Khái niệm danshari
Trong tiếng Nhật có một từ gần đây được nhiều người quan tâm đó là 断捨離 đọc là dansyari. Thợ rèn trích nội dung trên wikipedia tiếng Việt để các bạn tham khảo nhé.
Danshari (kanji: 断捨離, hiragana: だんしゃり) là tư tưởng về điều chỉnh lối sống, vứt bỏ bớt những đồ dùng sinh hoạt không cần thiết. Thuật ngữ này do tác gia người Nhật Yamashita Hideko đề ra và đã đăng ký thương hiệu.
Danshari ứng dụng các phương pháp yoga là Đoạn (Dan断), Xả (Sha 捨), Ly (Ri 離) để chữa tâm lý tiếc của.
- Đoạn: Ngừng mua, nhận những thứ không cần đến
- Xả: Từ bỏ những thứ rõ ràng không cần thiết trong nhà
- Ly: Tránh trở thành người nghiện đồ đạc
Danshari hướng tới việc giải phóng bản thân khỏi những phiền toái do đồ đạc gây ra, làm cho cuộc đời trở nên nhẹ gánh. Yamashita Hideko đã viết như sau:
“Nhật Bản có truyền thống về quan niệm và tư duy về “lãng phí” (mặc dù đây chỉ là một cách nghĩ, một giá trị quan). Nhưng nếu ý tưởng này đi quá xa, sẽ không thể vứt bỏ đồ đạc. Nhiều thứ đã không còn cần thiết nhưng do nghĩ là có thể sau này vẫn cần dùng nên đồ đạc cứ tăng dần trong nhà và phòng, và cuối cùng không gian cho sự thoải mái sẽ ngày càng bị thu hẹp. Đồng thời, hàng ngày người ta sẽ phải đối phó với một số lượng lớn đồ đạc, làm mất rất nhiều thời gian và năng lượng, và vô tình trở thành gánh nặng lớn và làm tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần.“
Câu chuyện Nhật Hoàng và vẻ đẹp của sự tối giản
Năm 2016 phó Hoàng Thái Tử của vương quốc Ả Rập qua thăm Nhật. Nhật hoàng tiếp đón các vị khách cấp cao trong một căn phòng tứ bề không có gì cả, chỉ có người và người ngồi nói chuyện với nhau bên một chiếc bàn nhỏ. Bức ảnh cũng có thể coi là đại diện cho phong cách sống tối giản, nhưng ẩn sau đó là sự tôn trọng người đối diện, Nhật hoàng muốn dành trọn thời gian và sự tập trung cho vị khách trước mặt chứ không muốn bị phân tâm bởi những món đồ xung quanh. Tư tưởng, suy nghĩ này có thể coi là một ví dụ điển hình cho khái niệm danshari được viết ở trên.
Trong cuộc sống, khi truy cầu sự tiện lợi và cái đẹp hình thức đồ đạc sẽ theo đó tăng lên. Mở tủ quần áo, mở tủ giày có thể là hai vị trí mà ai cũng có thể trải nghiệm. Cá nhân thợ rèn cũng không mua quá nhiều quần áo, cơ mà tuỳ theo từng bối cảnh mà mình cũng có những bộ quần áo phù hợp, ví dụ khi đi làm thì mặc đồng phục công ty, khi đi tiệc thì có bộ áo dài Việt Nam, quần áo dân tộc, khi đi tập võ thì có võ phục, khi đi tiếp khách thì mặc véc, lúc đi lễ tang hay lễ cưới thì chuẩn bị véc tối màu… Giày cũng vậy, thường sẽ có một đôi giày thể thao để chạy bộ, một đôi để tập luyện trong nhà thể thao trong nhà, một đôi giày bảo hộ có lót tấm sắt ở mũi giày, một đôi giày da để đi kèm với véc, một đôi dép quai hậu để đi mùa hè, một đôi dép lê để đi ra ngoài, một đôi dép để đi trong nhà…Những thứ gần như được coi như là không thừa nhưng đã chiếm khá nhiều không gian. Khi nhìn ra xung quanh thì tủ lạnh, bồn rửa mặt, bàn làm việc, giá sách, ngăn bếp, đồ đạc cũng rất nhiều. Chẳng nhìn đâu xa, nhìn vào cái cặp, ngăn đựng đồ trên công ty, cái ví, nhìn vào máy tính, rồi nhìn vào bốn bức tường cũng thấy trong quá khứ vì một số lý do gì đó mà đồ đạc đã tràn ngập khắp nhà.
