Thợ rèn gần đây có đọc được một cuốn sách viết về một ý tưởng đi ngược với sự tiến bộ của xã hội. Thay vì họ phát triển nội dung từ văn bản thành hình ảnh, rồi thành video, tại Nhật có một tờ báo tên là 講演新聞 (link tham khảo cuối bài) họ viết lại những câu chuyện được coi là có giá trị thành văn bản, biên tập và chắt lọc những nội dung có giá trị từ những bài phát biểu, hoặc bài chia sẻ của những người đã thành công hay những người đã thất bại. Thợ rèn thấy ý tưởng thú vị, và cũng đồng cảm vì thợ rèn thích đọc hơn xem, hơn nữa khi đọc mình có thể bao quát nội dung và dò theo nội dung dễ hơn video, đồng thời đọc sẽ có những khoảng lặng mình dễ dừng lại để suy ngẫm, điều mà khi xem video sẽ dễ khiến ta sao nhãng và lỡ mất những đoạn hay và thâm thuý. Thợ rèn trước thích nghe TED TALK, nên mới nghĩ hay là mình cũng thử làm một bài như cách mà tờ báo 講演新聞 thực hiện để xem cảm giác của việc ghi chép lại như thế nào. Nay thợ rèn thấy có một bài thú vị viết về người Nhật tên Uematsu, sinh ra và lớn lên tại Hokkaido, tuổi thơ bị vùi dập bởi những ngôn từ phủ định, nhưng cuối cùng ông đã tìm thấy bí kíp để lấy lại tự tin và giờ đây làm nên điều đáng tự hào trở thành 1 trong ba cứ điểm trên toàn thế giới tạo ra được môi trường thử nghiệm không trọng lượng giống như trên vũ trụ. Mời các bạn cùng đọc. Bài hơi dài nên các bạn kiên trì một chút nhé.
Tuổi thơ bên ông bà
Gia đình tôi từ trước tới nay đều cư ngụ tại Hokkaido. Bà tôi ngày xưa sống ở Karafuto (樺太) thuộc phía bắc Hokkaido giáp với nước Nga. Bà làm việc cho công ty sản xuất xe hơi. Bà làm việc chăm chỉ và có một cuộc sống cũng khá đủ đầy. Năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới bước vào hồi kết, quân Xô Viết đổ vào Nhật từ phía bắc Hokkaido. Nhiều người bị giết hại, lúc bấy giờ, trong thời loạn lạc những đồng tiền bà để dành hàng chục năm trong phút chốc mất giá trị và trở thành những mớ giấy vụn, không hơn không kém. Từ kinh nghiệm đó bà đã chỉ cho tôi một điều quan trọng rằng:
“Tiền rồi sẽ thay đổi, nếu có tiền cháu đừng để tiết kiệm, cháu hãy mua sách, hãy cho chúng vào đầu. Một khi đã cho vào đầu, không ai lấy mất của cháu đâu, rồi cháu sẽ thấy được những điều mới mẻ trong thế giới này”.
Có lẽ vì chịu ảnh hưởng từ bà mà từ bé tôi đã say mê với những cuốn sách. Tôi thường xuyên đến các nhà sách, thư viện để mượn và đọc những cuốn sách hay.
Còn ông tôi cũng là một người cực kỳ hiền lành. Một người ông to lớn và dễ chịu. Kỷ niệm mà tôi mãi nhớ về ông tôi đó là hình ảnh hai ông cháu cùng xem ti vi chiếu cảnh con tàu Apolo được phóng lên vũ trụ. “Đấy đấy, con người lên được vũ trụ rồi đấy, rồi mai kia cháu cũng lên được vũ trụ đấy”, ông nhảy lên mừng rỡ như chính mình là nhân vật đứng trước bệ phóng con tàu Apolo. Tôi muốn làm cho ông vui. Mỗi lần lên nhà sách tôi cũng cố gắng tìm những cuốn sách về hàng không tên lửa. Mang cuốn sách về hai ông cháu cùng đọc. Ông xoa đầu vui vẻ và dành cho tôi những lời khen. Chắc do chịu ảnh hưởng của ông bà nội mà sau này sang cấp hai tôi vô cùng say mê với những cuốn sách hàng không vũ trụ. Tự khi nào tôi đã có ước mơ sẽ phải theo làm công việc liên quan tới lĩnh vực này.
Sự vùi dập của những người lớn chưa từng trải và sự chở che từ những trang sách
Tôi chăm chỉ đọc sách nhưng quên mất việc học trên trường có lần thầy giáo nói với tôi “Đừng có nói những chuyện như mơ đó nữa, hãy trở lại mặt đất và lo mà học bài thi cử đi”.
Rồi thầy giáo cấp hai cũng dạy cho tôi một điều rằng:
“Hàng không vũ trụ là nơi chỉ dành cho những người có đầu óc siêu việt, có nhiều tiền, là một thế giới khác, còn cậu, cậu sẽ không thể làm được đâu”.
Tôi đau lòng. Tôi thực sự đau lòng và bắt đầu suy nghĩ. Vậy giấc mơ là gì? Có lẽ nào ta chỉ được mơ những gì có vẻ có thể thực hiện được? Ai là người quyết định có thể hay không thể? Không làm thì làm sao có thể biết, vậy mà người chưa từng làm lại nói như thế thì có phải quá kỳ hay sao?
Rồi tôi nghĩ, đuổi theo những điều hiện tại chưa thể thực hiện chẳng phải đó chính là giấc mơ hay sao? Nhưng có vẻ không phải như vậy. Tôi bị nhiều người lớn doạ nạt. Họ bảo với tôi rằng “Không học cẩn thận, không vào được trường tốt thì không thể nào làm việc trong các công ty tốt đâu”. Thành tích của tôi cũng không mấy xuất sắc nên tôi mới quay ra hỏi lại người lớn: “Vây thế nào là một công ty tốt?”, họ chỉ cho tôi rằng “công ty tốt là công ty ổn định, vào đó làm nhẹ nhàng mà nhận được lương cao”.
Tôi không thể nào hài lòng với câu trả lời này. Vì khi chúng ta cố gắng học tập thì chắc chắn sẽ có năng lực, nhưng khi có năng lực thì lại muốn nhẹ nhàng sao cho không cần dùng tới năng lực đó vậy thì học để làm gì? Nếu vậy thì không học có phải tốt hơn không?
Đây các bạn nhìn tấm hình này xem, một chiếc xe thể thao xịn xò. Mua được chiếc xe này là do có nhiều tiền? Không, không phải vậy. Mua được chiếc xe là vì có nhiều người đã cố gắng nghiên cứu ra nó, nỗ lực để tạo ra nó và bán nó nên bạn mới mua được chiếc xe này. Rồi tôi nhận ra rằng tiền không phải là thứ quá to tát. Những giấc mơ cần tới tiền, những giấc mơ mà không có tiền thì không thể thực hiện được thì đó không phải là giấc mơ, đó là dịch vụ mà ai đó bán cho chúng ta.
Mình không làm được thì phải nhờ người khác. Như vậy có nghĩa là sẽ tốn tiền. Mình càng không làm được càng nhiều thì mình càng phải nhờ người khác và mình càng phải tốn nhiều tiền. Ngược lại khi mình có thể làm được điều gì đó, càng làm được nhiều thì mình càng giúp được người khác, nói cách khác là mình có thể tạo ra công việc. Tôi cho rằng ý nghĩa tồn tại của con người là biến những thứ không thể thành có thể.
Nếu vậy, suy nghĩ lúc nhỏ của tôi về giấc mơ là thứ mà ta theo đuổi những gì mà hiện tại không thể có khi lại đúng và hợp lý. Tôi đã cố gắng theo đuổi điều đó, nhưng những người xung quanh, những người lớn được học hành cẩn thận, họ không ủng hộ tôi. Thầy cô, bạn bè, rồi cả bố mẹ tôi cũng bắt đầu nghĩ liệu tôi có đang gặp vấn đề gì hay không? Rồi tôi trở nên cô độc đến những chuyện mà tôi yêu thích tôi cũng không thể nói cho người khác nghe.
Nhưng thật may sao, những lúc đó đã có người giúp tôi. Họ là những người xuất hiện trong những cuốn sách. Đó là Edison, đó là anh em nhà Wright. Họ cũng là những người không được ai tin tưởng và ủng hộ. Họ đã vực tôi dậy khỏi khủng hoảng tinh thần, nhờ họ mà tôi đã cố gắng hơn, yêu những gì mình đang theo đuổi hơn. Hồi nhỏ tôi khéo trong việc cắt giấy, rồi sau này phát triển lên tôi có thể tạo ra những món đồ có thể bán được. Rồi sau này tôi đã ra một công ty về chế biến nam châm tái chế.
Tôi đã học được những mánh khoé để đối đầu với cuộc sống
Từ khi sinh ra, đó là lần đầu tôi vận hành một công ty. Thật may mắn, thời gian đầu công ty đã hết sức thành công. Doanh thu tăng 10 lần sau một năm. Nhưng mọi chuyện không như mơ, sau thành công đó, tôi đã phạm sai lầm rồi thất bại. Từ hai bàn tay trắng tôi đã tạo ra một cục nợ 2 triệu đô. Lỗi tại tôi, tôi muốn nhận tất cả tội lỗi về mình, tôi muốn làm cách nào đó để có thể vực dậy sau thất bại. Tôi đã xách va li lên đi quanh nước Nhật để tìm khách hàng. Đi đến đâu cũng gặp những điều không mong muốn, họ dành cho tôi những lời chế giễu và phê phán nhiều hơn là chấp nhận làm khách hàng của tôi. Có thời điểm mỗi lần leo lên máy bay tôi chỉ cầu cho máy bay rơi. Nhưng máy bay không rơi.
Rồi dần dần tôi cũng biết thế nào là tàn khốc, tôi trưởng thành hơn và học được những mánh khoé. Tôi biết cách tấn công và vùi dập đối thủ. Tôi cũng biết cách dồn họ vào bước đường cùng. Những lúc như vậy tôi như kẻ máu lạnh và không hề suy nghĩ gia đình họ sẽ thế nào khi tôi đẩy họ vào vị thế khó khăn. Doanh thu tăng, ngân hàng khen, nhưng con người tôi như thành một người khác. Tôi có cảm giác mình đã đánh mất tất cả những điều quan trọng, giờ tôi không tin được ai. Tôi trở nên cô độc. Công ty cũng không mấy thuận lợi, tôi đi vòng quanh nước Nhật và nhận được nhiều lời khuyên, có người khuyên tôi vào hiệp hội JCI (hiệp hội thanh niênniên tại Nhật, gồm những người từ 20~40 tuổi không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo, giới tính nhưng có mong muốn thực hiện một xã hội tươi mới và phong phú hơn) Bạn tôi bảo vào đó thì doanh thu tăng. Nhưng vào rồi mà doanh thu không tăng.
Nhưng tôi đã gặp được những người bạn mà tôi chưa từng gặp. Có một lần một người bạn rủ tôi đi làm tình nguyện tại một nơi mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là trung tâm bảo trợ trẻ em. Tôi tới đây dọn dẹp, và trò chuyện với các em nhỏ. Các em là những đứa trẻ bị bố mẹ ngược đãi và phải đưa vào đây để được bảo trợ. Lúc đầu các em không muốn tới gần và bắt chuyện với ai kể cả tôi.
Tôi cũng đã cố gắng bắt chuyện với các em. Đến cuối giờ chiều tôi phải ra về, có một bé trai mới quấn lấy tôi và bảo “chú ơi, chú đừng về”. Cậu bé có đôi mắt long lanh nói với tôi về giấc mơ của cậu, cậu mong một lần nữa được sống cùng với bố mẹ.
Tôi không thể nào tin. Tại sao đứa trẻ bị bố mẹ bạo hành đến vậy mà vẫn yêu bố mẹ vậy. Rồi tôi nghĩ, dù mình có ủng hộ bao nhiêu đi chăng nữa, có dẫn cháu về nhà làm con nuôi đi chăng nữa vẫn không giải quyết được gì. Vì cháu vẫn yêu bố mẹ. Rồi tôi tự nhìn nhận về những điều không hay mà mình đã làm. Vì lý do gì mà mình lại dồn người khác vào bước đường cùng để đổi lấy doanh thu cho công ty? Nhiều cảm xúc lẫn lộn kéo đến con người tôi. Tôi trở nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra với chính mình.
Tôi nhớ lại hồi tiểu học. Hồi đó thầy giáo chủ nhiệm cực kỳ ghét tôi. Những niềm tin tôi lượm lặt được từ những sở thích, những điều quan trọng được bà chỉ cho thì thầy là người phủ định tất cả. Giấc mơ của tôi mà thầy đay nghiến một cách không thương tiếc, “cậu thì làm gì được”. Không chỉ một lần mà tôi bị thầy nói nhiều lần như vậy, ông tôi đã có góp ý với thầy chủ nhiệm, nhưng ông còn bị thầy đánh. Người lớn không ai cứu tôi và ông tôi.
Tôi không quên lời thầy. Tôi vẫn nhớ như in những lời thường được phát ra từ thầy đó là “đằng nào thì cũng có làm được đâu!” (どうせ無理) . Tôi thấy từ này thật nguy hiểm và có sức tàn phá đến kinh khủng. Một từ cực kỳ đơn giản nhưng nó có sức phá huỷ đủ lớn để cướp đi cả khả năng và tự tin của người khác. Nó lại rất đơn giản, chẳng cần làm gì, người lớn chỉ cần lẩm bẩm niệm như niệm thần chú với những đứa trẻ đứng trước mặt họ, y như rằng chẳng bao lâu sau họ có thể cướp đi mọi thứ của đứa trẻ đó từ năng lực tiềm tàng đến sự tự tin vốn có.
Thứ nào ta không có, ta không thể làm ra thì hoặc là ta “nhẫn nhịn”, hoặc là ta “đi cướp”, kể cả sự tự tin
Trong cuộc sống có một thứ vô hình mà ta cần phải có, đó là sự tự tin. Chúng ta từ khi được sinh ra tất cả đều có tự tin, nhưng lớn lên trong những môi trường khác nhau mà có người nuôi lớn được sự tự tin đó, có người đánh mất hoặc bị đánh mất tự tin. Nhiều người vì mất đi tự tin vào bản thân và cuộc sống, họ phải bỏ tiền ra để mua, hoặc phải đắp lên mình một lớp phủ vật chất nào đó để họ có thể cảm thấy tự tin trở lại. Từ khi bị niệm chú bởi những lời của người thầy cấp tiểu học và trung học, tôi cũng đã từng trải qua những giai đoạn không còn môt mẩu tự tin, và tôi cũng nhận ra rằng người không có tự tin thường có bốn đặc điểm sau:
- Mong muốn tìm lấy tự tin từ vât chất ngoài thân
- Dễ tự mãn
- Có khuynh hướng hạ thấp người khác
- Cản trở nỗ lực của xung quanh
Có thể có ai đó xung quanh bạn có thể có những hành vi như thế, nhưng các bạn ơi xét ở góc độ nào đó họ cũng giống như quá khứ của tôi, họ là những người đáng thương, những người đã đánh mất tự tin hoặc bị ai đó cướp mất tự tin. Hoặc họ là những người muốn bảo vệ tự tin của mình mà xâm phạm đến tự tin của người khác.
Công ty tôi sau đó có một số bạn nhân viên người châu Phi tới làm việc. Qua câu chuyện họ chỉ cho tôi biết rằng, tại nơi họ sống, số đông mọi người cho rằng học là lãng phí, nỗ lực cũng là lãng phí. Những người không thể cố gắng cuối cùng thậm chí họ còn giết hại người khác. Bởi sao, vì không thể cố gắng nên không thể tạo ra (tự tin). Không tạo ra tự tin thì họ chỉ có thể đi giành giật từ người khác. Để giành giật, họ có thể dùng bạo lực, họ cũng có thể nói dối, cũng có thể giả vờ yếu đuối để lừa người khác. Nhưng xã hội mà ở đó chỉ có chiếm lĩnh, cướp giật của nhau thì không thể ổn định và tồn tại được.
Tôi đã hiểu sức tàn phá kinh khủng của từ “đàng nào cũng không thể”. Con người chúng ta lúc ban đầu khi đến với thế giới này không biết tới cách quy định giới hạn như thế này. “Nghiên cứu vũ trụ ư? Cậu còn lâu mới thực hiện được. Cậu phải có nhiều tiền, cậu thì không đời nào làm được đâu”. Một đứa trẻ đang say xưa với giấc mơ như tôi ngày đó bị nói liên tục bằng những ngôn từ phủ định, nhưng người phủ định là ai? Là người chưa từng làm điều đó. Người chưa từng làm lại đi chỉ cho chúng ta giới hạn như họ đã từng trải qua rồi.
Chính những lời phủ định như thế này khiến chúng ta bị hoảng loạn, không biết phải làm gì. Từ những trải nghiệm đó, tôi mong muốn có thể gạch bỏ những chữ này trong cuộc sống. Bằng cách đó, có thể xã hội sẽ không còn cảnh những đứa trẻ bị bắt nạt, không còn bạo lực và cũng có thể cũng không còn chiến tranh. Điều này trở thành động lực để tôi cố gắng làm những điều mà người khác nói với tôi rằng tôi không thể.
Tôi đã phải tin rằng mọi cuộc gặp gỡ không phải là ngẫu nhiên
…Nhưng tôi cũng biết rằng tên lửa nguy hiểm, nên không được chế tạo một cách tuỳ tiện.Đã có lúc tôi tính từ bỏ, nhưng đúng lúc đó các vị thần đã ở đây và cho tôi gặp thầy Nagata, giáo sư tại trường đại học Hokkaido. Thầy Nagata đã tiến hành nghiên cứu tên lửa với concept chế tạo ra những chiếc tên lửa thực sự an toàn. Quá trình nghiên cứu đã có lúc phải bỏ dở vì không nhận được tiền tài trợ. Tôi không có tiền nhưng tôi có thể chế tạo và làm ra những cỗ máy. Hai chúng tôi đã gặp được nhau một cách ngẫu nhiên theo hướng tất nhiên.
Cuộc gặp gỡ đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa của chữ duyên và ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ. Lúc cần gặp và người cần gặp, ta sẽ được đấng tối cao đưa ta tới những hoàn cảnh để những nhân duyên đó có thể tìm tới được với nhau. Hôm nay các bạn ngồi đây nghe tôi kể những điều này không chừng cũng là điều mà chúa trời muốn thế. Tôi và thầy Nagata đã hỗ trợ lẫn nhau bởi cả hai chúng tôi đều có những điểm còn chưa tròn trịa. Con người chính vì có những điểm chưa hoàn chỉnh mà có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nếu đủ đầy thì đâu có cần giúp đỡ người khác đâu? Bởi vậy sự méo mó, chưa tròn trịa là điều đáng trân trọng, không có gì phải xấu hổ.
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta có làm điều gì đó nhưng chưa được tới nơi tới chốn, nhưng các bạn cũng đừng trách cứ bản thân. Chưa làm tới nơi tới chốn quả thực là một điều chưa tròn trịa nếu không nói là thứ khiến ta cảm thấy đáng phê phán đối với bản thân, nhưng các bạn ơi, làm chưa tới nơi tới chốn còn hơn là không làm gì, hoặc không làm được gì. Làm được một chút cũng được. Bởi vậy không cần phải trách móc bản thân.
Hai chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, và giờ chúng tôi cùng nhau nghiên cứu hàng không vũ trụ. Những người nghiên cứu trong các trường đại học và viên nghiên cứu, cả những công ty khác cũng tới công ty chúng tôi để tham quan, tính chuyện hợp tác. Những năm trở lại đây, hàng năm có khoảng 10,000 các em học sinh tới công ty tôi tham quan trong chuyến du lịch cuối cấp.
Công ty tôi chỉ có khoảng 17 nhân viên. Việc tiếp đón các em nhỏ và hoàn thành tốt công việc nhật khoá tính ra cũng vất lắm, nhưng tôi muốn làm để sao cho dù chỉ thêm một em học sinh không bị đánh mất sự tự tin và “tiềm năng nội tại” thì sự vất vả đó cũng không thấm vào đâu. Tôi tin nếu chúng ta có thể loại bỏ câu “dù sao cũng không thể” ra khỏi xã hội này thì cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng một mình tôi thì sức lực không đủ. Tôi không thể làm được điều đó môt mình nên cần đồng đội. Đời tôi chưa hẳn đã làm được hết, nên tôi muốn mượn sức của mọi người. Mọi người đừng nói với ai, đặc biệt là nói với những đứa trẻ rằng chúng không thể, nếu được thì các bạn hãy đưa ra những lời khuyên như “nếu vậy thì làm theo cách này thì sao?”.
Vai trò của học vấn và giáo dục
Học vấn là thứ chúng ta cố gắng hết mình để tu dưỡng và đạt được. Vậy học vấn có phải là thứ để ai đó đánh giá như cách chấm điểm trên trường lớp đúng không? Không. Học vấn là công cụ để giải quyết vấn đề của xã hội. Học vấn không phải là thứ dùng làm thước đo đánh giá người tài kẻ ngốc.
