảy chung của thời đại. Chọn đối tác vì họ bán hàng rẻ, chọn đối tác vì họ dễ hợp tác mà quên mất con đường mình cần phải đi là một nhánh lớn là sai lầm không nên phạm phải.
Nhưng nếu có tự tin những lựa chọn hiện tại còn đang là nhánh hẹp nhưng sau này có thể trở thành dòng chảy lớn thì có theo nó cũng không sao. Năm 2006 Softbank có mua lại Vodafone Japan. Lúc đó Vodafone đang làm ăn thua lỗ, chẳng khác gì con tàu đang chìm, nhưng tôi có tự tin nếu lật ngược business này lại, vodafone thì sẽ trở thành số nên tôi đã mạnh dạn mua lại. Các bạn nhớ nhé, hãy đọc trước thời đại, xuôi theo dòng, không đi ngược thời đại.
Công là tấn công.
Tấn công trên các mặt trận sau:
- Tấn công bằng năng lực kinh doanh
- Tấn công bằng năng lực phát triển kỹ thuật
- Tấn công bằng M&A
- Tấn công bằng khai thác phát triển lĩnh vực kinh doanh mới.
Ngoài ra còn có rất nhiều mặt khác có thể tấn công, nhưng tôi nghĩ những điều này là những mũi tấn công cơ bản. Những công ty mới thành lập, những công ty mạo hiểm thường là những công ty mạnh về tấn công. Họ có năng lực về kỹ thuật sâu và hẹp ở một nhánh nào đó. Kỹ thuật cũng là vũ khí để tấn công.
Tấn công là cách phòng vệ tối ưu. Muốn thành công phải có năng lực tấn công mà phải là tấn công liên tục. Đặc biệt leader, phải là người có năng lực tấn công không chịu thua ai cả. Cá nhân leader nếu không có năng lực tấn công đó thì không thể kéo người khác đi theo mình.
Muốn làm được như vậy, kỹ thuật cũng cần am hiểu, khi cho đi kinh doanh cũng phải kiếm được khách hàng, cho đi thương thảo cũng phải có năng lực đàm phán và thuyết phục được người khác. Không trang bị năng lực đó không được. Chỉ nghiêng về một thứ cũng không ổn. Kinh doanh tốt nhưng kỹ thuật kém, nếu vậy thì không thể trở thành vũ khí tấn công mạnh. Tự mình phải tìm cách trang bị cho riêng mình. Những năng lực một người leader nên có là khả năng kinh doanh, kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng thương thảo, khả năng quan sát, phân tích tổng thể ngành. Không có những năng lực này không được. Muốn vậy, các bạn cần luôn luôn mài giũa năng lực để có được vũ khí tấn công đủ mạnh.
Thủ nghĩa là phòng thủ. Dưới đây là những thứ tôi nghĩ đối với mỗi công ty cần phải lưu tâm để bảo vệ.
- Quản lý dòng tiền (Cashflow)
- Giảm chi phí
- Hiệu suất hóa đầu tư
- Rút bỏ
- Tuân thủ quy định chính sách (Compliance)
- Thanh tra
- Rủi ro báo chí
Những công ty mạo hiểm thất bại có điểm chung không phải bên công yếu mà là bên thủ có vấn đề. Trong đó có quản lý dòng tiền là vấn đề lớn nhất, phần lớn thất bại vì không đủ tiền và không gọi được thêm vốn. Tôi ít thấy có công ty sụp đổ vì 20-30% nhân viên nghỉ việc. Cũng hiếm có công ty nào phá sản vì doanh thu giảm 20~30%. Nguyên nhân phá sản trực tiếp đó là cạn tiền không kêu gọi được thêm. Bởi vậy quản lý dòng tiền là hết sức quan trọng.
Để tấn công cần có tiền. Cần quản lý để một mặt có thể duy trì được dòng tiền, không bị phá sản một mặt sẵn sàng trang bị cho những đòn tấn công. Nếu không cần tấn công thì ngược lại về cơ bản không có mấy khi cần huy động vốn. Nếu muốn tấn công mạnh thì cần nhiều tiền, muốn thế phải huy động được tiền đầu tư. Nếu luôn muốn vượt qua giới hạn bản thân thì sẽ cần phải có nhiều hơn số tiền hiện có.
