Các nước khu vực châu Á có nhiều điểm tương đồng về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo, thờ cúng tổ tiên, cầu khấn điều tốt lành. Ví dụ ở Nhật, hàng năm họ có đi chùa đầu năm cái này được gọi là hatsumode (初詣), ở Việt Nam có đi chùa hái lộc; ở Nhật khi xây nhà, hoặc làm gì đó liên quan tới đào xới đất đai họ có nghi thức cúng thổ địa Chijinsai (地鎮祭), còn ở Việt Nam có nghi thức động thổ. Ở Nhật khi đi đền người ta có viết lời mong cầu lên một tấm gỗ rồi treo ở đền, cái này được gọi là Ema (絵馬), còn ở Việt Nam khi đi chùa có viết sớ, rồi cầu duyên, cầu tài lộc. Nhìn ở góc độ tương đồng về văn hoá, thợ rèn nhận thấy có thể hình thái khác nhau nhưng cách mà người dân mỗi nước thực hiện về cơ bản vẫn xuất phát từ một điểm chung nào đó.
Nay đầu năm, thợ rèn chọn viết bài này, với mong muốn có thể có thêm một gợi ý về việc chắp tay khấn thần khi đi đền tại Nhật, khấn Phật khi đi chùa tại Việt Nam. Tháng 7 năm ngoái thợ rèn có vô tình đọc được cuốn sách có tên là ”読むだけ人生が変わる一つの方法” của tác giả リーマンさん , cuốn sách có đề cập tới chuyện khi đi đền thay vì mình cầu mong sẽ đạt được một điều gì tốt đẹp, hãy dành thời gian đó để cảm ơn giây phút hiện tại, cảm ơn gia đình, người thân và rộng rãi hơn là cảm ơn thần phật. Thợ rèn hơi bất ngờ với cách suy nghĩ này, vì từ trước tới giờ chưa có ai nói với thợ rèn theo cách đó. Chính điều này đã khiến thợ rèn suy nghĩ khá nhiều xem cách suy nghĩ của tác giả có thực sự hợp lý hay không? Đã gần nửa năm từ ngày đọc cuốn sách, nay thợ rèn ngồi lại để sắp xếp lại thông tin, và trong phạm vi bài này thợ rèn nghĩ nếu có thể giới thiệu với các bạn một cách suy nghĩ về việc cầu khấn thì có thể đó là một niềm vui nho nhỏ đầu năm.
Có thể làm gì ngoài cầu mong những điều tốt đẹp khi đi chùa/đền?
Cá nhân thợ rèn là người Việt Nam. Từ nhỏ đã không ít lần đi chùa hái lộc, cầu xin năm mới đi tươi về tốt, có thêm nhiều xèng, mọi người trong nhà có thêm sức khoẻ. Hồi những năm cấp 2, cấp 3, trước khi tham gia các kỳ thi quan trọng thì thợ rèn tranh thủ xin tổ tiên để mong thi đâu trúng đó, làm bài là phải điểm 9, điểm 10. Những mong cầu rất đỗi quen thuộc. Cầu là vậy, nó như một thói quen nhưng thợ rèn chưa thực sự ngồi lại để suy nghĩ về ý nghĩa của việc mong cầu đó, hay căn bản hơn là có nên mong cầu như vậy hay không? Hết thời niên thiếu, lớn lên, rồi qua Nhật hàng năm thợ rèn vẫn đi đền mỗi dịp năm mới để vui với không khí xuân. Có những dịp thợ rèn còn mua cả omamori (お守り) giống như một thứ phòng thân để tặng người thân, gia đình và bạn bè với mong muốn mọi người sẽ được bình an.
