Cuối tuần vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn ga, rồi đọc cuốn sách 「頭のゴミ」を捨てれば、脳は一瞬で目覚める (※tạm dịch “Bỏ rác trong đầu đi, não ngay lập tức sẽ được thức tỉnh”), thợ rèn mới suy nghĩ, muốn viết đôi ba dòng về chủ đề rác…
Rác là gì?
Thợ rèn đã tra qua các cuốn từ điển thì có một số từ khoá cho khái niệm rác, đó là không cần thiết, phát sinh trong quá trình sinh hoạt, là những thứ được coi là không có giá trị. Ví dụ rác sinh hoạt, khi chế biến món ăn, những phần thân, củ, quả không cần thiết được gọt bỏ, những thứ này được coi là rác. Ví dụ những tờ báo cũ sau khi được đọc xong nó không còn cần thiết nữa và được bỏ đi, những thứ này cũng được gọi là rác. Hoặc như bụi bặm, những thứ có thể xuất hiện từ trong không khí, những tế bào da chết đi, bụi bặm bám dính trên bề mặt khung ảnh, các cuốn sách, các dụng cụ trong nhà theo cách mà chủ nhà không mong muốn có thể coi là rác. Chừng nào ta còn sống, sinh hoạt, và có nhu cầu sử dụng đồ vật thì rác sẽ luôn tồn tại, bởi không có thứ gì có giá trị vĩnh cửu, khi hết giá trị, tự khắc những thứ vốn có giá trị trở thành rác, ngay cả chính chúng ta.
Ở những ví dụ kể trên rác là những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, sờ nắm được. Nếu mở rộng ra một chút thì ta có thể suy nghĩ về rác ở góc độ trừu tượng hơn, đó là rác vô hình. Trong đầu ta ít khi suy nghĩ dừng lại, chúng luôn được lấp đầy những suy nghĩ mà phần nhiều trong số đó là những điều ta không dễ điều khiển được chúng. Có những suy nghĩ có giá trị bằng cách nào đó trực tiếp hay gián tiếp mang lại giá trị cho bản thân cũng như cho xã hội, có những suy nghĩ lại khiến ta sao nhãng thực tại hoặc tệ hơn có thể huỷ hại giây phút hiện tại và cả tương lai của ta và người khác, những suy nghĩ này chẳng phải là rác trong đầu hay sao?
Tại Nhật thợ rèn thấy người Nhật phân chia rác thành các loại tiêu biểu như rác tươi (生ゴミ) là rác mà theo thời gian có thể bốc mùi cần xử lý sớm, rác có thể cháy được (燃えるゴミ ) là rác có thể xử lý bằng phương pháp gia nhiệt, rác tài nguyên (資源ゴミ )là rác có thể tái chế, tái sử dụng ví dụ như giấy báo, lon nước…Vậy mượn cách suy nghĩ này, ta cũng có thể phân chia rác trong đầu thành các nhóm khác nhau. Mượn lời của tác giả Tomabechi Hideto (苫米地英人) , thợ rèn xin được trích 3 loại rác thường thấy trong suy nghĩ (1)đó là:
Thứ nhất là rác “cảm xúc”
Cảm xúc là những trạng thái yêu thương giận hờn. Dù đó là những cảm xúc ngọt chua chát đắng cay đi chăng nữa theo thời gian những cảm xúc này có thể trở thành rác. Tình yêu có vị ngọt, nhưng khi chia tay sẽ chuyển vị đắng. Yêu thì củ gấu cũng tròn không yêu thì quả bồ hòn cũng vuông, yêu tưởng là một cảm xúc tốt, nhưng đôi khi yêu quá tạo ra sự thiên vị và dẫn tới những quyết định thiếu lý tính. Khi con người còn sống trong hoang dại, hành động theo bản năng, theo cảm xúc là điều thường thấy, nhưng ngày nay khi xã hội đã đổi thay, suy nghĩ theo lý tính dần trở nên quan trọng và có tính hợp lý với thời đại, cảm xúc chỉ nên là những thoáng bay qua, khi đã qua rồi chớ nên để cảm xác ràng buộc hoặc chiếm cứ lấy thời gian và không gian của suy nghĩ.