Tôi ước chừng Softbank khoảng 4 năm nữa sẽ trả hết nợ. Tôi đã hứa với các nhà đầu tư. Chừng nào tôi còn làm giám đốc tôi sẽ đưa công ty về trạng thái thực tế không nợ. Đương nhiên chúng ta có đối tác là các ngân hàng nên công ty vẫn có để một khoản nợ nào đó, nhưng tiền gửi sẽ nhiều hơn số tiền vay nên có thể coi thực tế là kinh doanh không nợ. Nhưng như tôi đã nói, để phát triển mạnh mẽ sẽ luôn cần phải tấn công, muốn tấn công thì cần tới tiền. Nếu không vay, thì tiền ở đâu ra? Muốn thế thì phải dùng tiền hợp lý, không lãng phí. Muốn làm được như vậy phải cùng nhau kết hợp dùng cái đầu và đưa ra trí tuệ.
Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như vi phạm luật pháp, điều này tuyệt đối không được phạm phải. Dù không làm những việc phạm pháp nhưng phải lưu tâm rằng pháp luật sẽ thay đổi. Các quốc gia khác nhau sẽ có thể chế và quy định khác nhau. Chúng ta chỉ được làm những điều đúng đắn, không đưa tay tới những chuyện không đúng đắn. Dù pháp luật thay đổi, dù quốc gia thay đổi cũng vẫn luôn đúng, làm được tới mức đó thì có thể coi phần thủ đủ mạnh. Có những điều mà hiện tại không vi phạm pháp luật nhưng ta biết rằng đó là những điều không hợp lý thì cũng không được phạm phải. Pháp luật sẽ ngày càng minh bạch và sáng tỏ. Sau này pháp luật từ vùng xám sẽ được chuyển qua vùng sáng và minh bạch hơn, tại thời điểm đó nếu có vi phạm coi như mọi thứ sẽ kết thúc.
Quần là quần thể. Ý của phần này là cần xây dựng một hệ sinh thái mạnh mà ở đó các bên hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau, các bên kết hợp với nhau và có liên kết với nhau trên tinh thần chung của Softbank.
Trong bài phát biểu tầm nhìn 30 năm của softbank tôi cũng có đề cập tới chữ “Quần” này. Xây dựng một quần thể sinh thái với 5000 công ty trong 30 năm tới. Nếu không xây dựng hệ sinh thái, trong 30 năm nữa có thể sống sót, nhưng 300 nữa thì không thể tồn tại. Đây sẽ là điểm khác biệt rất lớn của tập đoàn chúng ta với các công ty khác trong nước Nhật và trên toàn thế giới.
Nếu phấn đấu 30 năm nữa đạt được đỉnh cao thì chỉ cần tập trung cho một thương hiệu là đủ, làm như vậy sẽ có hiệu suất cao. Nhưng ngay cả như Microsoft, Intel cũng đã chuẩn bị bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm. 50 năm sau, 100 năm sau những công ty nào có thể sống sót? Không ai biết được. Đó cũng là chỗ hiểm của doanh nghiệp đơn lẻ, thương hiệu đơn lẻ.
Dòng 4: Trí Tín Nhân Dũng Nghiêm 智信仁勇厳 – Tâm đắc của người làm leader
Tri là tri thức. Muốn làm leader cần phải có năng lực. Những năng lực có thể kể tới đó là:
- Năng lực suy nghĩ
- Năng lực thương thảo toàn cầu
- Năng lực phát biểu
- Năng lực kỹ thuật
- Năng lực về tài chính
- Năng lực phân tích
Không có được những năng lực này thì khó có thể trở thành lãnh đạo tốt. Chỉ mạnh một năng lực là không đủ. Năng lực này phải được phân phối đều nhưng cũng cần phải hiểu sâu chứ không phải mỗi thứ biết một chút xíu nhé. 6 năng lực trên, năng lực nào cũng phải đạt đến trạng thái tương đương với chuyên gia của lĩnh vực đó, có thể tranh luận ở mức độ cao và sâu nhất với những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó.
Các bạn đừng hướng tới làm một leader ngồi trên kiệu. Trang bị cho mình 6 năng lực trên, các bạn còn phải biết cách dùng được những người có chuyên môn. Ở đây chúng ta cần làm rõ, dùng được người có chuyên môn và dựa dẫm vào người có chuyên môn là hai phạm trù khác nhau. Nếu bị yêu cầu tự mình làm thì mình cũng sẽ tự làm được. Nhưng do mình còn phải lo chuyện quản trị và định hướng nên những chuyện phía trước nên bắt buộc phải dùng những người cùng năng lực với mình hoặc vượt trên mình. Cái này gọi là dùng được người có chuyên môn. Còn ngược lại năng lực không có, đụng chuyện gì phải hỏi người khác thì cái này gọi là dựa dẫm vào người có chuyên môn. Là một leader thực sự tôi không muốn các bạn trở thành một người như thế này. Muốn vậy các bạn sẽ phải không ngừng học tập, rèn luyện, không thế thì không làm được đâu.