Quay trở lại với câu hỏi tại sao trong vô thức thợ rèn lại có những mong cầu như vậy? Chắc chắn phải có một bối cảnh văn hoá, một tập tục nào đó khởi nguồn cho thói quen này. Tìm qua các bài nghiên cứu về văn hoá, tín ngưỡng, thợ rèn có đọc được đoạn sau trong bài nghiên cứu “Vai trò của gia đình đối với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo (TNTG) ở Việt Nam”:
Trong bối cảnh của nền văn minh nông nghiệp là gốc, sống lệ thuộc/phụ thuộc vào tự nhiên; xã hội chịu nhiều biến động bởi nạn binh đao, xâm lược, vị trí đất nước lại nằm ở khu vực vành đai của Thái Bình Dương, ngã tư của các luồng khí hậu trong khu vực nên hằng số trong cuộc sống, sinh kế, xã hội, chính trị của người Việt Nam trong truyền thống là động = bất an, bất yên = không yên ổn. Môi trường sống quy chiếu tư duy/cách thức ứng xử. Do vậy, thế ứng xử của người Việt Nam là cầu an, cầu yên và để được an lành, yên lành, yên ổn người Việt Nam, gia đình Việt Nam, thậm chí nhiều thể chế chính trị, nhà nước sẵn sàng làm/thực thi mọi hoạt động/mọi cách thức để đất nước, dân tộc, người dân và cháu con của mình được sống bình yên. Tổ chức các sinh hoạt TNTG ở quy mô quốc gia hay ở quy mô gia đình của các tộc dân/tộc người trong lãnh thổ Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy . Không chỉ có vậy, mỗi khi trong gia đình có con cái đi học đi thi, làm ăn nơi xa trở về các chủ gia đình người Việt cũng sửa soạn mâm lễ để mang ra đình/nghè khấn thần linh (ma làng) vừa là để cảm tạ sự chở che đã cho “đi tươi về tốt” vừa cầu mong sự độ trì phù giúp. Thậm chí khi trong nhà, trong làng có biến động như dịch bệnh làm trâu, bò, gà lợn chết hàng hoạt thì các gia chủ cũng làm mâm lễ vật ra khấn cúng thần linh để cầu mong thần phù hộ cho gia súc nhà mình không bị dịch bệnh. Những thói quen này lâu dần thành tập tục thờ Thành hoàng làng và phát triển thành một thức nghi thức, nghi lễ bắt buộc với cả cộng đồng mà làm thành nếp sinh hoạt mang tính tôn giáo của làng quê người Việt và tục thờ Then hoang (Mường) (1).
Trong cuộc sống thường ngày, ai cho cái gì mà mình nhận lấy thì thường sẽ nghĩ tới việc phải hồi đáp, trước khi hồi đáp thì cần có phải cảm ơn. Xưa Mai An Tiêm vì đã thẳng thắn nói với vua cha “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, mà bị vua cha đày ra đảo hoang cho chừa cái thói sĩ diện. Dù vậy cũng phải khẳng định rằng điều Mai An Tiêm nói cũng không hề sai, bởi nếu chỉ cho không nhận, chỉ nhận mà không cho thì sẽ mất cân bằng rồi đến lúc nào đó mối quan hệ đó sẽ không bền và chặt. Ngày xưa các cụ cũng có nói “một bữa thì vàng, hai bữa thì thau, ba bữa thì cau mặt lại”, ý chỉ xin một lần thì vui vẻ, chứ xin nhiều quá thì ai rồi cũng khó chịu cả, không trừ người lạ hay người quen.
Nếu ví thần phật như bậc cha mẹ, giả sử việc xin cầu mà đạt được thực thì có khi là mình mang thêm nợ, hoặc không thì giống như cha mẹ nghèo mà con cái cứ vòi vĩnh xin cho, thành ra cha mẹ cũng khổ, không cho thì bị nói là keo kiệt bủn xỉn, cho thì cái phúc của mình cũng vì thế mà bớt đi. Bởi vậy thần phật mà có cho ta, ta không trả là ta có nợ, còn thần phật mà vô tư thì cái phúc của thần phật vì thế mà cũng bớt đi theo một cách nào đó.
Nếu suy luận như vậy thì khi đi chùa thay vì xin thứ gì đó mới ta có thể chuyển hướng đó là cảm ơn những gì đã nhận. Hồi xưa khi thợ rèn còn học trong Sài Gòn, hàng tháng cô Đàm Lê Đức lên cư xá nơi thợ rèn sinh hoạt và học tập để thăm, tặng học bổng và nói chuyện. Thợ rèn nhớ có lần cô kể câu chuyện “Bát mì của người lạ”, có nội dung như thế này:
Chuyện là có cậu bé nọ đi học trên trường thấy bạn bè có máy chơi game mới, cậu cũng muốn có một bộ như vậy. Cậu về nhà năn nỉ bố mẹ, nhưng gia đình lúc đó đang gặp khó khăn, lương của người cha cũng vừa mới bị giảm, đương nhiên câu trả lời cậu nhận được là một lời từ chối. Bố mẹ cậu cũng vô cùng yêu thương cậu nên có bảo thư thả, mai mốt có tiền bố mẹ sẽ mua cho. Nhưng cậu không chiu. Cậu bảo bố mẹ không thương cậu, rồi vùng vằng trong lúc mọi người không để ý, cậu bỏ nhà ra đi. Từ nhỏ tới lớn cậu chưa bao giờ rời xa vòng tay của gia đình. Buổi tối hôm đó trời có tuyết rơi lạnh. Khi các gia đình đã lên đèn và quây quần bên bếp lửa, cậu lang thang ngoài đường. Vừa lạnh, vừa đói, cậu không có gì cho vào bụng. Cậu tựa vào góc tường một quán ăn bên đường, ngồi run lẩy bẩy, rồi khóc thút thít. May sao lúc đó có người đàn ông tốt bụng đi qua, hỏi thăm cậu bé. Biết cậu bé lạnh và đói, người đàn ông dẫn cậu bé vào quán ăn, gọi cho cậu một bát mì ấm. Cậu ăn một mạch hết bát mì. No nê hai người đàn ông ngồi tâm sự, cậu bé kể lại cho người đàn ông kia và bảo: “Ông thật là tốt, ông không quen biết gì mà còn mua cho cháu tô mì to và ấm như thế này, bố mẹ cháu thật tệ, có bộ game mà cũng không mua cho cháu, để cháu ra khỏi nhà như thế này”. Người đàn ông mỉm cười nói: “Ta mới cho cháu một bát mì mà cháu đã nói ta là người tốt, vậy người đã cho cháu ăn bao nhiêu năm tại sao lại là người xấu được, cháu đã cảm ơn bố mẹ chưa? Giờ này chắc chắc bố mẹ cháu đang rất lo lắng đấy”.
