Bữa nay thợ rèn dịch bài viết trích từ một buổi nói chuyện của giáo sư Yamanaka Shinya, người nhận giải nobel y sinh năm 2012 nhờ những nghiên cứu tế bào (vạn năngg) iPS. Nội dung của buổi nói chuyện rất dài, nhưng trong phạm vi bài viết này, thợ rèn chỉ trích một phần. Nội dung chi tiết hơn hi vọng sẽ có một dịp phù hợp thợ rèn sẽ tiếp tục viết và dịch để giới thiệu tới các bạn. Dưới đây thợ rèn dùng nguyên văn của giáo sư, xưng tôi và hồi tưởng lại câu chuyện từ hồi còn là sinh viên ngành y cho tới khi qua Mỹ.
Gia đình tôi không phải là gia đình có truyền thống nghiên cứu. Cả ông nội và bố tôi đều là người kinh doanh một công xưởng nhỏ. Tôi là con một trong gia đình bởi vậy, với bố, tôi là người duy nhất nối nghiệp, nhưng bố tôi chưa bao giờ nói với tôi rằng ông muốn tôi kế nghiệp quản lý xưởng gia đình. Chắc bố cũng không muốn tôi phải kế tục công việc vất vả, bất ổn lúc lên lúc xuống.
Bố tôi cũng không được khoẻ mạnh cho lắm, bởi vậy ông cũng có quan tâm nhiều tới vấn đề sức khoẻ và y tế. Khi tôi vào học cấp 2, bố có bảo tôi rằng “Shinya, hay là con trở thành bác sỹ thì sao nhỉ?“. Chắc cũng vì ảnh hưởng đó mà sau này tôi theo ngành y và trở thành bác sỹ.
Khi tôi thực tập năm thứ 2 tại bệnh viện, bố tôi mất ở tuổi 57. Trong thời gian trị bệnh tại bệnh viện, ông cũng đã rất vất vả, nhưng bố tôi cũng đã vui lắm. Vui vì được chính con ruột của mình thăm khám trong bệnh viện. Dù việc thăm khám đó mới chỉ diễn ra khi tôi còn là sinh viên thực tập.
Bố tôi đã thực sự vui, ông vui từ tận đáy lòng khi chứng kiến con trai mình đang trên con đường trở thành bác sỹ. Nhưng sau khi bố tôi mất một năm, chưa tròn một năm, tôi quyết định dừng việc thực tập lâm sàng để quay trở lại cao học và bắt đầu con đường nghiên cứu. Mỗi lần viếng mộ cha, tôi có cảm giác như tiếng cha nói văng vẳng bên tai “Uổng quá, đã cất công trở thành bác sỹ, bố đã mừng và vui cho tới lúc chết, thế mà lại bỏ, không biết con suy tính chuyện gì thế????”. Một động lực lớn cho công việc của tôi hiện tại đó là ngày nào đó gặp lại cha trên thiên đường, tôi có thể khiến cha tôi vui lòng.
Một trong những lý do tôi bỏ thực tập lâm sàng đó là tôi không thực sự khéo léo trong phẫu thuật ngoai khoa. Cấp trên của tôi đã hết mình chỉ bảo, nhưng tôi mãi không thể thực hiện được như những gì đã được hướng dẫn. Bởi vậy trong phòng phẫu thuật thay vì gọi tôi là Yamanaka (山中 ) mọi người gọi tôi là Jamanaka (邪魔中) (※ một cách chơi chữ, jama nghĩa là làm phiền). Bởi vậy tôi đã nghĩ, thế thì mình chọn cái nghề khác có phải tốt hơn không?
Thêm một lý do nữa đó là tôi nhận ra rằng, cho dù có bác sỹ tay nghề giỏi đi chăng nữa, y học hiện tại vẫn còn nhiều căn bệnh chưa thể chữa khỏi. Còn rất nhiều bệnh nhân bị thương và mắc bệnh vào viện nhưng không thể trở lại sự lành lặn như ban đầu.
Ví dụ trong khoa chấn thương chỉnh hình, có bệnh chấn thương tuỷ sống (脊髄損傷) có thể xem là ví dụ điển hình. Ngày xưa tôi cũng có tập luyện judo và bóng đá Mỹ, trong quá trình tập luyện tôi có biết không ít những bạn bè tôi bị chấn thương tuỷ sống. Dù người khoẻ đến mấy, một khi bị mắc bệnh này cũng sẽ bị tê liệt từ cổ cho tới chân, không thì cũng bị tê liệt từ phần hông cho tới phía dưới. Nghiên cứu là lĩnh vực, là công việc tìm ra phương pháp điều trị những căn bệnh mà hiện tại chưa có phương pháp chữa trị như trên. Với suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết chuyển từ bác sỹ lâm sàng qua làm nhà nghiên cứu. Sau khi hoàn thành chương trình cao học tại Nhật, tôi qua Mỹ để theo khoá thực tập và đào tạo.