Tín là tin tưởng người khác và là người để sao cho người khác có thể tin tưởng.
- Tín là để kết hợp những người đồng chí với nhau
- Tín là để kết hợp với đối tác
- Tín là có tín nghĩa, có thể tin tưởng, có tín niệm
Chữ tín mà không có thì không thể kết hợp được với người khác. Hắn có năng lực nhưng có khả năng sẽ bị lừa đó. Nếu khiến người khác suy nghĩ như vậy thì liệu có thể hợp tác được với nhau không? Chắc chắn là không. Hắn có tiền, hắn có tài nhưng làm chung với hắn có nguy cơ bị phản bội, người ta cũng sẽ không kết hợp với những người như thế này. Nếu có tài như những bậc thầy lừa đảo, có thể lừa được 2-3 công ty, nhưng không thể kết hợp được 5000 công ty. Không thể nào làm nên đại sự.
Tín nghĩa nồng hậu có nghĩa là mình cũng phải tin mình, tin tưởng đối tác, và sống sao cho người khác có thể tin mình, và có giá trị để được tin như vậy. Muốn làm được như vậy, bên trong mỗi người phải có tín niệm và có tín nghĩa đủ lớn.
Nhân là nhân ái. Nhân ái là tình yêu thương, hướng tới đồng loại và nhân loại. Cách mạng thông tin là vì nhân ái. Nếu những người lãnh đạo không có nhân ái sâu sắc thì không được đâu.
Dũng là dũng khí. Ở đây tôi muốn nói tới hai loại dũng khí:
- Có dũng khí chiến đấu với kẻ địch lớn
- Có dũng khí rời sàn đấu
Dũng cảm rời sàn đấu cần gấp 10 lần dũng cảm thông thường. Đây thực sự là thứ không thể thiếu. Tôi sẽ nhắc lại nhiều lần, nếu leader không có dũng khí để thoái trận sẽ là leader hủy diệt công ty.
Dũng cảm rút lui khó gấp 10 lần dũng cảm tấn công. Khi rút lui sẽ bị đánh cho tơi tả. Có chịu được hay không, phụ thuộc vào việc có niềm tin và dũng khí hay không? Khi rút lui thông thường sẽ đi kèm với những lời phê phán, bị vùi dập và bị đánh cho tả tơi, bị xấu hổ. Kinh nghiệm này thực sự đáng sợ lắm. Sau 3 lần thất bại rút lui có khi không dám xung trận nữa.
Bản thân tôi mấy chục năm nay tiến có, lùi có. Tôi cũng đã rút trận nhiều lần. Và tôi nhận ra rút lui phải nhanh, dứt khoát trước khi quá muộn. Điều này hết sức quan trọng. Điều này hết sức quan trọng nên tôi muốn các bạn phải thực sự lưu tâm. Để trở thành một leader thực sự, các bạn nhất định phải trang bị cho mình chữ dũng này. Khi quyết định rút lui, chỉ có tướng mới quyết định được.
Khi tấn công mọi người đều hào hứng, tứ bề mọi người đều rạo rực muốn được tiến lên, chẳng nói thì tự động thế trận cũng được dàn sẵn nhưng khi rút lui chỉ có top mới có thể đưa ra quyết định. Khi đó bản thân nhận trách nhiệm về mình lớn như thế nào hẳn các bạn cũng có thể mường tượng ra. Không giác ngộ được điều này thì không thể trở thành một leader thực sự. Bản thân người leader phải nhìn lại, soi lại bản thân và phải rút kinh nghiệm, chứ không phải tìm cách đỏ lỗi cho người khác. Cấp dưới cũng không theo cấp trên chỉ biết đổ lỗi.
Nghiêm là nghiêm khắc. Là sự khắt khe. Ở đây tôi muốn nói rằng để có thể yêu thực sự, có những lúc hãy trở thành ác quỷ. Người không thành quỷ được cũng không thể trở thành leader.
Nhưng tôi muốn các bạn không hiểu nhầm sự nghiêm khắc của tình yêu thương và nghiêm khắc đơn thuần vị kỷ. Nghiêm khắc một cách lạnh lùng và ích kỷ thì cấp dưới không theo. Có những người dù cực kỳ nghiêm khắc, nhưng ẩn sâu trong con người đó là một tình yêu thương vô bờ bến thì dù có nói nghiêm đi chăng nữa thì sự nghiêm khắc đó là thứ để tôi rèn cấp dưới, để xây dựng nên một tổ chức vững mạnh. Ngay cả đối với cấp dưới mình yêu quý, tin tưởng, những trường hợp cần thiết cũng cần biến mình thành ác quỷ.