Đồ nhiều sẽ khiến ta cảm thấy có sự tiện lợi khi cần thiết tới chúng, nhưng thực tế trong vô số những món đồ đó, nếu bỏ đi thì cũng hoàn toàn không khốn khó. Càng tối giản thì càng khiến ta dễ tập trung. Thợ rèn cũng đã có trải nghiệm này khi có hai tuần cách ly trong khách sạn vào tháng ba năm ngoái khi trở lại Nhật từ chuyến công tác Việt Nam. Khách sạn có thể coi là ví dụ điển hình cho hình mẫu tối giản. Tại đó ta sẽ thấy những thứ cần thiết được bày ra, những thứ không cần thiết sẽ hoàn toàn được lược bỏ. Đặc biệt khách sạn Nhật họ không có nhiều diện tích cho căn phòng nên điều này càng được thực hiện một cách triệt để. Hai tuần tại khách sạn, ngoài bàn làm việc rộng, một cái đèn bàn, cái tủ lạnh nhỏ, nhà tắm với một số dụng cụ vệ sinh cá nhân, một vài cái móc quần áo những món đồ khác gần như không có mấy, bù lại họ có một cái giường rộng, cái nệm êm, êm hơn cái giường ở nhà thợ rèn rất nhiều. Bấy nhiêu món đồ không những không khiến thợ rèn cảm thấy thiếu thốn mà còn cảm thấy thoải mái hơn vì đêm nằm ngủ ngon, còn ban ngày làm việc không mất công tìm kiếm đồ đạc. Sự bất tiện đôi lúc cũng xuất hiện, nhưng thực sự nó không thành vấn đề quá lớn.
Dù đã được trải nghiệm như vậy, nhưng việc vứt đồ và tối giản hoá không gian sống dường như vẫn là bài toán khó. Thời điểm hiện tại bản thân thợ rèn vẫn chưa thắng được sức ì bản thân. Nhìn cái giá sách vẫn còn những cuốn sách mua từ năm nhất đại học, tủ quần áo vẫn còn nguyên chiếc áo chị gái tặng 13 năm trước, hộp bút có không dưới 10 cây bút khác nhau… là những bằng chứng cho sức ý đó. Nhưng cá nhân thợ rèn nghĩ mình đã bắt đầu ý thức về việc vứt bỏ đồ, và nghĩ rằng mình sẽ thực hiện nó dần dần theo một số quy tắc chứ chưa thể thực hiện ngay lập tức tất cả trong khoảnh khắc của một ngày hay một tuần nào đó, vì thợ rèn nghĩ rằng khi thói quen chưa được định hình trước, thì chỉ sau đó một thời gian đồ đạc sẽ tăng trở lại và ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn trằn trọc với việc vứt đồ.
Bài này thợ rèn chia sẻ một số quan sát và trải nghiệm về cách thức để hạn chế việc tăng đồ, mục tiêu tiếp theo là giảm dần đồ đạc, con số mục tiêu có thể là giảm khoảng 20% số đồ đang có. Hi vọng sau khoảng vài năm nữa khi đọc lại bài viết này, căn phòng thợ rèn sẽ giảm được chừng 50% món đồ như hiện tại và thợ rèn có thể quyết đoán thực hiện danshari mà tâm trạng không bị bứt rứt sau mỗi quyết định.
Bí kíp số 1: Cân bằng âm dương có tăng có giảm
Cuộc sống của chúng ta có âm có dương, có nam có nữ, có tăng có giảm. Mọi thứ ở trạng thái hài hoà sẽ tạo ra sự ổn định. Nguyên tắc này có thể hiểu khi quyết định mua thứ gì đó mới thì ta sẽ quyết định thứ bỏ đi. Đơn giản nhất đó là hàng ngày thợ rèn đều đi siêu thị, nhưng khi đi siêu thị luôn mang túi rác trong nhà đi đổ, kiếm tra lại xem tủ lạnh có còn nhiều đồ hay không? những món đồ đã sắp hết hạn đã được nấu hết hay chưa. Hoặc khi nhận một tờ báo mới trong ngày thợ rèn sẽ bỏ 1 tờ báo của ngày hôm trước vào khu báo cũ, để đủ bảy ngày thì mang đi bỏ. Khi quyết định mua tất, mua đồ lót mới thì thợ rèn cũng sẽ chọn ra những món đồ cũ bỏ đi để coi như quá trình mua mới chỉ là sự thay thế, hạn chế tối đa sự gia tăng.
Bí kíp số 2: Chọn món đồ có thể dùng đa chức năng
Hôm rồi khi mở cái túi đựng những sợi dây kết nối máy tính, dây xạc thợ rèn đến giật mình với số lượng mình đang có. Mỗi lần mua một món đồ điện tử mới là lại kèm một bộ dây sạc. Dây xạc iphone thì không dùng được cho dây xạc cục pin dự phòng, dây xạc cho tai nghe bluetooth…Thay vì dùng mỗi thứ một dây thì có thể chọn mua loại đa chức năng, tháo được đầu xạc, mang theo một cái là có thể dùng cho nhiều thiết bị. Cái này tiện ở chỗ giảm được đồ, còn tiện khi đi ra ngoài, tránh bị quên hoặc thiếu đồ dẫn đến những tình huống khó khăn.Cái này thợ rèn cũng áp dụng cho cả giày.
Giày bảo hộ công ty thợ rèn màu đen, và cũng là giày da luôn, nên thợ rèn kết hợp cả hai làm một nên khi đi công tác đặc biệt đối với những chuyến đi công tác mà phải trực tiếp vào xưởng làm việc với máy hay nghiệm thu máy, thợ rèn sẽ không mang hai đôi giày mà chỉ mang một đôi kèm theo một lọ si giày để đánh bóng và làm sạch giày. Cái va li đi công tác không có nhiều diện tích nên tiết kiệm không gian để một đôi giày là một thành tích hết sức to lớn với thợ rèn.
Hoặc có thể áp dụng với ba lô. Bên Nhật họ có bán cái cặp dành cho business man, xoay dọc thì giống ba lô, xoay ngang thì giống cặp bình thường…Bí kíp dùng những món đồ đa nhiệm, đa chức năng còn nhiều thứ khác có thể áp dụng, các bạn có bí kíp gì hãy note lại nếu hào sảng thì hãy chia sẻ với mọi người các bạn nhé.
Bí kíp số ba: Thử bắt đầu suy nghĩ về 2S
Trong Toyoya họ có khái niệm 5S. Nhiều công ty Việt Nam cũng đang áp dụng, cơ mà cá nhân thợ rèn nghĩ chỉ cần áp dụng được 2S là khá ok rồi. Bạn nào chưa quen thì có thể thử, thử rồi thấy không hiệu quả thì có thể bỏ qua.
2S là Seiri và Seiton, tiếng Việt mình có thể hiểu là sàng lọc và sắp xếp.Seiri là sàng lọc có nghĩa là phân biệt thứ cần và thứ không cần, thứ cần thì giữ lại, thứ không cần thì xử lý (bảo quản hoặc vứt bỏ). Seiton là sắp xếp những thứ cần thiết để sao cho khi cần có thể lấy ra ngay.
Seiri, seiton có thể áp dụng ngay cho chiếc điện thoại và máy tính. Cho điện thoại thì có thể lọc những ứng dụng cần và những ứng dụng không cần. Những ứng dụng cần dùng thì mang lên trên trang home, còn những thứ không dùng tới hoặc ít dùng tới thì gom lại, để vào một nhóm đưa xuống những vị trí ít dùng hơn, hoặc xoá luôn đi cũng được. Có những thứ không chắc chắn có nên xoá hay không thì tạm thời cho vào một nhóm, để vào 1 góc, rồi đặt ra thời hạn ví dụ 3 tháng nếu không mò tới thì coi như vứt đi cũng không sao. Đến hạn thì bỏ đi, không dùng dằng, muốn giữ lại thì phải lôi ra dùng ít nhất 1 lần.
Cách này cũng tương tự như đối với máy tính, khi có một đống file, folder trên máy tính, có thể phân làm hai. Những file chắc chắn dùng và những file không dùng tới hoặc có thể khi nào đó dùng tới, rồi thiết lập thời hạn hết hạn thì xử lý.
Đồ đạc trong nhà cũng vậy. Thợ rèn ra siêu thị 100 yên, mua một vài cái rổ, rồi phân những món đồ làm hai nhóm. Nhóm cần và nhóm phân vân. Nhóm cần ban đầu cũng để hết vào một rổ, một tuần những món đồ nào dùng nhiều thì sẽ đưa lên rổ trên cùng, nhóm nào ít dùng hơn thì đưa xuống những rổ thấp hơn. Sau đó thì dán nhãn lên, rổ này đựng ví, điện thoại, chìa khoá nhà, tai nghe, rổ kia đựng cục xạc, con dấu…Còn cái rổ phân vân thì chứa tất cả những món đồ mà mình nghĩ có thể dùng tới nhưng chưa biết khi nào dùng. Để đó chừng 1~3 tháng cái nào dùng thì lôi ra khỏi rổ, cái nào không dùng thì còn nguyên ở đó, đến hạn thì xử lý. Lúc này việc vứt đồ đó đi dễ hơn ban đầu các bạn ạ. Trong các công ty Nhật, nhiều nơi họ gọi cái rổ (thùng) này là rổ (thùng) phân vân.
Nhân tiện nói về 2S thợ rèn cũng giới thiệu 1 cách làm mà bữa thợ rèn chụp được trên công ty đó là dùng phiếu điều tra. Chuyện là công ty có nhiều khu vực thay đồ cho nhân viên để vào phòng sạch làm việc. Mỗi nhân viên có nhiều đôi giày, nhiều bộ quần áo phòng sạch. Họ để mỗi nơi một bộ, có những bộ đã quá cũ vì chủ nhân cũng quên không nhớ đã để ở đó, hoặc có những người đã nghỉ việc nhưng đồ vẫn để nguyên trong công ty. Cách làm là người dọn dẹp cho in sẵn tấm thẻ có tên là thẻ điều tra, trên đó ghi ngày bắt đầu và ngày sẽ kết thúc. Trong thời gian đó ai mà sử dụng thì tự gỡ thẻ, bỏ đi, ai mà không gỡ thì chứng tỏ đó là món đồ cần phải dọn và sẽ bị thanh lý. Bí kíp ở đây là có ghi rõ thời hạn để phân loại, sàng lọc.
Ứng dụng chuyện này trong công việc thợ rèn nghĩ còn nhiều lắm, các bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo cho căn phòng hay máy tính của mình. Trên đây thợ rèn đã chia sẻ ba bí kíp thực hiện danshari mà cá nhân thợ rèn đang thực hiện. Hi vọng các bạn cũng sẽ áp dụng được vào trong thực tế với mục tiêu ban đầu là không tăng đồ vật, tiếp theo sẽ là giảm đồ vật và cuối cùng sẽ cùng thợ rèn hướng tới mục tiêu tối giản các bạn nhé.
#2255 By Thợ rèn