Thứ hai là rác “quá khứ””
Vì tôi đã không được đi học nên tôi không thể làm OOO”, là cách suy nghĩ quá khứ định nghĩa thực tại và tương lai, còn cách suy nghĩ “Tôi muốn tôi có thể làm OOO nên tôi đang và sẽ △ △ △” là cách suy nghĩ tương lai định nghĩa thực tại và quá khứ. Đã thi thất bại là nỗi đau của thực tại, nhưng sẽ là một kho báu cho người sau này thành công đứng lên từ thất bại đó. Cuộc sống của chúng ta có vô số những điều ta chỉ có thể biết được ý nghĩa của chúng khi đã có đủ thời gian, mà ý nghĩa của bất kỳ thứ gì ta đều có thể tạo ra bằng cách định hình cho suy nghĩ của ta, vậy nên việc đưa quá khứ làm thước đo và bức tường vô hình giới hạn bản thân là điều không cần thiết. Thứ không cần thiết là rác, nên có thể suy ra “giới hạn bởi quá khứ” là rác.
Thứ ba là rác “so sánh”
Có hai cách so sánh, thứ nhất là so sánh với nội tại, thứ hai là so sánh với bên ngoài. So sánh với nội tại đó là so sánh với chính mình, so sánh theo dòng thời gian bản thân mình có sự tiến bộ, khác biệt gì hay không, còn so sánh với bên ngoài có nghĩa là so với đối tượng khác với chúng ta. So sánh với người khác được xem là rác trong suy nghĩ.
Trong vật lý, để so sánh sự vật sự việc người ta cần đưa về cùng hệ quy chiếu, cùng đơn vị, cùng tiền đề. Việc so sánh vốn chỉ nên dùng để nhìn nhận và tìm ra vấn đề bằng cách tìm ra sai khác giữa thực tại và hình thái lý tưởng, nhưng không ít người lại sử dụng việc so sánh để khuấy lên những cảm xúc bao gồm cả sự tự mãn và sự tự ti, không khác gì nghĩ mình là con cá rồi đi so với con chim về khả năng bay cao, bay không được thì ngồi buồn ngồi khóc bảo tôi không làm gì được cả, trong khi thế giới của mình là cả một đại dương bao la.
Ba nguyên tắc giúp dọn rác (2)
Nhà thợ rèn làm nông nghiệp, đồ đạc trong nhà cái gì cũng quý. Mùa gặt lúa gặt về, thóc phơi khô thì cho vào bao để ăn dần và bán lấy tiền mua thức ăn. Rơm thì phơi khô đánh đống để cho trâu bò ăn dần, đặc biệt vào mùa rét. Ở quê mọi người không có mua gạo, mà mang thóc đi để xát gạo. Một bao thóc sau khi cho vào máy xát gạo cho ra ba phần. Phần thứ nhất là gạo, phần thứ hai là cám, phần thứ ba là trấu. Ngày xưa thợ rèn không bỏ đi thứ gì, gạo thì mang về ăn, cám thì cho lợn, còn trấu thì để cho vào bếp củi nấu cho đỡ tốn. Nhưng ngày nay, thợ rèn thấy ít người lấy trấu, trấu không còn cần thiết nên dần dần nó trở thành rác. Như vậy trấu cần phải bỏ đi.
Người nông dân thường quý đồ đạc vô cùng, có đồ gì cũng giữ ít ai bỏ đi, vì mọi người thường nghĩ làm như vậy là phí phạm. Chai nước uống xong phải giữ, lúc có đám mếu đám cười thì mang ra đựng rượu (trắng), quần áo cũ cũng không được vứt, để ở góc nhà vì sau này lúc nào đó có thể mang ra làm khăn lau. Suy nghĩ lúc nào đó sẽ dùng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhà thợ rèn có rất nhiều món đồ ÍT GIÁ TRỊ, được treo được móc, đôi khi là được thả ở các góc ngách theo những cách không mấy đẹp mắt. Người giữ đồ thường không nghĩ đồ là rác, nhưng đôi khi họ quên rằng chính không gian cũng là một thứ tài sản, khi những thứ đó chiếm dụng không gian thì không còn không gian để làm việc khác, hoặc đơn thuần là nó làm cho khung cảnh không được gọn gàng. Nhà không rác sẽ sạch mát thơm tho.
