Tuần vừa rồi thợ rèn đi làm chủ nhật, nên nay xin nghỉ buổi sáng coi như lấy ngày nghỉ bù. Sớm ra thấy tuyết rơi bên ngoài cửa sổ, tức cảnh thợ rèn ngồi viết bài về chữ 旬 . Chỗ thợ rèn cả năm hiếm có khi tuyết rơi, có rơi chỉ được đôi ba lần và cũng không có tích lại. Đêm tuyết rơi, ngày mà dậy muộn là tuyết tan hết, nên thời khắc này ở khía cạnh nào đó có thể hiểu là 旬 của tuyết nơi thợ rèn đang ở.
旬 là gì?
旬 là từ tiếng Nhật, nhưng cũng là từ xuất hiện trong từ điển Hán Nôm, có nghĩa là tuần. Nếu bạn nào để ý thì sẽ thấy những người lớn tuổi thi thoảng có nói thượng tuần tháng 8, trung tuần tháng 9, hay hạ tuần tháng tới… Tuần có thể hiểu là đơn vị cho 10 ngày trong tháng. Thượng tuần có nghĩa là từ ngày 1 đến ngày 10, trung tuần là từ 11 đến 20, còn hạ tuần là từ 21 đến cuối tháng. Trong tiếng Nhật, chữ tuần đọc gần với chữ Tuấn (駿 ) trong tên người, đọc là shun và nghĩa thì đúng như cách mà từ điển Hán Nôm có viết (thợ rèn có tên là Tuấn nên tranh thủ quảng cáo chữ Hán này).
Tuy nhiên, chữ 旬 còn có một nghĩa nữa đó là mùa, là thời tức là lúc mà có sự phồn thịnh nhất, đẹp nhất, tức có nghĩa là xuân thời. Chữ 旬 thường được sử dụng trong các cuộc nói chuyện về ẩm thực. Bạn nào mê ăn uống và thích đọc sách sẽ nhớ cuốn “Hà Nội mười hai thương nhớ” của Vũ Bằng, cuốn sách viết về những món ngon của Hà Nội qua 12 tháng. Mỗi mùa một món ngon. Trước cũng vì đọc cuốn này mà thợ rèn ghé quán rươi để ăn chả rươi của người Hà Nội. Rươi sẽ ngon nhất khi vào tháng 8 tháng 9 âm lịch. Ăn đúng là ngon, ăn một miếng mà nhớ cả đời. Bạn nào chưa đọc có thể tìm đọc cuốn này đọc như một phần giải trí cũng rất ok.
Tương tự như vậy, nếu ai sành ăn cá mòi thì sẽ biết tháng 2 tháng 3 thì sẽ ngon nhất. Cá béo, cá ngậy ngon bởi có vị béo của mỡ, còn những mùa khác thì cá gầy và người ăn thường ngồi chê cá nhiều xương hơn là cá ngon. Hoặc như hoa như cây. Hoa cũng chỉ có thời, bốn mùa có bốn loại hoa, Tùng Trúc Cúc Mai, để chi cây tùng mùa Đông, cây Trúc mùa Thu, cây Cúc mùa hạ, cây Mai mùa xuân. Anh đào muốn ngắm phải đến tháng 3, hoa Lavender ở Hokkaido phải qua tháng 6 tháng 7, sớm hơn hay muộn hơn chỉ ngắm được hoa tàn. Hoặc như các loại đồ ăn, người Nhật họ cũng có phân rau quả, cá tôm thành các mùa, công nghệ bảo quản của họ đã phát triển nhiều nên mùa nào cũng có thể ăn được, nhưng lý tưởng nhất sẽ ăn đồ tươi ngon vào đúng thời điểm. Ví dụ bạn nào thích ăn hàu thì tháng 9~11 là hàu béo nhất, còn bạn nào thích ăn nấm kim châm, thích ăn cua thì đợi tới tháng 12~2 sẽ là mùa của chúng, nên ăn sẽ rất là ngon.
旬 mở rộng
Chữ 旬 không chỉ dùng trong ẩm thưc mà còn có thể mở rộng ra nhiều thứ khác. Ví dụ thanh xuân, tuổi trẻ là mùa (旬) của năng lượng và sự nhiệt huyết, sẵn sàng trải nghiệm và thử thách những điều mới mẻ. Tuổi này không học, không làm hăng say sau này hết cái 旬 ấy, muốn thực hiện cũng sẽ khó.
