Các bạn nào đi làm rồi thì sẽ thấy sẽ cần phải cảm ơn những framework rất nhiều. Framework là những bộ khung cho suy nghĩ. Từ hồi còn là học sinh chúng ta đã quen với cấu trúc của một bài văn như mở bài, thân bài, kết bài đây là một ví dụ tiêu biểu cho framework. Có framework sẽ giúp cho thông tin được sắp xếp một cách có hệ thống hơn, không trùng lặp, không bị sót, dễ hiểu. Khi nhiều người cùng dùng framework đó thì việc trao đổi, truyền đạt sẽ thuận lợi hơn.
Những người đi làm như thợ rèn hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều những framework như vậy. Trong công ty không có dạy, nhưng chỉ cần quan sát một chút có thể thấy những người đàn anh đàn chị đi trước họ dùng và mình có thể bắt chước theo để sử dụng. Bạn nào làm về marketing thì ắt sẽ biết tới các từ khoá như 3C, 4P, 4M, SWOT… (các bạn chưa biết có thể tra để tìm hiểu thêm). Khi có framework sẽ giúp chúng ta bắt tay vào công việc một cách nhanh chóng và tự tin hơn. Trong số nhiều framework thợ rèn tiếp xúc có một framework thợ rèn nghĩ có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, cho nhiều hoàn cảnh nếu không muốn nói quá là áp dụng được hàng ngày. Bởi tính phổ biến của nó, nay thợ rèn sẽ viết một bài về framework này. Tiếng Nhật là 空・雨・傘 còn tiếng Việt thì có thể dịch ra là Trời – Mưa – Ô.
Ý nghĩa của framework Trời – Mưa – Ô.
Trời: Nhìn lên trời thấy có mây >> Đây là sự thực, thông tin khách quan.
Mưa: Trời có vẻ sẽ mưa >> Phân tích, dự đoán, cách nhìn nhận về vấn đề
Ô: Sẽ mang theo ô >> Phán đoán, hành động
Đây là ví dụ cụ thể để giải thích cho framework Trời – Mưa – Ô. Thông thường framework này được dùng cho việc sắp xếp thông tin báo cáo sự việc xảy ra trong quá khứ hoặc đề xuất phương án trong tương lai. Cái nào cũng có thể áp dụng được.
Những lưu ý đối với framework Trời – Mưa – Ô
Khi sử dụng framework này các bạn lưu ý phân biệt thật rõ ba nội dung thuộc ba nhóm khác nhau, sự thực, phân tích và phán đoán. Để có được một báo cáo hay đề xuất nên có đủ cả bộ ba thứ trên, không để thiếu hoặc quá nghiêng về một bên nào đó.
Ví dụ tuần rồi thợ rèn đi công tác, đang trong thời gian cách ly. Nay sếp thợ rèn nhắn mail hỏi tình hình cách ly thế nào? Đối với câu hỏi của sếp có nhiều cách trả lời, đơn giản nhất là nhắn lại một tin: “Dạ em khoẻ, cảm ơn sếp”.
Nhưng thợ rèn biết sếp hỏi để nắm tình hình tổng thể không chỉ riêng thợ rèn mà còn cả những thành viên khác, ngoài sức khoẻ sếp cũng muốn biết xem hiện sếp có cần phải can thiệp hỗ trợ gì không. Do đó thợ rèn đã thử áp dụng framework Trời – Mưa – Ô và sắp xếp thông tin theo những gạch đầu dòng như dưới.
Trời: Tình hình sức khoẻ của mọi người bao gồm kết quả kiểm tra PCR, kết quả kiểm tra kháng nguyên, kiểm tra nhiệt độ, trạng thái sức khoẻ hàng ngày. Thông tin liên quan tới khách sạn cách ly, đồ ăn thức uống được cung cấp như thế nào, những hỗ trợ từ phía đối tác với những ví dụ cụ thể.
Mây: Tình hình cách ly khó khăn, do không được ra ngoài dù chỉ một bước nên về cơ bản thiếu vận động. Đồ ăn nước bản địa không hợp nên có nguy cơ gặp một chút khó khăn trong việc đảm bảo sức khoẻ. Trường hợp cần thiết có thể sử dụng dịch vụ Uber Eats để đặt đồ ăn và các dụng cụ bổ sung.