Cậu bé như hiểu được điều gì, cậu đứng dậy rồi chạy về nhà, ôm chầm lấy mẹ…
Câu chuyện thợ rèn cũng không biết có thật hay không hay nó được tô điểm bởi ngòi bút của những người có tâm hồn cao thượng. Nhưng có một điều thợ rèn nhận ra được qua câu chuyện cô Đức đã kể cho thợ rèn đó là những gì ta tưởng là đương nhiên thì thực ra đó không phải là đương nhiên, tất cả đều là những điều đáng trân trọng đáng trân quý. Sự xuất hiện của chúng ta trên cuộc đời này là sự cạnh tranh khốc liệt của cả hàng triệu tinh binh, ta lớn được như ngày hôm nay là nhờ ơn dưỡng dục của cha mẹ và mọi người xung quanh, ta được ngồi đây đọc (viết) những dòng này là có sự nâng đỡ của biết bao nhiêu người, thả ta ra ngoài, cho ta đứng bơ vơ giữa một nơi hiu quạnh có thể ta mới nhận ra mỗi giây phút này nên là giây phút của lòng biết ơn. Nhưng ta đã nói lời cảm ơn được bao nhiêu lần, với bao nhiêu người? Cá nhân thợ rèn cũng thật xấu hổ khi chia sẻ rằng, đến khi vào đại học thợ rèn chắc cũng chưa lần nào nói lời cảm ơn với bố mẹ. Bố mẹ có cho gì thì nói “con xin” chứ chưa bao giờ thợ rèn nói “con cảm ơn”. Ấy vậy mà ai đó làm gì đó cho mình, một chút thôi, thợ rèn cũng không ngần ngại nói lời cảm ơn…Có điều cũng phải chia sẻ thật lòng rằng dù không khéo thể hiện qua lời nói nhưng bằng hành động hay bằng cách nào đó thợ rèn vẫn có cách để thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ và những người đã giúp đỡ thợ rèn.
Xét từ những trải nghiệm của bản thân và quan sát xung quanh, thợ rèn nhận thấy rằng khi đi chùa cầu mong sức khoẻ, tiền tài, những điều tốt đẹp cho mình và cho gia đình là điều không xấu, nhưng cũng có thể có một lựa chọn khác đó chính là những phút giây để dừng lại, dành những lời cảm ơn trong tĩnh lặng cho cuộc đời, cho cha mẹ, cho những người xung quanh đã mang đến những điều đương nhiên cho mỗi chúng ta. Cầu điều tốt đẹp đó là hướng tới tương lai. Điều đó cũng rất tuyệt vời, nhưng thợ rèn nghĩ rằng tương lai rồi sẽ xuất hiện dựa trên những gì ta đã làm trong quá khứ, còn quá khứ là cái đã xảy ra, ta thường dễ bỏ qua và coi chúng là điều mặc định, sẽ chẳng phải rất tuyệt khi ta dành những khoảng thời gian ít ỏi đó để gửi lời tri ân như một thói quen tốt? Chẳng phải tâm hồn ta sẽ nhẹ nhàng hơn khi cảm ơn cánh hoa anh đào rơi xuống để ta biết rằng một mùa xuân đang tới hay sao?