Sách cũng có 旬 . Ví dụ gần đây khi mọi người cùng xôn xao về AI (trí tuệ nhân tạo), về IoT (internet vạn vật), về 4.0, về block chain… những cuốn sách có nội dung này xuất hiện nhiều trên các kệ sách. Thợ rèn đi nhà sách thấy từ lối vào đã được bày bán, nào là sách cơ bản về AI, sách về AI cho business man, sách về AI cho những bà mẹ không muốn con cái thua AI…Người Nhật họ chăm viết sách, cứ có chủ đề gì nóng hổi, chỉ đôi ba tuần, muộn thì một vài tháng sẽ có những cuốn sách viết về chủ đề đó ra lò, còn nóng hổi hơn nữa thì sẽ là những cuốn tạp chí. Những cuốn sách thực ra có mùa, có thời cũng giống như các món ăn. Năm năm nữa, 10 năm nữa khi thời của những chủ đề khác được đưa vào thay thế, những cuốn sách này sẽ dần bị đi vào quên lãng, chỉ những cuốn sách thực sự có giá trị mới tồn tại lâu dài với thời gian.
Khi nghĩ về điều này, thợ rèn mới liên tưởng tới những cuốn sách kinh điển, những cuốn sách vượt thời gian để ngày nay cho dù có sự cách xa về tư tưởng cách suy nghĩ tới cả hàng chục năm, trăm năm có khi cả ngàn năm mà người ta vẫn truyền tay nhau đọc. Những cuốn sách này đã vượt qua quy phạm của chữ 旬 và những thứ như thế ít nhiều là những thứ ta có thể học được nhiều.
Thợ rèn vận dụng điều này vào việc chọn sách. Trên giá sách của thợ rèn, thường những cuốn sách ngắn hạn tức cuốn sách vẫn được bao bọc bởi 旬 chiếm phần lớn. Bởi những đầu sách này cần cho công việc, cần cho giai đoạn hiện tại, và có tác dụng ngay lập tức. Tỷ lệ có khi cũng phải lên tới 80-90% giá sách. Cơ mà bên cạnh những cuốn sách này thợ rèn cũng có cố gắng tìm những cuốn sách đã có tuổi nhưng vẫn được người xưa đón đọc. Số lượng và tỷ lệ có phần ít hơn. Ví dụ như cuốn “Cổ học tinh hoa” được trích nhặt từ Thư Kinh của Trung Quốc và được diễn giải một phần theo cách hiểu của người Việt Nam, hoặc tập truyện ngụ ngôn của người Việt Nam, những câu chuyện thành công của người Do Thái, các đầu sách tiếng Nhật thì thợ rèn có chọn các cuốn sách như 菜根譚 (Saikontan) cũng là cuốn sách tổng hợp những kinh nghiệm của người xưa và được dịch theo ngôn ngữ hiện đại, hoặc các đầu sách của 中村天風 (Nakamura Tenpu) cũng là người thầy của những người làm kinh doanh của Nhật như Inamori Kazuo, Matsushita Konosuke…Điểm chung của những cuốn sách này đó là đọc phải ngẫm nhiều hơn các cuốn sách khác, đối với sách nước ngoài thì đòi hỏi yêu cầu cao hơn về khả năng ngôn ngữ. Thợ rèn đang cầm trên tay cuốn 心に成功の炎を của tác giả Nakamura Tenpu. Rất muốn đưa cuốn sách này sang tiếng Việt nhưng về ngôn ngữ và cả về trải nghiệm để hiểu nội dung thì chưa đạt nên có khi phải đợi thời điểm.
Các bạn vô tình có ghé đọc được bài này, thợ rèn mong rằng các bạn sẽ giữ được sự cân bằng giữa cái 旬 tức cái xuân thời, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những cái vượt ra khỏi quy phạm của thời gian. Những thứ đó tìm kiếm bên ngoài cũng có, nhưng cuối cùng nếu có được chính trong bản thân mình sẽ là điều tuyệt vời nhất.
#4444 – By Thợ rèn