Mỗi lần về nhà, thợ rèn thường dành ra nhiều giờ đồng hồ để dọn đồ trong nhà, phân ra thứ cần và thứ không cần (seiri), sau đó thì bỏ bớt hoặc cho đi những thứ không cần, những thứ cần thì sắp xếp lại sao cho dễ nhìn, dễ thấy (seiton). Có những hôm thợ rèn dọn đống đồ mà bỏ đi tới 80-90%, nhưng ở nhà mọi người không hề muốn bỏ đi.
Vứt rác cũng vậy, điều đầu tiên quan trọng nhất đó là cần nhận thức đâu là rác, đâu không phải là rác. Có tiêu chuẩn càng rõ ràng thì càng dễ xử lý. Thợ rèn lấy ví dụ thuốc uống chẳng hạn. Nếu thuốc uống quá hạn thì coi là rác. Khi này chỉ cần đối chiếu thuốc đó có còn hạn hay không là có thể phán đoán là rác hay không? Hoặc ví dụ như quần áo có thể lấy tiêu chuẩn là số lần mặc trong 1 năm làm tiêu chuẩn (ai fashion hơn thì có thể rút xuống 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng cũng được). Nếu không mặc lần nào thì coi như có thể bỏ đi, ai mà tiếc thì có thể cho vào danh sách quan sát, hết hạn thì bỏ đi hoặc cho người khác.
Tương tự trong suy nghĩ, nếu ta có thể dọn và vứt rác định kỳ, đầu óc sẽ sạch sẽ, tâm hồn tươi đẹp và luôn sẵn sàng đón nhận những thứ có giá trị hơn. Dưới đây thợ rèn giới thiệu ba nguyên tắc vứt rác có thể có ích đối với cả vứt rác hữu hình và vứt rác vô hình.
Nguyên tắc số 1: Nguyên tắc năng lượng tối thiểu
Con người về bản năng luôn muốn lựa chọn những thứ dễ làm, chọn những việc không tốn công tốn sức. Nhà thợ rèn rộng khoảng hơn 30m2 nhưng thợ rèn để tới hai cái thùng rác. Một cái ở cạnh bàn làm việc, còn một cái đặt cạnh bếp. Ở hai vị trí này là hai nơi thợ rèn thường xuyên làm phát sinh rác. Trên máy tính thợ rèn để folder thùng tác ở ngay giữa màn hình không có mất công tìm kiếm. Trong các project, thợ rèn luôn để một folder 旧 hoặc 済 tiếng Việt là 「cũ」 hoặc 「đã xong」, để những file nào không còn cần tới thì có thể kéo vào đó. Bằng cách chuẩn bị sẵn những thùng đựng rác và để rất gần nơi phát sinh rác mà việc vứt rác trở nên nhẹ nhàng hơn, và dần dà vứt bỏ rác sẽ trở thành thói quen. Nguyên tắc này thợ rèn nghĩ nó khá phù hợp với việc vứt rác “cảm xúc” trong đầu.
Cảm xúc sẽ phát sinh hằng ngày, có những cảm xúc chỉ cần đứng ra ngoài nhìn nhận một cách khách quan ai cũng có thể thấy cảm xúc đó là những thứ không cần thiết, còn vô giá trị hơn cả rác, vì chúng có thể mang tới giá trị âm, nhưng ta không thể nào vứt bỏ được. Không vứt bỏ được vì ta không nhận ra nó là rác hoặc ta không có thùng rác “ở gần” để vứt. Cách xử lý có vẻ khá đơn giản nếu chúng ta có thể chuẩn bị một cuốn sổ, đặt tên gì cũng được, rồi viết những cảm xúc đó vào trong đó, sau này theo thời gian, biết đâu những cảm xúc ngày nào được lên men và trở thành phân bón tốt tươi cho những hạt giống của một tâm hồn cao thượng.