Luận về ý nghĩa của từ tự lập
Bữa một người tiền bối của thợ rèn có đăng một câu hỏi nhờ mọi người định nghĩa về từ tự lập, tiếng Nhật từ này được viết bằng chữ 自立 , từ Hán Việt là tự và lập. Có nhiều ý kiến được đưa ra, tự lập là tự mình đứng trên đôi chân của mình, không phụ thuộc vào người khác. Có người nói tự lập là tự do về tài chính và tinh thần. Có người thì nói tự lập là dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa đều có thể sống theo cách thực với bản thân. Còn nhiều ý kiến khác, mỗi ý kiến mỗi sắc thái được xác lập bởi kinh nghiệm và giá trị quan của mỗi người. Vốn dĩ khái niệm là thứ do con người đặt ra để ta lấy căn cứ để cùng suy nghĩ, không có đúng sai nên chuyện đó là hết sức bình thường. Trong số các câu trả lời được đưa ra, thợ rèn thấy vô cùng ấn tượng với câu trả lời của chủ bài viết. Bài viết có đoạn như thế này:
“Thực ra tôi viết status lần này là xuất phát từ câu chuyện của anh Kumagaya SHinichiro về “Tự lực”, và tôi nảy ra ý nghĩ muốn biết mọi người xung quanh đang nghĩ như thế nào về chủ đề này.
Anh Kumagaya Shinichiro là một bác sỹ nhi khoa và đang làm phó giáo sư tại trường Đại học Tokyo, đồng thời cũng là người mắc chứng bại liệt do di chứng sau một cơn sốt cao khi anh còn nhỏ. Theo anh, “Tự lập chính là làm tăng số nơi mà mình có thể dựa dẫm”. Khi nghe chuyện của anh, tôi đã không khỏi bất ngờ vì ở trong đầu luôn có khái niệm “Tự lập là không dựa dẫm vào ai cả”. Nhưng sau khi nghe câu chuyện của anh Kumagaya, và bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi đã nhận ra rằng khái niệm trong đầu tôi bấy lâu nay rất giáo điều, rất không thực tế.
Mỗi người trong chúng ta tồn tại trong xã hội luôn có mối quan hệ “qua lại” với ai đó trong xã hôi. “Tôi cần bạn và bạn cũng cần tôi”. Tôi cần gạo để ăn, và người làm ra hạt gạo cũng cần tôi để bán gạo? Ông chủ trả lương cho nhân viên, nhưng nếu không có nhân viên thì công ty cũng không vận hành được…Vì vậy, “không dựa dẫm vào ai cả” là một trạng thái không tồn tại trong thực tế. Chúng ta luôn có mối quan hệ qua lại với xung quanh. Số lượng những mối quan hệ đó thể hiện mức độ chúng ta cần xung quanh như thế nào cũng như xung quanh cần chúng ta như thế nào, và dựa vào đó chỗ đứng của chúng ta trong xã hội cũng sẽ được quyết định, không phải vậy sao? Nói cách khác, nhờ có mối quan hệ với xung quanh mà mỗi chúng ta mới có thể đứng vững được. Hoàn toàn không có chuyện chúng ta có thể tự đứng mà không cần tới xung quanh”. —Facebook anh Đào Duy An (Dao Duy An).
Cá nhân thợ rèn thì nghĩ như thế này. Chữ tự(自) có nghĩa là bản thân, còn chữ lập(立) có nghĩa là đứng. Vậy ghép hai chữ này lại với nhau thì có thể hiểu tự lập là tự đứng. Tuy nhiên, nghĩa này mới chỉ là nghĩa của hiện tại, tức là bằng cách nào đó ta đã đứng được, giống như một người trưởng thành có thể đứng trên hai chân của mình, cái bàn có thể đứng bằng 3 cái chân. Trạng thái đó là trạng thái có thể đứng mà không bị ngã hoặc không bị xô đẩy bởi ngoại lực xung quanh. Tuy nhiên nghĩa của từ vựng, không đơn thuần là nghĩa của hiện tại, mà nó bao gồm cả quá khứ và tương lai. Giả sử người trưởng thành có được sự tự lập nhưng trong quá khứ họ cũng đã từng bò, được bố mẹ dạy cho những bước đi đó là sự nâng đỡ trong quá khứ, nó không được bày ra trong nghĩa thực tại. Cũng chẳng ai nói trong tương lai, khi về già, khi chân yếu, tay run việc đứng sẽ không còn được vững, hoặc đơn giản có ai đó ghét, họ đứng ngoài họ dúi cho đôi ba phát là ngã lăn nhào, đó là nghĩa của tương lai. Nếu suy nghĩ như vậy, tự lập thực tế không hẳn là tự lập, tự lập là kết quả của sự dựa dẫm vào nhiều điểm tựa khác nhau. Nhưng tự lập sẽ càng tự lập khi ta biết cảm ơn và tựa vào nhiều điểm tựa mọt cách hợp lý, bởi vậy hôm tới lên chùa thay vì cầu có thêm cái bàn bốn chân, thì các bạn hãy thử cảm ơn cuộc đời đã cho ta cái bàn ba chân, nhờ thế mà ta không cần lo cắt xén cho 4 chân vừa chiều cao với nhau các bạn nhé.
#4444 By Thợ rèn
Tham khảo (1) VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM