Bữa nay thợ rèn kể chuyện về não bộ. Liên quan tới chủ đề này có một số thói quen mà thợ rèn đang thử bao gồm thói quen ghi chú, thói quen dùng giấy nhớ, thói quen cố định thời gian làm việc và không gian làm việc. Hai nội dung phía trước thợ rèn cần thêm một chút thời gian để kiểm chứng, còn hạng mục thứ ba về cơ bản sau khoảng thời gian 3 tháng áp dụng thợ rèn thấy hiệu quả nên bữa nay sẽ gom lại để chia sẻ với các bạn.
Chủ đề ngày hôm nay là Cố định không gian, thời gian làm việc giúp tăng bộ nhớ cho não bộ.
Sơ bộ về não bộ.
Não người không khác gì một hệ ngân hà, mà mỗi ngôi sao là một nơ ron thần kinh. Số lượng tế bào thần kinh vào khoảng 100 tỷ, số liên kết giữa các tế bào thần kinh ước chừng vào khoảng 100 tỷ tỷ (100×10^12) mối liên kết. Nghe có vẻ nhiều nơ ron nên ai cũng có thể trở thành thiên tài, chắc là thế thật nhưng cần có phương pháp, có điều phương pháp như thế nào thì chắc chưa có nhiều người biết. Một điểm nữa của não người mà chúng ta cần phải lưu ý tới, đó là não có vùng ghi nhớ và vùng bộ nhớ làm việc (working memory). Trong đó vùng nhớ giống như ổ cứng máy tính, có dung lượng 520 Gb, còn working memory thì giống như RAM dung lượng 4Gb, 8Gb… tuỳ máy tính. Working memory là bộ nhớ tạm thời, được sử dụng trong lúc làm việc, xong rồi sẽ bị xoá đi, bị giới hạn về dung lượng và thời gian lưu trữ. Não bộ sẽ chọn lọc thông tin và đưa vào bộ não, đồng thời cũng sẽ tự động xoá đi mà ta không hề điều khiển được. Thông tin đưa vào working memory có thông tin về ngôn ngữ như những dòng thợ rèn đang viết này, và cả những thông tin phi ngôn ngữ như thông tin thị giác, thông tin về không gian xung quanh. Khi working memory đủ dung lượng thì công việc sẽ được xử lý gọn gàng, nhưng nếu không đủ dung lượng thì trạng thái quá tải Overload sẽ xuất hiện, và hệ quả là chúng ta sẽ quên đi một thứ gì đó. Các bạn có thể hình dung khi đang làm việc gì, bỗng dưng quên đi mất thứ mà ta vừa mới chợt nhớ tới, đó chính là dấu hiệu của việc não bộ đã tự động tối ưu dung lượng cho quá trình làm việc và xử lý công việc.
Cố định không gian làm việc và thời gian làm việc
Gần nhà thợ rèn có hai quán mà thợ rèn thường xuyên lui tới. Quán đầu tiên là quán Gusto, buổi sáng họ có menu cho đồ ăn sáng kèm theo gọi đồ uống (soft drink, bao gồm trà, nước hoa quả, cà phê) miễn phí, thợ rèn thường tranh thủ lui tới vì thích ăn món súp trứng ngô và uống nước cà rốt. Quán không quá đông khách và thợ rèn cũng thường lui tới quán sớm nên thường luôn chiếm được một chỗ ngồi cố định. Thợ rèn cũng thường không thay đổi món gọi cũng như thời gian tới quán.
Quán thứ hai đó là quán Mister Donut có cà phê trưa chiều và món mì wantan phong cách trung hoa, nước mì trong, thanh và ăn rất ngon. Quán này gần ga, và thường nằm trong lịch trình đi bộ từ nhà ra ga, đọc sách và ghé thư viện. Thợ rèn mấy tháng nay, cứ cuối tuần là tới quán, tầm trên dưới 11h, gọi đúng món đã chọn và cố gắng ngồi đúng chỗ mà mình vẫn thường ngồi. Quán này đông hơn nên đôi khi chỗ ngồi cũng có bị thay đổi một chút.
Hôm nào trời mưa hoặc đợt này dịch bệnh tăng cao và thợ rèn cũng đang phải hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm vì sang tuần sẽ bay đi Đài Loan công tác thì thợ rèn ngồi nhà, đọc sách và làm việc tại nhà.
Thành thực mà nói thì ở nhà thợ rèn làm việc kém hiệu quả nhất. Vì thường sẽ bị cám dỗ bởi những thứ khác. Có những hôm cố gắng đọc sách, viết bài nhưng giữa chừng lại xem youtube, có những hôm lại bị buồn ngủ và đi ngủ mất. Những hôm đi quán gusto và quán mister donut thì công việc cụ thể, và thường làm việc hiệu quả hơn. Hiệu quả hơn thể hiện ở hai chỉ số, thứ nhất đó là không sao nhãng bởi những thông tin nhiễu xung quanh (youtube, facebook, báo mạng…) , thứ hai là chỉ số output là số trang sách đã đọc được, số bài viết đã viết, số tiết học đã học…Kết quả này cũng hoàn toàn tương tự như hồi trước thợ rèn ở Việt Nam. Thợ rèn ở Times City, cuối tuần cũng có đọc sách nhưng chỉ được một chút thời gian là bị những thứ xung quanh lôi kéo, cơ mà mang sách và laptop xuống quán cà phê tầng 1 ngồi là làm việc tập trung từ trưa cho tới tận buổi chiều.
Điểm khác biệt giữa làm việc tại nhà và tại những địa điểm cố định là các quán mà thợ rèn kể trên đó là sự cố định về không gian. Có thể có sự khác biệt một chút về người ngồi xung quanh, nhưng về cơ bản chỗ ngồi cố định, đồ uống cố định, thời gian cố định, nhạc trong quán cũng gần như không khác nhiều thành ra các thông tin phi ngôn ngữ (không gian, thị giác) không bị chiếm dụng working memory, toàn bộ não bộ chỉ tập trung cho công việc trước mắt do đó mà đối với thợ rèn tại những địa điểm này dễ tập trung làm việc hơn.
Khi làm việc tại những quán ăn, quán cà phê như thế này thường chi phí sẽ cao hơn, nhưng thợ rèn vẫn thấy có giá trị khi sử dụng. Giá trị không phải bởi món ăn hay tách cà phê mà giá trị bởi thời gian tại quán mình tập trung được cho công việc hơn, nhờ đó mà mình có thể tạo thói quen tốt cho việc học, đọc, tìm hiểu một thứ gì đó. Giả sử các bạn mà muốn học một thứ gì đó (vẽ, học ngoại ngữ, đọc sách, ôn thi chứng chỉ…) các bạn cũng có thể thử áp dụng phương pháp cố định không gian, cố định thời gian (tránh nơi có thể bị xao nhãng như nhà), bằng cách chọn một quán cà phê, một không gian công cộng hoặc không gian làm việc chung (có trả phí) nào đó.
#2255 By Thợ rèn
Tham khảo