Nguyên tắc số 2: Nguyên tắc mọi vật đều có tính trật tự
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, những tâm hồn đẹp sẽ gọi những tâm hồn đẹp, rác sẽ gọi rác. Sẽ cực kỳ hiếm có người nào mang túi rác tới trước phòng lễ tân khách sạn năm sao và vứt ở đó, cũng sẽ là câu chuyện ngàn năm mới gặp nếu một cô hoa hậu mặc nguyên chiếc đầm dạ hội xuống đồng đi cấy. Nhưng bên cạnh một góc phố có người đổ rác trộm sẽ xuất hiện những túi rác tương tự được vứt ra. Thợ rèn thấy ở quê thợ rèn có một thói quen mà rất mong mọi người sửa đó là giữ sạch nhà mình, còn nơi công cộng thì dửng dưng. Trong nhà có thể quét sạch từ nhà ra tới ngõ, nhưng rác tươi rác không thơm thì sẵn sàng gói ghém đi ra ngoài đường nhìn ngang liếc dọc, không có ai là nhanh tay ném xuống ao, ném xuống ruộng. Những nơi nào mà có những người như vậy thì sẽ kéo theo những người khác có hành động tương tự. Tâm lý của con người là thấy người khác làm được thì mình cũng làm.
Bằng cách tiếp xúc với những tâm hồn đẹp, những cuốn sách hay, những tư duy rạng ngời sẽ là cách giúp ta ngăn chặn việc làm phát sinh rác và vứt rác bừa bãi. Nguyên tắc này rất hữu ích với rác “quá khứ”. Dù quá khứ có thế nào đi chăng nữa, khi tiếp xúc với những điều mới mẻ, được trợ sức và hướng dẫn cách làm ắt hẳn ta sẽ thoát khỏi giới hạn của bản thân để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Nguyên tắc số 3: Nguyên tắc input output
Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi chúng chỉ chuyển từ dạng này sang rạng khác. Thợ rèn nghĩ nhiều bạn còn nhớ điều này trong cuốn vật lý thời học sinh. Vật chất cũng vậy, chúng không tự nhiên sinh ra, cũng không có chuyện mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Thức ăn ăn vào được chuyển thành năng lượng, một phần sẽ được đào thải ra ngoài, và thứ đó được gọi là rác. Những thứ được cho vào trong đầu một phần được sử dụng và tạo ra giá trị , còn một phần không được xử lý và cần được đào thải, cái này được gọi là rác.
Gặp người giỏi, người hay người văn minh người lịch sự, cái ta thu lượm lấy là cách họ hành xử, còn cái ta cần đào thải là so sánh họ với bản thân mình. Để mọi thứ được vận động không ngừng thì quá trình input- output này sẽ cần phải diễn ra thường xuyên, việc chắt lọc và đào thải những suy nghĩ không cần thiết cũng cần thường xuyên thực hiện.
Thợ rèn làm việc cho một công ty hoá chất, bình thường thì làm việc tại văn phòng, nhưng khi cần thì vẫn vào xưởng. Xưởng là phòng sạch tức phòng mà được quản lý nhiệt độ, độ ẩm, độ bụi một cách nghiêm ngặt. Khi vào phòng sạch để hạn chế phát sinh bụi thợ rèn phải thay quần áo, bịt kín từ đầu tới chân. Hạn chế tối đa việc phát sinh bụi thì không phải dọn bụi, thợ rèn thấy ít khi có người phải ngồi lau bụi trong xưởng lắm. Muốn không phải dọn rác ta có thể tiếp xúc với những nguồn suy nghĩ không hoặc khó làm phát sinh rác.
Trên đây thợ rèn đã chia sẻ một đôi dòng về chủ đề rác, rác trong cuộc sống và rác ở trong đầu, ba nguyên tắc giúp loại bỏ rác. Viết những dòng trên nhưng thợ rèn nghĩ rằng rác là một khái niệm tương đối. Vì vật chất hay suy nghĩ giá trị với người này nhưng vô ích với người khác, tức là thứ cần thiết với người này nhưng là rác với người khác. Dẫu vậy, nếu tinh tiến chắc chắn ta sẽ tìm thấy những giá trị ở những tầng bậc mới mà khi ta có nhường lại những thứ đã không còn giá trị với ta thì vẫn còn giá trị với nhiều người. Chúc các bạn cuối tuần dọn nhà, dọn rác trong nhà và tranh thủ ngồi xem trong đầu đã được dọn sạch sẽ để chuẩn bị chào đón những điều tốt đẹp và giá trị chưa nhé.
#4444 By Thợ rèn
Tham khảo
(1) 「頭のゴミ」を捨てれば、脳は一瞬で目覚める, 著者:苫米地英人, 出版社:コグニティブリサーチラボ株式会社