Ô: Sẽ cần một số cách để giải trí, rèn luyện sức khoẻ như tập yoga, cần các cuộc điện thoại trao đổi từ phía Nhật, cần sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của phía đối tác (bổ sung các vật phẩm thiết yếu và tiện ích).
Thực tế trong báo cáo phần “trời” thợ rèn viết nhiều hơn một chút, còn phần “ô” thực tế là thợ rèn cũng có quen với cuộc sống cách ly và làm việc tại nhà nên không có yêu cầu nhiều, nhưng có đề xuất các biện pháp chăm sóc về vật chất và tinh thần với 3 bạn Nhật còn lại, vì trong các cuộc trao đổi có thể thấy các bạn đang có một chút dấu hiệu của stress về đồ ăn và sự tù túng không được ra ngoài.
Trong công việc, ngoài báo cáo chúng ta còn có nhiều trường hợp đưa ra các đề xuất. Nếu khéo léo sử dụng framework này đề xuất sẽ có sức thuyết phục (do có các thông tin khách quan và phân tích), nội dung đề xuất có tính cụ thể (do có phần hành động ở phía cuối). Ví dụ trong thời gian cách ly, thợ rèn có đề xuất cho ba bạn Nhật đăng ký dịch vụ Uber Eats và đăng ký gói phí vận chuyển 120 đài tệ/tháng với logic như sau:
Mây: Hiện tại cơm được cung cấp 3 bữa tuy nhiên ít nhất 1/3 trong số đó là đồ ăn không hợp khẩu vị. Trong tuần qua 2/3 số đồ ăn đi kèm có các loại hương vị lạ, nhiều dầu mỡ khác với các loại đồ ăn tại Nhật. Chi phí vận chuyển cho 1 lần gọi món là khoảng 30~45 đài tệ. Thời gian cách ly là 3 tuần và không thể rút ngắn được hơn. Gói dịch vụ này có thể dừng bất cứ lúc nào trong mục tài khoản.
Mưa: Giả sử gọi đồ ăn, gọi hoa quả, đồ uống bổ sung theo tần suất 2 ngày/lần >> Số lần sử dụng khoảng 10 lần, tương đương với 300~450 đài tệ tiền vận chuyển. Do đó nếu đăng ký sớm thì hoàn toàn có thể thu hồi số tiền đã bỏ ra, và thu về được khoản chênh lệch. Chi viện bên ngoài có nhưng tự mình vận động sẽ thoải mái và chủ động hơn. Ngoài đồ ăn có thể gọi các thứ khác do đó cuộc sống cách ly sẽ trở nên vui hơn và bớt stress hơn.
Ô: Hãy đăng ký gói dịch vụ vận chuyển miễn phí 120 đài tệ và bắt đầu tìm kiếm những món ăn phù hợp với khẩu vị.
Mọi người liên lạc với nhau qua line, và thợ rèn cũng không phải đứng trước sân khấu trình bày đề án nên nội dung câu chuyện không có cứng nhắc như trên. Tuy nhiên thợ rèn có lưu ý để dẫn dắt lôi kéo mọi người vào câu chuyện theo thứ tự đó. Kết quả là tất cả mọi người đã đăng ký và gọi những món ăn đầu tiên trên uber eats tại Đài Loan. Thợ rèn cũng đã gọi được món phở Việt Nam, gọi được các loại hoa quả bao gồm cả hoa quả nhiệt đới… Nhờ những sự bổ sung từ các hàng quán bên ngoài mà cuộc sống cách ly có lẽ sẽ trở nên dễ chịu hơn.
Trên đây thợ rèn đã chia sẻ với các bạn framework giúp sắp xếp thông tin, tổng hợp câu chuyện để báo cáo và đưa ra các đề xuất. Hàng ngày chúng ta gặp phải vô số những hoàn cảnh dính tới hai từ khoá “báo cáo” và “đề xuất” này. Vậy nên các bạn hãy thử áp dụng và rèn luyện để trở thành professional của framework Trời – Mưa – Ô các bạn nhé. Mọi người xung quanh sẽ cảm ơn và ngưỡng mộ bạn vì sự rõ ràng và logic trong việc trình bày thông tin đấy.
— By Thợ rèn