Từ trải nghiệm tại Nhật, thợ rèn muốn viết về những ý tưởng nó loé lên trong đầu. Vô tình ai đó đọc được có cộng hưởng thêm vào và cho ra sản phẩm thực tế thì tuyệt nhất. Có thể một số ý tưởng ở đâu đó đã được thực hiện, cơ mà về cơ bản, những loạt bài viết này thợ rèn chưa đi sâu tìm hiểu, chỉ coi như là một ghi chú cho những trải nghiệm và sự kết hợp có thể suy nghĩ tới.
Bài nay thợ rèn nghĩ về ý tưởng “Nhân rộng đồ ăn giả cho các quán ăn VIỆT NAM”
12 năm trước khi thợ rèn mới qua Nhật có một thứ khiến thợ rèn bất ngờ. Đó chính là mô hình đồ ăn giả trước các quán ăn. Các bạn nào ở Nhật và chịu khó đi tới các quán xá, đặc biệt tại các quán ăn trong các ga tàu điện sẽ thấy trước cửa hàng có bày bán các món ăn tiêu biểu của quán. Các món này được bày trong một hộp kính, có kèm theo giá, thông tin cơ bản hoặc có đánh số để khách có thể dễ dàng lựa chọn. Điều thú vị là những món ăn này không phải là những phần thức ăn thực được họ mang ra trưng bày, vì như vậy thì hết ngày lại phải bỏ đi, mà lại không thể hiện được hết cái đẹp của thức ăn.
Đồ ăn Việt Nam có phần nghiêng về hương vị nhiều hơn, còn đồ ăn của Nhật họ coi trọng cả hình thức và hương vị, thành ra việc bày món ăn cũng rất được coi trọng. Mọi người thường bảo, đồ ăn của Nhật vừa ăn bằng miệng vừa ăn bằng mắt, ý chỉ đồ ăn vừa ngon vừa đẹp. Đồ ăn của Nhật một phần cũng vì họ phân các món ăn theo từng phần của mỗi người, không giống như Việt Nam hay Trung Quốc, tất cả mọi người ăn chung. Canh thì mang một bát to, thịt cũng bày ra các đĩa, ai ăn thì gắp. Nhật thì khác, họ phần mỗi người một phần, mà mỗi phần đều có đầy đủ các món vậy nên số đĩa, bát cũng vô cùng nhiều.
Thời gian đầu khi mới qua Nhật thợ rèn thực sự bất ngờ không hiểu sao họ có thể làm được đẹp, giống với món thực một cách đến tinh xảo như vậy. Nhưng ở lâu thành quen và đến một lúc nào đó thì coi nó là điều đương nhiên. Tuy vậy khi về Việt Nam đi ăn các quán phở thường menu chỉ có chữ, hoặc có những nơi họ cũng không có menu để bàn mà chỉ có cái biển treo trước quán, liếc qua rồi vào gọi món chứ hình ảnh còn thiếu nhiều lắm. Qua Trung Quốc thì thợ rèn cũng thấy giống giống Việt Nam. Quán xá họ cũng để đèn quảng cáo xanh đỏ tím vàng, chữ nhiều hơn hình ảnh. Vào trong một số nhà hàng thì thấy họ có chuẩn bị menu, một số chỗ họ có chuẩn bị hình ảnh đi kèm. Ở Thượng Hải, nơi có nhiều khách du lịch thợ rèn thấy khuynh hướng họ để hình ảnh món ăn hoặc dịch kèm tiếng Anh là khá phổ biến. Tuy nhiên thợ rèn cũng ít thấy nơi nào có làm đồ ăn giả bày trước quán như cách người Nhật làm.
Những lợi ích của việc làm đồ ăn giả trước quán có thể kể tới là:
1. Trực quan hoá món ăn
Nhật rất nhiều món ăn, ví dụ mì có mì soba, mì udon, ramen, tsukemen… Trong ramen có loại nước trong, có loại nước đục, có loại dùng xương gà, có loại nước dùng xương lợn, có loại đắp thêm miếng thịt lợn, có loại để thêm rau giá, có loại để thêm nori… vô cùng nhiều sắc thái. Sự dễ hiểu sẽ có thứ tự là chữ viết >> hình ảnh 2D >> mô hình 3D. Khi có mô hình 3D nhìn vào trực quan và rất dễ hiểu. Những người không sành về đồ ăn họ cũng dễ đưa ra quyết định. Điều này cực kỳ có ích đối với người nước ngoài, khách du lịch không rõ ẩm thực địa phương. Cá nhân thợ rèn khi mới qua Nhật khi vốn kiến thức về ẩm thực, tiếng Nhật còn nhiều hạn chế những lúc như vậy thợ rèn thầm cảm ơn những quán ăn mà họ có để những món đồ ăn mô hình bên ngoài, vì chả cần ngôn ngữ thợ rèn vẫn có thể đưa ra quyết định mà không sợ gọi nhầm cơm thành cháo.