Vậy còn giáo dục thì sao? Giáo dục có phải là học để biết mánh khoé sao cho không thất bại? để có thể đường đường chính chính phủi bỏ trách nhiệm? Không, giáo dục là để cho trải nghiệm những thất bại trong một giới hạn an toàn mà không làm ảnh hưởng tới tính mạng của mình và của người khác
Nhưng những điều cơ bản đó giờ đây đã trở nên không bình thường. Vì sao vậy? Vì có nhiều người lớn nghĩ rằng thất bại là thứ gì đó có giá trị âm, chúng ta không nên có. Để cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi nghĩ cần phải tăng những người dám mong muốn và theo đuổi những gì mà hiện tại chưa thể thực hiện, làm những điều mà chưa ai làm. Tất cả chúng ta đều được lập trình để có thể làm được điều này. Không có ai từ khi sinh ra đã biết cách từ bỏ. Nhưng sống trong xã hội ngày nay, chúng ta vô tình học được cách từ bỏ và giới hạn từ những người xung quanh.
…Và bí kíp của việc lấy lại sự tự tin đó là làm những điều mình chưa từng làm
Trước khi kết thúc bài chia sẻ hôm nay tôi xin được chia sẻ với các bạn một cách mà tôi đã lấy lại tự tin sau khi bị đánh mất, và tôi tin các bạn cũng có thể làm được. Bí kíp đó rất đơn giản, đó là các bạn hãy làm thử điều mà mình chưa từng làm!!!
Làm thử điều mình từ trước tới giờ chưa từng làm, chỉ cần làm thế rồi tự tin dù nhỏ rồi cũng sẽ được sinh ra. Tôi rất mong các bạn hãy thử làm điều mà các bạn chưa từng làm, hãy khiêu chiến với chúng. Nhưng tôi cũng muốn nói với các bạn rằng làm điều mình chưa làm thì sẽ thất bại.
Tôi đã thử nghiệm bắn tên lửa, bắn mà không lên, hoặc bắn mà suýt chút nữa thì nó rơi trúng đầu tôi. Tôi đã bỏ cái tay cầm điều khiển để bỏ chạy. Nếu mà thấy không ổn thì bỏ chạy cũng được. Nhưng quan trọng là dù có bỏ chạy cũng đừng trách bản thân mình nhé. Đau khổ, bất hạnh, muốn xin lỗi người khác, thấy xấu hổ, những cảm xúc này ở đâu đó trong cuộc đời các bạn sẽ xuất hiện, nhưng mặt sau của những điều đó chính là “chúng tađang trưởng thành”. Chúng ta sống có một lần, mà không phải sống thử, sống thực luôn. Có những thứ chúng ta chưa từng được trải nghiệm, mà ngay lập tức phải xung trận, vậy nên thất bại là chuyện hết sức bình thường. Thất bại là một trải nghiệm để làm mọi chuyện tốt hơn.
Cũng có lúc tôi thẫn thờ suy ngẫm, vì sao mình được sinh ra trong cuộc đời này. Mỗi người có những sứ mệnh khác nhau, nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta được sinh ra để làm cho xã hội này được hoàn thiện và tốt đẹp hơn, chúng ta được sinh ra để cứu lấy thế giới. Cứu thế giới ư? Nghe to tát quá, nhưng không, cứu thế giới đơn giản lắm. Chỉ cần tất cả chúng ta không nghĩ “mình thì làm sao có thể cơ chứ”. Bạn có thể cứu thế giới bằng cách không giới hạn bản thân.
Điều chúng ta cần làm không phải là tìm lý do vì sao không thể, mà là nghĩ cách để sao có thể làm. Bà tôi đã chỉ cho tôi rằng nếu ta nghĩ thế nào thì cuộc đời của ta sẽ thành như thế. Bởi vậy hỡi các bạn trẻ, các bạn hãy thử những điều mình chưa từng làm, và cũng đừng bao giờ nói “dù sao thì cũng không thể”, vì các bạn có nhiều khả năng hơn những gì ta đang thể hiện.
#4444 Theo TED Nhật Bản, dịch và biên tập bởi Thợ rèn (có một số phần được chỉnh sửa so với nguyên văn)
Tham khảo
(1) 講演新聞
(2) TED TALK 植松