Người lúc nào cũng tốt sẽ chỉ đơn thuần là một người tốt bụng chứ không thể trở thành một leader thực sự. Một leader thực sự cần biết diễn cả hai vai yêu thương và nghiêm khắc, thiên thần và ác quỷ.
Dòng 5: Phong Lâm Hỏa Sơn Hải 風林火山海 – Chiến thuật
Phần này trong binh pháp tôn tử được viết rất chi tiết, khi hành động hãy làm nhanh như gió, tĩnh như rừng, mãnh liệt như lửa, vững như sơn, và yên bình như biển. Phong lâm hỏa sơn là thứ có thể các bạn đã nghe ở đâu đó. Phần này tôi cũng không có trình bày chi tiết, các bạn hãy đọc thêm để hiểu kỹ hơn về điều này.
Phong là gió. Ý là nhanh như gió.
- Năm 1996 thành lập Yahoo! Japan
- Năm 2000 đầu tư vào Alibaba
- Năm 2001 Bắt đầu Yahoo!BB
- Năm 2006 mua lại Vodafone Japan.
Trên là những thương vụ lớn mà Softbank đã thực hiện. Một khi đã quyết thì phải hành động thật nhanh, nhanh như gió.
Tôi đã âm thầm lặng lẽ thương thảo với Google, Apple. Gần như tuần nào cũng thương thảo với Apple. Nói đúng ra là khoảng 6 năm trước những câu chuyện của Softbank đã được đưa lên bàn đàm phán với các đối tác, nhưng chỉ có một số người biết mà thôi. Nhưng các bạn không hề biết đúng không? Khi làm hãy lặng lẽ như rừng, không phải chuyện gì chúng ta cũng phải công khai ra hết.
Khi làm gì đó, bất kể việc gì có những lúc phải làm quyết liệt, mãnh liệt như ngọn lửa đang cháy.
Có những thứ không được thay đổi, và phải giữ cho chắc giống như là nền móng cho mọi thứ vậy. Đối với softbank, trụ cột kinh doanh là công nghệ thông tin và trụ cột này sẽ không có sự thay đổi. Tất cả sẽ xoay quanh điều này.
Đây là phần riêng của tôi viết thêm vào 4 chữ Phong Lâm Hỏa Sơn.
Một cuộc chiến khi nào được coi là kết thúc? Khi mà ta có thể hấp thụ và chấp nhận mọi thứ như trạng thái rộng và hòa bình như mặt biển, lúc đó trận chiến mới thực sự được coi là kết thúc. Một quả núi đã cháy rụi chưa chắc đã kết thúc. Một lúc nào đó lửa sẽ bùng lên, có nghĩa là trận chiến chưa tàn. Trận chiến thắng chỉ thực sự thắng khi mọi thứ yên lặng, và trải rộng như mặt biển.
Trên đây tôi đã chia sẻ với các bạn 25 chữ tôi đã đúc kết. Nhưng chỉ dừng ở việc hiểu thì không được. Phải dành thời gian, suy nghĩ từng chữ từng chữ, và lấy bản thân làm thí nghiệm, trang bị cho mình năng lực thực hiện được từng chữ đó, chỉ khi đó mới thực sự trở thành một leader. Ngay cả bản thân tôi đi chăng nữa, tôi chưa hoàn thành được những điều này, vẫn đang trên đường hoàn chỉnh.
Từ giờ các bạn sẽ bắt đầu học tập tại Softbank Academia, tôi mong các bạn sẽ phát huy và suy nghĩ về điều này, áp dụng vào việc đưa ra các ý tưởng và phát huy trong các bài phát biểu. Tôi đã đọc hàng ngàn cuốn sách, trải nghiệm rất nhiều thất bại và cả thành công, và chắt lọc lại 25 chữ này. Không chỉ những người kế nhiệm softbank, mà tôi nghĩ cả các hiệu trưởng, viện trưởng, lãnh đạo quốc gia, những người đứng trên lập trường leader sẽ cần phải có những tố chất này. Những ai làm được điều này, tôi tin rằng sẽ trở thành một lãnh đạo thực sự.
—Masayoshi Son, ghi bởi Thợ rèn—
Tham khảo
Bài giảng của Masayoshi Son