2. Thổi hồn cho món ăn
Menu vốn là thứ để cho khách biết quán có món gì? Còn mô hình đồ ăn giả có thể làm nhiều hơn thế. Những nghệ nhân họ thổi hồn cho các món ăn, họ tô điểm để các món ăn được bày biện ở trạng thái đẹp nhất. Những người sáng tạo họ còn thêm những yếu tố khác như cách cầm đũa dĩa, cách họ lấy thức ăn khỏi đĩa… tạo cảm giác muốn ăn. Nhật đã có kinh nghiệm làm những món đồ này gần 100 năm nay, qua thời gian kỹ thuật được tôi rèn, ý tưởng được gọt giũa, thành quả của quá trình đó được thể hiện qua những mô hình với nhiều sắc thái khác nhau. Có những hôm thợ rèn đi dạo quanh khu ẩm thực tại dãy hàng quán trong ga Nagoya, Toyohashi, Tokyo, Kyoto, Shinosaka, những lúc như vậy thợ rèn có thể cảm nhận được sức cuốn hút của các mô hình này.
3. Liên kết với quá trình gọi món
Các món ăn này được bày bên ngoài quán. Khách đi qua không cần vào quán cũng biết trong bán gì, trông như thế nào, giá cả bao nhiêu, có vẻ ngon hay không…Thành ra không gian trong quán là dành cho khách ăn, còn không gian bên ngoài, bao gồm cả đường đi xét ở khía cạnh nào đó cũng có thể xem là một phần của quán. Khách cũng không cần hỏi nhiều, nhìn qua là có thể gom đủ thông tin để quyết định. Bước vào quán họ cũng có thể nhanh chóng lựa chọn chứ không mất nhiều thời gian để đắn đo, giúp vòng quanh của quán nhanh hơn. Một số nơi họ còn đặt cả máy bán hàng tự động, trên đó có khi các con số đánh dấu mô hình các món ăn, khách chỉ việc gọi theo số hoặc có thể mua trực tiếp phiếu ăn, vào quán chỉ cần đưa phiếu là nhân viên tự hiểu. Quá trình này giúp việc gọi món nhanh hơn, chính xác hơn, và tiết kiệm nhân công hơn, dễ dàng hơn với người ít đọc hoặc không biết đọc (tiếng Nhật).
Những lợi ích là vậy, nhưng ngược lại đồ ăn giả cũng có những điểm bất lợi đặc biệt ở Việt Nam. Có thể kể tới đó là nơi nhận làm mô hình còn ít (hoặc chưa có?), chất lượng và sự tinh tế có thể còn kém xa Nhật, giá thành đối với sản phẩm đơn chiếc còn cao. Sẽ không phù hợp khi mang những mô hình đồ ăn vào các quán vỉa hè, nhưng sẽ có cơ hội đối với các quán ăn trước hết trong các trung tâm thương mại, hoặc đối với nhà hàng, quán ăn có nhiều thực khách là người nước ngoài. Cái nghề này cần sự tỉ mỉ nên lý tưởng có bạn nào vô tình thích về những món ăn và đọc được bài viết này, các bạn có thể cân nhắc xin tới làm thuê tại các công ty sản xuất mô hình học lấy cái nghề, sau này về Việt Nam mở tiệm giúp cho món ăn Việt Nam vừa ngon vừa đẹp vừa sang, vừa thân thiện với bạn bè quốc tế. Thời đại đã thay đổi từ 2D nay sẽ là 3D. Bạn nào sáng tạo, có thể dùng máy in 3D chế tác, kết hợp với người có nhiều hoa tay thổi hồn cho món ăn Việt theo phong cách Nhật các bạn nhé.
#7777 By Thợ rèn