Gặp gỡ với tế bào ES
Tại Mỹ tôi đã học được một thứ hết sức tuyệt vời, đó chính là tế bào ES, tế bào có năng lực vô biên. Tế bào ES được cho là tế bào vạn năng, là tế bào nhân tạo được tạo ra từ quá trình thụ tinh trứng. Sau khi thụ tinh, ES chỉ là một tế bào nhưng sau đó ngay lập tức tế bào này nhân đôi thành 2, thành 4, rồi thành 8… Trong cơ thể, tế bào này có khoảng 2 tuần trôi nổi trong tử cung, sau đó bám vào thành tử cung và hiện tượng này được gọi là hiện tượng thụ thai. Trứng thụ tinh khi còn đang trôi lơ lửng trong tử cung của chuột mẹ (khi nghiên cứu giáo sư chủ yếu làm việc với chuột), tôi cũng thành thực phải xin lỗi những chú chuột, nhưng mà chúng tôi lấy tế bào đó ra khỏi cơ thể chuột mẹ để nuôi cấy, có nghĩa là chúng tôi làm việc nhân cấy tế bào. Trong quá trình thực nghiệm đó, thành công thu được đó là tế bào ES. Tại sao tế bào này được gọi là tế bào vạn năng? Bởi từ tế bào này có thể tạo ra bất kỳ tế bào nào khác. Và hơn nữa, nó còn có thể nhân lên một cách vô hạn. Đương nhiên để làm điều này cần có tiền và không gian, nhưng về lý thuyết là có thể làm được. Sau khi nhân số lượng tế bào ES tạo ra tế bào thần kinh, gan, tim, tuỵ hoặc thậm chí là trứng và tinh trùng, tức từ ES có thể tạo ra một sinh mệnh mới. Bởi vậy người ta mới nói tế bào này là tế bào vạn năng. ES có tính chất giống như một trứng được thụ tinh. Trứng sau khi thụ tinh, từ một tế bào đã tạo ra 60,000 tỷ tế bào đó chính là cơ thể của chúng ta. Một tế bào có thể tạo ra mọi nội tạng. Đúng vậy, tế bào đó có sức mạnh phi thường. Tế bào ES là tế bào có đủ chức năng giống như trứng đã được thụ tinh. Khi du học tại Mỹ, tôi đã gặp được tế bào này và thực sự tôi quan tâm tới nó. Từ đó cho tới giờ, tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về tế bào ES này.
VW lời khuyên giúp thay đổi cuộc đời tôi
Thêm một điều quan trọng mà tôi học được trong quá trình du học tại Mỹ nữa đó chính là từ 「VW」. Đây là từ mà tôi đã học được từ viện trưởng Robert Mahley. Một buổi nọ, ông cho gọi những người nghiên cứu trẻ tuổi như chúng tôi tới và nói rằng
VW là viết tắt của Vision and Hard working. Có một tầm nhìn (vision) rõ ràng, rồi làm việc tận lực (hard working) thì không chỉ trên con đường nghiên cứu mà cả trong cuộc đời này cũng sẽ thành công. Đây cũng chính là điều mà viện trưởng Robert muốn chỉ cho chúng tôi, những người trẻ tuổi mới bước chân vào con đường nghiên cứu. Điều hết sức đơn thuần là vậy nhưng VW lại có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Một khi đã làm việc tận lực, tôi đã có được sự tự tin tuyệt đối. Không chỉ bản thân tôi, các bạn sinh viên Nhật qua Mỹ, họ cũng nghiên cứu từ sáng cho tới tối, cả thứ bảy và chủ nhật.
Vấn đề là vision. Có lần Mahley đã gọi tôi lại và hỏi: “Này Shinya, vision của cậu là gì?”, tôi đã không thể trả lời ngay lập tức. Thực lòng mà nói lúc đó trong đầu tôi là những suy nghĩ “viết được luận văn tốt, nhận được nhiều kinh phí nghiên cứu, và kiếm được một nơi làm việc ổn định”. Lúc bấy giờ tôi ở trạng thái cũng khá bất an, có thể về được Nhật hay không, lương cũng thấp do vậy mà tôi nghĩ mình muốn nghiên cứu, viết được luận văn tốt và kiếm được một vị trí nào ổn định,phù hợp. Nhưng tôi bị nói rằng “đó không phải là vision, vì những thứ đó mà anh phải cất công bỏ thực tập lâm sàng, rồi đưa cả gia đình qua Mỹ hay sao?”. Bị nói như vậy, trấn tĩnh lại rồi tôi nhận ra đúng như lời viện trưởng nói.
Lý do lớn mà tôi từ bỏ con đường bác sỹ để theo đuổi nghiên cứu đó là thông qua nghiên cứu của mình, tôi muốn chữa trị cho những bệnh nhân mà y học hiện tại chưa thể chữa trị.
Tôi đã có thể nhớ lại được và đưa ra được đây chính là vision của mình. Từ đó về sau, tôi luôn ý thức về 「VW」.Khi bận rộn, ta thường ngay lập tức quên đi điều này. Không đúng hơn là số người không có vision nhiều hơn thì mới đúng. Tôi có hỏi các sinh viên của tôi, “học để làm gì?”, số sinh viên không thể trả lời được là rất nhiều. Nhờ sự ra đi của cha tôi và cơ hội tiếp xúc với những người gặp bệnh nặng, mà những năm 30 tôi đã có được vision cho cuộc đời mình. Tôi muốn trân trọng vision này. Nay tôi đứng đây nói và chia sẻ với các bạn điều này cũng một phần để tôi không quên điều thầy Robert Mahley đã chỉ cho tôi.
—-Trích một phần từ buổi nói chuyện của giáo sư Yamanaka Shinya, nguyên văn tiếng Nhật, dịch bởi Thợ rèn
Yamanaka Shinya 山中 伸弥 Sinh 1962 tại Osaka, Nhật Bản. Tốt nghiệp ngành y, đại học Kobe. Sau khi thực tập lâm sàng, hoàn thành chương trình cao học tại đại học Thị lập Osaka (大阪市立大学大学院医学研究科 ). Sau thời gian qua Mỹ du học, ông trở về nghiên cứu và làm giáo sư tại đại học Kyoto và tiếp tục nghiên cứu về tế bào ES, sau này thành công với tế bào iPS là tế bào có tính năng giống ES, nhưng được tạo ra linh hoạt hơn và có thể điều khiển quá trình phân chia để tạo ra nhóm tế bào chức năng theo mong muốn. Năm 2012 Yamanaka Shinya nhận giải thưởng Nobel lĩnh vực y sinh.